ClockThứ Năm, 27/01/2022 08:00

Vẽ hổ đón Tết Dần

TTH - Ra mắt công chúng đúng vào ngày tiễn ông Táo về trời - 23 tháng Chạp, triển lãm tranh con giáp là cách để giới mỹ thuật tiễn đưa năm cũ, nghênh đón năm mới Nhâm Dần 2022. Năm nay, do dịch COVID-19 không thể trưng bày trực tiếp, các họa sĩ vẫn giới thiệu tranh con giáp bằng hình thức triển lãm online.

Triển lãm tranh mừng năm mới Nhâm Dần

Tác phẩm “Bạch tiểu hổ” của họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa

Vào ngày 23 tháng Chạp, gallery Sông Như ra mắt phòng tranh con giáp với chủ đề “Cọp kẹt COVID”, giới thiệu 20 tác phẩm của họa sĩ Đặng Mậu Tựu trên mạng xã hội facebook. Triển lãm “Mùa xuân và con giáp” online do Hội Mỹ thuật tổ chức trong dịp này cũng giới thiệu một số bức tranh về con giáp Nhâm Dần.

Đến gallery Sông Như những ngày này, có thể thấy căn phòng đầy ắp những bức họa về hổ của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, với nhiều trạng thái, cung bậc. Đó là những câu chuyện về hổ, gia đình hổ với dáng vẻ suy tư, lãng mạn, dũng mãnh hay tươi cười, gần gũi. Hổ đi từ truyền thống, dân gian đến hiện đại…

Tác phẩm “Cùng cọp chờ thời” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu

Bằng phong cách tả thực, trừu tượng kết hợp với những nét cách điệu, biến hóa sinh động, hình tượng con hổ hiện lên trong tranh họa sĩ Đặng Mậu Tựu bằng dáng vẻ mạnh mẽ, cảm xúc hân hoan, thể hiện ước vọng về một năm mới may mắn, thắng lợi. Cảm hứng về những đường nét mạnh mẽ tạo nên vẻ đẹp riêng cho hình tượng con vật. Xem tranh họa sĩ, có thể nhận thấy con giáp Nhâm Dần hiền hòa, thân thiện khi con người thuần phục được nó.

Trong bức tranh “Cùng cọp chờ thời” là hình ảnh một chú bé cưỡi trên lưng hổ chơi đùa. Con giáp được vẽ theo nét tranh dân gian Đông Hồ, vừa mạnh mẽ vừa chất phác, thuần hậu. Chiếc trống lung tung trên tay đứa bé vừa là trò chơi nhưng cũng tượng trưng cho sự cân bằng âm dương theo quy luật của tạo hóa.

Hổ trong tranh của họa sĩ Phạm Trinh

Hình tượng con hổ trong nhiều bức tranh khác được họa sĩ Đặng Mậu Tựu vẽ cách điệu hoặc nhân cách hóa để gửi gắm những thông điệp, ước vọng. Với tác phẩm “Ước mơ mẹ cọp” và “Con hổ phồn thực”, hình ảnh cọp mẹ được nhân cách hóa để tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, hài hòa âm dương. Trong “Ước mơ mẹ cọp”, họa sĩ còn gửi gắm mong muốn thời sự: con người khống chế được dịch COVID-19 trong năm mới, thể hiện qua hình ảnh chân cọp đạp lên COVID-19, hai tay giữ chắc màu xanh của quả địa cầu.

Tác phẩm "Gia đình" của họa sĩ Đặng Mậu Tựu

Nhiều họa sĩ khai thác đặc tính, dáng vẻ của con giáp Nhâm Dần để thể hiện ước vọng sum vầy, phồn vinh. Trong hai tác phẩm “Tô-tem rừng già 1 và 2” bằng sơn mài, nghệ sĩ Nam Thành Trung lấy cảm hứng từ hình ảnh con hổ trong tranh dân gian và làm mới hình tượng với cách xử lý kết hợp ngôn ngữ đồ họa. Bức tranh mang đến cho người xem trải nghiệm mới lạ trong dịp năm mới, đồng thời suy ngẫm về bóng dáng của chúa tể nơi đại ngàn, một con vật cực kỳ mạnh mẽ nhưng cũng là cá thể đang dần mất hút khi không gian thiên nhiên đang dần bị thu hẹp.

