Một ngày đầu tháng Chạp 3 năm trước, gia đình tôi chuyển về nhà riêng sau hơn chục năm đi thuê trọ. Để có được cơ ngơi này, bố mẹ đã chuẩn bị suốt nhiều năm liền. Khi tìm được căn nhà hợp nhu cầu, nhiều cây xanh mướt mát, cảnh sống nửa làng nửa phố trong lành, yên tĩnh này, bố mẹ tôi không do dự mà đặt cọc ngay. Chọn an cư ở đây, bố mẹ phải chấp nhận đi làm xa, quãng đường tới trung tâm thành phố gần 15 cây số. Chị em tôi thì xin chuyển trường về gần nhà mới, có thể chủ động đi học bằng xe đạp. Đứng trước cổng căn nhà, đôi mắt bố sáng rỡ.
Nhà cửa còn đang lộn xộn đồ đạc, thì người hàng xóm đầu tiên xuất hiện. Ông Hợi trước làm công chức trên huyện, nghỉ hưu mới chuyển về đây. Ấn tượng đầu tiên về ông là mái tóc nửa dưới đen nửa trên chân tóc thì trắng, biểu thị là ông nhuộm. Nhìn “quả đầu” ấy, em trai tôi cứ cười rúc rích. Ông Hợi trông trẻ trung hơn so với tuổi 70, răng còn trắng, chắc khỏe, vẫn cắn mía rau ráu. Cái cách nói chuyện cởi mở cùng giọng cười hưng hức của ông nghe thật dễ mến. Miệng nói tay làm, ông xăm xắn phụ giúp chúng tôi chuyển những món đồ lặt vặt, góp ý việc sắp xếp y như thành viên trong gia đình vậy. Chúng tôi ở cách nhà ông một nhà và một thửa đất trống trồng nhiều chuối. Ông bảo, chủ sở hữu mảnh đất ấy đang đi lao động nước ngoài, nghe đâu cũng sắp về và sẽ xây nhà mới.
Ngày còn làm “người nhà nước”, lương bổng của ông chẳng mấy khá giả, lo cho 3 con ăn học, chữa bệnh hiểm nghèo cho vợ nên chả có tích lũy gì, chỉ có căn nhà mặt tiền vợ chồng gom góp nhiều năm mới mua được ở trung tâm huyện là tài sản giá trị nhất. Khi vợ mất, con cái thành gia lập thất, cần vốn liếng làm ăn, ông đã bán căn nhà lấy tiền hỗ trợ các con, còn dư một khoản thì tìm về đây mua được cơ ngơi nho nhỏ, vui thú điền viên tuổi già.
Căn nhà cấp bốn của ông đã được sửa sang lại chút ít, trông gọn ghẽ và xinh xẻo. Có vườn rau, giàn bầu giăng mát lối cổng vào. Trước sân một cây lộc vừng sum suê cành lá, hoa rụng đỏ dưới nền. Trong nhà đầy đủ tiện nghi, bếp ga, tủ lạnh, buồng ngủ có điều hòa. Ông bảo ở đây mát mẻ, không mấy khi cần dùng đến điều hòa.
Hàng xóm của chúng tôi đều là các gia đình trẻ, vợ chồng con cái đi làm, đi học sáng tối. Bố tôi thường ghé nhà ông, lúc thì mượn cái búa, lúc cái kìm, lúc lại uống trà, xem đá bóng… Cuối tuần nào bố và ông Hợi cũng chơi cờ cả buổi. Sự gắn bó giữa hai người họ cho tôi cảm giác gần gũi như chính ông nội đã mất của mình. Chiều nọ, bố sai tôi mang sang biếu ông bát canh ốc chuối đậu. Khi nhận bát canh, tôi thấy ông cười nhưng khóe mắt nhòe ướt.
