ClockChủ Nhật, 10/03/2024 07:01

Cậu học trò năm ấy

TTH - Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Tết thầy

 

Về dạy ở Trường THPT Bán công Phương Lam, tôi được Ban giám hiệu phân công dạy bộ môn toán và làm chủ nhiệm lớp 10A. Trải qua một năm, thầy trò hiểu nhau hơn nên các em đoàn kết, gắn bó với nhau. Lớp 10A luôn đứng vị thứ thi đua nhất nhì của khối. Dù sức học các em không bằng các trường phổ thông tuyển đầu vào cao trong thành phố, nhưng được cái, học sinh của tôi rất năng động, có năng khiếu các môn thể thao và văn nghệ.

Bước sang năm học mới, lúc đó lớp 10M giải tán vì có nhiều học sinh nghỉ học, có em thì bị lưu ban. Những học sinh còn lại của lớp 10M được phân công rải rác vào các lớp 11. Xuân vào lớp tôi. Tháng học đầu, em vẫn chưa hòa nhập với lớp mới, thầy chủ nhiệm mới. Giờ học của tôi, Xuân chẳng chịu ghi chép. Các môn học khác cũng vậy. Chính sự vi phạm ấy của Xuân đã làm cho điểm số thi đua của lớp tôi chủ nhiệm rớt hạng hàng tuần. Giờ sinh hoạt nào tôi cũng nhắc nhở Xuân. Có lúc, không kiềm chế được, tôi đã nói tiếng to giữa lớp với em. Dù các bạn trong Ban cán sự lớp, giáo viên bộ môn và thầy chủ nhiệm là tôi nhắc nhở thế nào, Xuân vẫn im lặng, không hề phản đối. Không phản ứng, nhưng ngày nối ngày, cậu vẫn cứ lặp lại những lỗi về nội quy của trường như đi học trễ, vắng không phép, không học bài cũ…

Một ngày cuối tuần, tôi tìm về nhà Xuân. Ngôi nhà cấp 4 của em ở vùng ven thành phố, phía trước có dòng sông chảy qua. Em không ở nhà. Mẹ của Xuân tiếp tôi trên chiếc bàn gỗ đã cũ ở góc nhà. Người phụ nữ có dáng vẻ khắc khổ chậm rãi thanh minh với tôi:

- Hắn cứ than với tôi là năm nay lên lớp 11 không có bạn, lớp 10 cũ bị xáo mỗi đứa một nơi nên chừ hắn không muốn học. Tui tiếng to tiếng nhỏ đủ lời khuyên nhủ hết lời để nó không bỏ học. Khổ mấy cũng được, tui phải cho hắn học hết lớp 12, rồi ưa làm chi thì làm.

- Vậy ba của cháu thế nào? Có cùng với chị để động viên cháu đi học không?

Hỏi đến đây, đôi mắt của người phụ nữ nhìn ra bờ sông, chị thở dài buồn bã. Rồi qua câu chuyện của chị, tôi được biết thêm hoàn cảnh của Xuân. Em là con riêng của mẹ. Xuân lớn lên trong tình cảnh không có bố, hai mẹ con sống với ông bà ngoại. Nhà ngoại thì đông người, nghèo khó, nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ tủi thân, bị mấy người vợ của cậu đối xử tệ, Xuân hậm hực trong lòng nhưng không làm gì được để giúp mẹ. Rồi người đàn ông đang sống chung nhà bây giờ với mẹ con Xuân không phải là bố đẻ. Sau khi ra tòa với người vợ trước vì không có con, chưa tròn một năm, ông đến nhà ngoại của Xuân xin được làm dăm ba mâm, đón mẹ con Xuân về chung nhà. Hiểu hoàn cảnh của mình, mẹ Xuân đồng ý để mong có chỗ nương thân, cùng chăm lo cho Xuân, sau này tuổi già nương tựa nhau mà sống. Năm đó, Xuân mới học lớp 7, nên cũng ngoan ngoãn vâng lời mẹ, theo mẹ đến nhà mà Xuân gọi là bố dượng. Thời gian đầu, ông rất yêu thương Xuân, nhưng rồi càng ngày càng đối xử tệ. Mỗi lần mẹ của Xuân nói về chuyện học hành của con, ông trả lời lạnh lùng: “Học hay nghỉ tùy. Nếu thấy học không vô thì bỏ đi, đi làm thuê mà ăn”.

Vốn đã thiếu tình thương của bố, nhiều năm thui thủi bên nhà ngoại, Xuân càng sống khép kín, lầm lì, ngại giao tiếp, và cũng chẳng muốn mở lòng với ai. Sau buổi về thăm nhà và nghe được câu chuyện gia đình từ người mẹ, tôi lại thấy thương cậu học trò của mình hơn. Thay bằng những lời phê bình, lớn tiếng với Xuân trước lớp, sau mỗi buổi học tôi lại gặp riêng em. Một vài buổi đầu tôi gặp, em tỏ ra khó chịu, bất cần. Không nản chí, mưa dầm thấm đất, tôi vẫn kiên trì đối diện với Xuân để nói chuyện, để nghe em chia sẻ. Xem em như người bạn, dần dần Xuân mở lòng ra với bạn bè, với thầy cô. Em dần chăm học và học tiến bộ lên rất nhiều. Kết thúc lớp 11, Xuân đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, điểm tổng kết các môn toán, lý, hóa thuộc tốp đầu của lớp.

