ClockThứ Bảy, 08/09/2018 13:01

Vẽ chân dung Bác Hồ: sống động & chân thực

TTH - Thành kính, ngưỡng mộ và tri ân của nghệ sĩ tạo hình Huế, một phòng tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (từ ngày 30/8 đến 20/11), giới thiệu đến công chúng và du khách chân dung lãnh tụ một cách sống động, chân thực.

“Nụ cười của Bác” đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác về Bác Hồ

Tác phẩm “Nụ cười của Bác” đoạt giải nhất

Sau ba tháng phát động, cuộc thi sáng tác mỹ thuật “Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình Huế” do Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Mỹ thuật, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế phối hợp tổ chức thu hút đông đảo các nghệ sĩ tạo hình Huế, từ các nghệ sĩ gạo cội, có người đã từng được gặp Bác Hồ, gắn bó cả cuộc đời với những tác phẩm về Người, đến những nghệ sĩ trẻ là những sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học. 52 tác phẩm, trong đó có 48 tác phẩm được chọn triển lãm, thể hiện các góc nhìn khác nhau nhưng đều ăm ắp tình cảm về Bác Hồ kính yêu.

Tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những khoảnh khắc” đoạt giải nhì

Bao gồm nhiều thể loại như điêu khắc, hội họa, đồ họa; phong phú về chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, acrylic, trúc chỉ, lụa và cả chất liệu lạ, hiện đại như dây thép, đinh phim kẽm… các tác giả không chỉ thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh mà cả những di tích, địa điểm, công trình tưởng niệm liên quan đến Người ở Thừa Thiên Huế. Các tác phẩm cũng thể hiện nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau: Hiện thực, bán hiện thực, tượng trưng, ẩn dụ và biểu tượng… nhưng đều thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh với khí chất tinh thần của lãnh tụ, tinh thần nhân văn cao cả và lý tưởng khát vọng độc lập cho dân tộc.

Theo ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình tượng khó sáng tạo đối với giới văn hóa nghệ thuật, nhất là việc tránh lặp lại, lôi cuốn theo lối mòn khô cứng hay rập khuôn. Hơn nữa, đề tài về lãnh tụ luôn là đề tài có sự nhạy cảm chính trị không được phép sai lầm trong sáng tác. Các họa sĩ – nhà điêu khắc Thừa Thiên Huế đã vượt lên những khó khăn ấy để sáng tạo và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Các tác phẩm đều có chất lượng nghệ thuật tốt, sâu sắc về nội dung, phong phú sinh động về ý nghĩa và có nhiều tìm tòi, sáng tạo mới mẻ về hình thức thể hiện, tạo nên những cách nhìn mới, đầy tính nhân văn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khá nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia cuộc thi và giành được giải thưởng cao.

Tác phẩm “Vọng nguyệt” - Lê Ngọc Thái đoạt giải ba

Nhiều tác giả tự tin trong cách thức thể hiện, diễn tả hay sử dụng chất liệu để làm nên cái mới trong tiếp cận hình tượng Hồ Chủ tịch, như sự đặc tả tinh tế đầy tính nghệ thuật của Trần Hữu Nhật, sự táo bạo về thủ pháp tạo hình tượng trưng của Hoàng Thanh Phong, mạnh dạn trong sử dụng chất liệu và kỹ thuật tin của Võ Quang Phát…

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, nhận xét: “Những tác phẩm được trao giải có chất lượng nghệ thuật khá tốt và đồng đều. Đó thực sự là những tác phẩm nổi trội ở tính nghệ thuật, kỹ năng diễn tả và thể hiện rõ nét, đầy sức truyền cảm về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấn tượng nhất là tác phẩm của những họa sĩ trẻ có sự đột phá, hội tụ được cảm xúc về nhân vật lịch sử, được thể hiện theo xu hướng nghệ thuật hiện đại có thể làm thăng hoa cảm xúc của người xem”.

Tác phẩm đoạt giải nhất “Nụ cười của Bác” của họa sĩ Trần Hữu Nhật đặc tả nụ cười hồn hậu của Bác bằng chất liệu mộc mạc: than trong bếp củi. Bức tranh tạo ấn tượng ở chỗ không phô diễn theo bố cục hiện đại hoặc cách vẽ bay bổng mà rất chân thực. Họa sĩ Trần Hữu Nhật chia sẻ: “Với nghệ sĩ tạo hình, chân dung Bác là một chân dung đẹp, toát ra thần thái của một vĩ nhân từ gương mặt, ánh mắt, nụ cười. Tôi không vẽ trọn vẹn chân dung mà miêu tả nụ cười của Bác, một nụ cười rất đẹp, phúc hậu, chân chất được thể hiện bằng gam màu đen trắng để hoài niệm, nhớ về Người”.

Tác phẩm đoạt giải nhì “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những khoảnh khắc” của họa sĩ Võ Quang Phát ghi lại những khoảnh khắc trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ lúc còn trẻ đến khi Người đi xa. Tác giả đã công phu sưu tập chân dung Bác Hồ qua các thời điểm lịch sử, rồi ghép lại thành chân dung lớn để kể lại câu chuyện về cuộc đời của Bác qua ảnh. Với kỹ thuật của công nghệ hiện đại, tác phẩm tạo ấn tượng thị giác tốt bằng ngôn ngữ đồ họa.

Đối với các nghệ sĩ tạo hình Huế, thể hiện đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tình cảm trân trọng, tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, vừa thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế, đồng thời tu dưỡng đạo đức, tâm hồn của người nghệ sĩ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh

Nguyen Van He’s Art Barracks vừa là không gian sáng tác, vừa là tổ ấm của gia đình nghệ sĩ sinh hoạt hàng ngày. Cũng chính nơi này, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè – chủ nhân của không gian đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trên nền chất liệu do anh sưu tập được từ tàn tích của chiến tranh.

Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh
Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

Ngày 28/10, Chi cục Dân số tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị truyền thông, hưởng ứng cuộc thi Sáng tác lô gô ngành Dân số do Cục Dân số, Bộ Y tế phát động nhằm phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…

Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

TIN MỚI

Return to top