ClockThứ Tư, 12/02/2014 14:42

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 hứa hẹn nhiều bất ngờ

TTH.VN - Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức trong hai ngày 14 và rằm tháng Giêng (13-14/2), tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. 

Bước sang tuổi 12, sự kiện văn hóa đặc biệt này được chuẩn bị chu đáo, hứa hẹn mang lại nhiều bất ngờ, góp phần khẳng định “thương hiệu” hơn 10 năm qua.

Theo nhà thơ Đỗ Hàn - thường trực Ban tổ chức, với chủ đề “Mùa Xuân đất nước,” các tiết mục văn nghệ, trình diễn, ngâm thơ của Ngày thơ sẽ tập trung và hướng đến việc khẳng định chủ quyền Tổ quốc nơi biển đảo và kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Ngày thơ Việt Nam năm nay vẫn duy trì ở hai sân thơ chính là Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Bên cạnh đó còn có sân thơ của 26 câu lạc bộ thơ và bốn trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội (Bách khoa, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại Nam, Văn hóa nghệ thuật quân đội) với các hoạt động giao lưu, đọc thơ, giới thiệu các ấn phẩm văn học.

Trên Sân thơ truyền thống, nơi nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình, các bài thơ được trình bày là những tác phẩm lấy cảm hứng từ tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là những bài thơ ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, năm nay, những vần thơ của Bác Hồ được lấy làm chủ đạo và được thể hiện bằng hình thức mới. Trong đó, bài “Nguyên Tiêu” được thể hiện bởi hai nghệ sĩ theo hình thức ngâm và “múa bút” thành tranh thư pháp ngay trong lễ khai mạc Ngày thơ.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn, Trưởng ban Nhà văn trẻ chia sẻ Sân thơ trẻ mang chủ đề “Từ Điện Biên đến Hoàng Sa, Trường Sa” sẽ được dàn dựng theo kịch bản kết nối, có sự tương tác giữa các nhà thơ trẻ để tạo nên không khí thơ sôi động, trẻ trung, đầy sức sáng tạo. Sân thơ này ấn tượng hơn dưới bàn tay thiết kế của họa sỹ Lê Thiết Cương và sự tham gia của hai nhà thơ với vai trò “hoạt náo viên” là Nguyễn Vĩnh Tiến và Vi Thùy Linh.

Có thể cho rằng Sân thơ trẻ năm nay vẫn là “đất diễn” của tuổi trẻ bởi nó tiếp tục đề cao tuổi trẻ, trách nhiệm, tình yêu nước của những chủ nhân tương lai trong xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, sân thơ còn là sự tiếp nối mạch nguồn của Sân thơ trẻ 2013 khi khơi dậy tinh hoa, khí phách, làm sống dậy không khí yêu nước ở thế hệ thanh niên ngày nay qua những áng thơ hùng tráng.

Sân thơ Câu lạc bộ với chủ đề “Thơ trăm miền” được đưa về Vườn Giám thay vì khu vực Hồ Văn như nhiều năm. Sân thơ này năm nay sẽ duy trì suốt cả ngày 14/2 theo tinh thần thi ca là hoạt động xã hội. Tại đây cũng có hoạt động cho chữ, cho thơ của các ông đồ, tặng sách, tặng thơ của một số nhà xuất bản, tác giả.

Việc chọn 50 câu thơ thả lên trời trong Lễ khai mạc Ngày thơ năm nay có phần vất vả hơn vì phải đáp ứng đủ các tiêu chí: thơ hay, độc đáo, thể hiện đúng tinh thần tôn vinh thi ca nước Việt. Bộ phận chọn thơ gồm sáu nhà thơ cần mẫn và tài năng đã bắt đầu công việc lựa chọn cách đây hơn hai tháng. Thơ được thả sẽ in trên các giải phướn gắn với bóng bay; bên cạnh đó còn được in ra tặng tác giả hoặc các bạn yêu thơ.

Đến thời điểm này, hơn 50 tỉnh-thành có kế hoạch tổ chức Ngày thơ, song Văn Miếu-Quốc Tử Giám vẫn là tâm điểm của mọi hoạt động. Một trong những điểm mới nữa là tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bảy tỉnh-thành Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Giang, Lạng Sơn sẽ tụ hội với gian hàng và các hoạt động văn nghệ đặc trưng.

Đáng chú ý là trong Ngày thơ Việt Nam 2014, các tiết mục văn nghệ của các vùng như biểu diễn múa hát Mông (tỉnh Hà Giang), Đàn tính (Lạng Sơn), hát Quan họ (Bắc Ninh), múa Trống cơm (Hải Dương), hát Chầu văn (Nam Định) sẽ biểu diễn xen kẽ góp phần nâng những cánh thơ.

Năm 2014 là mốc son đáng nhớ khi Việt Nam kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, do đó Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam sẽ mở những cuộc giao lưu với các văn nghệ sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như nhà văn Hồ Phương, Chu Phác, Lê Kim và nhạc sĩ Hoàng Vân để tạo sự kết nối, cảm xúc, hoài niệm giữa các tác giả với công chúng.

Bên cạnh đó, còn có triển lãm “50 năm lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ,” triển lãm ảnh các nhà văn tuổi Ngọ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán và triển lãm tranh của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen vẽ chân dung các bạn văn cựu binh Việt Nam. Đặc biệt, để tiếp nối Ngày thơ, Hội Nhà văn chủ trì chuỗi đêm thơ, nhạc tại Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên trong tháng Ba tới.

Ngày thơ Việt Nam năm 2014 đang đến rất gần, mọi công việc chuẩn bị hầu như đã hoàn tất. Ban tổ chức đã và đang làm những gì tốt nhất để Ngày thơ vẫn sẽ là ngày hội lớn, nơi gặp gỡ và khơi dậy tình yêu thi ca; thắp sáng tình yêu quê hương, đất nước trong hàng triệu trái tim Việt.

Mỹ Bình (Theo Vietnam+)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”

Bây giờ, rừng Ngọc Linh xanh ngắt vẫn um tùm bóng cây che trên di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: Ngục Đăk Glei. Hơn 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tiếng hát đi đày” ở ngay Đăk Glei tháng Giêng năm 1942: “…Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”. Bài thơ ấy đến nay còn vọng...

Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Return to top