ClockThứ Bảy, 09/12/2017 12:21

Huế trong tranh Phan Công Dương

TTH - Không chỉ là một địa danh để chỉ không gian của một xứ sở, Huế còn có phần hồn của nó khi được mọi người nhắc đến. Vì sao, vì Huế vốn là nơi đã được vua Chế Mân trao cho vua Trần Nhân Tông để làm sính lễ khi được vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân.

Dấu riêng của họa sĩ HuếCung bậc hoài niệm trong tranh họa sĩ Mai Châu

Hoài cổ

Và như một nghiệp dĩ với Huế, với nàng Huyền Trân từ thời nhà Trần, trong tranh của họa sĩ Phan Công Dương luôn xuất hiện hình ảnh người thiếu phụ và những đóa sen. Một cuộc hóa sinh để hướng đến cái đẹp tinh khôi, mà người đẹp và hoa sen là sản phẩm sinh động của tạo hóa đã ám ảnh người nghệ sĩ. Người thiếu phụ quyện vào hoa sen hay sen hòa vào người nữ như gợi đến một vẻ đẹp vô nhiễm trong cuộc hóa thân sầu bi trên gương mặt người mẹ.

Sen và thiếu nữ trong tranh Phan Công Dương như một tình yêu của màu sắc, màu xanh của diệp lục tôn vinh vẻ đẹp của màu da ửng hồng, những cánh sen trắng như chiếc thuyền chở những ý tưởng hướng về phía chân - thiện - mỹ, trên cánh đồng mỹ cảm đó ánh lên một sự hồi sinh sau mùa đông ngút ngàn mưa gió. Gương mặt người thiếu phụ trong các tác phẩm của người họa sĩ này ẩn chứa một cách kín đáo nét cam chịu, dịu dàng nơi mỗi ánh mắt buồn xa xôi.

Ngoài vẽ hoa sen và thiếu nữ, Phan Công Dương còn vẽ những dãy phố cổ đã dần dà lùi vào quá khứ. Phố trong tranh Phan Công Dương đọng lại trong lòng người xem như giọt ký ức của cơn mưa, nơi đó là những mảng rêu xanh, là dòng sông uốn quanh phố xá, là những mái nhà xô lệch với nắng mưa... Phố như một giai điệu của tuổi thơ, khi bước chân lãng du quay về để còn nhận ra gương mặt thuở ấu thơ của chính mình.

“Hoài cổ” là bức tranh vẽ lên nỗi niềm của người thiếu phụ đang nhớ về những giá trị cổ xưa, gam màu đỏ không khiến người xem thấy ấm lên mà ở đó là cả một ký ức phố của tuổi thơ đang dần trôi ngày càng xa về phía quá khứ. Phố chính là sự sống, là văn hóa của người xưa gửi lại, phố còn là kỷ niệm, là nơi hò hẹn của tuổi hoa niên trong những chiều tan học.

Trong bức “Phố xưa” như âm vang của một giai điệu dìu dặt, giữa nền trời và màu sông là những vòng cung mềm, uốn lượn quanh đời sống của thị dân. “Đời cát” là một ý niệm khác trong tranh của Phan Công Dương, như một triết lý của cuộc đời, gợi nhắc về sự vô thường và những nét đẹp mong manh nhỏ bé mà nhiều người đã bỏ qua trong cuộc sống này.

Phan Công Dương đã tham gia triển lãm cùng với các họa sĩ Nguyễn Hữu Ngô, Mai Châu, Ngô Đình Đại từ đầu thập niên 90. Năm 1996, anh tiếp tục tham gia triển lãm cùng với thầy Tôn Thất Văn và họa sĩ Thái Hòa ở TP. Hò Chí Minh. Cũng trong năm này, anh tiếp tục triển lãm chung với thầy Đỗ Kỳ Hoàng, cùng các họa sĩ Thân Văn Huy, Hồng Trọng Mỹ, Võ Văn Thiện tại Hà Nội. Ngoài ra, anh đã có nhiều lần triển lãm cá nhân, tranh của anh đã có mặt ở nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước.

Xem tranh của Phan Công Dương để thấy Huế luôn song hành những cặp phạm trù đối ngẫu và bổ khuyết cho nhau. Tính âm dương, thiện ác, sáng tối, nắng mưa... luôn hiện lên trong không gian và văn hóa Huế. Như một cách nhắc nhở mọi người về một cảnh giới khác là bản sao của cuộc sống hiện tại luôn tiềm ẩn ở xứ Huế, một vùng đất ẩn chứa rất nhiều lớp trầm tích văn hóa.

Lam Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An

Họa sĩ Đặng Thị Thu An là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ họa sĩ 8X đầy triển vọng của xứ Huế. Với những tác phẩm mang đậm nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, đặc biệt khắc họa hình tượng người phụ nữ, tà áo dài, chị đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng trong nền hội họa đương đại Việt Nam.

Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An
Dạo chơi vườn ngũ sắc

Hưởng ứng Festival Huế 2024, ngày 8/6 tới đây, các họa sĩ Huế và yêu Huế sẽ về miệt vườn Kim Long hoa trái để trưng bày tranh với chủ đề “Dạo chơi vườn Huế”. Cuộc dạo chơi sẽ được bài trí bởi 39 bức tranh của 7 tác giả, là những bước chân qua những góc vườn ngũ sắc, với những câu chuyện xao động sắc màu của nắng gió vườn xanh, những tự tình hàn huyên của lá và hoa trong những góc vườn Huế vừa tĩnh lặng vừa sôi động…

Dạo chơi vườn ngũ sắc
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top