Tham quan triển lãm
Là người theo đạo Phật, nghệ sĩ Suijta Bunsong mang đến triển lãm tác phẩm The boundary (Biên giới) ý tưởng: “Mọi người, mọi vật, từ cây cối đến các sinh vật và mọi thứ trên đời này đều đến từ trái đất, tức là cùng nguồn gốc. Dù đến từ Thái Lan hay Việt Nam, đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới nhưng nếu mỗi người quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, làm tốt hơn công việc của mình mỗi ngày thì cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn”, Suijta Bunsong nói.
Thể hiện tinh thần lạc quan của người Thái, tác phẩm sắp đặt dễ thương mang tên Smile (Nụ cười) của tác giả Opas Nuchniyom đem lại sự thích thú cho người xem bởi những nụ cười hình cá ngộ nghĩnh và 44 ký tự của Thái Lan xung quanh. “Tôi muốn diễn tả nụ cười, biểu tượng của sự vui vẻ, hạnh phúc của người Thái”, Opas Nuchniyom chia sẻ.
Tác phẩm Smile (Nụ cười) của tác giả Opas Nuchniyom
Nghệ sĩ Narong trong tác phẩm River of time (Dòng sông thời gian) đề cập đến sự đổi thay của cuộc sống qua các chất liệu sắt rỉ, thép, gỗ... bằng cách thể hiện mới lạ. “Con người vừa làm ra những sản phẩm, vật dụng cho cuộc sống, đồng thời cũng là tác nhân phá hoại môi trường, nghệ sĩ Narong nói. - Tuy nhiên, qua bàn tay những người nghệ sĩ, những thứ phế thải đó sẽ trở nên đẹp đẽ hơn. Tự nhiên, cuộc sống và con người theo thời gian tạo nên một vòng tròn của cuộc sống đa dạng, hài hòa”.
Bên cạnh những tác phẩm được thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật mới mang tính đương đại của 45 nghệ sĩ Thái Lan, 20 nghệ sĩ - giảng viên của Trường đại học Nghệ thuật Huế tham gia triển lãm đã thể hiện quá trình tự đổi mới mình, xé bỏ những rào cản, hướng đến sự phát triển và cách tiếp cận mới trong sáng tác.
Tác phẩm The tree of life (Cây đời) của họa sĩ Đỗ Kỳ Huy
Trưng bày hơn 60 tác phẩm nghệ thuật của 65 nghệ sĩ đến từ Học viện Bundipatanasilpa Thái Lan và cán bộ, giảng viên Trường đại học nghệ thuật Huế với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như tranh, tượng, sắp đặt, video art, đồ họa tạo hình,... Triển lãm mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan “Phía bên kia biên giới - Beyond the boundary” thể hiện hình ảnh chắt lọc tiêu biểu và tốt đẹp nhất về nền văn hóa của mỗi dân tộc thông qua nghệ thuật. Triển lãm kéo dài từ 19 đến 24/4/2016
|
Họa sĩ Đỗ Kỳ Huy với tác phẩm The tree of life (Cây đời) là một trong số đó. “Cây đời có thể thấy trong nhiều nền văn hóa, họa sĩ của nhiều nước đã vẽ cây đời và có lẽ đó là quan điểm về cuộc sống. Tôi vẽ cây đời của Việt Nam thông qua lăng kính của tôi. Cây đời của tôi là sự tổ hợp của âm và dương, của mặt trời và mặt trăng, của đất và nước,... Theo quan điểm của tôi, chính sự khác biệt nuôi dưỡng sự sống. Chẳng hạn đàn ông và đàn bà, họ quá khác biệt nhau mới tạo ra mầm sống như vậy. Sự khác biệt nuôi dưỡng và làm cuộc sống phong phú, phát triển lên”.
Theo họa sĩ Đỗ Kỳ Huy, triển lãm mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan “Phía bên kia biên giới” được tổ chức tại Trường đại học Nghệ thuật Huế lần này là một triển lãm rất phong phú, đa dạng về hình thức, chất liệu, phong cách và nội dung biểu đạt. “Đó chính là sự khác biệt, họa sĩ Đỗ Kỳ Huy nhấn mạnh. Trước đây, mình tìm tới nhau vì cái chung nhưng quan điểm nghệ thuật hiện đại thì tìm tới nhau vì sự khác biệt. Thông qua sự khác biệt, không những mình biết về người ta hơn mà thậm chí sự khác biệt còn giống cái gương để qua đó, mình hiểu về văn hóa của láng giềng mình hơn, để đối chiếu, so sánh, để hiểu về văn hóa của mình”.
“Tên của triển lãm “Phía bên kia biên giới” mang ý nghĩa ẩn dụ, PGS.TS.Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế lý giải. Qua triển lãm này, các nghệ sĩ Việt Nam nhìn ra ngoài để tiếp cận cái mới và các nghệ sĩ Thái Lan cũng đến đây, nhìn ra ngoài để tiếp cận cái mới. Triển lãm giới thiệu những thành quả mới trong sáng tạo nghệ thuật của hai nước nhưng rõ ràng phía Thái Lan có rất nhiều cái mới để học; đồng thời, họ cũng rất quan tâm và muốn học hỏi về sơn mài và tranh lụa của Việt Nam. Những tác phẩm của Thái Lan đa số quan tâm đến nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật công cộng, tức là mang tính cộng đồng nhiều hơn, đồng thời họ đưa ra những kỹ thuật mới và giới thiệu những cái tinh túy của họ đến triển lãm lần này”.
Bài, ảnh: Ngọc Hà