ClockThứ Bảy, 02/07/2022 06:45

Nghe dòng sông kể chuyện

TTH - Mỗi hiện vật gốm là một câu chuyện, cứ thế nhiều hiện vật gộp lại đã tạo nên được một “trường ca” khiến người xem như đắm chìm vào một thế giới tưởng chừng chìm ở dưới đáy sông sâu. Sông Hương và sông Ô Lâu – hai con sông lớn của Huế là nơi có hằng hà sa số gốm được trục vớt lên, phản chiếu lịch sử của vùng đất ngàn năm văn vật.

300 hiện vật kể chuyện sông Hương và sông Ô Lâu

Những hiện vật gốm vớt lên từ sông Hương và sông Ô Lâu đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác

Những hiện vật ấy được trưng bày và khiến nhiều người xem ngỡ ngàng bởi không chỉ sự tinh xảo mà còn chứa đựng trên đó những bí ẩn, nét văn hóa tiêu biểu của mỗi thời kỳ.

Trong không gian Bảo tàng Lịch sử tỉnh những ngày tháng 6, có một triển lãm được nhiều người từ chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như du khách, người dân rất quan tâm. Với chủ đề “Câu chuyện từ những dòng sông”, bên trong không gian ấy, người xem như đắm chìm với hơn 300 hiện vật gốm được trục vớt từ hai dòng sông lớn đã quá đỗi quen thuộc của vùng đất Cố đô là sông Hương và sông Ô Lâu.

Ở đó, người xem như được chìm vào không gian khi được nghe “sông Hương kể chuyện” với rất nhiều hiện vật gốm có từ thời Lý, Trần, Lê sơ, Nguyễn từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX được trục vớt lên từ chính con sông hiền hòa, thơ mộng. Mỗi hiện vật ẩn mình trong đó một câu chuyện, nét đặc trưng riêng, nhưng tựu trung tất cả gắn bó mật thiết với đời sống, người dân Việt Nam nói chung và người dân vùng đất Cố đô nói riêng.

Gốm sông Hương và sông Ô Lâu không đơn thuần là gốm mà đó còn là những câu chuyện văn hóa ẩn sâu trong mỗi hiện vật

Phong phú không thua kém, những hiện vật được vớt lên từ sông Ô Lâu được kể bằng câu chuyện “Dấu tích xưa bên dòng Ô Lâu” với những chum, bình vôi… khiến người xem liên tưởng đến lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên còn lại cho đến ngày hôm nay. Hầu hết các hiện vật có niên đại từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XX được phát hiện dưới dòng sông Ô Lâu mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, là minh chứng khẳng định cho sự phát triển các làng nghề truyền thống của vùng đất.

Nhiều du khách đã trầm trồ bởi tưởng chừng dưới sông chỉ có con tôm, con cá, nào ngờ có một lớp trầm tích văn hóa dày đặc từ xa xưa còn tồn tại cho đến bây giờ. “Mình ấn tượng những bình vôi với đủ loại hoa văn tuyệt đẹp. Càng xem càng tò mò, không ngờ những hiện vật này lại được vớt lên từ dòng sông gắn bó với với tuổi thơ, cuộc sống của không chỉ riêng mình mà với nhiều người dân xứ Huế”, anh Nguyễn Long - một người dân thưởng lãm các hiện vật tâm sự.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho rằng, mỗi hiện vật là một câu chuyện. Tất cả là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chung về di sản văn hóa, ghi lại sự hiện diện của các nền văn hóa qua các thời kỳ lịch sử, cũng như quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Cố đô xưa. “Triển lãm lần này không chỉ đánh thức trong mỗi chúng ta hoài niệm về những dòng sông đã đi vào lịch sử, mà còn là dịp hội tụ của những người yêu quê hương, yêu văn hóa Huế có thêm điều kiện gặp gỡ, trao đổi, giao lưu văn hóa”, ông Lộc chia sẻ.

Đưa một số hiện vật gốm trong bộ sưu tập của mình đến với triển lãm, GS.TS. Thái Kim Lan, Giám đốc Bảo tàng gốm cổ sông Hương nói rằng, những hiện vật đã kể câu chuyện của các dòng sông chảy qua bao nhiêu cuộc sinh thành, bao nhiêu thế hệ nhân sinh đã cưu mang trầm tích, tự kể chuyện mình.

