ClockThứ Hai, 13/12/2021 07:09

Có cả say dễ thương

TTH - Người bảo anh khôn lỏi, kẻ nói anh hiền, bên ý kiến chê ngậm miệng ăn tiền, lại có lời khen đúng mực. Anh kín kẽ hết sức, yêu ghét, vui buồn hay nóng giận đều lặn vào trong. Thật khó cân đong anh được bao người yêu hay ghét, bởi anh cứ cửa giữa mà đi, chẳng gây thù chuốc oán, cũng không mất lòng ai.

Nắng về bến sông TraiSân nhà có nắng

Anh ít bạn. Trong khi vô số bà vợ chê chồng đắm chìm trong men say rồi sinh chuyện này nọ thì chị lại thắc mắc sao anh ít nhậu. Đã thế, các nhà hàng xóm hay tụ tập lai rai, cứ như kích thích ước muốn ngược đời của chị: “Nhậu tưng tưng rồi chuyện trò rôm rả, cũng vui”. Anh vặn lại: “Rượu vào lời ra, có khi đám ma xuất hiện, hay ho gì mà ham!?”. Chị cười: “Sao bi kịch hóa kinh thế”. Chiều chiều, thấy mấy ông bên cạnh xúm lại cái bàn đá trên lề đường làm vài chai bia với nhúm đậu phụng rang là anh lẩn vào trong nhà. Lúc đầu họ hay rủ nhưng người được mời khoát tay; sau thì họ chẳng khách sáo, lại còn bảo: “Chả có uống đâu mà mời”.

Với anh, bia rượu chừng mực, không chỉ dưỡng sức mà còn tránh sơ suất, hại thân. Cả những lần đơn vị liên hoan, có đồng đội say ngất ngây nhưng người này vẫn trong veo như vừa nhập cuộc. Huyết áp cao, đau dạ dày hoặc đang uống thuốc là những lý do hư cấu để anh từ chối nâng ly. Ngồi vào mâm hầu như anh chỉ nghe mà không phát, đồng đội mà cảnh giác thế thì ai chơi; anh không mở lòng thì người ta ngoảnh mặt; anh lửng lơ con cá cờ thì đừng chờ ai tới bờ tới bến. Vả lại, kẻ tỉnh người say, khác nhau trời vực, thật khó dung hòa.

Ngược lại, nâng ly với sếp, anh uống như đã hiến xác cho thần linh, như chơi tới đòn hy sinh trong võ thuật. Ai rót e dè, anh còn ra vẻ năn nỉ: “Cho tươi tươi tí, sao rón rén thế”. Lắm lúc anh giành lấy chai rượu, rót đầy như cơi có ngọn. Cụng ly với sếp mà ai câu giờ bằng cách giả vờ nói chuyện là anh ngân nga câu ca tự chế, thúc giục: “Đã không nâng thì thôi, đã nâng rồi phải trăm phần trăm!”. Đó là chưa kể khi anh vào vai uống thế, gánh rượu bia thay cho sếp thì cứ như rồng gặp nước. Độ dẻo mồm của anh khiến chỉ huy trưởng khoái lắm nên dù liên hoan diện hẹp, anh vẫn nằm trong cơ cấu cứng. Khi cuộc vui chuyển qua tăng hai, tức hát karaoke thì anh càng ăn điểm trước cấp trên. Anh giành lấy mi-crô mần luôn mấy bài, toàn những ca khúc ngợi ca quê hương sếp.

