ClockThứ Ba, 30/04/2019 10:32

Họa sĩ Đặng Ái Việt: "Các mẹ chính là tình yêu của tôi"!

TTH.VN - Khi cả nước hướng về ngày đất nước giải phóng với cảm xúc hào hùng, triển lãm “Nét cọ tạc những tượng đài thời gian” khắc họa chân dung 134 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) của họa sĩ Đặng Ái Việt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh như lời nhắc nhở về nghĩa cử tri ân. Đến Huế triển lãm, nữ họa sĩ chia sẻ về hành trình ý nghĩa này cùng Báo Thừa Thiên Huế.

Triển lãm tranh chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùngTự hào Mẹ Việt Nam Anh hùngThêm 73 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùngTháng bảy về, nhớ Mẹ Việt Nam Anh hùng

Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ chân dung Mẹ VNAH Kha Thị Yến, dân tộc Thái ở xã Lộc An, Lộc Ninh, Bình Phước

* Là phụ nữ, lại lớn tuổi nhưng họa sĩ một mình đi dọc đất nước vẽ chân dung các mẹ VNAH. Điều gì thôi thúc bà làm điều này?

Tôi tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi và được chọn vào lớp vẽ “Tô Lịch” năm 1964. Trong chiến tranh, tôi công tác ở tờ Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau giải phóng, tôi là giảng viên của Trường đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Từ lâu, tôi đã ấp ủ ý định vẽ về đề tài nhân chứng lịch sử, bởi tôi là người đi ra từ chiến trường, chứng kiến bao cảnh chia ly đau thương, tôi luôn nghĩ mình phải làm việc gì đó ý nghĩa để tri ân những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống. Mọi chuyện bắt đầu khi Nhà nước có chính sách phong tặng Bà mẹ VNAH năm 1994, mong muốn vẽ chân dung các mẹ ấp ủ từ lúc còn đi dạy mãi đến tận ngày về hưu tôi mới có thể thực hiện.

Nghỉ hưu vào năm 2003, mọi việc đang hình thành thì không may ông xã của tôi qua đời vào năm 2007. Vượt qua nỗi đau ấy, ngày 19/2/2010, tôi bắt đầu vượt đường ra Bắc với “chiến dịch” đầu tiên vẽ mẹ VNAH. Năm 2012, tôi đã hoàn thành việc đi khắp đất nước vẽ chân dung các mẹ.

Cùng chiếc Chaly đi dọc theo các cung đường của đất nước, đến nay, tôi vẽ đến bà mẹ thứ 1.996. Bây giờ, tôi tiếp tục vẽ các mẹ được phong anh hùng theo Nghị định 56 (mẹ VNAH có hai con là liệt sĩ trở lên). Tôi đã vẽ xong chân dung các mẹ ở Bến Tre, Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An. Ở Huế, tôi đã vẽ được chân dung của 9 mẹ.

Chân dung Mẹ VNAH Nguyễn Thị Vinh ở xã Phong An, Phong Điền

* Khi ký họa, họa sĩ chú trọng điều gì để chân dung các mẹ hiện lên chân thực và cảm xúc?

Gặp các mẹ, tôi thường trò chuyện, tâm sự để hiểu hoàn cảnh, nội tâm của mẹ trước khi vẽ. Tôi muốn dùng lối vẽ tri tâm để bộc lộ nội tâm của các mẹ thông qua từng đường nét. Tranh tôi vẽ không đơn giản là đặc tả gương mặt mà là linh hồn, nỗi đau của các mẹ được lột tả trên gương mặt, qua những nếp gấp thời gian nên chủ đề suốt chuyến hành trình của tôi gọi là “hành trình nét thời gian”. Thời gian đã để lại trên gương mặt các mẹ những hằn sâu ký ức đau thương, là những mất mát ẩn chứa trong từng nếp nhăn.

Mỗi mẹ là một câu chuyện bi hùng. Có nhiều mẹ, tôi vừa vẽ, vừa khóc. Khóc vì thương mẹ, vì câu chuyện quá đau thương. Có mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi mà đôi mắt vẫn ngóng trông vô vọng bóng dáng thân yêu của người con đi xa vẫn chưa về.

Gặp tôi, các mẹ mừng lắm, đơn giản vì có người trò chuyện. Nhưng chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ, tôi lên đường, các mẹ lại buồn. Mẹ nào cũng dặn tôi nhớ quay lại thăm mẹ, tôi sợ nhất câu này vì không ghé lại được.

* Đến lúc này, họa sĩ đã trải qua một chặng đường dài trên hành trình khắc họa chân dung những Bà mẹ VNAH trên khắp đất nước. Hẳn bà đã đối mặt với nhiều khó khăn?

