ClockThứ Bảy, 26/09/2020 07:09

Lưu giữ phong cảnh bằng màu sắc

TTH - Một không gian tràn ngập sắc màu dịu dàng, bảng lảng khói sương của khí trời xứ Huế, chất đầy hoài niệm về kiến trúc di sản, phố cổ, biển xanh… là những cảm nhận về phòng tranh “Những ngày hạ chí”, đang được trưng bày tại Secret Studio (1/7 Nguyễn Công Trứ, TP. Huế) đến ngày 19/10.

Giới thiệu 65 bức tranh trực họa về phong cảnh thiên nhiên

Tác phẩm “Vết thời gian” - Lê Hữu Long

Giới thiệu đến người xem 65 tác phẩm trực họa của nhóm họa sĩ “5 Màu”: Trần Hữu Nhật, Hoàng Bảo Trung, Lê Hữu Long, Thái Văn Nguyên và Phan Vũ Tuấn, “Những ngày hạ chí” là triển lãm tranh trực họa chuyên đề đầu tiên về phong cảnh di sản miền Trung ở Huế sau nhiều năm.

Mỗi họa sĩ một sắc màu, họa pháp, cá tính và cách biểu đạt về kỹ thuật, chất liệu cũng khác nhau. Trần Hữu Nhật, Lê Hữu Long thích vẽ về các kiến trúc di sản Huế. Hoàng Bảo Trung đắm mình với Lăng Cô miền biển quê anh. Phan Vũ Tuấn chân phương mộc mạc với những cảnh sắc thiên nhiên ở ngoại ô thành phố. Thái Văn Nguyên vừa hiện thực vừa bay bổng với phong cảnh nội thành... Với thể loại phong cảnh trữ tình ấn tượng và bút pháp hiện thực, phong cảnh, thiên nhiên, con người, di sản, tiền nhân… hiện lên đẹp đến nao lòng!

Tác phẩm "Diệu Đế tự" - Trần Hữu Nhật

Bằng hai chất liệu chính là màu nước và acrylic, những cảnh sắc quen thuộc của Ngọ Môn, cổng thành, biển Lăng Cô, đầm Lập An, nhịp sống đời thường hối hả… mang đến cho người xem những cảm xúc gần gũi và thi vị qua cách tạo hình mộc mạc, phóng khoáng, hòa sắc trầm ấm. Một “Vạt nắng cuối chiều” khắc họa bến thuyền neo đậu ở Bao Vinh, một “Diệu Đế tự” thể hiện vẻ cổ kính, thâm nghiêm của cổng chùa, rồi những “Hiển Nhơn môn”, “Chương Đức môn”… gợi nên sự khắc khoải về tình yêu với quê hương, xứ sở nói chung và di sản nói riêng.

Chung sở thích xê dịch và vẽ trực họa, chung tình yêu với di sản, thiên nhiên, trong những tháng ngày cách ly do đại dịch COVID-19, nhóm họa sĩ “5 Màu” dành cả mùa hè cùng nhau rong ruổi trên nhiều cung đường miền Trung, ghé thăm nhiều danh lam thắng cảnh, từ nội, ngoại thành Cố đô Huế cho đến những vùng ngoại ô đẹp đẽ, nên thơ, xa hơn là Lăng Cô, Hải Vân Quan đến Đà Nẵng và cả phố cổ Hội An… để ghi lại những cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cả những khoảnh khắc tưởng chừng khó nắm bắt về thời gian, không gian của một thời điểm trong ngày, của nhịp sống đời thường hối hả và tất bật.  

Tác phẩm “Nắng 3” - Phan Vũ Tuấn

Họa sĩ Trần Hữu Nhật chia sẻ: “Trực họa tranh phong cảnh là một trạng thái tâm hồn. Với cách biểu đạt này, chúng tôi cảm giác như được “sống” chứ không phải tồn tại, được gần gũi với mẹ thiên nhiên, với làng quê, cư dân bản địa và kinh ngạc, ngưỡng mộ trước những di sản của tiền nhân. Trực họa tranh phong cảnh là cách tỏ tình của họa sĩ với thiên nhiên và đáp lại với quê hương bằng tình yêu, tâm hồn. Không mong cầu gì to tát, chúng tôi vẽ trực họa cũng chỉ bởi tình yêu nghề, yêu lịch sử, quê hương, xứ sở và triển lãm này như là lời nhắn nhủ: Non sông Việt Nam đẹp như gấm hoa”.

Với Phan Vũ Tuấn, trực họa là cách để anh thư giãn sau những áp lực, vừa là những trang nhật ký trong hành trình khám phá. Cảnh sắc phố thị, đồng quê làng mạc, những rong rêu hoài cổ và cả bốn mùa nắng mưa… Tuấn đều ghi lại bằng hội họa. “Đối với tôi, trực họa là một niềm vui khi được lang thang cùng với đống màu, tấm toan trắng, cùng đuổi bắt không gian, thời gian”, Vũ Tuấn bộc bạch.

Tranh trực họa mang đến muôn vàn cảm xúc và sự thú vị cho người vẽ. Họa sĩ phải nắm bắt, theo đuổi không gian, thời gian trong suốt quá trình hoàn thành tác phẩm. Để có một bức tranh trực họa đẹp, người vẽ phải nuôi dưỡng cảm xúc, bởi vẽ tranh trực họa cũng là một trạng thái tâm hồn như “tức cảnh sinh tình”. Họ không vẽ cái nhìn thấy mà vẽ cái cảm thấy.

Theo họa sĩ Trần Hữu Nhật, cái đẹp của tranh trực họa là không cố trau chuốt, mượt mà hay cố gắng hoàn thiện, chỉn chu mà nằm ở nét bình dị, hồn hậu, chân thành của người vẽ, đôi khi còn vươn lại chút gì đó không hoàn thiện trong tranh. Trực họa qua lăng kính, chiều kích cảm nhận riêng của mỗi họa sĩ là khác nhau, càng vẽ càng thấy cuộc sống chậm lại, đong đầy duyên nợ với cảnh, người, mùa… Từ đó yêu thương lưu giữ cảnh vật bằng màu sắc và bút pháp tả thực.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh

Nguyen Van He’s Art Barracks vừa là không gian sáng tác, vừa là tổ ấm của gia đình nghệ sĩ sinh hoạt hàng ngày. Cũng chính nơi này, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè – chủ nhân của không gian đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trên nền chất liệu do anh sưu tập được từ tàn tích của chiến tranh.

Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh
Triển lãm dầu khí quốc tế tập trung vào AI và chuyển đổi năng lượng bền vững

Hội nghị và Triển lãm Dầu khí quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) 2024, một sự kiện hàng đầu của ngành dầu khí đang được tổ chức từ ngày 4 - 7/11 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Năm nay, ADIPEC nêu bật các chủ đề về trí tuệ nhân tạo (AI) và quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

Triển lãm dầu khí quốc tế tập trung vào AI và chuyển đổi năng lượng bền vững
Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh

Họa sĩ xứ Huế - Trần Vĩnh Thịnh đã đưa triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm khai mạc chiều 3/11 tại không gian Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh
Return to top