Ông Hợi có hai người con trai và một người con gái. Con gái lớn lấy chồng tỉnh bên, người con trai đầu lập nghiệp, sinh sống tận Tây Nguyên. Chỉ còn anh con trai út chưa có gia đình, đang đi xuất khẩu lao động ở Nga đã hơn một năm. Về đây sống, thỉnh thoảng ông Hợi có mấy bạn già cùng công tác khi xưa, rồi các bạn chơi cờ hàng xóm ghé thăm. Con gái bận việc buôn bán, mỗi năm về thăm ông được đôi lần dịp giỗ mẹ, hay khi lễ tết. Gia đình con trai đầu thường về vào dịp tết, nhưng có khi 2 - 3 năm mới được một lần. Thương con, ông chẳng dám hối thúc hay tỏ vẻ buồn tủi gì, mà luôn chuẩn bị tâm thế để ăn tết một mình. Nhiều năm nay ông Hợi ăn tết đơn giản, chỉ cần ra tiệm tạp hóa ngoài đầu đường, chọn lựa một loáng là đã đủ ngũ quả, bánh kẹo bày thờ. Xóm giềng đến chúc tết giờ chẳng cầu kỳ cỗ bàn, ăn uống gì nữa. Chỉ cốc nước chè tươi, đôi lời chúc tụng là đủ vui rồi.
Chiều 28 tết năm đó, bố bảo tôi sang mượn ông Hợi chiếc khuôn gói bánh chưng kèm lời nhắn, năm nay bố sẽ gói bánh biếu ông. Tìm thấy chiếc khuôn, ông cẩn thận lau rửa sạch sẽ rồi mới đưa cho tôi. Rồi không để tôi cầm khuôn bánh về một mình, ông cũng theo chân sang nhà tôi.
- Để xem anh gói bánh có đẹp không nào? - ông Hợi ra chiều khiêu khích bố.
- Gói tay thì con chịu, chứ gói khuôn thì cũng ngon lành ông ạ!
- Từ ngày nghỉ hưu rồi về đây, tết năm nào con gái cũng mang biếu vài cặp là đủ ăn, nên lâu rồi tôi không gói. Giờ già cả, có khi quên cả cách gấp lá rồi ấy chứ.
Trên chiếc chiếu dải ở góc hè, ông Hợi sà xuống như thể gặp được thứ gì quý giá. Cái cảm giác sửa soạn tết, canh lửa nấu bánh, lâu rồi không có ở nhà ông. Hồi ông bà nội tôi còn sống, tết nào bố cũng tranh thủ về quê gói bánh. Bố vốn gói rất khéo, thế mà hôm ấy trước mặt ông cứ lóng nga lóng ngóng. Ông Hợi hào hứng đo đo gấp gấp, cắt lá giúp bố. Có lúc bố nghe điện thoại khá lâu, ông cắt xong lá thì quay ra gói. Cầm chiếc bánh thành phẩm vuông vức, ông cười một mình rất mãn nguyện. Năm đó, ông Hợi ăn tất niên ở nhà tôi.
Thời gian như bóng câu qua cửa, loáng cái lại hết một năm, lại rộn ràng nhắc tết, đón tết. Ông Hợi khoe với chúng tôi, rằng vợ chồng con trai đầu sẽ về ăn tết với ông. Nhưng rồi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, anh không về được. Lại thêm một cái tết, bố sai tôi sang mượn ông Hợi chiếc khuôn bánh. Lần này, ông đưa tiền kêu mẹ tôi mua thêm gạo, thịt, rồi tự mua lá dong về rửa lau sạch sẽ, ngâm lạt giang mềm dẻo, đem sang cùng gói bánh với bố. Ông xem xét tỉ mỉ gạo ngâm, đậu xanh. Rồi như nhớ ra bí kíp, ông kêu mẹ tôi đi luộc đậu. Đậu chín, ông lấy chày đánh nhuyễn. Dự tính gói bao nhiêu cái bánh, ông nắm bấy nhiêu nắm đậu. Ông bảo làm thế bánh sẽ ngon hơn. Lời giới thiệu của ông làm tôi háo hức chờ thành quả. Bóc thử một cái khi đã chín, cả nhà tôi gật gù thích thú, ông Hợi vui ra mặt, giọng cười hưng hức khiến chúng tôi cũng vui lây.
