"Trăng vào cửa sổ đòi thơ"
Bác vừa chợp mắt, xin chờ trăng ơi!
Ta đứng lặng trước giấc Người yên ngủ!
Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa
Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu...
Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu
Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ.
Vài tháng sau đó ông viết bài “Một lối đi riêng”:
Chúng ta thích đón đưa
Bác Hồ không thích
Đến thăm chúng ta Bác Hồ thường “đột kích”
…
Đường quen thuộc thường xa
Bác hiện đến bằng lối tự tìm ra:
Ngắn nhất
Bác không muốn giẫm lên mọi đường mòn có sẵn
Khi đích đã nhắm rồi
Người luôn luôn tạo cho mình:
Một lối đi riêng.
Lối đi riêng của Hải Như là viết về con người Hồ Chí Minh chứ không viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và khi viết về Hồ Chí Minh, đề tài chỉ là cái cớ để chuyên chở tư tưởng của nhà thơ. Thông qua đề tài Bác Hồ, ông viết về chúng ta và thời đại chúng ta. Ông quan niệm: “Đề tài của nhà thơ, nhà văn phải là đề tài có tính nhân loại, cái mà nhân loại quan tâm. Con người thuộc mọi dân tộc, mọi màu da, mọi thời đại đều yêu cái đẹp, cái thật và ghét cái xấu, cái ác - đều hướng về chân - thiện - mỹ. Chức năng của văn học là làm thức tỉnh con người trở lại “chân thân”. Ông tự đề ra cho mình phương châm: “Không thần thánh hóa mà người hóa Bác Hồ”. Tháng 5/1980, trong bài “Kỷ niệm sinh nhật Người năm ấy” ông viết:
Hồ Chí Minh không bao giờ tự cho mình đúng hết
Hãy cãi lại Bác Hồ…
(Người đưa tay nghiêm nghị chỉ vào từng chúng ta)
Có lẽ nào
Các chú lại không cho Bác có quyền được biết mình sai!
Tiếp tục chứng minh quan điểm ấy, năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, Hải Như viết bài “Bác Hồ cũng có những hạn chế - tại sao không?”.
Đọc thơ, văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có những lúc chúng ta thấy Người tự vấn lương tâm. Đó là cái “cớ” để Hải Như có bài thơ “Chất vấn” (5/1977):
Bác Hồ không thích chất vấn mọi người
Bác thường tự chất vấn mình trước khi đi nghỉ
Tổ quốc chưa hết đau thương, ta đã góp gì?
…
Phải chi Bác còn hôm nay
Chắc Bác sẽ đêm đêm tự hỏi mình câu hỏi:
Miền Nam sau hai năm sạch bóng quân thù
Sao vẫn có người bỏ Tổ quốc ra đi?
Đề tài “Đôi dép Bác Hồ” đã được khá nhiều nhà thơ khai thác, nhưng Hải Như vẫn có “lối đi riêng”. Ông phát hiện ra ở Bác không chỉ là sự giản dị, “mà vì lẽ cao hơn”, đó là tính nhân văn:
Đâu chỉ vì giản dị
Mà vì lẽ cao hơn
Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm
...
Khi trái đất này còn những trẻ em
Chưa có đủ giày đi
Người không sao sống khác.
Qua một số bức ảnh, một số hình ảnh trong các phim tư liệu, Hải Như phát hiện khi đứng ở vị trí trung tâm, Bác không che khuất người khác. Một bài thơ ngắn, chỉ có vài dòng tự sự nhưng là một lời cảnh tỉnh chính mình, cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người.
Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp...
Bạn mình!
Đó là một nỗi buồn. Nhưng có nỗi buồn còn lớn hơn, đáng sợ hơn, nguy hiểm hơn, mà trước khi đi xa Bác đã căn dặn, Hải Như đã kịp thời chuyển tải vào thơ.
Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn
Không đáng sợ kẻ thù trước mặt
Sợ nhất
Kẻ thù ẩn náu trong ta!
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh trong sáng, giản dị vô cùng. Cái giản dị đó góp phần làm nên sự vĩ đại của Người. Theo nhà thơ Hải Như, viết về Người giúp ông hoàn thiện bản thân, đồng thời nhân đó để nói lên quan điểm của mình về con người. Qua nhân cách Hồ Chí Minh mỗi người có sự chiêm nghiệm về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Từ đó, tự đặt ra những câu hỏi trước thời cuộc, và tự trả lời. Mỗi người soi vào đó và nhận ra mình.
Giáo sư Trần Văn Giàu, có một luận điểm rất đáng để chúng ta suy ngẫm: “Người ta không thể trở thành một Cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”.
Thơ của Hải Như viết về Bác Hồ chân thành và giản dị, gần gũi với ngôn ngữ đời thường nên dễ đi vào lòng người. Hiện lên trong thơ Hải Như là một Chủ tịch Hồ Chí Minh rất “con người”, thoát khỏi cái bóng một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vẫn đầy đủ những phẩm chất cao quý.
Nhà thơ Hải Như qua đời ngày 30/6/2017, thượng thọ 95 tuổi, để lại gia sản văn học với hơn chục tập thơ, bút ký; nhiều kịch bản sân khấu, kịch thơ, kịch bản phim truyện, kịch bản và lời bình phim tài liệu nghệ thuật. Hơn 100 bài thơ của ông đã được phổ nhạc.
THANH TÙNG