Không. Đối với tôi, những khái niệm “khó khăn”, “vất vả” xa xỉ lắm, bởi tôi có dùng bao giờ đâu. Các mẹ chính là tình yêu của tôi, có ai đi gặp… tình yêu mà thấy vất vả bao giờ? Tôi xem đây là công việc của trái tim. Được gặp, trò chuyện, nắm tay, ôm hôn các mẹ là niềm hạnh phúc.

Với tôi, việc vẽ chân dung các mẹ là cuộc chạy đua với thời gian nghiệt ngã, vì chỉ tích tắc thôi, có thể tôi sẽ không còn kịp gặp mẹ. Vì thế, được gặp các mẹ, dù đèo cao, núi sâu, đường xá xa xôi cũng không có gì vất vả, tất cả chỉ còn là niềm hạnh phúc! Chỉ có mẹ bỏ tôi, còn tôi không bỏ bất cứ mẹ nào trên đất nước Việt Nam.

Họa sĩ Đặng Ái Việt tại triển lãm ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

* Vậy có khi nào bà bị chậm chân?

Đây là nỗi lo đau đáu của tôi trong suốt thời gian làm công việc này. Đa phần các mẹ đã lớn tuổi nên cuộc rượt đuổi với thời gian càng trở nên nghiệt ngã. Như vừa rồi tôi vẽ các mẹ ở Long An và Bến Tre, khi tôi đến, danh sách tôi cầm trên tay đã không còn trọn vẹn.

Khi tôi vẽ Mẹ VNAH được phong tặng theo Pháp lệnh 1994 suốt 63 tỉnh, thành, riêng tỉnh Lào Cai tôi không vẽ được mẹ VNAH nào. Vì khi tôi đến, bà mẹ cuối cùng đã mất cách đó 2 tháng. Lặn lội đường xá xa xôi đến nơi thì biết mẹ mất rồi, lúc ấy, tôi đứng trên đèo cao mà tưởng như mình sụp xuống đất. Địa phương nào chỉ còn một mẹ, tôi “ưu tiên” chạy trước, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu tôi “rượt” kịp, chỉ Lào Cai là không kịp.

* Để vượt qua chặng đường dài, hẳn bà chuẩn bị rất kỹ?

Có chứ. Khi đi tôi phải chuẩn bị về sức khỏe, tài chính và cả tài năng. Về khả năng vẽ chân dung tôi tự tin vì tôi chuyên dạy về hình họa. Về tài chính, tôi dùng lương hưu chứ kiên quyết không nhận tài trợ. Tôi luyện sức chịu đựng, tập nhịn đói đề phòng trường hợp lạc trong rừng, học những kỹ năng cần thiết như về động cơ học để có thể tự sửa xe.

Để bắt đầu hành trình, tôi “độ” lại chiếc xe phù hợp với vóc dáng, có thể chinh phục đường trường. Từ Nam chí Bắc, tôi tự chạy xe máy, không đi tàu để tiết kiệm chi phí. Nói là không khó nhưng nếu không quyết tâm, nghị lực và bản lĩnh, tôi cũng không làm được

* Họa sĩ còn những dự định gì tiếp theo?

Tôi đang tiếp tục vẽ các Mẹ VNAH được phong tặng theo Nghị định 56 nên còn phải đi khắp đất nước này, vòng này sẽ được vẽ nhiều mẹ hơn. Cả nước còn khoảng 3.000 Bà mẹ VNAH còn sống. Điều tôi lo lắng nhất vẫn là sợ các mẹ không chờ đợi được nên tôi đang cố gắng chạy đua với thời gian để vẽ cho kịp.

Năm nay tôi đã 71 tuổi nhưng trách nhiệm vẫn chưa hoàn tất. Tôi sẽ tiếp tục đi dọc chiều dài đất nước để vẽ chân dung các mẹ đến khi còn sức. Đến tỉnh nào, tôi vẽ hết chân dung các mẹ của tỉnh đó mới tiếp tục hành trình.

* Xin cảm ơn họa sĩ và xin chúc bà sớm hoàn thành hành trình đầy ý nghĩa này!

Minh Hiền (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chân dung nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24

Với màn thể hiện xuất sắc trong trận chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, em Võ Quang Phú Đức, học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế đã mang vòng nguyệt quế trở về quê hương, trở thành cái tên thứ ba của trường trở thành nhà vô địch sau Hồ Ngọc Hân (năm 2009) và Hồ Đắc Thanh Chương (năm 2016). Báo Thừa Thiên Huế Online có cuộc trao đổi với Phú Đức về cảm xúc của em và những diễn biến trong trận chung kết.

Chân dung nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24
Tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn đã đến thăm, tặng quà Anh hùng LLVT, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện A Lưới.

Tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn
Return to top