|
Hai cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Hà Khánh Linh xuất bản quý 3, 2015 |
Đến nay chị đã xuất bản 25 cuốn sách. Trong đó có 2 tập thơ, 10 tập tự truyện và hồi kỳ, đặc biệt là có đến 13 cuốn tiểu thuyết. Là một trong những nhà văn có tác phẩm xuất bản nhiều nhất ở Huế.
Năm 1965, lúc 20 tuổi, chị viết tiểu thuyết Trắng canh, nói về cuộc chiến đấu chống Mỹ của tuổi trẻ đô thị miền Nam. Tiếp đó, những năm 1964- 1965, khi bắt đầu tham gia quân giải phóng, chị nhặt nhạnh bút giấy để viết cuốn tiểu thuyết mới “Thúy” về cuộc chiến đấu nóng bỏng, sục sôi của thanh niên đô thị miền Nam. Cuốn sách này được viết giữa một hoàn cảnh rất khắc nghiệt, phải viết đi viết lại đến hơn mười năm do bản thảo bị cháy... Năm 1973, tiểu thuyết Thuý được Nxb Giải phóng in, gây được ấn tượng tốt đẹp với độc giả. Thuý là một trong số rất ít những cuốn tiểu thuyết dựng lại phong trào đấu tranh của đồng bào các đô thị miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ.
Năm 1983, Hà Khánh Linh cho ra tập truyện ký Nụ cười Ápxara. Bằng những câu chuyện người thật, việc thật, chị đã viết về cuộc sống và chiến đấu của bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp giải phóng Campuchia, cứu đất nước này thoát khỏi họa diệt chủng; và cuộc đấu tranh của người dân Campuchia trong công cuộc kiến quốc. Để có được tập truyện quý giá đó, năm 1981, Hà Khánh Linh đã đến tận mặt trận, nơi bộ đội Việt Nam đang truy lùng tàn quân Polpot ở tỉnh Xiêm Riệp, sát biên giới Thái –Miên. Bảy năm sau, năm 1989, chị trở lại Campuchia. Bất ngờ thấy các chiến sĩ trẻ đang nằm võng đọc tập truyện Nụ cười Ápxara, nhưng không phải là bản in của nhà xuất bản mà là bản quay ronéo. Thì ra, tướng Trần Văn Trân, Tư lệnh Trưởng bộ đội Việt Nam tại Campuchia lúc ấy đã cho người về TP. Hồ Chí Minh mua sách Nụ cười Ápxara mang sang cho bộ đội đọc, nhưng không đủ, phải in roneo thêm.
Các tiểu thuyết của chị, có những cuốn khá đặc biệt. Như “Chiến tranh và sau chiến tranh”, vạch trần bản chất cơ hội của những kẻ né tránh gian khổ, nhưng lại mượn chiến tranh làm trang sức, làm bệ phóng cho mình khi hoà bình. Trong tiểu thuyết ấy, Hà Khánh Linh cũng đã viết về chất độc hoá học da cam diocine của Mỹ thả xuống chiến trường Thừa Thiên Huế. Đây gần như là tác phẩm văn học đầu tiên ở Việt Nam viết về những tác hại của chất độc da cam diocine.
Từ đó đến nay chị say sưa viết tiếp những cuốn sách mới. Năm 2015 này, cùng một lúc chị cho xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết: “Biến cố 182010” (xuất bản tháng 9/ 2015) và “Em còn gì sau chiến tranh?” (xuất bản tháng 10/2015).
“Biến cố 182010”, một cái tên rất hiện đại lại viết về một câu chuyện rất thực, rất đời thường về đứa cháu Bình Nghi mà nhà văn rất mực yêu thương. Ngồn ngộn trong các trang sách là dòng chảy ắp đầy tình cảm giữa bà và cháu Bình Nghi. Biến cố 1.8.2010 chính là ngày tháng năm hai bà cháu bị bắt buộc xa nhau. Ở đó ta bắt gặp những ngày tháng nặng nề, tâm trạng khốn cùng của người bà khi cuộc sống không có Bình Nghi, và cả hai đã bị cắt đứt liên lạc. Đó là những mùa thu đau đớn, những mùa đông ảm đạm. Những chi tiết về đời sống của Bình Nghi đã qua, những đau khổ rã rời khi sống trong môi trường giáo dục trẻ một cách ích kỷ hẹp hòi của người lớn, và cả những ngày hạnh phúc ít ỏi, trong đó có những ngày em được theo bà đi thực tế sáng tác và chụp ảnh với cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vượt lên trên câu chuyện, đó là tiếng kêu thét về việc hãy cảm thông và thấu hiểu những tâm hồn trẻ thơ, để từ đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp mà chúng đáng ra phải có…
Cuốn “Em còn gì sau chiến tranh” là thiên truyện “dẫn nguồn” nỗi đau từ quá khứ chiến tranh và nó thấm cả vào hiện tại khi đất nước vẫn đứng trước sóng gió để giữ vững hòa bình. Chương cuối cùng của cuốn sách, nói về tinh thần chống ngoại xâm giữa những ngày Trung Quốc đặt giàn khoan 981 Hải Dương trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Chị viết rất nhiều, âm thầm mà lại nhiều hơn tất cả, nhưng chị lại quan niệm về việc viết hết sức đặc biệt: “Tôi không coi công việc sáng tác văn học là một “nghề”, mà là một cách sống, một thái độ ứng xử, cũng như tôi cũng đã từng nói đấy chỉ là cuộc chơi”. Hà Khánh Linh là một trong những cây bút nữ bút lực dồi dào và có nhiều thành công.
Năm 2014, tại hội nghị nhà văn các nước sông Mê Kông lần thứ 5 được tổ chức tại Siem Riep (Campuchia), tác phẩm “Nụ cười Apsara” của nhà văn Hà Khánh Linh đã được trao tặng Giải thưởng Văn học sông Mê Kông. Giải thưởng do Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Men Sam An trao tặng. Hà Khánh Linh là nhà văn đầu tiên của Thừa Thiên Huế vinh dự nhận giải thưởng này.
Những gì nhà văn Hà Khánh Linh làm được cho cuộc đời nói chung, cho văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế nói riêng là rất đáng trân trọng.