Tôi có người bạn làm việc ở một doanh nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Cơ duyên sao đó, có thời gian anh ra nhận việc tại chi nhánh Huế rồi “sơ sẩy” thế nào mà… mê muội Huế luôn, coi Huế như là quê hương của mình.
Năm 1941, Nguyễn Bính có câu thơ “Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên”, nghe có vẻ vô lý vô sự. Tại sao đang ngồi, đang ở tại nơi ấy mà lại nhớ nơi ấy được, đúng là “nghe răng mà hiện ngụy”. Có lẽ chỉ ba ông nhà thơ nhà thẩn rỗi việc mới nghĩ rồi phịa ra chứ làm chi có cái sự lạ kỳ thế được? Mãi sau này chơi với anh, tôi mới vỡ lẽ, “Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên” là có thiệt chứ ông Nguyễn Bính chẳng ngoa ngôn tẹo nào.
Tại sao tôi có thể mạnh miệng khẳng định như vậy? Ấy là bởi cứ nhìn bạn tôi thì hiểu. Nhà doanh nghiệp, nhưng anh cũng mê văn nghệ. Có dịp lễ lạt hoặc cuối tuần, anh kết nối bạn bè cùng nhau quây quần dăm bảy chai, rồi cùng hát cho nhau nghe, hát đường hoàng lịch sự chứ không phải hát kiểu “loa kẹo kéo” làm khổ xóm làng, lối phố như vẫn gặp. Mỗi dịp như thế là để gắn kết tình cảm bạn bè, lại cũng là dịp để xả stress, nạp năng lượng cho những ngày làm việc mới. Riêng với anh, mỗi dịp như vậy còn là để mà… khóc. Anh khóc không phải tại buồn đau sầu khổ gì, chỉ đơn giản là khóc…cho đã, cho thỏa lòng yêu Huế, nhớ Huế mà anh đã lỡ đa mang vĩnh viễn trong lòng. Niềm yêu nhớ đó như một cái gì rất mong manh nhạy cảm, chỉ cần khẽ chạm là lập tức ngân rung không thể ngăn trở. Huế trong anh cũng vậy, ở Huế đó mà vẫn cứ nhớ, cứ thương, cứ thao thiết vô kể, cho nên trong cuộc vui, hễ nghe có người cất tiếng hát: Giữ chút gì rất Huế đi em/ Nét duyên là trời đất giao hòa/ Dầu xa một mai anh gặp lại/ Vẫn được nhìn em say lá hoa… là lại thấy bắt đầu sụt sùi, rồi khóc ngon khóc lành, mặc cho ai nhìn ai ngó, mặc cho nước mắt nước mũi chảy tràn trên khuôn mặt thiện lành dễ mến của một người trai lỡ đắm mê với núi Ngự sông Hương… Sau này, anh lại chuyển công tác vào TP. Hồ Chí Minh, nhưng thỉnh thoảng thấy anh vẫn tìm “cớ” để được bay ra cùng Huế. Rồi lại bày bàn nhậu bên dòng sông Hương. Và chỉ cần chạm mắt vào con sông dịu hiền mơ mộng này là tôi lại lập tức thấy anh rưng rưng ánh lệ…
Huế của tôi có gì mà sao ngày xưa có ông Nguyễn Bính “Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên”, rồi nay có anh và chắc hẳn đã và sẽ còn có nhiều những người như thế nữa. Nhưng thôi, có lẽ chẳng cần lý giải, bởi sẽ chẳng có ngôn từ nào có thể lý giải nổi cái sự lạ đời như thế. Chỉ biết rằng “Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên”… Câu thơ ấy sẽ theo sóng nước Hương giang mãi còn ngân vọng cho đến tận vô cùng…