ClockThứ Hai, 12/10/2020 10:38

Câu thơ ẩn ý của khách qua đường

TTH - Nguyễn Minh Triết quê xã Lạc Sơn (nay là Phố Thiên, phường Thái Học), thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông nổi tiếng thần đồng nhưng lận đận trong thi cử. Thi trượt mấy khoa liền, gia đình sốt ruột cưới vợ cho ông để có người giúp đỡ việc ruộng vườn. Nhưng chí học hành với ông chưa bao giờ nguội tắt. Năm 54 tuổi, ông đỗ Đình nguyên Thám Hoa (khoa Tân Mùi 1631) làm quan dưới ba triều vua Lê, đều được tin dùng, giao trọng trách, bởi đức tài và công tâm vì dân nước.

Trăng trên đỉnh đồiPhải dứt!

***

Tuổi thanh niên của Minh Triết mòn mỏi theo năm tháng, bộn bề với văn chương, kinh nghĩa. Nỗi cay đắng cứ chất chồng lên nếp nhăn khuôn mặt chữ điền vẻ khắc khổ. Dân làng có người gọi chàng là bác khóa, để rồi bác khóa trở thành một ông già từ bao giờ không biết. Những đứa con cứ nối nhau ra đời, chứng kiến cảnh nghèo của cha mẹ. Và những bạn bè trang lứa cứ nối tiếp nhau đỗ đạt, đi làm quan, còn Minh Triết vẫn long đong, sống đợi chờ thấp thỏm ...

Vào mùa cày cấy, ông là lực điền tham công tiếc việc. Đến vụ nông nhàn, lại âm thầm đèn sách, văn chương. Người vợ thương chồng nay đã vào tuổi ngũ tuần còn mộng lều chõng lập thân, có lần than thở:

- Thôi, âu cũng là số cả! Học tài thi phận. Ông nên ở nhà rèn cặp các con, còn thi thố làm chi cho nhọc lòng.

Ông cười bảo vợ:

- Thiên hạ khối người học kém xa ta còn đỗ ông nghè, ông trạng. Mẹ nó hãy chờ đấy.

Mùa xuân năm Canh Ngọ (1630), Minh Triết đi hội Côn Sơn, trước khi lên đường thi Hương một lần nữa. Tuy từ nhà đến nơi non xanh nước biếc này chỉ khoảng ba chục dặm, nhưng cảnh neo bấn nên Minh Triết cũng rất ít khi đi chơi. Cảnh trí mùa xuân vùng tiểu khí hậu, có thông reo gió thổi chim hót, suối chảy róc rách làm cho tâm hồn ông thanh thản hơn nhiều. Ông nghe văng vẳng bài văn của Nguyễn Phi Khanh (đời Trần) dào dạt chất thơ:

“Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem; phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối tuôn reo, xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt tâm thần người ta ở đây đều có đủ cả”.

Minh Triết thong thả bước trên con đường đầy cỏ may. Ông hít thở khí trời cảm thấy vô cùng khoan khoái. Dãy núi Kỳ Lân khoác trên mình một tấm áo choàng xanh mát, những triền núi thông ngàn vi vút trong tiếng nhạc suối ngân nga. Muôn triệu hạt mưa xuân như bụi phấn bám trên cành lá thông, vương vãi trên từng vạt cỏ ven đường long lanh như hạt ngọc.

Đang suy nghĩ miên man, không để ý có hai người du khách từ phía sau vượt lên, đến lúc ngang hàng với Minh Triết thì một người dừng lại quay sang phía ông, đưa hai tay lên lễ phép:

-  Xin chào nhân huynh, có phải lối này về chùa Côn Sơn?

- Đúng vậy, quý khách đi thêm non dặm nữa. Và họ tiếp tục đi.

Người khách có ý muốn làm quen, lại hỏi:

- Thưa, mạo muội xin hỏi tính danh nhân huynh thế nào để tiện bề xưng hô cho phải?

- Thưa, lão phu là kẻ quê mùa, họ Nguyễn.

Vị khách đi đường nhìn Minh Triết rồi tủm tỉm:

- Tiên sinh chẳng nên giấu mình. Kẻ quê mùa nhưng nghiệp kinh bang.

Đến lượt Minh Triết giật mình:

- Đâu dám!

- Chỉ có điều… Ông khách nói lấp lửng.

Minh Triết hỏi lại:

- Quý khách cứ nói. Có điều sao?

- Chỉ có điều “Độc thư đáo lão vị thành danh! “ (Đọc sách đến già vẫn không thành danh được). Rồi vị khách cười to rẽ sang lối khác, sang chùa Thanh Mai.

Minh Triết nghe câu thơ của ông khách giật thót mình.

Nguyễn Minh Triết có mấy người bạn học thân tình. Phạm Phúc Khánh người Mạn Nhuế, xã Thanh Lâm, Nam Sách cùng trang lứa với ông đã đậu tiến sĩ năm Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623) dưới triều vua Lê Thần Tông. Nhưng hoàn cảnh ông gần gũi hơn với Nguyễn Bình quê xã Bồng Lai huyện Quế Dương, Bắc Ninh. Nguyễn Bình lớn hơn Minh Triết 7 tuổi, cũng lận đận thi cử, nhưng đến khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 đời Lê Thần Tông (1628) thì cả hai cha con cùng đậu tiễn sĩ Tam giáp. Khi ấy, cha đã 58 tuổi và người con trai Nguyễn Tài Toàn vừa tuổi 31, làm xôn xao cả khu vực.