Vào một buổi chiều mùa đông, khi Huế tầm tã cơn mưa, trong hơi lạnh tê tái của tháng cuối năm, Xuân đạp xe về nhà tôi với đôi mắt đỏ hoe. Biết có chuyện chẳng lành, mời em vào nhà, tôi từ tốn hỏi em. Thực ra kể từ ngày tôi lên nhà gặp mẹ, Xuân không còn “khách sáo” đối với tôi. Nhiều lần tôi trở thành “chuyên gia tư vấn” khi em cần “gỡ rối”. Mà mới hôm qua, Xuân còn vui vẻ đi tập văn nghệ chuẩn bị đón chào năm mới cùng với lớp mà. Không biết hôm nay gia đình em xảy ra chuyện gì. Tôi vừa nôn nóng, vừa tò mò. Xuân vẫn ngồi im lặng dù tôi có cố hỏi. Rồi đôi mắt rơm rớm nước, em kể với tôi chuyện xảy ra trưa nay ở gia đình em.

- Em… em xin lỗi thầy, vì để thầy phải nghe những chuyện chẳng vui, chuyện rắc rối từ gia đình em…

- Ôi, đừng ngại, em cứ chia sẻ, nếu giúp được gì em, thầy sẽ cố. Biết đâu em sẽ cảm thấy nhẹ lòng.

Được tôi động viên, Xuân mới trải lòng:

- Người mà lâu nay em gọi là mẹ té ra không phải là mẹ ruột của em. Thầy biết không, em là đứa con hoang, là một thằng con hoang.

Nói đến đây, không kiềm chế được, Xuân nấc lên nghẹn ngào. Tôi lại tiếp tục tìm lời lẽ để an ủi, đồng cảm với cú sốc quá lớn với cậu học trò của mình.

- Vì sao em nói như thế. Em nghe thông tin từ đâu. Em không được nghe người ta nói lung tung. Phải tin mẹ của mình.

- Dạ không, em nghe từ chính miệng của mẹ. Tình cờ ba dượng và mẹ của em cãi nhau khi làm ngoài vườn, em nấp ở bụi chuối sau hè nhà và nghe hết.

Rồi lấy lại bình tĩnh, Xuân kể cho tôi nghe những lời qua tiếng lại mà em tình cờ nghe được khi ba dượng và mẹ cãi nhau.

- Ông suốt ngày rượu chè be bét, có quan tâm chi đến thằng bé đâu. Đêm hôm ông nhậu say xỉn, có ngày té giữa đường, không ai thấy thì khổ vợ, khổ con.

- Bà đừng có mà nói xui xẻo. Bà mong chuyện xấu đến với tôi hả. Thằng Xuân ư, nó có máu mủ gì mà xót cho tôi.

- Ông đừng nói vậy, con nghe được nó buồn.

- Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, nhà mình nghèo, cho nó nghỉ học đi, sau ni biết làm nên trò trống chi mà học với chả hành.

- Đời mình đã khổ, cho nó kiếm dăm ba chữ phòng thân… Bữa ni làm công nhân cũng cần cái bằng lớp 12 ông à.

- Bà ngồi đó mà tính với toán. Hắn có máu mủ chi bà, sau này lớn, hắn tìm cha, tìm mẹ hắn về thôi. Rồi bà cũng nuôi ong tay áo cho mà coi.

Cụm từ “hắn có máu mủ chi với bà” làm đầu óc Xuân quay cuồng. Em không tin vào tai mình nữa. Chuyện, ông Ngà chỉ là cha dượng thì Xuân biết; nhưng bà Sen không phải là mẹ ruột thì Xuân chưa bao giờ nghe. Lẽ nào Xuân là đứa trẻ không cha, không mẹ ngay từ khi mới lọt lòng? Có thể lắm. Vì khi còn ở với nhà ngoại, chẳng có ai quan tâm, yêu thương Xuân cả. Bà ngoại thì mất sớm, ông ngoại hay cau có. Mấy dì, mấy cậu hay to tiếng với thằng cháu. Rất nhiều lần Xuân tủi thân, ngồi hậm hực, ấm ức khóc một mình. Vì thế lời nói của ông bố dượng khiến cho Xuân nghĩ ngợi và đau khổ rất nhiều.

