Chỉ nhìn vào danh sách các bộ phim châu Âu được chọn trình chiếu, dễ dàng thấy đây là cơ hội để người Huế có thể tiếp cận với những tác phẩm điện ảnh hàng đầu thế giới. Các bộ phim chủ yếu xoay quanh chủ đề “lòng khoan dung và sự tôn trọng” và hầu hết đều được lựa chọn tham dự các liên hoan phim trong nước và quốc tế cũng như giành được nhiều giải thưởng danh tiếng trên toàn thế giới.
Người Huế chào đón Liên hoan phim châu Âu lần thứ 18 với tất cả sự hăm hở. Trung bình, mỗi bộ phim trình chiếu có lượng vé miễn phí phát ra 200 - 500 vé và những buổi chiếu đầu tiên gần như sạch vé. Thói quen xem phim rạp tưởng không còn, nay như được sống lại. Những người tổ chức đã có lý khi chọn Huế chứ không một địa phương nào khác, bên cạnh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Huế đã và đang là một trong những cái nôi văn hóa hàng đầu của quốc gia.
Điều đáng suy nghĩ là rạp phim. Hà Nội chọn Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Khỏi phải bàn cãi, đây là địa chỉ chiếu phim hàng đầu cả nước. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia được thiết kế đa năng với hệ thống rạp chiếu phim hiện đại gồm 10 phòng chiếu, trình chiếu được tất cả các thể loại phim: 35mm, 2D, 3D và 4D cùng với tổ hợp Khu trưng bày điện ảnh - Biểu diễn nghệ thuật - Tổ chức sự kiện và các dịch vụ giải trí. Các phòng chiếu phim của trung tâm có tổng cộng 1.522 chỗ ngồi với hơn 60 suất chiếu/ngày.
TP. Hồ Chí Minh không hề kém cạnh với Cine Star. Nằm ngay trung tâm quận 1, cụm rạp này có một không gian giải trí rộng lớn, gồm 6 khán phòng với trên 1.100 chỗ ngồi. Khán giả được trải nghiệm hệ thống âm thanh mới nhất Dolby Atmos tại khán phòng Cinestar. Nếu Dolby Surround 7.1 đem đến cho người nghe sự sống động và trung thực trong âm thanh thì Atmos sẽ nâng chất lượng đó lên thêm nhiều lần nữa. Kể từ chuẩn Atmos, các nhà làm phim có thể thoải mái sáng tạo các hiệu ứng âm thanh, tiếng động mà họ muốn.
Còn Huế, đó là rạp chiếu bóng Đông Ba. Khỏi phải nhiều lời, rạp Đông Ba, tên cũ là Tân Tân, có tuổi đời trên 60 năm, là ký ức đẹp của bao dân ghiền xi - nê Huế. Thế nhưng, những gì mà rạp Đông Ba đang có thật đáng buồn. Tiền sảnh được cho thuê kinh doanh thật ngổn ngang. Rạp chiếu bóng rộng chỉ khoảng 500 m2 này không có bãi giữ xe, lâu ngày chưa được sửa chữa lớn, thiết bị lỗi thời, không còn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người xem phim.
Nhìn quanh mới thấy, trong 4 rạp chiếu phim “vang bóng một thời” ở Huế sau ngày giải phóng 1975 nay chỉ có rạp Đông Ba vẫn còn hoạt động. Còn rạp Hoàn Mỹ đã đóng cửa. Rạp Gia Hội (tức Châu Tinh) cho thuê kinh doanh. Rạp Hưng Đạo trở thành Nhà văn hóa thành phố Huế. Sau ngày giải phóng có thêm Trung tâm Văn hóa thông tin, nhưng đó không phải là một rạp chiếu phim chuyên dụng và cũng đã xuống cấp quá rồi. Kể thêm là Lotte Cinema Huế. Thế nhưng, nó không thuộc quyền quản lý của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên Huế.
Năm 2009, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án đầu xây dựng mới trung tâm chiếu phim cho Huế. Tôi đã đọc nội dung. Nó không bề thế và quy mô kiểu như Trung tâm Chiếu phim quốc gia nhưng nếu được xây dựng thì Huế cũng có thể “mở mày, mở mặt” được với thiên hạ. Điều khiến ta phải suy nghĩ là cũng đã gần 9 năm trôi qua và Huế vẫn phải đưa rạp Đông Ba làm nơi tổ chức chiếu phim trong Liên hoan phim châu Âu hiếm hoi ở đất Cố đô.
Mọi sự so sánh đều khập khễnh. Nhưng, chính những sự kiện văn hóa lớn kia là lúc để Huế nhìn lại. Thành phố văn hóa du lịch của chúng ta còn thiếu quá nhiều thiết chế văn hóa xứng tầm.
ĐAN DUY