Sôi nổi trong tiệc vui bên sếp, nhưng anh khép nép trong hội nghị phê bình lãnh đạo cuối năm. Trong khi nhiều đồng đội mong tới dịp này để kiến nghị, góp ý chỉ huy, anh thì ngồi thu lu ở cuối phòng, lơ đãng. Chắc nhọc óc lắm anh mới nặn được khuyết điểm của thủ trưởng “không đi an dưỡng vì mải lo công việc”; “làm việc quá khuya, không giữ gìn sức khỏe”. Trong cuộc họp có cấp trên dự, anh luôn lựa chiều nói theo, để lời mình như vệ tinh lượn quanh ý sếp; lại không tiếc lời tinh vi như đường hóa học “nghe thủ trưởng chỉ đạo thấy sáng hẳn ra”, “ý kiến của sếp đã nâng tầm nhận thức cho anh em”. Ngồi với nhau mà anh nào hở mồm chê nhóm quyền lực là anh lập tức bỏ đi, cứ như không muốn dây vào thứ độc hại. Lắm người bảo anh mồm mép đỡ chân tay, lời hay thay cho óc ngắn; kẻ thương người ghét mặc lòng, anh vẫn được sếp yêu nên đường công danh cứ đi lên thẳng tiến, ra trường chưa lâu đã sớm ngồi ghế trưởng phòng hành chính, lại đang lân la thám thính vị trí cao hơn.

Anh giật mình sửng sốt khi nghe vợ cãi tay đôi với viên chỉ huy trực tiếp. Vợ chồng làm cùng đơn vị nhưng khác bộ phận, chị là nhân viên nấu cơm thuộc phòng hậu cần. Chuyện là, anh trưởng phòng mới về đứng trên tầng hai nhìn nhân viên đi làm buổi sáng, đã nhầm chị với người khác do lớp áo mưa và khẩu trang kín mít bịt bùng. Anh vội vàng phê bình chị trong hội nghị giao ban do nhiều lần đi làm trễ. Chị đứng lên bật lại liền, người chỉ huy to tiếng, chị cũng chẳng ngán, đáp trả sát ván… Vợ chưa kể xong, chồng đã nhăn mặt: “Cãi chỉ huy khác nào tự làm khó mình. Người ta tìm mọi cách lấy lòng lãnh đạo, em thì ngược lại”. Chị cãi luôn: “Lúc đó giận muốn chết, nhịn sao được!”. Anh thả tay, lắc đầu. Chị còn đụng độ cấp trên vì những chuyện không đâu.

Cuối năm ngoái, chị được chỉ huy chọn đưa ra tập thể bầu chiến sĩ thi đua, vì “tuy đau ốm nhưng vẫn cố gắng trong công việc”. Sếp yêu cầu chị viết báo cáo thành tích, trình bày trước hội nghị quân nhân để anh em “bó đũa chọn cột cờ”. Chị bất ngờ từ chối: “Tôi tuy đi làm đều nhưng toàn việc nhẹ tựa bóc hành đuổi mèo, còn đứng bếp, xúc than hay khuân vác nặng nhọc đều do chị em khác nên không dám nhận”. Chỉ huy thuyết phục, nhưng chị kiên quyết không làm báo cáo thành tích rồi đứng lên, bỏ xuống bếp nấu cơm. Có phải bực vì chuyện ấy hay không mà tổng kết năm nay bộ phận nhà bếp đề nghị tặng giấy khen cho chị nhưng chỉ huy gạt đi. Nghĩ mình xứng đáng được khen, chị hỏi sếp lý do từ chối, sếp loanh quanh bối rối, chị liền phản ánh lên cấp cao hơn và cuối cùng cũng toại nguyện… Nghe chị kể lại, anh chỉ cười, lắc đầu. Chị cũng cười: “Em đâu vì cái giấy khen với ba trăm ngàn đi kèm; em chỉ muốn công bằng”.

Với chồng, chị cũng cái kiểu sồn sồn như thế. Nhà người ta “chồng giận thì vợ bớt lời”, nhà này thì ngược lại. Lắm lúc anh tức, chuyển vào “chiến tranh lạnh đơn phương”; chị lại chủ động khơi thông bế tắc; lại còn bảo: “Nóng giận hay không thích thì nói đại ra; cứ im im, thấy phát mệt; lại cái kiểu lập lờ, yêu ghét chẳng hay, em không thích!”. Nghe thế, anh chột dạ.

