|
TS. Trần Văn Dũng |
TS. Trần Văn Dũng (Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế) - người có nhiều năm nghiên cứu đề tài phủ đệ xứ Huế, đã đề nghị như thế và cho rằng điều đó sẽ tạo ra nền tảng khoa học để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và xếp hạng di tích. Qua đó, có cơ sở pháp lý để tiến hành trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản phủ đệ trong bối cảnh xã hội đương đại.
Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, TS. Dũng chia sẻ về cơ duyên dẫn anh đến với việc nghiên cứu phủ đệ xứ Huế:
Nhà tôi ở dốc Nam Giao, những năm tháng sinh viên của tôi đi về qua con đường Phan Đình Phùng nằm bên bờ sông An Cựu. Những ngôi phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn với cổng phủ rêu phong và thấp thoáng bên trong là kiến trúc nhà rường truyền thống tọa lạc trên con đường này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi.
Sự ấn tượng ấy là khởi nguồn, động lực thúc đẩy tôi dành thời gian nghiên cứu và công bố nhiều bài viết liên quan đến phủ đệ. Đặc biệt năm 2020, tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Di sản phủ đệ triều Nguyễn trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay ở thành phố Huế”. Dần dần, nó đã trở thành niềm đam mê, ngấm vào trong người lúc nào không hề hay biết.
Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu phủ đệ, với anh trở ngại nhất là gì?
Ngày nay, dưới sự tác động của đô thị hóa, thời tiết cũng như các mặt hạn chế trong việc thực thi công tác bảo vệ, quản lý đã khiến nhiều phủ đệ đã và đang bị biến đổi, không còn giữ dáng vẻ kiến trúc nhà rường truyền thống”.
|
Phủ Tùng Thiện Vương trên đường Phan Đình Phùng, TP. Huế |
Do đó, hành trình tìm hiểu phủ đệ đối mặt rất nhiều khó khăn. Hầu hết, phủ đệ hiện không còn gìn giữ nhiều tư liệu, hiện vật và thậm chí nhiều tài liệu quý đã rời Việt Nam, lưu tán khắp nơi trên thế giới trong mỗi giai đoạn lịch sử. Những vị cao niên am hiểu về các câu chuyện, thông tin về phủ đệ hiện cũng không còn nhiều.
Là thế hệ hậu bối, anh đã tiếp cận thông tin, tư liệu của thế hệ đi trước cũng như định hình hướng nghiên cứu cho riêng mình ra sao?
Đúng là tôi thuộc thế hệ hậu bối trong việc theo đuổi nghiên cứu văn hóa Huế nói chung và phủ đệ nói riêng. Những người nghiên cứu về phủ đệ trước tôi có thể kể đến như Nhà nghiên cứu (NNC) Phan Thuận An, NNC Lê Quang Thái, NNC Lê Duy Sơn, PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, TS. Trần Đức Anh Sơn, TS. Phan Thanh Hải… Các thầy, các anh đã để lại nhiều bài viết có giá trị liên quan đến phủ đệ và tôi xem đây là nguồn tài liệu quan trọng, hữu ích để kế thừa, tiếp tục theo đuổi.
Đến thời điểm này, anh nhận định như thế nào về giá trị và vai trò của phủ đệ trong tổng thể đô thị di sản Huế?
Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước và lập ra triều Nguyễn, vua Gia Long đã chọn Huế để xây dựng Kinh đô. Đây là cơ hội để hình thành và phát triển hàng loạt phủ đệ, góp phần tạo nên một tổng thể các công trình đa dạng với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, phủ đệ… và mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử. Từng có hàng trăm phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa tọa lạc ở vùng Gia Hội - chợ Dinh, Vỹ Dạ, Kim Long, Phủ Cam,…
Ngày nay, phủ đệ xứ Huế chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam, được xem là di sản văn hóa sống động và đã thực sự trở thành nét đặc trưng riêng có trong quỹ kiến trúc đô thị di sản Huế.
Phủ đệ thuộc 3 loại hình: di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu. Phủ đệ còn là nơi giao thoa giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian, từ đó góp phần hình thành nên tính cách con người xứ Huế, pha lẫn tính cách lịch lãm và đài các của mảnh đất này. Cho dù diện mạo phủ đệ hiện đã có nhiều biến đổi trong quá trình đô thị hóa, nhưng vẫn còn đó những phủ đệ mang nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật độc đáo cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.
