ClockChủ Nhật, 02/07/2023 15:23

TTH - Bà mất cách đây mấy năm rồi, nhưng ký ức về bà sẽ không bao giờ phai nhạt trong nó. Tuổi thơ của nó gắn với bà, với nỗi nhọc nhằn và tình yêu vô tận mà bà dành cho.

Bố ơi, mình đi biển nhá!Tháng ngày tươi đẹp

- Về ở với bà. Bố mẹ mày không ở được với nhau thì về với bà.

Năm ấy nó mới được bốn tuổi. Dượng và mẹ nó giận  nhau vì nó. Về quê với bà, nó vui sướng như được đi chơi. Còn bà thì không - trên đường về bà buồn buồn và bảo:

- Bà nuôi được mẹ cháu bằng ngần ấy, lại không nuôi được cháu của bà à?

leftcenterrightdel
 

Lúc chiến tranh vào hồi khốc liệt, ông vội vã gửi mẹ nó vào lòng bà. Đất nước hoan ca thanh bình, ông không về vì đã “ở lại” với đại ngàn. Bà vẫn vậy nuôi mẹ. Mẹ lớn lên trong nỗi vô tư, hồn nhiên như cây lúa giữa đồng. Tuổi 18, mẹ tách bà tìm yêu.

Người con trai xin nguyên vẹn đời mẹ, rồi xô mẹ ra giữa đời giông tố, mẹ hụt hẫng chạy tìm, lao đao giữa đời con gái. Khi không còn đủ sức để chịu nỗi quay quắt trong lòng, mẹ trở về với bà. Bà vẫn chờ mẹ bao năm, nỗi buồn đốt bà héo hon, lụm khụm nhưng nụ cười của bà như vầng trăng bao dung. Mẹ về, bà như thấy mùa xuân trở lại.

Năm sau, có người đàn ông từ phố về quê thưa với bà xin mẹ, “gái một con trông mòn con mắt”. Bà tin lòng người, giao mẹ và nó về với người đàn ông này. Những tưởng, hai mẹ con nó sẽ có bến đậu bình yên, để tránh giông gió cuộc đời... Ngờ đâu với mẹ con nó, bão đời chưa yên. Một lần nữa, bà xông ra mang nó về.

Bà nuôi nó lớn lên trong nỗi nhọc nhằn, vất vả. Sớm mai ra đồng, một tay vác cuốc, một tay bế nó. Ngày nào cũng từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối. Ra đồng, nó ngồi trên bờ ruộng chơi đùa với cây cỏ; với con cào cào xanh đỏ nhảy, bay tí tách; với những con cá mờm mờm lăn tăn dưới rãnh nước. Đến lúc đói lòng thì ăn mấy củ lang, sắn luộc bà để sẵn trong cái rổ tre ở đầu bờ. Bao giờ, nó cũng ngoan để cho bà vun xới.

Ký ức về tuổi thơ của nó là thế, bà ít khi sai bảo nó làm gì, bà chưa bao giờ đánh mắng nó. Lúc nào cáu giận, bà chỉ bảo :

- Tổ mày, không chịu học thì cứ ở nhà mà lam lũ mãi như bà à!

Vào những đêm trăng sáng, bà mang cái chõng tre ra sân. Hai bà cháu cùng nằm, mặt ngửa lên trời nó hỏi:

- Bà ơi, ông trời ổng có bao nhiêu ngôi sao?

- Chị Hằng có mẹ không bà?

Bà vừa trả lời, vừa quạt cho nó bằng chiếc mo cau. Bà ru nó ngủ bằng những lời ca dao mộc mạc, ngọt lịm mà nó không thể nào quên: “Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”; “Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình”...

Bà xoa lưng cho nó bằng bàn tay chai sạn khi xoa cứ ram ráp buồn buồn, làm nó cười nắc nẻ. Mùa đông, bà cháu ngồi bên bếp hồng luộc khoai, bà thường nướng hột mít cho nó, hột mít nướng vừa bùi vừa ngon. Đến mùa, đi gặt về bao giờ tay bà cũng một món “quà “ cho nó khi thì cua đồng, lúc thì tôm, ếch... Nó nhận từ tay bà, nướng lên nghe mùi thơm ngậy. Thơm đến mãi bây giờ.

