ClockThứ Hai, 04/02/2019 07:11

“Săn” hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật

TTH - Chuẩn bị cho sự ra đời Bảo tàng Mỹ thuật Huế, cách đây gần 20 năm, việc sưu tập hiện vật đã được âm thầm xúc tiến. Hiện, bảo tàng đã có nguồn vốn ban đầu với 25 tác phẩm, trong đó có những bức tranh mà theo giới am tường, có nhiều tiền chưa chắc đã mua được.

Chuẩn bị ra mắt Bảo tàng Mỹ thuật HuếBảo tàng Mỹ thuật Huế phải xứng tầm với vị thế của một trung tâm văn hóa

Hé lộ tranh quý

Năm 2018 có lẽ là một năm thành công với các thành viên Hội đồng thẩm định mua tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang (Việt kiều Mỹ, bìa trái) tặng tác phẩm của mình cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế thông qua Sở Văn hóa - Thể thao

Với kinh phí 1 tỷ đồng từ tiền ngân sách tỉnh, họ đã “săn lùng” và sưu tập được ba tác phẩm giá trị của ba danh họa tên tuổi của Huế. Đó là tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa sen” (lụa) của họa sĩ Tôn Thất Đào; “Đô thị hóa thân- số 39” (sơn dầu) của họa sĩ Vĩnh Phối và “Treo trên thời gian” (sơn đầu) của họa sĩ Bửu Chỉ.

Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam – thành viên Hội đồng thẩm định, 3 tác phẩm ấy khi được treo lên sẽ vô cùng xứng đáng bởi đại diện, tiêu biểu cho tên tuổi của ba họa sĩ. Giới hội họa thì cho rằng, 3 tác phẩm đã được mua với giá “rẻ như cho” bởi thời điểm hiện nay, đó là những bức tranh quý mà nếu có nhiều tiền, cũng khó lòng mua được.

Ông Tựu cho hay, để mua được những tác phẩm quý ấy, phải tìm hiểu thông tin, đến tận nhà có tác phẩm để xin được xem rồi sau đó báo cho các thành viên trong hội đồng thẩm định trước khi lên phương án, thuyết phục, thương lượng mua. Có những người sở hữu bức tranh quý, sau hàng chục lần thuyết phục mới cho xem. Và từ xem đến mua là cả một vấn đề bởi những tác phẩm ấy không phải có tiền thì có thể mua được ngay, mà còn có yếu tố may mắn, cơ duyên.

 Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, qua thời gian, những tác phẩm xuất sắc nhất của những họa sĩ tên tuổi đã lưu lạc nhiều nơi. Nhưng bằng những cố gắng, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đã “níu” được một vài tác phẩm đáng giá.

Tác phẩm “Treo trên thời gian” (sơn dầu, 80 x 100cm) họa sĩ Bửu Chỉ đã thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Huế 

Ngoài 3 bức tranh quý, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tiết lộ, từ những năm 2000, việc sưu tập hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được đặt ra.

Bằng cách tiết kiệm chi tiêu từ kinh phí hoạt động của ngành văn hóa, giai đoạn 2000-2007, Sở Văn hóa Thông tin đã mua được 12 tác phẩm của các họa sĩ Huế đoạt giải khu vực, quốc gia, trong đó có tranh của các họa sĩ Trương Bé, Lê Văn Nhường, Đặng Mậu Tựu, Tô Trần Bích Thúy, Đỗ Kỳ Hoàng...

Theo ông Hoa, việc sưu tập tác phẩm khi ấy nhận được sự đón nhận hào hứng của giới họa sĩ, những người yêu hội họa, làm lan tỏa tinh thần vận động sưu tầm, ủng hộ, hiến tặng tác phẩm cho việc hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế sau này.

Năm 2016, tại một triển lãm ở Huế, họa sĩ Nguyễn Đại Giang (Việt kiều Mỹ) tặng 3 tác phẩm. Năm 2017, thông qua triển lãm nhân ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao vận động và tiếp nhận thêm được 7 tác phẩm, nâng hiện vật sưu tập cho bảo tàng hiện nay lên con số 25 tác phẩm.

Năm 2019, việc sưu tập tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng như Mai Trung Thứ, Hoàng Đăng Nhuận, Phan Xuân Sanh, Lê Yên, Trịnh Cung, Tôn Thất Văn, Nguyễn Đỗ Cung, Đinh Cường, Dương Đình Sang... cũng đã được lên kế hoạch. Ngoài tranh phố của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận, Hội đồng thẩm định bước đầu đã tiếp cận tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ. Bức tranh được một bảo tàng trong nước đánh tiếng mua với giá trên dưới 1 tỷ đồng.

