ClockThứ Năm, 27/10/2011 14:33

Năm tháng - những khoảnh khắc màu

TTH - Mùa đông 1974. Đại ngàn Trị Thiên thâm u trĩu nặng những nỗi niềm. Cha mẹ, người thân và một quê nhà ngút xa chưa biết bao giờ gặp lại. Mù - mây mờ mịt suốt ngày dài. Bếp lửa giữa nhà gom giữ niềm tin về một ngày mai. Tiếng mưa dai dẳng và giọng suối rì rầm rào quanh, chập chờn cái chết - sự sống. Rừng nuôi giữ chở che. Rừng những cánh tay tiếp truyền hy vọng. Rừng chiếc nôi đầu tiên của người và rừng tấm áo che quả đất trong cuộc viễn hành không hẹn hò bất trắc giữa thiên hà vô tận. Nơi ấy, chúng tôi chìm trong XANH, nhiều sắc độ. Nơi ấy, nỗi lo của chúng tôi là mai kia sẽ quên đi đại ngàn xanh, sẽ ngạt thở trước những phản quang lừa dối. Nỗi sợ ấy đã giữ cho trái tim còn được sự trung thực cho đến bây giờ: Muốn sống không quên, phải nhìn thấy được chính cái - ta - ngày - mai, ngay từ hôm nay.

Những nhà sàn tồi tàn bẩn thỉu. Những trẻ em đen đũi gầy còm phơi lưng trần giữa nắng. Những người già thầm lặng cong lưng dưới gánh cũi nặng. Những con bò bạc thếch uể oải vẫy đuôi theo thói quen xua bầy ruồi đói đông đặc… Đấy là một vùng quê Campuchia năm 2003. Hơn ba mươi năm trước, là như thế. Giờ đây, vẫn là như thế. Lưu vực phù sa màu mỡ, mà sao người vẫn thiếu nghèo! Nơi ấy, màu VÀNG của đất cũng là một chở che: vùng ven biên giới Việt - Miên trên đất Chùa Tháp, những năm tháng ấy, là cái nôi của phong trào đấu tranh đô thị miền Nam. Hơn ba mươi năm, thời gian đủ dài cho những nhìn ngắm và nghĩ suy. Và làm sao bao nhiêu suy nghiệm lại có thể không đặt trên Đất? Đất của Người.*

Sau Tết âm lịch, Củ Chi mùa xuân 1973. Bạt ngàn cỏ đuôi chồn, thứ cỏ hủy diệt môi sinh. Trong rừng cỏ, gió lao xao tiếng nói thâm hiểm của chiến tranh. Dừng ở một chặng đường hành quân. “Giặc bắn em rồi quăng mất xác”… Đất lại trở thành cái nôi bao bọc thân xác đàn con. Chỉ còn vương vãi đôi mảnh áo quần vây máu của những nữ du kích trên đất này. Chỉ còn niềm thương căm giận, nhọn hoắt đọt măng tầm vông dựng hình dáng lê đâm. Máu ĐỎ bầm còn vương trên đất khét trộn vào máu đỏ tươi đang tràn trong huyết quản chúng tôi. Và đường chúng tôi đi có tiếng cười em thơ trong sạch từ nỗi ngậm ngùi của lời mẹ ru xưa. Có tiếng chim khuya làm bền thêm những đôi chân nhỏ. *

Những buổi chiều quê cũ. Mây TRẮNG bồng bềnh bên trên dòng sông thả xuống những mái rêu phố cổ một ánh sáng huyền ảo mà thân quen. Phố trôi đi. Và người cũng trôi theo dòng sáng ấy. Nhiều năm sau, đôi mắt đã đến với bao miền xa lạ, với trắng mây dưới biển trên ngàn. Và sau bao nhiêu ngọt ngào đắng cay của cuộc phù thế, mây trắng tuổi thơ sẽ dẫn đến trắng mây tuổi già trong biểu tượng của sự Vượt Ra khỏi những định thức trói buộc. Trắng không màu, là cái nôi êm tan hòa của các sắc màu. Là cảnh của KHÔNG, nơi bắt đầu của vạn hữu. Xanh khởi nguồn sự sống, là chốn trần gian đau khổ và đẹp tươi này.

*

Qua những sắc cầu vồng với đủ phận người lớn lao mà bình dị, để biết giữ màu XANH cứu rỗi cho trái đất này.

Nguyễn Đông Nhật
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân lên giá trị nhân văn từ Hội sách Hà Nội

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10), Hội sách Hà Nội lần thứ chín với chủ đề “Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” vừa khép lại.

Nhân lên giá trị nhân văn từ Hội sách Hà Nội
Nghệ sĩ saxophone trẻ đầy triển vọng

Ở Huế người chơi kèn Tây không nhiều, bởi đây là một nhạc cụ khó không chỉ về kỹ thuật mà đòi hỏi rất cao về sức khỏe. Với tiếng kèn mạnh mẽ mà du dương cùng phong thái biểu diễn tự tin, Nguyễn Huỳnh Thái Bình, sinh viên năm 2 chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Học viện Âm nhạc Huế, là ngôi sao trẻ đang lên của giới saxophone Cố đô.

Nghệ sĩ saxophone trẻ đầy triển vọng
Nhạc sĩ Mặc Hy nặng lòng với Huế

Trong “Lời tự bạch” đề tựa cho cuốn sách cuối đời của mình, nhạc sĩ Mặc Hy viết: “Đừng để dương gian nhiều mũ áo/ Mà rồi âm phủ thiếu đèn nhang”. Hai câu thơ đó khiến nhiều người nhớ ông, như nhớ chòm râu trắng dài và nụ cười hồn hậu như ông tiên của ông. Nhưng nhớ nhiều hơn là sự im lặng và lặng lẽ sống, lặng lẽ đi, lặng lẽ viết, lặng lẽ hát xẩm, lặng lẽ đến với bà con miền núi xa xôi… của ông.

Nhạc sĩ Mặc Hy nặng lòng với Huế
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đoạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024

Ngày 5/10, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2024. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế vinh dự được vinh danh tại hạng mục Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số (CĐS) xuất sắc với giải pháp “Ứng dụng công nghệ số bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế”.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đoạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024
Return to top