Khi lên năm, bà cho nó đi chợ để mua chiếc áo đi học. Khi về băng qua trảng cát gặp trời mưa to, chớp giật đùng đùng. Bà bế nó lên đầu thúng, còn đầu kia là ba thứ mua ở ngoài chợ. Bà gánh nó về, bên kia bà đậy nón, bên nó bà phủ tấm ni lon, còn bà ướt sũng. Trời mưa to nước giăng trắng trời - sấm chớp đùng đùng  làm nó co rúm lại, hai tay siết chặt đôi vành thúng. Nó khóc thét, gào to hơn cả tiếng mưa. Chân bà sải dài như chạy, lúc chớm ngã về phía trước, lúc đảo lại phía sau, khi ngả bên này, khi nghiêng bên kia vì hai đầu quang thúng không cân bằng trọng lượng.

Sau lần ấy, bà không cho nó đi nữa vì sợ nó ốm.  Nhưng cũng từ đó nó ngẫm ra, mỗi lần bà đi chợ về muộn là nó chạy ra đầu nổng cát đứng cầu trời đừng mưa.

Lớn lên, nó được bà dạy cho nhiều điều. Bà bảo nó làm người phải có lòng bao dung, độ lượng, sống là phải biết tha thứ, phải biết “gạn đục khơi trong”, phải bỏ lòng câu “nhân nghĩa như thiên kim - tiền tài như phấn thổ”. Nhất là con trai phải chí khí, có tâm hồn cao thượng. Bà bảo nó phải cố học cho thật giỏi để còn nuôi bà. Bà luôn đọc và nó cũng đã nhập tâm “Ấu bất học, lão hà vi. Nhân bất học, bất tri lí”.

Ngày vào đại học, cũng là ngày nó phải xa cái làng quê nhỏ bé, bà kéo nó vào lòng và bảo:

- Cháu lên đó phải ngoan. Lúc nào đến thăm mẹ và em, dượng có bảo gì phải nghe nấy. Nhớ chiều chuộng bảo ban các em.

Bà đưa cho nó cái túi vải màu gụ nho nhỏ bằng hai ngón tay trong đó là đôi bông tai mà bà thầm kín cất giữ lâu nay. Bà bảo đây là của dụm dành, bà để cho nó đến ngày lớn khôn. Bà nói quê mình, trai lớn lên có vợ mà không có gì thì khó lắm, đôi lúc còn bị người khinh khi, nên bà phải phòng. Nhưng hôm nay bà mừng lắm rồi vì chuyện đó đối với nó chưa phải là lúc này. Bây giờ, chuyện của nó là học, học để nuôi bà, học còn để mà lấy vợ. Nên nó phải giữ lấy, mang vào trường để lo liệu cho những ngày “dùi mài kinh sử” và phòng ngừa bất trắc. Ra đó ráng sức mà học cho giỏi, khi nào rảnh rỗi thì về với bà nhưng về in ít thôi, để thì giờ đó mà học, để tiền đó mà ăn. Bà còn khỏe, cháu không phải lo!

Mắt nó hoe đỏ, bà bảo:

- Con trai lớn thế này mà còn khóc! Ra đó gặp mẹ có chi mà buồn. Thế cháu không muốn học cho giỏi để thành tài, thành nhân để về nuôi bà nữa à?

Chiều hôm ấy, bà mở nắp ghè, nắp lu lấy đỗ xanh, nếp bầu hương ra làm bánh, trước là thắp nhang để báo với ông nó. Nó nghĩ “chắc ông vui lắm” - sau là đem lên phố làm quà cho các em. Đêm ấy bà không ngủ, lúc thì thắp nhang cho ông lúc lại đến bên giường rờ rẩm mình nó. Bà lục đục mãi như sợ quên điều gì... cứ thế cho đến lúc gà gáy lần hai, bà thức nó dậy để kịp chuyến xe đầu.

Nó đi học, về quê thăm bà được bốn lần thì bà đột ngột ra đi vì cảm gió. Tin đến với nó như sét đánh ngang người. Chân về đến sân, nó nghe mọi người bảo nhau bà không chịu đi cứ đợi nó mãi. Nghe thế, nó vào phủ phục bên bà, thầm thì với bà, được một hồi thì hai bờ mi bà từ từ khép lại. Thế là, bà nó ra đi thanh thản, nhẹ nhàng như làn mây mỏng của mùa thu. ...

Lúc nó thành nhân, thành tài thì cái làng của nó đã nhiều đổi thay. Con đường từ nhà ra chợ - băng qua nổng cát thủa nào giờ đây đã được thảm nhựa với hàng trụ điện sáng choang. Ước mong ngày nào được chở bà đi trên con đường làng lộng gió đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng những cơn bão lòng của bà vẫn còn thổi mãi trong lòng nó.

Lê Văn Huân
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top