ClockThứ Hai, 08/03/2021 09:00

Vẻ đẹp vô tận của sắc vàng

TTH - Một họa sĩ trẻ của xứ Huế - Trần Vĩnh Thịnh - đang gây sự chú ý của giới mỹ thuật và công chúng qua những cuộc triển lãm mới đây ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Huế. Người ta ấn tượng bởi cái màu vàng mà anh ta chuyên chú theo đuổi, tràn ngập trên những bức sơn dầu trừu tượng.

Triển lãm tranh về mùa xuân và con giáp

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với “Thịnh vàng” -biệt danh mới của Trần Vĩnh Thịnh - về cuộc chơi say mê của anh với màu vàng, khi mà hoa cúc, hoa mai đang nở vàng khắp các ngã đường của mùa xuân Tân Sửu. Một sự trùng hợp thú vị: Cơ quan quản lý màu toàn cầu Pantone cũng chọn màu của năm 2021 là vàng tươi và xám nhẹ, theo New York Times.

Đến lúc này, màu vàng đã gắn vào cái tên Trần Vĩnh Thịnh. Theo anh, màu vàng chọn anh hay anh chọn màu vàng?

Nói chính xác thì màu sắc cũng không thuộc về ai hết cả. Vì tự nguyên thủy, nó đã như vậy, đã tự vốn có (cũng như vốn không), nên nói màu vàng của Thịnh là không phải. Vậy nên, thật khó có thể nói màu vàng chọn tôi hay tôi chọn màu vàng. Nó chỉ là một giai đoạn của tâm lý thôi, bởi vì người nghệ sĩ sáng tạo luôn luôn muốn trải nghiệm cái mới.

Tác phẩm “Điền” của Trần Vĩnh Thịnh

Màu vàng có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý, nhưng nó cũng có thể bị nhàm chán khi sử dụng quá mức. Nó có thể xuất hiện ấm áp và tươi sáng, nhưng nó cũng có thể dẫn đến mệt mỏi thị giác. Người ta nói về màu vàng như thế. Còn anh, đã chơi với màu vàng khá lâu rồi, anh có thấy mặt trái cũng như giới hạn của cái màu vàng ấy không?

Có những lần tôi thử nhắm mắt, và hình dung thử một cuộc trưng bày với hàng trăm bức màu vàng như vậy, thì nó sẽ ra sao. Và tôi thấy không sao hết. Ví như bầu trời màu xanh kia, anh nhìn thấy nó từ lúc sinh ra cho đến lúc già, có ai bảo chán bầu trời xanh đâu? Màu gì cũng thế, có thể nó hợp tâm lý lúc này nhưng nó không hợp lúc khác, hợp với người này và không hợp với người khác cũng là điều dễ hiểu, vì còn tùy vào tâm trạng và cảm xúc. Tôi đang chơi với màu vàng và tôi cũng sẽ chơi với màu khác trong một ngày gần. Tuy nhiên, tự thấy rằng để khai thác hết vẻ đẹp và sắc độ trong màu vàng là vô tận, lúc nào tôi cũng cảm thấy như mới bắt đầu, vì đường đi còn dài lắm. Gần đây, tôi cũng thử nghiệm dùng các màu tương tác với màu vàng để tạo nên hiệu ứng về thị giác, cũng như tạo chiều sâu cho chất liệu.

Trong những lời tâm tình, anh có nói tình yêu của anh với màu vàng từ màu của mùa thu, của vàng son cung đình Huế. Thế thì trong gam vàng của anh có màu vàng của hoàng mai - loài hoa đặc trưng, không thể thiếu vắng trong ngày tết của người Huế?

Lúc tôi còn nhỏ, nhà tôi và cả xóm tôi ở vùng biển hình như không có cây mai nào. Nhưng ở một ngôi nhà hoang xa xa có cây mai già, thường tết nào tôi cũng hay đến đấy “bẻ trộm” một cành nho nhỏ về cắm trong cái lọ cũ kỷ rồi ngồi ngắm thích thú. Có lẽ ký ức xa xăm trong tạng thức như thế, nên sau này lớn lên tôi thích trồng mai vàng, và đến nay tôi vẫn có một giấc mơ, mơ về tự tay trồng một rừng mai bên đồi hoang nào đó. Xem kỹ trong truyện Kiều, Nguyễn Du ví hoa mai là “hoa khôi”, loài hoa nở đầu tiên của đầu năm, như cái đẹp dẫn đầu, là bắt đầu một sự khởi tạo. Tôi thích sắc vàng trong hoa mai, vì nó mang lại sự rạng rỡ và tươi mới, lạc quan.