***
Dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp, có biết bao cuộc hẹn đoàn viên phải hoãn rồi hủy, rồi chẳng dám hứa hẹn gì nữa. Con trai út của ông Hợi đã hết hạn hợp đồng từ cuối năm ngoái, nhưng việc di chuyển hầu như bị đóng băng, các chuyến bay khó khăn và vô cùng đắt đỏ nên anh muốn về cũng không được. Vả lại làm lụng tích cóp cả mấy năm, giờ về rồi cách ly, mất cả mấy chục triệu. Tiếc tiền, anh nói ông để thư thư rồi anh sẽ tính. Qua những cuộc gọi video giữa ông và con trai mà tôi loáng thoáng nghe được, thì biết anh rất muốn tết này sẽ về với ông và đang cố gắng thu xếp. Những tháng cuối năm, ông Hợi lòng như lửa đốt. Mong con bao nhiêu, lại cũng lo sợ mình hụt hẫng bấy nhiêu.
Cả tuần nay tôi ít thấy ông Hợi. Bố đi làm về có ghé qua, nhưng cũng ít gặp ông hơn trước, nhiều lúc thấy ông khóa cửa đi đâu mãi tối mới về. Sáng nay, mẹ đã ngâm gạo, ướp thịt và luộc sẵn đậu xanh để gói bánh. Ăn cơm trưa xong, bố lại kêu tôi sang nhà ông mượn khuôn. Thấy cửa cổng mở toang, cửa nhà cũng mở rộng nhưng không thấy bóng dáng ông đâu. Tôi gọi mấy lần mới thấy tiếng bước chân lịch thịch từ sau bếp đi lên.
- Ông cho nhà con mượn chiếc khuôn gói bánh chưng ạ!
- Bảo bố bây đợi chừng tiếng nữa hẵng lấy nhá. Ông cũng đang chuẩn bị gói bánh đây.
- Ơ, nhà con gói biếu ông luôn như mọi năm mà!
- Năm nay nhà ông đông người, nhà bây gói làm sao đủ ăn.
Nói xong, ông Hợi lại cười hưng hức. Thấy tôi về tay không, bố hỏi ngay:
- Ông Hợi đi vắng hả con?
- Không đâu bố. Ông cũng đang gói bánh. Lát gói xong ông đem khuôn cho bố ạ.
Nghe tôi nói, bố có vẻ ngạc nhiên. Bố xoa đầu tôi và nhoẻn cười như đã hiểu ra điều gì đó. Lát sau tôi thấy bố đi xuống nhà bếp, mở ngăn tủ đựng đồ lặt vặt, nhấc bó miến, gói bột nêm ra một góc, lấy ra một chiếc khuôn bánh giống chiếc khuôn của ông Hợi. Chiếc khuôn còn mới, nhưng dường như nó đã ở đây lâu rồi. Tôi òa lên, thắc mắc:
- Sao nhà mình cũng có khuôn mà bố cứ phải mượn của ông Hợi ạ?
- Vì chiếc khuôn ấy có thể đem tết đến với ông. Nó đã kết nối chúng ta lại gần nhau để cùng đón tết, vui tết, con gái à!
Tôi cầm chiếc khuôn bánh trong tay, nhớ tới nụ cười vui vẻ và những lời chỉ dạy ân cần của ông Hợi, lòng vô cùng phấn khích khi nghĩ về điều bí mật mà bố đã cất giữ bấy lâu. Năm nay ông Hợi sẽ ăn tết sum vầy với các con, niềm vui tết sẽ đến với ông thật trọn vẹn.
MAI ĐÌNH