Nón bài thơ có hình ảnh các di tích lưu niệm Bác Hồ ở Huế
Nghệ nhân làm nón Thái Đô sinh ra và lớn lên ở làng quê Mỹ Lam thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang nơi có nghề làm nón truyền thống hàng trăm năm nay.
|
Hình ảnh Đình làng Dương Nổ trên chiếc nón lá
|
Bằng tình yêu, sự tâm huyết với nghề, nghệ nhân Thái Đô đã đưa những chiếc nón lá vượt ra khỏi khuôn khổ của một sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt, trở thành nghệ thuật làm nón lá. Năm 2012 ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Cũng trong năm này, ông đã làm ra chiếc nón bài thơ lớn nhất Việt Nam, và năm 2013 phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh cho ra đời bộ nón bài thơ (16 chiếc), có hình ảnh các di tích lưu niệm về Bác Hồ.
Cái khó của sản phẩm này là phần hình ảnh sao cho những hình ảnh di tích lưu niệm về Bác Hồ đẹp, sống động. Sau nhiều đêm miệt mài phác họa, tô màu, trổ trên giấy bộ hình mẫu những di tích gắn bó với thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, như: Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Dương Nổ, Đình làng Dương Nổ, Trường Quốc Học, Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan... đã ra đời, ẩn chìm trong hai lớp lá của chiếc nón bài thơ. Dưới ánh nắng rực rỡ của Huế, những hình ảnh trở nên sống động, tươi tắn và đẹp lạ thường. Lần đầu tiên, những hình ảnh về di tích Bác Hồ được đưa lên nón bài thơ của Huế.
Những tác phẩm mây tre họa thơ Bác Hồ
Được tặng danh hiệu nghệ nhân từ năm 2012, hai ông Võ Chức và Thái Phi Hùng là những người có đóng góp rất lớn trong việc phát triển nghề mây tre đan truyền thống của HTX Mây tre đan Bao La. Hai ông nghiên cứu, phát triển nhiều mẫu sản phẩm mới về hàng mây tre đan mỹ nghệ để phục vụ du lịch.
Làm những tác phẩm lưu niệm về Bác Hồ luôn được hai ông suy nghĩ với nhiều tâm huyết. Sau nhiều ngày trăn trở, các ông đã quyết định thể hiện những bài thơ của Người trên chất liệu mây tre đan Bao La. Bốn bài “Cảnh khuya”, “Rằm tháng giêng”, “Đi đường”, “Ngắm trăng” đã ra đời dưới đôi tay cần mẫn chuốt từng thanh tre, sợi mây, kỳ công trổ từng con chữ trên những miếng tre mỏng manh. Những bài thơ mang hồn non nước của Người nay đọng lại trong từng tác phẩm của làng nghề truyền thống bình dị mà thanh thoát.
Những tác phẩm đơn sơ, mộc mạc của những nghệ nhân làng nghề truyền thống Huế đã thể hiện được cái tâm, cái tài và tấm lòng tri ân đối với Bác Hồ kính yêu.