Tác phẩm “Tân Sửu” của Trần Vĩnh Thịnh

Màu vàng, vốn từ xa xưa đã thuộc về vua chúa và cung đình. Nhưng màu vàng cũng là màu của đất, của lúa, của người nông dân. Anh nghĩ gì về điều này?

Khi bắt đầu vẽ seri vàng này, tôi hoàn toàn không nghĩ những điều trên, mà nó bắt đầu từ việc sửa một bức tranh bị hỏng, chuyển dần sang màu vàng, rồi thấy hay hay thì làm tiếp. Dĩ nhiên, càng về sau tôi càng nghiên cứu và xem lại để khai thác màu vàng sâu hơn. Câu hỏi của nhà báo ứng với một bức tranh tôi vừa vẽ xong đợt cuối năm rồi, lấy tên là “Điền”. Đó là sắc vàng của ruộng lúa, màu trộn ánh lên như bạc của hành Kim, từng lớp sơn khô tạo cảm giác như những thân cây khô trong hành Mộc, tầng tầng lớp lớp cuốn trào như sóng biển của hành Thuỷ, các dòng sơn dẻo quánh tuôn trào như những dòng nham thạch của hành Hoả... Và gồ ghề, lồi lõm, nâu trầm như mặt đất bao la của hành Thổ. Tạo ấn tượng của Ngũ hành tương sinh tương khắc, sinh lão bệnh tử của quy luật tự nhiên. Như khởi đầu và kết thúc cũng là đất.

Mùa xuân này, anh có bức tranh màu vàng nào để đón chào con trâu Tân Sửu không?

Tôi vừa vẽ xong một bức tranh mới, có tên là “Tân Sửu”, khởi đầu cho một năm “cày bừa” căm cụi như trâu. Một gam vàng tươi tốt của đất đai và cây cỏ, như niềm tin vào thiên nhiên và lao động của con người.

Trần Vĩnh Thịnh sinh năm 1976, hiện sống tại Huế. Triển lãm cá nhân tại Nha Trang (1998), Đà Nẵng (1998), Hội An (1999). Triển lãm nhóm: Hội Ngộ các thế hệ họa sĩ Huế (2017), nhóm Kết Nối (Hà Nội 2017-2019), triển lãm tranh trừu tượng tại nhà đấu giá PI - Hà Nội (2019), Một sớm mai xuân (cùng Bùi Tiến Tuấn, Lê Minh Phong, Đỗ Anh Hoa do tạp chí LUXUO tổ chức tại TP. HCM (2019), triển lãm Một số gương mặt điển hình (Nhóm Viet art now) tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn - Hà Nội (2019), Triển lãm tranh tết tại Vicas Art studio - Hà Nội (2020), triển lãm giao lưu với CLB họa sĩ Mekong Art tại TP. HCM (2020), triển lãm Nhóm họa sĩ Kết Nối lần thứ 4 tại TP. HCM (2020), triển lãm Nhóm Phiêu Sắc tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (2020).

MINH LÊ (Thực hiện) - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những ẩn hiện và thông điệp đời sống được đưa lên tranh

Sau thời gian trưng bày ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những tác phẩm thắng giải cuộc thi UOB Painting of the year 2023 đã được ban tổ chức đưa đến Huế để công chúng thưởng lãm. Ở đó những tác phẩm như đưa người xem lạc lối những khoảnh khắc dịu dàng đan xen giữa những rối ren, mệt mỏi của đời sống hiện đại.

Những ẩn hiện và thông điệp đời sống được đưa lên tranh
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Lan tỏa Văn hóa Việt Nam qua Triển lãm 'Không gian Văn hóa Việt' tại Mỹ

Những vật phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam như mô hình trống đồng, Khuê văn các, trang phục áo dài trên chất liệu lụa truyền thống, gốm Chu đậu, đồ sơn mài, mây tre... đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ lựa chọn kỹ càng mang tới trưng bày tại triển lãm mang tên “Không gian Văn hoá Việt Nam”.

Lan tỏa Văn hóa Việt Nam qua Triển lãm Không gian Văn hóa Việt tại Mỹ

TIN MỚI

Return to top