Những dòng sông ấy đã mang dấu tích văn minh và văn hóa không những của con người trên mảnh đất Thuận Hóa, mà còn là những dòng giao lưu không ngừng nghỉ giữa bản địa và thế giới bên ngoài, trên đất Việt và những nơi xa xôi, nối với nghìn năm trước và với nghìn năm sau, và còn mai sau nữa.

Theo bà Lan, dòng sông đã ôm hết trầm tích con người, để gìn giữ cho con người, kể câu chuyện lịch sử, văn hóa chung hay truyền thống nếp nhà riêng, dòng sông vẫn giữ y nguyên như thế, bao dung và cẩn mật, góp phần vào sự tồn tại trù phú và an lạc.

Do vậy, những hiện vật gốm công bố đến người xem có lẽ là bước khởi sự của những dòng nước lan tỏa câu chuyện con người, cùng chung trong một câu chuyện con người, nối gần những giới hạn, nâng cao chí hướng tôn trọng vẻ đẹp, nguồn sống thẩm mỹ và từ đó giữ nếp văn hóa, văn minh cho cộng đồng an sinh. “Hôm nay nối kết các dòng sông kể chuyện, trong hy vọng, biết đâu nay mai, đồi và núi trên hành tinh này cũng sẽ nghiêng đầu bên nhau với những câu chuyện không cùng về một chân trời hòa bình và an lạc?”, GS. Lan hy vọng.

Sự kết hợp giữa bảo tàng công và tư

Triển lãm gốm này là sự kết hợp giữa hai bảo tàng công - tư: Bảo tàng Lịch sử tỉnh và Bảo tàng gốm cổ sông Hương. Thông qua triển lãm này tạo ra mối quan hệ liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai đơn vị. Đồng thời, giúp cho các nhà nghiên cứu và du khách đến với Huế có thêm tư liệu quý trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dưới nước. Ngoài ra, góp phần tri ân các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật - những người đã có những đóng góp vào công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các cổ vật trong thời kỳ hiện nay.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển mùa

Đã qua tiết thu phân. Ngọn gió ngoài sông phả về hơi lạnh nghe ra mùi hương đất đai kỳ hoai ủ. Con nhóc giờ này năm xưa rén nhẹ bước chân vo bơ gạo độn khoai, rang thêm mẻ hạt dầu với ruốc. Một phần cho mẹ ra đồng, phần nữa con theo đám các bà dì đi qua chợ huyện rồi đến trường học. Những ngọn đồi mù mịt trong mưa. Đứa trẻ mắt nhắm mắt mở thấy mình mãi vòng quanh không qua hết bìa rừng... Nó ứa nước mắt thèm ngủ vùi trong mùi lá còn vương.

Chuyển mùa
Sưu tập tranh quý, dù chưa có không gian trưng bày

Sau hơn 5 năm thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã sưu tập được 68 tác phẩm, kinh phí từ ngân sách nhà nước. Năm 2024 này, Bảo tàng dự kiến sẽ đề xuất UBND tỉnh sưu tập thêm 4 tác phẩm. Hội đồng thẩm định tác phẩm của Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã họp và thống nhất trình danh sách 4 tác phẩm đề xuất sưu tập. Trong số đó, đáng chú ý có tác phẩm “Cảnh trong vườn” của họa sĩ Tôn Thất Đào (1910-1979).

Sưu tập tranh quý, dù chưa có không gian trưng bày
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Cuộc “hội ngộ” gốm của 9 nghệ sĩ

Những sản phẩm, tác phẩm gốm với đủ hình khối lạ mắt, độc đáo đã gây tò mò với công chúng tại triển lãm gốm nghệ thuật vừa được khai mạc chiều 25/8 tại không gian Lan Viên Cố Tích 2 thuộc Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (94 – 96 – 98 Bạch Đằng, TP. Huế).

Cuộc “hội ngộ” gốm của 9 nghệ sĩ
Return to top