Đơn vị tổ chức liên hoan chia tay chỉ huy trưởng về hưu, nhiều đồng đội vây quanh nhân vật chính trong bữa tiệc, anh thì ngãng ra. Anh thấy khi đơn vị đã có tân thủ trưởng nhưng lắm kẻ vẫn hoài cổ nên bị hố, do đó anh dè chừng lúc giao thời cũ mới, chưa gần người mới nhưng đã bắt đầu nới cũ. Anh cũng không manh động nâng ly chúc các sếp như mọi khi, bởi chưa biết vị lãnh đạo mới có sẵn sàng với bia rượu hay không. Khi các trưởng phòng cùng lại chúc người giờ đã là cựu chỉ huy trưởng, anh ngần ngại, chưa muốn tới. Thấy thế, sếp mới chỉ anh, thúc giục: “Trưởng phòng hành chính kìa, sao vật vờ thế kia, khẩn trương!”.

Tiệc vui chuyển qua phần văn nghệ thì anh thêm một lần bẽ mặt. Khi anh vừa giới thiệu bài hát ngợi ca tỉnh nhà sếp mới thì vị này khoát tay lia lịa: “Thôi, thôi, bài đó nghe nhiều rồi. Đề nghị hát bài “Thành phố tình người” vì chúng ta đang ở thành phố này”. Anh đứng sững ngay đơ, suốt mấy ngày tập dượt bài “tỉnh ca” hòng thỏa lòng sếp mới bỗng thành công cốc, đau hơn là bài được yêu cầu lại chẳng thuộc, đành lủi thủi bước xuống, bẽ bàng. Sự thất vọng của sếp trong bữa liên hoan chưa đáng để anh lo âu như sau đó. “Anh này thật khó hiểu, từ chính kiến, năng lực đến nói năng”. Ấy là nhận xét của tân chỉ huy trưởng trong cuộc họp lãnh đạo quy hoạch cán bộ nhưng lòng vòng rồi cũng đến tai anh – người thuộc diện được xem xét đưa vào nguồn chỉ huy cấp trên. Dấu hỏi lửng lơ ấy khác nào sự nghi ngờ, khiến anh giật mình, ám ảnh.

Bà xã anh về hưu, phòng hậu cần tổ chức liên hoan chia tay, anh là khách mời danh dự. Trước khi vào tiệc, chị đứng lên rụt rè nói mấy câu, rằng cảm ơn đồng đội đã giúp đỡ trong quá trình công tác, rằng có gì sai sót hoặc không phải, mong được bỏ qua. Anh trưởng phòng hậu cần đứng lên tặng hoa rồi đáp lời bằng cách ghi nhận đóng góp của người về nghỉ rồi chúc những điều tốt đẹp. Bất chợt anh bước lại gần chị, hạ giọng nhưng đủ để mọi người cùng nghe: “Riêng lần khiển trách oan vụ đi trễ hồi đầu năm, một lần nữa, em xin lỗi chị”. Chị mỉm cười nhưng ứa nước mắt, bất chợt nắm chặt tay người chỉ huy trẻ hơn nhiều. Nhìn cảnh ấy, anh lặng người.

Suốt bữa tiệc, đồng đội nối nhau đến chúc người về nghỉ nhưng chị chỉ cầm ly nhấp môi rồi đưa cho anh. Lần đầu anh uống rượu thay vợ, lại chẳng chối từ bất cứ ai. Tới lượt mình, anh đi chúc khắp lượt, từ chỉ huy đến chiến sĩ, nhân viên. Anh nâng những ly rượu đầy và đặt xuống khi đã cạn, không nửa vời như những lần ngồi với bạn, thế là say.

Chị chở anh về, vừa lên xe, đã nhắc: “Anh ôm lấy em”. Chị cho xe chạy chậm, chốc chốc ngoái lại hỏi mệt không. Vào nhà, chị lật đật đi lấy khăn ấm đưa anh lau mặt rồi đi pha trà gừng và chanh cho nhanh giải rượu. Đưa ly nước cho anh, chị tươi cười: “Hôm nay, anh uống vô tư thiệt tình, say dễ thương ghê”. Anh cũng cười, đưa tay ôm lấy vợ.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top