ClockThứ Tư, 01/09/2010 18:56

Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu

TTH - Lâu nay nhiều người đã đinh ninh rằng, chỉ đến khi vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao ấn kiếm cho Cách mạng (31/8/1945), cờ đỏ sao vàng mới lần đầu tiên tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu. Thực ra, từ 21/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên và kiêu hãnh tung bay ngay giữa đất trời của Kinh đô Huế, khi mà triều đại phong kiến nhà Nguyễn còn chưa cáo chung và phát xít Nhật vẫn còn lăm lăm vũ khí trong tay…
Ông Đặng Văn Việt

Bất ngờ, tôi gặp và được giới thiệu để tiếp cận với ông khi ông từ Hà Nội vào Huế dự gặp mặt truyền thống Trường Thanh niên Tiền tuyến.  Một ông lão phúc hậu, trán cao và có nụ cười rất hiền. Vậy nhưng tên tuổi của ông-Đặng Văn Việt- đã một thời lừng lẫy. Ông là người trực tiếp nhận lệnh và đưa lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu năm xưa. Ông cũng là người mà quân xâm lược Pháp hễ nghe tên là bạt vía. Chúng kinh hãi xưng danh ông là “Hùm xám đường số 4”!

Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, gốc Nghệ An. Thân sinh ông là cụ Phó bảng Đặng Văn Hướng, từng giữ các chức Thị lang Bộ Công, Tham tri Bộ Hình, Tuần vũ Hà Tĩnh dưới thời Bảo Đại, lúc về hưu được phong hàm Thượng thư. Sau Cách mạng Tháng 8, cụ được Hồ Chủ tịch mời làm Bộ trưởng không bộ phụ trách 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
 
Thuở thiếu thời, Đặng Văn Việt được theo cha vào Huế ăn học và nổi tiếng là “cậu ấm” tài hoa ở đất Kinh kỳ. Xong trung học, năm 1942, lúc tròn 22 tuổi, ông thi đỗ vào lớp Y khoa của Đại học Hà Nội - Trường đại học duy nhất của Đông Dương lúc ấy. Theo trí nhớ của ông Việt, trường có rất nhiều ngành: Y, Dược, Luật, Nông lâm, Công chính… nhưng chỉ có 800 sinh viên. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Trường đại học Hà Nội đóng cửa, Đặng Văn Việt xung phong vào các Đoàn tráng sinh Lam Sơn (Hướng đạo) đi nhặt và chôn cất xác đồng bào bị chết đói. Chứng kiến cảnh đau thương tang tóc, chàng trai Đặng Văn Việt bắt đầu thấm thía nỗi nhục mất nước và dễ dàng đứng về phía cách mạng khi được giác ngộ.
 
Nhận nhiệm vụ, ông cùng với nhóm sinh viên cứu quốc Hà Nội gồm 4 người: ông (Đặng Văn Việt), Lâm Kèn, Phan Hàm và Võ Quang Hồ vào Huế tham gia Trường Thanh niên Tiền tuyến (TNTT) để tuyên truyền, vận động Việt Minh hóa ngôi trường này. Trường TNTT là ngôi trường do luật sư Phan Anh chủ trương thành lập. Trường có quân số hơn 40 người, hầu hết đều là sinh viên. Từ ngôi trường này, nhiều người đã trở thành bộ trưởng, tướng lĩnh nổi tiếng, có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước như Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Phan Tử Lăng, Cao Văn Khánh, Lâm Kèn, Phan Hàm, Cao Pha, Mai Xuân Tần, Võ Quan Hồ, Đào Hữu Liêu, Đoàn Huyên…
 
Về sự kiện treo cờ lên đỉnh Phu Văn Lâu, trong hồi ký của mình, Đặng Văn Việt kể, tổ Việt Minh bí mật của ông trong Trường TNTT thường xuyên giữ liên lạc với các đồng chí (Đ/c) lãnh đạo Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế như Hoàng Anh, Tố Hữu, Trần Hữu Dực… Sáng 20/8/1945, ông được bí mật mời đến gặp đồng chí Trần Hữu Dực. Đ/c Trần Hữu Dực giao cho ông một lá cờ đỏ sao vàng to bằng cả gian nhà và lệnh: “Nội trong ngày mai (21/8/1945), đồng chí có nhiệm vụ phải treo lên cột cờ Phu Văn Lâu.”.
 
Cần nhớ là vào 20/8/1945, lúc ấy cách mạng chưa nổ ra ở Huế. Chính quyền vẫn đang còn trong tay quân Nhật, chính phủ Trần Trọng Kim và Triều đình nhà Nguyễn. Cho nên, việc treo cờ Việt Minh lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu là một việc hết sức nguy hiểm.
 

Cột cờ Phu Văn Lâu hôm nay. Ảnh: MSN.

