ClockThứ Năm, 28/10/2010 05:12

Muối nướng

TTH - Thời còn khó khăn, nghe đài báo bão, thế nào mẹ tôi cũng làm muối nướng cho cả nhà ăn cơm. Mẹ khoe, đó là món ruột một thưở gắn bó cùng đồng đội ở rừng. Những ngày hoạt động, mỗi khi về đồng bằng, bà con thường gửi cho mấy cô liên lạc vài chén muối nướng ăn phòng khi bị địch bố ráp hoặc khi trở trời. Công thức làm muối nướng thật đơn giản: muối hạt tinh với bột ngọt, ớt tươi giã nhỏ, trộn thêm ruốc, nén chặt, cho vào bát sứ. Gắp vài viên than đỏ xếp đầy miệng bát, đến khi nghe mùi ruốc chín khen khét mới thôi nướng. Chén muối lúc này như nhẹ hơn trong tay người, thổi nhẹ cho bay lớp tro, dùng dao hoặc muỗng hớt bỏ lớp cháy bên trên là có ngay chén muối nướng đặc biệt.

Muối nướng mặn, thấm, cay nồng, thơm hương ruốc ăn với cơm nóng ngon vô cùng. Một miếng muối “nuôi” một chén cơm, mẹ tôi vẫn thường đùa hóm hỉnh vì nó giúp tiết kiệm được tiền đi chợ một buổi. Chị em tôi mê muối nướng vì hễ ăn món này là mẹ tôi lại kể chuyện thời còn chiến tranh. Với chúng tôi, những câu chuyện người thực, việc thực về đánh địch, giải vây... hấp dẫn vô cùng. So với sách báo, tranh ảnh, chuyện của mẹ tôi mang tính thuyết phục và hay gấp mấy lần. Bữa cơm muối nhờ vậy lần nào cũng sạch nồi.


 
Sau này khi lớn lên, chị em tôi hay nhắc món muối nướng nhưng thi thoảng mẹ tôi mới làm. Mẹ bảo, chẳng qua lúc nớ nghèo quá mới làm cho chị em bay ăn chứ có chất chi mô. Bây giờ, chỉ phụ nữ mới sinh, người ta cho ăn vài chén cơm muối để mặn mồm, mặn miệng. Chừ kiếm ra chén sành, than bếp mất công lắm.
 
Ngoài món muối nướng của mẹ, chị em tôi cũng làm muối nướng nhưng để chơi chứ không để ăn. Đó là những ngày giáp Tết, khi tất cả lũ trẻ quây quần quanh bếp lửa chờ bánh tét, bánh chưng chín, chúng tôi nghĩ ra trò làm pháo. Mò vô hũ sứ dưới chạn, trộm của mẹ một nắm muối hạt. Cứ một miếng giấy vở cũ bọc vài hạt muối cho vào bếp, muối nổ tanh tách nghe thật vui tai. Xui cho đứa nào đứng gần bếp, thế nào cũng bị muối bắn vào người đau điếng. Một lần, bà hàng xóm phát hiện trò nghịch dại, chúng tôi bị mắng té tát vì tội không biết quý trọng sức lao động. Mẹ tôi cũng đồng tình phản ứng, trò muối nướng bếp bị cấm tiệt từ đó.
 

 
Ký ức hạt muối nướng chợt trở về khi lần đầu tiên tôi được xem diêm dân làm muối. Bận ấy về quê, hai đứa em con chú rủ đi tôi đi bộ suốt ba cây số ra chơi ở hàng bần, sú ven biển. Nào ngờ gần đó có bãi muối, tôi quyết đi coi bằng được. Trời hừng hực như chực thiêu đốt lấy mọi thứ xung quanh, vậy mà hàng trăm con người vẫn cần mẫn khom lưng gom muối. Những hạt muối trắng muốt chấp chới dưới nắng, còn da người diêm dân như đen bóng hơn, mồ hôi họ nhỏ tong tong hòa trong ruộng muối. Tôi đứng trân trân, quá khứ như hiện về... chợt hiểu vì sao mình bị mắng vì trò chơi nướng muối trong bếp.
 
Những ngày này, người làm muối đang khóc ròng bởi giá muối rớt thê thảm. Một tấn muối, diêm dân chỉ lời 20 nghìn đồng. Đời làm muối là “hong nước, đổi vàng”, vậy mà câu chuyện “đầu ra” khiến nhiều người ngậm ngùi quay lưng với nghề. Thấy mẹ xót xa khi xem bản tin trên truyền hình, tôi đùa: “Lâu lâu, người ta ăn cơm muối nướng một bữa chắc hạt muối không đến nỗi rớt giá thê thảm như rứa mẹ hè”! Mẹ tôi nói giọng nằng nặng: “Mi cứ hay nghĩ chuyện ngày xưa! Thời chừ ai còn ăn mấy món quê mùa như nhà mình mô”...

T.Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”

Bây giờ, rừng Ngọc Linh xanh ngắt vẫn um tùm bóng cây che trên di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: Ngục Đăk Glei. Hơn 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tiếng hát đi đày” ở ngay Đăk Glei tháng Giêng năm 1942: “…Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”. Bài thơ ấy đến nay còn vọng...

Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Return to top