Bức tranh vẽ hổ của họa sĩ Trần Hữu Nhật là cách anh cảm về linh vật với sự dũng mãnh qua sự phóng túng về màu sắc và đường nét. Trần Hữu Nhật chia sẻ, anh vẽ hình tượng con hổ trong tâm thế lạc quan, giai sắc tươi sáng với khát khao ánh bình minh năm mới xua tan những vận hạn của năm cũ, sớm hết dịch COVID-19 và nhân loại lại ổn định trong cuộc sống thanh bình.

Tác phẩm “Ngọa hổ” của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức

Nhiều bức tranh cũng tạo hình con hổ đầy mạnh mẽ, khoáng đạt. Ba bức tranh con hổ bằng sơn mài của họa sĩ Phạm Trinh là khí phách uy mãnh qua hàm răng sắc nhọn, đôi mắt rực lửa trên nền hòa sắc ấm, biểu hiện nguồn năng lượng mạnh mẽ và ước mong năm mới phát đạt. “Ngọa hổ” của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức vẽ con hổ ở tư thế vồ mồi với tất cả vẻ mưu trí, dũng mãnh, nhẫn nại, biết cương nhu đúng lúc… mang đến cho người xem thông điệp cần dụng lực và trí để ứng xử mọi việc phù hợp. Cũng có khi, hổ hiền hòa, gần gũi mỉm cười nghênh đón mùa xuân. Bức tranh “Bạch tiểu hổ” của họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa biểu hiện con vật rất nữ tính theo cách nhìn của một họa sĩ nữ, vừa mạnh mẽ nhưng cũng nhu mì, hiền lành.

Tác phẩm “Con hổ” của họa sĩ Trần Hữu Nhật

Một số tác phẩm khai thác những câu chuyện dân gian của con giáp Nhâm Dần để thể hiện sự sum vầy, tình cảm gắn bó, yêu thương trong ngày tết. Hình ảnh sum họp đầm ấm trong bức tranh “Gia đình” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu gửi đến người xem thông điệp sâu sắc về ý nghĩa của sự gắn kết yêu thương gia đình. Hổ trong tranh còn được nhân cách hóa với đầy đủ cung bậc cảm xúc, yêu thương, nồng nàn, lãng mạn…

Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật, sự thay đổi con giáp hằng năm là nguồn cảm hứng thú vị với nghệ sĩ tạo hình. Năm nay, con hổ là con vật có cấu trúc tạo hình đẹp, gần gũi với văn hóa người Việt nên được các họa sĩ thể hiện sinh động, truyền tải cách nhìn, cảm xúc riêng của từng người.

Sức cuốn hút của mỗi bức tranh không chỉ bởi chân dung con giáp được mô tả sinh động với đủ tư thế, màu sắc, mà còn rất cá tính, gần gũi với đời sống và mang hơi thở của mùa xuân. Từ đó, người thưởng lãm có thể tìm thấy nhiều chi tiết đắc ý để ngẫm nghĩ, kỳ vọng khi bước chân vào ngưỡng cửa Nhâm Dần.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải 3 cuộc thi: Sáng tác ca khúc về truyền thống, sáng tác logo truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và cuộc thi viết “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” tỉnh lần thứ 3, năm 2024; đồng thời, công bố phim tài liệu về lịch sử truyền thống LLVT tỉnh.

Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế
Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến

Ngày 14/12, Đại hội Tim mạch học toàn quốc lần thứ 19 chính thức khai mạc, thu hút 2.200 đại biểu và hội viên trong, ngoài nước. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới", đại hội diễn ra với nhiều hoạt động đến ngày 15/12.

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến
“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”

“Ngoài đề tài văn hóa di sản của Huế, điều mà tôi ấn tượng và cảm xúc trong quá trình sáng tác ảnh nghệ thuật ở vùng đất này đó chính là con người. Người Huế bình dị, mộc mạc và có “chất” riêng”, nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Vĩnh (sinh năm 1986, Gia Lai) – người vừa được xướng tên với giải thưởng tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về Huế với bộ ảnh “Quần thể di tích Cố đô Huế” đã trải lòng như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”

TIN MỚI

Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift
Return to top