Chở lá cờ về giấu xong ở trường, ông báo cáo nhiệm vụ với tổ trưởng Việt Minh là đ/c Lâm Kèn. Sau khi trao đổi, tổ huy động thêm Nguyễn Thế Lương cùng hỗ trợ. Sáng hôm sau, 21/8/1945, hai ngày trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Huế, ông và Nguyễn Thế Lương dậy sớm, ăn mặc chững chạc, gọn gàng. Đồng phục ka-ki vàng mới toanh, chân đi ghệt, đầu đội mũ ca-lô, hông đeo xệ khẩu Barillet và 6 viên đạn…xịt của đ/c Lâm Kèn cho mượn. Lá cờ đỏ sao vàng được cuộn tròn như một con trăn lớn, buộc gánh vào 2 xe đạp và đẩy đi. Khoảng 9 giờ sáng thì đến chân Kỳ đài. Nguyễn Thế Lương đứng trông, còn ông thì oai vệ tiến thẳng lên nhà lính gác (Bảo vệ Kỳ đài luôn có 1 tiểu đội 12 lính trang bị súng mút-cờ-tông chỉ huy bởi một thầy đội ).
 
Gặp thầy đội chỉ huy, ông dõng dạc: “Theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa cách mạng, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ. Các anh cho hạ ngay cờ quẻ ly…”. Thầy đội không dám có một phản ứng, cho lính xuống giúp Nguyễn Thế Lương đẩy cờ lên. Cờ quẻ ly của nhà Nguyễn được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được mắc vào. Tất cả đã sẵn sàng. Đặng Văn Việt hô: “Chào cờ, chào!”. Đội lính gác đứng nghiêm bồng súng, còn ông và Nguyễn Thế Lương đưa tay chào theo kiểu nhà binh. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên làm xôn xao, rạo rực cả Kinh thành. Xong, Đặng Văn Việt nghiêm giọng ra lệnh cho đội lính “không được tự tiện hạ cờ nếu không có lệnh”, rồi cùng Nguyễn Thế Lương thong thả đạp xe về.
 
23/8/1945, Cách mạng nổ ra thành công ở Huế. Đến 31/8/1945, vua Bảo Đại đọc tuyên bố thoái vị, lá cờ đỏ sao vàng sau 10 ngày kiêu hãnh tung bay giữa đất trời Hương Ngự tạm thời được hạ xuống để chính thức làm lễ thượng kỳ trong cuộc mít tinh của hàng vạn đồng bào xứ Huế. Sau khi vua Bảo Đại đọc lời thoái vị và trao ấn kiếm cho đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ cách mạng, cờ quẻ ly được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng lần thứ hai được kéo lên trước sự chứng kiến và sự xúc động vô biên của hàng vạn đồng bào Cố đô.
 
Đặng Văn Việt nhớ lại, hôm ấy đang đứng dự mít tinh, một lãnh binh đội cận vệ Hoàng gia (Khố vàng) đến bên bắt chuyện và tiết lộ, khi ông và Nguyễn Thế Lương tiến hành treo cờ hôm 21/8, chính ông ta đã cho 120 tay súng từ Ngọ Môn chĩa vào 2 ông sẵn sàng nhả đạn. Vua Bảo Đại được bẩm báo, đã hốt hoảng mà rằng “Chớ, chớ! Việt Minh đó. Các ngươi mà nổ súng thì trẫm sẽ là người chết trước!”
 
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), từ Trường TNTT, ông tham gia Giải phóng quân, làm phân đội trưởng phân đội số 1 Giải phóng quân Thừa Thiên Huế, về trấn giữ cửa Thuận An. Chỉ huy ở Mặt trận đường 9 hạ Lào, mặt trận đường 7 thượng Lào... rồi về công tác ở Bộ Tổng tham mưu.
 
Sau một cuộc họp với Bộ Tổng tham mưu, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp gọi ông cùng đi Lạng Sơn. Tại đấy, sau cuộc họp bàn với trung đoàn Lạng Sơn về kế hoạch hoạt động trên mặt trận đường số 4, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã bảo: “Anh Việt, ở lại đánh Pháp”. Vậy là ông ở lại và gắn cuộc đời với đường số 4. Trung đoàn 174-một trong 2 đơn vị chủ lực mạnh đầu tiên của QĐNDVN được thành lập, ông làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Chu Huy Mân làm chính ủy. Khi ấy ông mới 29 tuổi. Trung đoàn 174 của ông đã tung hoành ngang dọc trên đường số 4 với hàng trăm trận thắng giòn giã khiến địch nghe tên là khiếp vía. Chúng đã phong ông là “Tigre gris de la RC4. Grand Seigneur de la RC4” “Great King of The Fouth highway” (Hùm xám đường số 4; Vua đường số 4); còn nhân dân thì tự hào, trìu mến gọi ông là “Đại vương đường số 4”…
 
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”

Cuốn sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” do TS. Amandine Dabat biên soạn là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger. Cuốn sách khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

“Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”
Ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”

Buổi Tọa đàm ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” với sự tham gia của tác giả, diễn giả Amandine Dabat - TS. Lịch sử Nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, diễn ra ngày 5/11, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế.

Ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”
Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh

Họa sĩ xứ Huế - Trần Vĩnh Thịnh đã đưa triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm khai mạc chiều 3/11 tại không gian Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh
Bên ngoài ô cửa có mây bay

Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc.

Bên ngoài ô cửa có mây bay

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top