Đêm sau rằm tháng Giêng, vợ bảo có hẹn ra sông Hương phóng sinh. Mới tối đã thấy vợ cơm nước xong xuôi, áo quần chỉnh tề. Chờ đến hơn 9 giờ tối mới thấy vợ về nhà. Tôi cũng đã quen với hình ảnh này và được biết mấy năm nay, vợ và con gái cùng gia đình người chị ở quê tôi Thủy Phương (Hương Thủy) thường xuyên tham gia phóng sinh trên sông Hương do chùa làng tổ chức. Mỗi năm có thể nhiều đợt, nhưng rằm tháng Giêng này là không thể thiếu.
Vợ bảo, điểm hẹn ở số 5 Lê Lợi vào lúc 5 giờ chiều, thuyền nổ máy chạy ngược lên phía chùa Thiên Mụ, thả neo, làm lễ cúng, thả hoa đăng… Sau phần nghi lễ là phóng sinh tất cả số cá đã chuẩn bị xuống dòng nước. Mỗi lần thả là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, mọi người được sức khỏe, an lạc và ai cũng biết sống có tình nghĩa, biết yêu thương và phụng sự cho cuộc đời… Rồi cả thuyền có đến hơn 50 người, có thể lần đầu gặp nhau, cùng dùng chung một bữa chay ngay giữa dòng Hương giang huyền thoại. Mà không hề đơn độc, vợ bảo xung quanh còn có nhiều thuyền phóng sinh như thế.
Được hiểu đơn giản, phóng sinh là cứu mạng hay kéo dài sự sống của một sinh vật. Theo lý giải của đạo Phật, bất cứ thời điểm nào mọi người cũng có thể phóng sinh. Vô tình khi đi đâu đó, gặp bất cứ trường hợp loài vật nào đang chịu khổ đau cũng có thể phóng sinh, giải thoát. Ai cũng muốn gửi vào hành động phóng sinh một tâm niệm thiện lành, không cầu lợi cho bản thân, xóa bỏ mọi khổ đau để cùng nhau hướng đến xây dựng một xã hội tốt lành, tươi đẹp.
Ngoài 2 dịp rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy, người dân Huế còn thực hiện phóng sinh vào các ngày mồng một và rằm âm lịch hàng tháng. Cùng với núi Ngự Bình, dòng sông Hương là địa điểm thường được chọn. Trước sự rộng lớn, thơ mộng của đất trời trải mình dưới hoàng hôn dần buông, nhìn những con cá, con lươn vùng vẫy bơi lội tự do giữa trời đất mênh mông, trong lòng mỗi người sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc, và từ đó cũng giúp nuôi dưỡng tâm hồn yêu thương các loài vật hơn.
Phóng sinh là cách gọi dân gian. Nó còn được biết đến trong các văn bản Nhà nước là hoạt động (thả cá) tái tạo nguồn lợi thủy sản và sông Hương, báu vật của Huế. Nhớ cách đây 1 năm, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã lần thứ 3 tổ chức thả khoảng 32 nghìn con cá các loại xuống dòng sông Hương. Hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đang gây ảnh hưởng tiêu cực. Việc phóng sinh đúng cách giúp cân bằng sinh thái và góp phần bảo vệ môi trường sống. Ngoài cứu độ, cứu giúp chúng sinh, tục phóng sinh còn mang ý nghĩa tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa tâm linh của người Việt.
Con sông Hương mang đến nhiều sắc thái, tình cảm và là biểu tượng văn hóa của vùng đất Cố đô. Lễ tục phóng sinh mang đến thêm một góc nhìn đầy lắng đọng, mang đậm nét dấu ấn văn hóa Phật giáo về dòng sông huyền thoại và con người nơi đây. Đã từ rất lâu rồi và giờ đang tiếp tục, bằng nghi lễ phóng sinh, người dân Huế đã thể hiện một cách nhìn nhân văn về cuộc sống và luôn hướng đến những giá trị mang tính bền vững. Tôi như cảm nhận được điều đó khi bắt gặp nụ cười và khuôn mặt mãn nguyện của vợ trong buổi tối sau khi tham gia nghi lễ phóng sinh trên sông Hương trở về nhà.
Đan Duy