Trong số những phủ đệ anh nghiên cứu, công trình nào cuốn hút anh nhất và ngược lại công trình nào khiến anh trăn trở nhất, vì sao?
Trong số những phủ đệ đã nghiên cứu khảo sát, phủ Tuyên Hóa Vương hiện tọa lạc tại số 31 Trần Hưng Đạo (phường Đông Ba, TP. Huế) cuốn hút tôi nhất và chính ngôi phủ đệ vang bóng một thời này cũng khiến tôi trăn trở nhất.
Năm 2016, có bức ảnh tư liệu do người Pháp chụp về kiến trúc tuyệt đẹp mang dấu ấn đậm nét của sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc Đông - Tây với dòng chú thích kèm theo: “1077. AN NAM - Hué - Palais du Prince Tuyen - Hoa, frère du Roi” (Phủ hoàng tử Tuyên Hóa, em trai nhà vua) được đăng trên trang mạng xã hội. Bức ảnh này đã mang lại cho tôi và nhiều người một cảm giác hết sức ngỡ ngàng, ấn tượng về một công trình kiến trúc tuyệt đẹp ở Huế mà từ trước đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến.
Sau đó đã có nhiều ý kiến trái chiều về lai lịch và chủ nhân công trình kiến trúc nói trên. Có nhiều người khẳng định rằng đó là bức ảnh chụp phủ Phụng Hóa Công của ông hoàng Bửu Đảo (tức vua Khải Định về sau), là tiền thân cung An Định vì đối sánh bức ảnh nêu trên và hình ảnh cung An Định ngày nay có một số nét tương đồng về kiến trúc. Họ còn giải thích thêm dòng ghi chú trên bức ảnh đã bị nhiếp ảnh gia người Pháp ghi nhầm là phủ Tuyên Hóa mà đáng lẽ ra phải ghi là phủ Phụng Hóa mới đúng.
Sau quá trình nghiên cứu, tôi đã có bài nghiên cứu công bố trên Tạp chí Sông Hương (Số Đặc biệt 22, tháng 9/2016) khẳng định bức ảnh trên là kiến trúc phủ đệ Tuyên Hóa Vương của ông hoàng Bửu Tán (vị hoàng tử thứ 9 của vua Dục Đức) chứ không phải cung An Định. Sau đó, bài viết này đã được Tạp chí Sông Hương trao tặng thưởng tác phẩm hay năm 2016.
Lúc này, hiện trạng phủ Tuyên Hóa Vương không còn giữ dáng vẻ kín cổng cao tường như xưa, thay vào đó là khuôn viên phủ đệ nhỏ hẹp do bị chia năm xẻ bảy để xây dựng nhà cửa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và buôn bán của người dân. Hạng mục kiến trúc còn sót lại gồm nhà chính và cổng ngõ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện nay, ngôi nhà chính đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại cổng phủ đứng bơ vơ giữa phố thị đông đúc, mang lại cho du khách một cảm giác tiếc nuối về ánh hào quang quá vãng, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế.
Nếu xem phủ đệ là sản phẩm du lịch tiềm năng, anh nghĩ sao?
Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo tôi muốn phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thì cần phải có những sản phẩm đặc thù, riêng có dựa trên tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa mà Huế đang sở hữu. Và phủ đệ triều Nguyễn xứng đáng là một sản phẩm du lịch tiềm năng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.
Ở đó, du khách có thể cảm nhận và trải nghiệm thú vị thông qua những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và cuộc sống đời thường của con cháu hậu duệ các ông hoàng, bà chúa đang sống bên trong phủ đệ.
Để làm được việc này, cần có sự kết hợp có hiệu quả giữa bảo tồn và phát huy giá trị với phát triển mô hình du lịch di sản phủ đệ xứ Huế. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương, giới thiệu và quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch Huế.
Tuy nhiên, việc khai thác di sản phủ đệ phục vụ phát triển du lịch cũng tiềm ẩn nhiều tác động đến giá trị di sản độc đáo này. Chính vì vậy, đây là việc làm đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các công ty du lịch - lữ hành và đặc biệt là sự đồng thuận của cộng đồng - những người đang trực tiếp quản lý, giữ gìn di sản phủ đệ.
Xin cảm ơn ông!