Theo thông tin từ hãng đấu giá, những cổ vật được đấu giá lần này thuộc sưu tập của một người dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn. Tuy nhiên, hãng đấu giá không cho biết là chủ nhân của sưu tập này là ai, hiện sống ở đâu và là người trực tiếp ủy thác cho hãng bán đấu giá, hay là những người thừa kế sưu tập này rao bán cổ vật của gia tộc.
Chiếc chóe “Hoàng đế chi bửu” được bán với giá 325.000 USD
Trong những cổ vật được giới thiệu xuất xứ từ Việt Nam, có 15 món đã đấu giá thành công. Giá thấp nhất là hai chiếc lọ nhỏ đựng hương liệu, được bán với giá 325 USD và 350 USD; giá cao nhất là chiếc chóe “Hoàng đế chi bửu” được giới thiệu là đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn thuộc gia đình Hoàng tộc nói trên, bán với giá 325.000 USD. Ngoài ra, những món đồ khác gồm: bát, đĩa, bầu rượu, độc bình, chậu hoa, chóe…, được giới thiệu là đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn, đều được bán với mức giá từ 1.000 USD đến 3.500 USD. Mức giá này đối với một món đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, hay thời Nguyễn là không cao, nếu so với giá của những món đồ tương tự được mua bán ở thị trường Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, xem những hình ảnh cổ vật có độ phân giải thấp ở website giới thiệu, đối chiếu với giá bán sau cùng của những món đồ này thì, chiếc chóe “Hoàng đế chi bửu” có lối trang trí vừa “viên long”, vừa “đoàn phụng” trong cùng một đồ án trang trí, là rất khác thường, so với kiểu thức trang trí rồng - phượng trên đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn. Kiểu thức trang trí trên chóe này không thuộc về một thời nào, mà dường như có sự kết hợp giữa trang trí trên đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh với đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Từ trước đến nay tôi chưa hề thấy một món đồ sứ ký kiểu nào có lối trang trí kết hợp như thế.
Ngoài ra, đây là món đồ có ghi dòng chữ Hán “Hoàng đế chi bửu”, nhưng những bài thơ chữ Hán viết trên thân và nắp chóe thì quá xấu, không phải là thứ chữ Hán chuẩn mực, tinh tế và bay bướm thường có trên những món đồ ngự dụng thuộc dòng đồ sứ ký kiểu của hai triều Lê - Trịnh và Nguyễn. Sau cùng, màu lam vẽ trên món đồ này chất lượng quá kém, không phải là thứ lam Hồi tuyệt hảo thường được sử dụng cho những món đồ đặt làm cho vua chúa xài, và quan trọng là: đó không phải là lối vẽ tam lam đặc trưng của những món đồ sứ ký kiểu được chế tác từ các ngự diêu ở Cảnh Đức trấn (Trung Quốc), chuyên chế tác đồ sứ ngự dụng cho Việt Nam. Thế nhưng, chiếc chóe này được bán với giá rất cao, 325.000 USD, cao nhất từ trước đến nay với một món đồ sứ ký kiểu. Một mức giá khó tin cho một “cổ vật” đáng ngờ.
Thứ nữa, một số món đồ sứ khác được giới thiệu là bleus de Hue thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn, nhưng nhìn qua ảnh đăng trên webpage có cảm giác đó là đồ phục chế. Vì thế, tôi đã gửi những hình ảnh này đến một số bằng hữu là “dân trong nghề” để tham vấn. Những bằng hữu này đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng đó là đồ mới, cho biết tên của người đặt làm những món đồ này và thời điểm phục chế món đồ. Vậy nhưng, một cái chóe thuộc nhóm đồ này đã được bán với giá 22.000 USD. Nếu chiếc chóe này là đồ cổ thật, thì giá này quá rẻ. Còn nếu đó là đồ mới thì giá này quá cao.
Chiếc chóe vẽ long lân được bán với giá 22.000 USD
Cũng từ thông tin của những bằng hữu trong “làng đồ cổ”, tôi được biết có một số món đồ nói trên vốn thuộc sở hữu của một tay chơi và buôn đồ cổ danh tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, và, nhận định lâu nay trong giới chơi, buôn cổ vật: “Một số người tuồn đồ giả từ trong nước ra nước ngoài, "gài" vào các sưu tập của những Việt kiều ở hải ngoại, rồi móc nối với hãng đấu giá để bán cả bộ sưu tập với một lý do chính đáng nào đó. Nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài, vì non kinh nghiệm nên đã mắc phải những quả lừa kiểu này, nhưng vì giữ thể diện, nên đành ngậm đắng nuốt cay trả “học phí”, hoặc thương lượng "trong bóng tối" để thu hồi tiền bạc, mà không muốn làm lớn chuyện” không phải không có lý.
Hiện nay, nhiều bảo tàng và cá nhân ở Việt Nam có khuynh hướng tìm mua cổ vật trong các cuộc đấu giá ở nước ngoài để bổ túc cho các sưu tập cổ vật của họ. Nhiều bảo tàng công lập, nhiều sưu tập tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Hải Phòng… đã từng mua cổ vật từ các cuộc đấu giá như trên trong những năm qua. Tuy nhiên, trong khi các tay chơi tư nhân thường là những người sành sỏi trong nghề cổ vật, nên độ rủi ro khi mua phải đồ sửa, đồ giả, đồ mới là rất thấp, còn những quản thủ viên trong các bảo tàng công lập, do ít va chạm với thị trường cổ vật trong nước và quốc tế, nên kiến thức lẫn kinh nghiệm đều hạn chế, mua cổ vật không phải bằng tiền nên ít cân nhắc thật - giả, đắt - rẻ cho thật thấu đáo. Vì thế, nguy cơ những bảo tàng công lập mua phải đồ sửa, đồ giả từ các cuộc đấu giá nước ngoài là rất cao.
Hy vọng qua bài viết này, những ai yêu mến cổ vật và những người hành nghề bảo tàng ở Việt Nam có thêm những thông tin cần thiết trong bước đường hành nghề của mình, dù là nghề chơi, hay là nghề làm công ăn lương trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng.
Bài, ảnh: TRÂN HUYỀN