Tác phẩm cây mùa muân
Ngồi lên... tranh
Lần đầu tiên ra mắt công chúng trong triển lãm cá nhân “Duyên bốn mùa” được trưng bày ở Viện Pháp tại Huế (số 1 Lê Hồng Phong, TP. Huế) từ ngày 5 đến 25/1, họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Phước mang đến cho công chúng một xúc cảm khác biệt. Đây là dự án nghệ thuật được Phước tiến hành suốt một năm ròng. Tất cả những chiếc bàn, chiếc ghế đều do anh tự làm, từ thiết kế, cắt ván, hàn sắt, đóng đinh và vẽ.
Khác với những triển lãm tranh sơn mài truyền thống, sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng trong triển lãm này tạo sự tương tác giữa tác phẩm với người xem. Những tác phẩm trong “Duyên bốn mùa” không chỉ để thưởng thức, người xem có thể vuốt ve những thân cây sù sì, lắng nghe tiếng thời gian trôi đi, soi mình vào những tấm gương và ngồi xuống những chiếc ghế, đặt tay lên những cái bàn... được trang trí bằng tranh sơn mài.
Thời gian, ký ức và sự vận động liên tục của cuộc sống là nội dung của triển lãm lần này. Hơn 20 tác phẩm, gồm những cái cây, chiếc gương soi, những bộ bàn ghế học sinh được trang trí ngộ nghĩnh, thể hiện sắc thái bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân xanh mơn mởn, mùa đông với gam màu lạnh, mùa hè đỏ rực và sắc vàng của mùa thu là sự giao hòa của thiên nhiên, đất trời.
Họa sĩ Nguyễn Đức Phước chia sẻ, “Duyên bốn mùa” chính là ký ức và khao khát quay trở lại với thế giới tuổi thơ trong trẻo của anh. Chiếc bàn học do ông nội làm, những họa tiết về con mèo, con chó, chiếc xe đạp, xe ô tô, bông hoa... gắn bó với Phước từ thời thơ ấu đều được anh "đẩy" vào thế giới nghệ thuật. Trên mỗi thân cây còn được gắn chiếc đồng hồ thể hiện mong ước cháy bỏng quay về với tuổi thơ hồn nhiên.
“Với tôi, tất cả những ký ức thơ bé đều vẹn nguyên, trong trẻo. Tôi luôn muốn quay lại thời gian để được vui đùa với tuổi thơ. Triển lãm này không phải là nhiều hay ít, đẹp hay xấu mà mọi người được tiếp xúc, tương tác để nghĩ về ký ức của tuổi thơ”, Phước tâm sự.
Hướng đi mới của sơn mài
Có ba mẹ đều là họa sĩ, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, Nguyễn Đức Phước tiếp xúc với hội họa từ bé. Năm lên 6 tuổi, Phước đã tập tành vẽ những bức sơn mài đầu tiên. Hơn 20 năm cầm cọ, Phước thể nghiệm với nhiều chất liệu, loại hình, từ hội họa, điêu khắc đến nghệ thuật đa phương tiện nhưng nhiều nhất là tranh sơn mài.
Lần đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhân nhưng tác phẩm của họa sĩ trẻ này tạo được sự tò mò, mới lạ, thích thú đối với công chúng. Với ý nghĩ đơn giản là thể hiện thế giới tuổi thơ nhưng trong triển lãm “Duyên bốn mùa”, Phước đã làm được hơn thế. Nhiều họa sĩ đàn anh đều cho rằng, Nguyễn Đức Phước đã góp thêm cho sơn mài một cách nghĩ khác, khoác lên cho tranh sơn mài một chiếc áo sống động hơn, đó là tính ứng dụng, tương tác. Điều này gần như chưa có ai làm.
Người xưa đã sử dụng sơn mài để trang trí lên những cái chén, cái bát, cái khay, cái mâm... nhưng qua thời gian, sơn mài được dùng trong cung vua và giới quý tộc với những sơn son thếp vàng, được dùng để sáng tạo nghệ thuật và dường như trở nên xa cách. Là một người trẻ, Phước đã thoát ra khỏi những khuôn mẫu. Mọi người thường chỉ dùng sơn mài để vẽ tranh nhưng Phước vượt được ranh giới nghệ thuật tạo hình, khơi gợi tính ứng dụng vốn có của sơn mài lâu nay đã bị lãng quên.
Nguyễn Đức Phước cho hay: “Mỹ thuật và nghệ thuật luôn thay đổi theo thời gian và luôn đem lại cho con người cảm xúc và thẩm mỹ thị giác. Nghệ thuật sơn mài cũng vậy. Đó là con đường mà tôi đang và sẽ luôn thay đổi. Ngày nay, nghệ thuật thị giác đã cho thêm khả năng tương tác giữa tác giả, tác phẩm và người thưởng ngoạn, đó cũng chính là mục đích mà tôi hướng tới”.
Trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật, Phước tỏ ra là người không đưa mình vào khuôn mẫu hay theo lối mòn của chính mình. Anh cứ vẽ một cách hồn nhiên, không theo một chủ đề cố định nào, không bị rập khuôn của ai, chỉ mải miết tìm tòi, khám phá sự mới lạ.
Họa sĩ Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật cho rằng: “Với triển lãm này, điều mọi người đánh giá cao là tính ứng dụng của các tác phẩm sơn mài. Nó cũng chứng minh Nguyễn Đức Phước có tài về hội họa, nhất là thể hiện ngôn ngữ sơn mài trong các kỹ thuật cẩn trứng, khảm xà cừ...”.
Bài, ảnh: Trang Hiền