ClockThứ Năm, 13/12/2012 05:48

Mười năm nhớ Bửu Chỉ

TTH - Ngày 14/12/2002, họa sĩ Bửu Chỉ - một người con tài hoa xứ Huế đã rời bỏ cõi tạm, đến nay đã chẵn 10 năm. Khoảng thời gian đủ độ lùi cần thiết để hiểu thêm về con người anh, khám phá thêm những mảng trầm tích kết tinh trong tác phẩm của anh…

Đó là một ngôi nhà vườn rộng rãi và thoáng mát nằm bên cạnh dòng sông Hương. Ngôi nhà được xây theo kiến trúc biệt thự kiểu Pháp. Những người lớn tuổi ở Vỹ Dạ thường gọi là nhà của cụ Tham Thuyên - ông cụ thân sinh của họa sĩ Bửu Chỉ. Bửu Chỉ là người học luật, còn hội họa chỉ là tự học nhưng trong anh, có gen di truyền của cụ thân sinh, bởi lẽ cụ cũng là người biết vẽ và trong nhà hiện tại treo nhiều tranh cụ vẽ chân dung người thân và tranh tĩnh vật. 

HS Bửu Chỉ

Một trong những giá trị nghệ thuật mà họa sĩ Bửu Chỉ để lại cho đời là những bức tránh bút sắt vẽ thời kỳ 1970-1974 mỗi nét bút, một sự dứt khoát, truyền tải sinh động lời phản kháng chiến tranh, ước vọng hòa bình cháy bỏng hơn. Ở trong nước, tranh của anh trở thành nguồn động viên bạn bè, đồng đội và cũng là sự sợ hãi của kẻ thù. Ở ngoài nước, tranh anh xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn. Đặc biệt, phong trào sinh viên yêu hòa bình của thế giới còn lấy tranh của anh làm biểu trưng.

Đó là những đêm anh cùng bạn bè xuống đường hát cho đồng bào tôi nghe, vẽ tranh trên tường của các trường Đại học ở Huế để phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình với 3 lần bị bắt và ở tù cho đến ngày giải phóng (30/4/1975). Ở trong tù, con người đấu tranh trong Bửu Chỉ càng hoạt động mạnh mẽ. Anh vẫn vẽ cho dù bàn tay bị địch đánh bầm tím. Nhà thơ Võ Quê, nguyên Trưởng khối báo chí Tổng hội Sinh viên Huế năm 1970 đã làm một bài thơ ca ngợi anh “Tranh anh đỏ máu đêm tù/ Sợ tranh anh chúng trả thù tay anh/ Dù cho điện, nước cực hình/ Quên đau anh quyết vẽ tranh chống thù”.
 
Anh Nguyễn Duy Hiền - nguyên Đoàn trưởng Đoàn Công tác xã hội sinh viên - học sinh Huế năm 1971, người bị bắt cùng ngày với Bửu Chỉ (12-4-1972) kể về thời gian Bửu Chỉ bị giam ở khám Chí Hòa: “Sống trong tù, Bửu Chỉ là con người cực kỳ dũng cảm. Anh đấu tranh thẳng thắn, cương trực, không hề sợ hãi. Ở tù cũng là thời kỳ Bửu Chỉ vẽ nhiều tranh bút sắt nhất. Và bằng con đường bí mật, những bức tranh của anh được chuyền ra ngoài và xuất hiện ở cả nước ngoài”. Anh Nguyễn Duy Hiền còn nhớ như in lần Bửu Chỉ đại diện anh em phong trào đấu tranh đô thị Huế tranh cãi với Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ về chương trình quân sự học đường tại Tổng hội Sinh viên Huế. Một mình anh hùng biện với Nguyễn Cao Kỳ trong suốt gần một tiếng đồng hồ và cuối cùng Nguyễn Cao Kỳ đành rút lui với lời hẹn vào Sài Gòn… cãi tiếp.
 
Tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ
 
Nghệ thuật đánh thức lương tri
 
Đã có quá nhiều nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, những học giả uyên bác, các bạn bè thân hữu viết bài về tranh của họa sĩ Bửu Chỉ. Hình tượng trong tranh của anh thường độc đáo, khác lạ, cách phối màu nóng tương phản tạo ra một vẻ đẹp rực rỡ, điêu luyện và rất nhân văn... Đó là những nhịp đập vô cùng nhạy cảm của người làm nghệ thuật trước sự mênh mang của vũ trụ, trước sự vô thủy vô chung của thời gian, của không gian và hiện lên trong bao la của đất trời, thân phận con người. Con người nhỏ bé kiên cường đối diện với thế giới. Con người có đôi lúc cô đơn, buồn bã, thất vọng, đớn đau nhưng con người cũng có khát vọng sống, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Chính khát vọng ấy giúp con người vượt qua thù hận, vượt qua mọi sự khác biệt để hàn gắn những đổ vỡ, những nỗi đau… Những bức tranh đánh thức trong mỗi chúng ta sự ý thức nhìn lại chính mình để hướng đến những điều tốt đẹp, nhân bản luôn tồn tại trong mỗi con người. 
 
Trong không gian vườn xanh mát bóng cây, họa sĩ Bửu Chỉ đã vẽ những bức tranh sơn dầu cuối đời không phải bằng sự khám phá mà là bằng sự chiêm nghiệm cuộc đời của mình. Một năm trước ngày mất, anh bắt đầu vẽ tranh thiền. Đó là bộ ba bức tranh thiền duy nhất của Bửu Chỉ “ Sắc sắc không không”, “ Khuôn mặt sắc không” và “ Càn khôn mịt mù”. Ba bức tranh anh vẽ một tháng trước ngày đi xa là “ Quý Mùi”, mang một vẻ đẹp gấm hoa của sự sinh sôi nảy nở, một bức tranh tĩnh vật và cuối cùng là bức bàn tay che mặt đầy triết lý mà anh chưa kịp đặt tên…
 
Ngoài hơn 300 bức tranh bút sắt, tranh sơn dầu, họa sĩ Bửu Chỉ còn có một gia tài hơn 80 bức tranh bút lông mực nho, được vẽ từ năm 1996 đến năm 1999, chưa từng được công bố. Một thời gian ngắn, anh còn vẽ tranh trên bao bố với phong cách, tài năng của cố họa sĩ Bửu Chỉ, có thể xem đó là những tác phẩm, những tiếng nói vượt thời gian.
Diệu Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”

Bây giờ, rừng Ngọc Linh xanh ngắt vẫn um tùm bóng cây che trên di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: Ngục Đăk Glei. Hơn 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tiếng hát đi đày” ở ngay Đăk Glei tháng Giêng năm 1942: “…Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”. Bài thơ ấy đến nay còn vọng...

Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Return to top