Qua khỏi một ngã ba thuộc tỉnh Daklak, đã là Phú Xuân. Tôi đã không hề biết rằng, tuyến đường ấy lại chạy qua ngay trung tâm xã, nơi mà cách đây hơn 20 năm, mình đã trú chân đến gần cả tháng trời trong chuyến thực tập non dại đầu tiên. Lâu quá, nên không còn có thể nhận vì bao thay đổi. Nhưng cái chỉ “thuộc tính” Huế nơi cao nguyên mênh mông này thì chắc hẳn là đích xác, không chỉ là tên gọi, không chỉ là giọng Huế vọng lên nhiều hơn mà chính là những hàng chè tàu đều đặn và thẳng tắp khá nhiều bên đường...
Con đường ngược nắng. Đã bắt đầu dã quỳ với màu rực vàng trên các ngọn đồi. Với tôi, dã quỳ không còn là sự đánh thức ngỡ ngàng ban đầu mà vàng, nồng ấm như người quen cũ. Vẫn ngằn ngặt trong gió và trải vào mênh mang. Không còn bỡ ngỡ, không còn lạ lẫm, nhưng chưa hẳn đã là điều quen thuộc, dã quỳ vẫn cứ là một cảm giác vừa đầy chật lại vừa chơi vơi. Vừa thành thực lại vừa mơ hồ. Vừa tin cậy lại vừa như có điều chi ngần ngại...
Thế nên tôi mới ngược đường dã quỳ.
Nhưng thú thật là cho đến giờ này, vẫn chưa hiểu thêm được nhiều sau cái ngờm ngợp rực vàng kia...
Không thể biết nhiều và có lẽ, chẳng cần hiểu sâu về những tính cách Pleiku trộn lẫn trong một chiều chộn rộn, tôi chọn đêm cho một vòng dạo ngắn. Trong những quầng sáng ấm áp của phố, vẫn cứ thấy buồn cười vì những bộc lộ có vẻ như rất thơ trẻ vừa gặp. Điều này, dường như đã không hề có cả trong ký ức dã quỳ...
Có một chiếc mặt nạ gỗ, vừa láu lỉnh, lại vừa dữ dội, vừa thân thiện lại vừa xa cách mà ai đó đã gửi tôi như một món quà Tây Nguyên trong căn phòng khách sạn. Cái mặt nạ lúc ấy hình như cũng nhìn tôi với một cái nheo mắt và làm tôi phì cười.
Hình như người ta không hề cắm dã quỳ vào bình, phải không chị? Một phóng viên trẻ cùng đi trong chuyến rong ruổi kỳ này hỏi, rồi tự mình trả lời ngay sau đó rằng, nếu thế thì còn gì là dã quỳ. Lúc ấy đã là buổi sáng. Dã quỳ vẫn ngút ngát dại vàng bên đường...
Cái màu vàng miên man trong một chuyến ngược đường.
Hạnh Nhi