Thứ nhất: trang phục này mặc trong một không gian như thế nào được cho là phù hợp?
Thứ hai: Để đạt được mục đích gì?
Thứ ba: nơi công quyền là nơi thường xuyên tương tác với người dân, là nơi cung cấp dịch vụ công cho người dân, khi mặc những bộ đồ như vậy, liệu “sự tương tác” với người dân có hiệu quả hơn không ?
Chúng ta cùng nhau trao đổi những vấn đề nêu trên xem thử nó như thế nào.
Trước tiên cần thống nhất một vài điều. Áo dài truyền thống nam là đẹp. Nó là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn, phát huy, quảng bá. Có lẽ những điều này ít ai phản đối.
Về vấn đề thứ nhất: Ở Huế, người viết bài này quan sát thấy, áo dài truyền thống nam thường được mặc vào những dịp lễ: từ trong gia đình như: dịp cúng kỵ, lễ lạc; trong cộng đồng cũng tương tự như vậy: cúng xóm cuối năm, lễ cầu an đầu năm hoặc có một sự kiện trọng đại nào đó của xóm, làng. Đối với xã hội, đó là những lễ hội, tỷ như các lễ hội truyền thống được tái hiện lại trong những dịp festival. Không gian của những chiếc áo dài truyền thống nam xuất hiện thường gắn liền với lễ lạc và nó có phần mang tính tâm linh. Về mặt thời gian là bất cứ khi nào các sự kiện đó diễn ra. Chúng ta ít thấy trong đời sống sinh hoạt bình thường người ta sử dụng trang phục áo dài truyền thống (nam) hoặc là đi bát phố… Tức là trong ý thức của nhiều người, có thể là tuyệt đại đa số: trang phục truyền thống phải gắn với lễ hội, sự kiện mang tính truyền thống. Đây là một “nếp hằn” rất sâu trong suy nghĩ (ít nhất là từ khi Âu phục xuất hiện cùng với sự tiện lợi mà nó đưa lại) nên khi nó xuất hiện trong công sở, tức là không phải dịp lễ lạc mang tính truyền thống hoặc tái hiện lại không gian truyền thống, thì người ta thấy lạ lẫm chăng!?
Đối với vấn đề thứ hai: Để đạt được điều gì ?
Nơi công quyền: chúng ta hiểu có hai phần: công sở (văn phòng, trụ sở) nơi diễn ra các hoạt động công. Và những người làm việc trong công sở ấy. Những người làm việc nơi công sở là nhằm cung cấp các dịch vụ công cho người dân (cá nhân, tổ chức). Ở đây cũng diễn ra các hoạt động của chức năng quản lý nhà nước. Nếu chúng ta đặt vấn đề nhằm để giữ gìn, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống thì tôi e nó sẽ lấn át chức năng chính là cung cấp dịch vụ công!? Như vậy, tốt hơn là chúng ta chọn những hình thức khác, một dịp khác, một không gian khác, ví như các lễ hội thì sẽ phù hợp và hiệu quả hơn.
Vấn đề thứ ba: Những người làm việc ở những nơi công quyền, tức là những “công bộc” ( nói theo Bác Hồ) luôn luôn trong trạng thái tiếp xúc, tương tác với người dân. Người dân thì có nhiều thành phần, nhiều giới và nhiều mức độ nhận thức khác nhau. Mục đích tối thượng của công quyền là cung cấp dịch vụ công cho người dân để thúc đẩy xã hội và đời sống phát triển. Nếu hiểu như vậy thì chúng ta sẽ thấy chức năng quảng bá văn hóa, cụ thể ở đây là áo dài truyền thống nam sẽ trở thành thứ yếu.
Như vậy, như vấn đề đầu tiền đã nêu, không gian xuất hiện của áo dài truyền thống nam là gắn với lễ lượt (ít nhiều mang tính tâm linh), tức là nó ít gắn bó với nơi công quyền. Còn chức năng quảng bá văn hóa nơi công sở thì đã trở thành thứ yếu… Như vậy, chức năng mặc áo dài truyền thống nam nơi công sở, theo người viết bài này là không cần thiết. Đó là chúng ta chưa biết đến chuyện khi một công chức mặc áo dài truyền thống ngồi đối diện với người dân để giải quyết công việc thì có làm cho người dân vui vẻ, dễ chịu, thích thú… hay là gây sự khó chịu nơi họ? Giả sử gây sự khó chịu cho một ai đó thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ không cao. Nếu không có thử nghiệm thì chẳng bao giờ có cái mới ra đời!? Nhưng đi thử nghiệm một điều gì đó với đầy những bất lợi có thể nhận biết trước thì buộc chúng ta phải suy nghĩ, đắn đo!
An Bình