ClockThứ Sáu, 17/08/2018 14:28

“Những chuyến xe thần kỳ”

TTH - Lâu nay, người yêu mỹ thuật Huế biết đến Hoàng Thanh Phong là một họa sĩ trẻ giàu đam mê sáng tạo, cùng vợ là họa sĩ Nguyễn Thị Huệ, người đồng sáng lập Gakka gallery. Anh được "nhận diện" thông qua các thể loại tranh bán trừu tượng, tranh chân dung và tranh về đề tài Phật giáo.

34 tác phẩm tham gia triển lãm “Sắc thu”

Họa sĩ Hoàng Thanh Phong tại triển lãm “Sắc thu”. Ảnh: NVCC

Tại triển lãm “Sắc Thu” khai mạc chiều 31/7 do Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị phối hợp với Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức, Hoàng Thanh Phong đem đến cho công chúng bất ngờ đến thú vị khi trưng bày một tác phẩm vừa "lạ" lại vừa "quen", đó là bức tranh "Những chuyến xe thần kỳ" (120 x 160 cm, Acrylic). Tác phẩm cũng là dạng “độc" bởi vì trong một triển lãm với 34 tác phẩm của 25 họa sĩ không có tác phẩm nào về chủ đề chiến tranh như "Những chuyến xe thần kỳ".

Trong kháng chiến chống Mỹ, có câu chuyện về những cầu dây cáp cho ôtô chạy bằng puli (ròng rọc) từng được lắp đặt trên khắp tuyến đường Trường Sơn. Theo những tư liệu lịch sử, chuyến xe đi trên dây cáp được thử nghiệm lần đầu tiên ở khu vực cầu Diễn, trên 2 bờ sông Nhuệ và đại tá Nguyễn Trọng Quyến là người đầu tiên lái thử nghiệm. Công trình vận tải "thần kỳ" được các kỹ sư Viện Kỹ thuật Giao thông Việt Nam lúc đó thi công bằng cách dùng máy đóng trụ bê tông âm từ 5m đến 6m rồi tiếp tục dùng tời buộc cáp, loại cáp to như cổ tay từ bờ sông bên này qua bờ bên kia với độ võng nhất định theo như tính toán. Ông Quyến lái một chiếc xe tải Liên Xô, chạy bằng hệ thống bánh puli trên cáp gần giống như bánh tàu hỏa chạy trên đường ray. Suốt thời gian thử nghiệm, từ tháng 2/1965 đến 5/1965, các kỹ sư và lái xe liên tục chạy thử, khi đó máy bay trinh sát địch có chụp tọa độ cũng chỉ thấy hai vệt dây chứ không đoán được đó là cầu.

Bản thân họa sĩ Hoàng Thanh Phong thuộc thế hệ 8x, được sinh ra trong thời kỳ đất nước hòa bình nhưng tinh thần cách mạng yêu nước của cha ông cũng rất "quen", vì cha anh là bộ đội kháng chiến chống Mỹ, mẹ là thanh niên xung phong. Những câu chuyện của cha mẹ, cô bác về những năm tháng hào hùng ngày càng thấm sâu trong tình cảm của anh. Vì vậy, anh luôn nâng niu, trân trọng những vật dụng kỷ niệm thời chiến của cha mẹ và sau đó anh đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Cảm hứng từ những thước phim tư liệu chiến tranh về cầu dây cáp cho ôtô chạy bằng puli vượt Trường Sơn, họa sĩ Hoàng Thanh Phong bắt tay vào sáng tác tác phẩm "Những chuyến xe thần kỳ" vào năm 2017 và hoàn thiện năm 2018.

Tác phẩm với chất liệu acrylic trên 2 tông nền màu vàng đen chủ đạo, bố cục chiếc xe tải chiếm phần chính của tranh, với lớp lá ngụy trang cháy khói đen nằm giữa, không gian xung quanh là một màu vàng cháy tạo nên hiệu ứng tạo hình nổi bật cho chiếc xe. Chiếc xe quả cảm như trôi lơ lửng giữa không gian mênh mông đầy cảm xúc, cảm giác cheo leo của một khối sắt nặng hàng tấn được đặt vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, không gian xung quanh mang một màu khói lửa đặc trưng của chiến tranh với những hiểm nguy có thể xảy ra bất kể lúc nào đã đọng thắt lại ở người xem những hồi ức về một thời máu lửa và sự sáng tạo vô bờ bến của cả một dân tộc vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Với kỹ năng vững vàng của một nghệ sĩ hội họa và cảm xúc tích nén bao ngày và cả niềm tự hào về cha mẹ, truyền thống gia đình đã được họa sĩ thể hiện sâu sắc ở tác phẩm. Điều đáng nói là, anh không dùng tư liệu lịch sử thể chuyển thể theo lối vẽ thuần túy mà vẫn cố giữ bút pháp trừu tượng, bán hiện thực để diễn đạt. Vì vậy, nền vàng lúc sáng trong, lúc cháy bỏng, sạm đen tạo ra một không gian kỳ ảo có vẻ phi hiện thực nhưng lại rất đúng với tư duy nghệ thuật của Hoàng Thanh Phong, khi anh muốn giữ một sự bình dị để nói về những kỳ tích lớn lao của dân tộc luôn sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do.

Bức tranh của Hoàng Thanh Phong đã đem đến một nốt nhạc vừa "lạ" vừa "quen" cho bản giao hưởng "Sắc Thu" của triển lãm. Tác phẩm cũng là minh chứng cho những giá trị của nghệ thuật, với sự phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống với góc nhìn đầy cảm hứng dù nhìn về quá khứ hay hiện tại. Tác phẩm "Những chuyến xe thần kỳ" cũng là một thông điệp trân trọng, đầy tình cảm của những họa sĩ đương đại về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc với lòng tự hào và biết ơn của thế hệ những người được sinh ra trong hòa bình, độc lập của đất nước. Tác phẩm "Những chuyến xe thần kỳ" của Hoàng Thanh Phong ngoài giá trị nghệ thuật còn mang giá trị lịch sử về chiến tranh cách mạng và đó cũng là chủ đề, niềm cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam sáng tạo.

PHẠM MINH HẢI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top