Sẽ đặc sắc, xứng tầm

Theo đề án thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế, bảo tàng sẽ có các bộ sưu tập về hội họa, đồ họa, điêu khắc; các tác phẩm độc bản của các nghệ nhân tên tuổi, có giá trị, tiêu biểu thuộc các loại hình pháp lam, sơn mài, tranh gương, tranh khảm xà cừ, điêu khắc gỗ, đúc đồng, gốm, tranh thêu, dệt Dzèng... thuộc 3 giai đoạn: 1800-1945, 1946-2000 và giai đoạn từ 2001 về sau.

Tác phẩm “Đô thị hóa thân (số 39)” (sơn dầu, 160 x 160cm) họa sĩ Vĩnh Phối được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập thành công

Riêng bộ danh sách những họa sĩ tiêu biểu, tên tuổi của Huế từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 đến nay đã trên 50 tác giả, trong đó có những cây đại thụ như họa sĩ Lê Văn Miến, Phạm Đăng Trí, Tôn Thất Sa...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, không chỉ hội họa hay điêu khắc, bề dày lịch sử mỹ thuật Huế đã hình thành nhiều giá trị độc đáo, như tranh gương của những tên tuổi Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức dưới thời Gia Long; kỹ nghệ tích hợp trong di sản pháp lam, khảm xà cừ; tinh hoa trong kỹ thuật đúc đồng. Tranh làng Sình với nghệ thuật dung dị, mộc mạc cũng để lại ấn tượng đẹp về cảm quan mỹ thuật dân gian... Với vốn hiện vật ban đầu cùng định hướng sưu tập hiện vật đã được xây dựng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế khi thành hình, chắc chắn sẽ rất hấp dẫn, tạo được dấu ấn đặc sắc, xứng tầm vị thế văn hóa Huế.

Điều cần làm lúc này, ngay sau khi Bảo tàng Mỹ thuật Huế có quyết định thành lập (ngày 12/11/2018), theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, là phải lên kế hoạch toàn vẹn hơn để săn lùng những tác phẩm quý. Trước hết phải ưu tiên những tác giả tên tuổi đã quá cố. Và tỉnh cần sớm bố trí một địa điểm để trưng bày, đón nhận những tác phẩm được bán với giá ủng hộ hay người tặng tranh, khi họ đã tin tưởng gửi đứa con tinh thần của mình vào Bảo tàng Mỹ thuật Huế bằng tình cảm trân trọng đặc biệt.

Ông Phan Văn Thảo, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) cho hay, để dày thêm các bộ sưu tập cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Sở Văn hóa Thể thao đang có kế hoạch tiếp nhận từ 30-40 tác phẩm do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng; tham mưu tuyển chọn một số tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, trong đó có các tuyệt tác cổ vật Chăm pa. Một họa sĩ tên tuổi cũng đã có mong muốn tặng Bảo tàng Mỹ thuật Huế 4 bức tranh có giá trị với điều kiện, chờ bảo tàng có địa điểm trưng bày đẹp...

Tạo điều kiện bố trí kinh phí để mua tranh

Cuối tháng 11/2018, tại buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về công tác chuẩn bị công bố quyết định thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, khi thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật Huế phải quy mô, sang trọng, xứng tầm. Vấn đề quan trọng là tìm địa điểm đặt bảo tàng với vị trí, không gian cảnh quan tương xứng; tác phẩm trưng bày phải phong phú, đa dạng, có giá trị.

Về việc sưu tầm tác phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chú trọng sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ danh tiếng. Quan trọng là có tác phẩm tốt, tỉnh sẽ tạo điều kiện bố trí kinh phí để mua tranh.

Về kinh phí mua tác phẩm từ ngân sách tỉnh, theo đề án thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế, năm 2018 là 1 tỷ đồng; giai đoạn 2019 - 2020 mỗi năm 3 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025, mỗi năm 5 tỷ đồng.

Bài: Kim Oanh - Phan Thành
Ảnh: Phan Thành - Sở VH-TT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

Trong năm 2024, có 6 cá nhân tặng hiện vật và 9 cơ sở, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống Huế hỗ trợ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Return to top