Nghe xong câu chuyện của Xuân, mắt tôi cay xè. Không biết nói gì cho cậu học trò vơi bớt nỗi lòng. Tôi lấy xe chở em đi lòng vòng và dừng lại quán nước dưới gốc cây cổ thụ. Tôi kể cho Xuân nghe những câu chuyện về hoàn cảnh của một vài em học sinh mà mình biết khi làm chủ nhiệm mấy năm trước, qua lời đồng nghiệp. Thực ra, tôi cũng chẳng thích kể những câu chuyện buồn lúc này. Tôi kể với hy vọng để cho Xuân vơi bớt nỗi đau trong lòng, khi em biết rằng xung quanh mình có những hoàn cảnh cũng thật đáng thương.

Rồi những ngày sau đó, Xuân đến trường với nét mặt buồn, ít nói cười hơn trước. Chị Sen – mẹ của em đã biết chuyện. Lòng người mẹ nghèo ấy đau như cắt và bất lực nhìn con buồn. Nuốt nước mắt vào trong, lấy hết can đảm và bằng tình thương của người phụ nữ, những lúc chồng đi vắng, chị đã nói chuyện với con. Không giấu diếm điều gì, chị nói hết sự thật cho Xuân nghe.

Trong số 6 người con thì chị Sen là người thiệt thòi nhất. Khi sinh ra, chị đã có tật bẩm sinh, chân bước thấp, bước cao, nên từ nhỏ, người trong vùng hay gọi chị là bé cà thọt. Lớn lên, có người vẫn cứ gọi chị bằng cái biệt danh như thế. Lâu dần thành quen, chị không hề giận. Thua thiệt về ngoại hình, cả quãng đời con gái, chị chẳng được người con trai nào để ý. Cứ thế, cuộc sống chị trôi qua trong nỗi vất vả với công việc nội trợ, nuôi lợn, nuôi gà… Rồi một ngày, chị nhớ như in, đó là ngày đầu xuân, năm con trâu, sáng sớm chị ra bến sông trước nhà để giặt, giật mình khi nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc trong bụi cây. Sợ quá, chị vào nhà gọi ba, mẹ mình ra. Đứa trẻ tím tái, cuốn trong chiếc khăn tắm. Ba mẹ chị quyết định giữ đứa bé lại để chị nuôi. Chị đặt tên đứa trẻ là Xuân. Vậy là từ mùa xuân năm đó, chị được làm mẹ, khi đã tròn 30 tuổi.

Thấu hiểu hoàn cảnh và tấm lòng của mẹ Sen, dần dần, Xuân vơi bớt nỗi buồn từ cú sốc tâm lý đó. Năm học lớp 12, lực học của Xuân tiến bộ hẳn. Em hứa với tôi là quyết tâm thi đỗ vào đại học để đền đáp công ơn nuôi dạy của mẹ, và cũng để khẳng định với ông bố dượng, mong người đàn ông đó không còn kiếm chuyện gây gổ, hành hạ mẹ.

Ước mơ đã trở thành hiện thực. Ngày biết điểm đại học, trên chiếc xe đạp đã phai màu, Xuân hớt hơ hớt hải đèo mẹ về nhà báo tin cho tôi. Rồi hai mẹ con rối rít cám ơn tôi không biết bao nhiêu lần. Tôi thật sự xúc động và tự hào về cậu học trò nhỏ, có hoàn cảnh đáng thương, cuối cùng cũng toại nguyện ước mơ của mình.

Cơm đùm gạo bới, xa Huế, xa mẹ, Xuân vào Đà Nẵng trọ học. 5 năm đại học trôi qua, tốt nghiệp loại giỏi, Xuân được một công ty có tiếng ở Đà Nẵng nhận vào làm việc. Em lấy vợ, làm nhà và đưa mẹ Sen và bố dượng vào ở cùng. Những ngày cuối tuần, em thường ra Huế và ghé thăm tôi. Không còn nét mặt trầm ngâm, ít nói của cậu học trò năm nào. Chàng kỹ sư bây giờ cao lớn, khi nào cũng nở nụ cười tươi, tiếng nói giòn vang. Nhìn em, tôi càng thấy thật ấm lòng!

Trần Văn Toản
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 học sinh tham gia Ngày hội trải nghiệm ước mơ

Ngày 3/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức chương trình Ngày hội trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh.

Gần 1 000 học sinh tham gia Ngày hội trải nghiệm ước mơ
Học trò “săn” giải quốc tế

Dù mới học tiểu học nhưng nhiều cô, cậu học trò nhí đã làm quen với việc tranh tài ở các sân chơi toán quốc tế, trong đó có nhiều em đoạt huy chương vàng (HCV).

Học trò “săn” giải quốc tế
Du học khi ước mơ đủ lớn

Không dễ có quyết định cho con sống xa nhà tận trời Tây, khi các em đang ở độ tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuy nhiên, với nhiều chương trình du học hấp dẫn mời gọi, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi “tiền trăm, bạc triệu” cho con có những trải nghiệm thú vị ở xứ người.

Du học khi ước mơ đủ lớn
Return to top