ClockChủ Nhật, 03/07/2022 07:15

Sắc diện mới của mỹ thuật Huế

TTH - Đúng với chủ đề “Sắc diện mới”, một không gian triển lãm do Hội Mỹ thuật phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế tổ chức hưởng ứng Festival Huế 2022, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm thể hiện sức sống mới của mỹ thuật Huế.

Giới thiệu “Sắc diện mới” của mỹ thuật Huế

Với nhiều tác phẩm mới, triển lãm mang đến những trải nghiệm nghệ thuật thú vị cho người xem

Hòa trong không khí rộn ràng của nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật trong tuần lễ Festival Huế 2022, triển lãm “Sắc diện mới” như tô đậm thêm sức sống và thực lực của lĩnh vực mỹ thuật tạo hình trong đời sống văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà.

Diễn ra từ ngày 27/6 đến 8/7, triển lãm giới thiệu 53 tác phẩm của 47 tác giả được hội đồng nghệ thuật chọn lựa cẩn thận theo tiêu chí khá khắt khe: phải thể hiện được sự mới mẻ trong ngôn ngữ tạo hình của từng tác giả. Đó có thể là những khám phá, kỹ thuật, cách biểu hiện hay chủ đề mới hơn cái tác giả đã từng làm, thoát ra khỏi thói quen, lối mòn của chính họ trước đây.

Tác phẩm “Dấu thời gian 1” - Phan Quang Tân

Điều rất vui là hội đồng nghệ thuật đã chọn được những bức tranh mới mẻ, tạo cảm xúc mạnh cho người xem. Nhiều tác giả thoát ra khỏi phong cách định hình lâu nay để khai phá, sáng tạo, mang đến cái mới cho tác phẩm. Nhiều thể nghiệm khám phá được thể hiện, từ kỹ thuật, chất liệu đến phong cách tạo hình hay ngôn ngữ biểu hiện, chủ đề tư tưởng mới…

Mỗi tác phẩm là một thế giới biểu hiện, hình thái của cảm xúc nội tâm về đất nước, cuộc sống, biểu lộ tình yêu với thiên nhiên, con người hay bộc bạch thân phận, chiêm nghiệm triết lý nhân sinh… Các tác giả đã khai thác đa dạng kỹ thuật chất liệu tạo hình để làm phương tiện chuyển tải ý tưởng với nhiều phong cách, như trừu tượng, bán trừu tượng, ấn tượng, lập thể, tả thực…

Với tác phẩm “Bóng tôi”, họa sĩ Nguyễn Thị Huệ thể hiện cái bóng của chính mình bằng cách nhìn rất mới. Bức tranh thoát ra khỏi tính minh họa và đi vào ngôn ngữ biểu tượng, ước lệ. Màu sắc, bố cục cũng rất có nghề, khác hẳn với phong cách của chị trước đây.

Tác phẩm “Bóng tôi” - Nguyễn Thị Huệ

Trong “Dấu thời gian 1”, Phan Quang Tân thể hiện dấu ấn thời gian trên các công trình kiến trúc di tích. Chọn vẽ ở mặt sau tấm toan bằng acrylic để tạo ra sự xù xì và tận dụng màu của bố, bức tranh là những mảnh ghép mô đun thể hiện vẻ đẹp của những mảnh sành sứ, vôi vữa trên các công trình kiến trúc truyền thống của Huế. Tuy nhiên, qua sự bào mòn của thời gian, những họa tiết, hoa văn được đắp nổi, khảm sành sứ không còn rõ nét, chỉ còn lại những mảnh sành sứ lác đác trên các mảng tường.

Bức tranh “Hồi ký” của họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Niệm được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao khi thể hiện tác phẩm theo ngôn ngữ tả thật, nhưng trên xu hướng nghệ thuật đương đại. Thể hiện hình ảnh một công trình di tích bị chồng lớp bởi những chữ viết, tác phẩm lên án nạn vẽ bậy trên di tích một cách thiếu ý thức, kêu gọi tôn trọng các giá trị truyền thống.

Tác phẩm “Hồi ký” - Nguyễn Đức Niệm

Sau đại dịch COVID-19, Festival Huế 2022 đánh dấu sự hồi sinh ở mảnh đất xứ Huế, trong đó có sự hồi sinh của đời sống mỹ thuật. Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh, những khó khăn trong đời sống do đại dịch COVID-19 phần nào hạn chế sáng tạo của nghệ sĩ. Hội Mỹ thuật nhận thấy, cần có định hướng, tác động để tránh việc các nghệ sĩ đi theo lối mòn, vẽ tranh theo yêu cầu thị trường, hài hòa giữa phát huy tính sáng tạo và thỏa mãn nhu cầu xã hội.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nhấn mạnh: “Vẽ theo thói quen, lối mòn hay thị hiếu sẽ làm sức sống của mỹ thuật đi xuống. Phát huy giá trị truyền thống, tiếp thu và tìm kiếm cái mới trong sáng tạo là sứ mệnh của người làm nghệ thuật và cũng là yếu tố sống còn của một nền mỹ thuật. Triển lãm đã quy tụ được những tác phẩm mới sáng tác, là kết quả của sự tìm kiếm cái mới, mang dấu ấn khai phá, vượt qua “cái bóng” của bản thân từng tác giả, cho dù họ là những họa sĩ đã thành danh, là họa sĩ trẻ đang dần khẳng định vị thế của mình hay là những bạn trẻ mới vào nghề”.

Điều đáng mừng là triển lãm đã quy tụ được nhiều tên tuổi tác giả kỳ cựu, bên cạnh các tác giả trẻ nhiều hứa hẹn, tạo nên nhiều sắc thái tạo hình sinh động, khắc họa rõ nét chân dung mỹ thuật Thừa Thiên Huế hiện nay. Vì thế, triển lãm mang lại những trải nghiệm nghệ thuật thú vị cho khách thưởng lãm như một hoạt động mỹ thuật có ý nghĩa dịp Festival Huế 2022.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh

Nguyen Van He’s Art Barracks vừa là không gian sáng tác, vừa là tổ ấm của gia đình nghệ sĩ sinh hoạt hàng ngày. Cũng chính nơi này, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè – chủ nhân của không gian đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trên nền chất liệu do anh sưu tập được từ tàn tích của chiến tranh.

Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh
Triển lãm dầu khí quốc tế tập trung vào AI và chuyển đổi năng lượng bền vững

Hội nghị và Triển lãm Dầu khí quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) 2024, một sự kiện hàng đầu của ngành dầu khí đang được tổ chức từ ngày 4 - 7/11 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Năm nay, ADIPEC nêu bật các chủ đề về trí tuệ nhân tạo (AI) và quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

Triển lãm dầu khí quốc tế tập trung vào AI và chuyển đổi năng lượng bền vững
Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh

Họa sĩ xứ Huế - Trần Vĩnh Thịnh đã đưa triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm khai mạc chiều 3/11 tại không gian Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh
Return to top