Thấy ông đến, Nguyễn Bình vui mừng ra cổng đón vào nhà thù tạc. Rượu đã đến lúc tàn, Minh Triết mới mang chuyện đi hội Côn Sơn ra kể, giọng nhuốm chút bâng khuâng:

- Tôi sớm khuya đèn sách cùng tiên sinh, sức học cũng không nỗi gì mà sao lận đận mãi cuộc đời thi cử. Thấy các tiên sinh hoạn lộ thênh thang, ngẫm phận mình, đôi phần hổ thẹn.

Nguyễn Bình chỉ cười không hề xúc động, mà rằng:

- Tôi và tiên sinh có khác nhau mấy đâu. Bậc quân tử như tiên sinh trên đời ít có. Thắng không kiêu, bại không nản, nghèo mà không hèn, chẳng tự ti. Cây ra hoa sớm cũng không phải là hoa quý. Cây bói quả muộn không phải quả thường. Cây nhãn năm năm bói hoa nhưng ngọt thơm thế kỷ. Mướp lớn phổng từng khắc, bốn tuần trăng đã xác xơ rồi. Một ngôi sao băng, chớp lóe trong bầu trời giây khắc mà sáng tận càn khôn, còn ánh sáng vàng vọt năm này sang năm khác cũng chỉ là thứ tầm thường, tạo cho đàn muỗi lợi dụng nhập nhoạng trời tối bay ra.

Biết bạn động viên, nhưng Nguyễn Minh Triết cũng có phần dịu đi niềm tâm sự. Nguyễn Bình ngâm nga lại câu thơ của người khách du xuân nói về Minh Triết: “Độc thư đáo lão vị thành danh”, bỗng “ ồ” lên:

- Phải rồi, đúng rồi! Tuyệt lắm, Nguyễn tiên sinh…

Thấy bạn bỗng sôi lên như vậy, Nguyễn Minh Triết hỏi cho có chuyện:

- Đã như thế thì còn cái gì mà tuyệt chứ?

- Đây, tiên sinh nhìn xem - Nguyễn Bình vừa nói vừa lấy đầu ngón tay, viết lên bàn uống nước chữ vị. Chữ này có hai âm, có hai nghĩa khác nhau. Khi ta dùng là âm vị có nghĩa là chưa, nhưng còn có một âm nữa đọc là mùi,  có nghĩa là năm Mùi. Câu thơ ấy phải hoá giải thế này mới đúng: Học hành đến già, nhưng năm Mùi mới hiển đạt…

***

Khoa thi Hội năm Tân Mùi (1631) đối với Nguyễn Minh Triết là một dấu ấn. Khi sĩ tử các nơi dập dìu về tới kinh thành dự thi, thì nhà vua ra cáo thị hoãn thi vô thời hạn. Nhà Mạc bấy giờ từ Cao Bằng mang quân tràn xuống phía nam tiễu phạt quân Lê - Trịnh. Vua Lê sợ không bảo đảm được an ninh cho kỳ thi nên truyền chỉ báo hoãn. Các sĩ tử choáng váng, nửa muốn về nửa muốn ở lại đợi chờ. Nguyễn Minh Triết đành phải giả danh người đi làm thuê, tìm việc. Thật may mắn được vào một cửa hàng cơm ở  ngoài thành làm chân phụ giúp: rửa bát, chẻ củi tá túc tháng ngày.

Khi vua báo tiếp tục thi Hội, ông lại hăm hở bước vào ứng thí. Nộp quyển cuối cùng cho quan trường, ông vội vã trở về nhà, khi trong túi chỉ còn vài hào bạc lẻ. Ông không ngờ rằng khoa thi năm Tân Mùi đã làm thay đổi cuộc đời ông…

Khi Nguyễn Minh Triết về triều mới biết: Vào thi Đình trước bệ rồng, Đức vua ra 12 đề mục, ông chỉ tập trung tinh lực làm có 4, bỏ hẳn 8 mục rồi nộp quyển. Các quan trường chấm thấy bài rất hay và lấy làm kinh ngạc bởi lối triết luận sâu sắc, trước những ý tưởng mới mẻ giúp vua, trị vì đất nước khai sáng cho chúng dân phù hợp với đạo trời lòng người.

Quan chủ khảo muốn lấy đỗ để đệ trình lên đức vua, nhưng vẫn e ngại vì bài bỏ 8 mục. Đến khi dâng vua danh sách những người trúng cách, vua Lê Thần Tông hỏi:

- Các khanh đã kiểm tra kỹ chưa, còn sót quyển nào không?

Quan chánh chủ khảo tâu:

-  Tâu bệ hạ! Thực ra còn một quyển nữa, viết rất hay, nhưng chỉ làm 4 mục, bỏ 8 nên chúng thần…

Vua phán:

- Thơ một câu, phú một liên. Nếu xuất sắc thì một câu cũng lấy được huống hồ là 4 mục.

Quyển thi được trình lên ngay cho vua xem. Vua ngạc nhiên và phán :

- Ban cho Nguyễn Minh Triết học vị Đình nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám hoa).

Khoa thi Tân Mùi cả nước lấy 5 người đỗ đại khoa, trong đó có Nguyễn Minh Triết. Năm ấy ông 54 tuổi.

KHÚC HÀ LINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Bên ngoài ô cửa có mây bay

Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc.

Bên ngoài ô cửa có mây bay
Đôi mắt hoa cúc biển

Tôi không thích cái cách hắn bước vào cuộc đời tôi nhẹ tênh đến thế, không thích cả cách hắn cười mỗi khi hắn tỏ ý trêu tôi, thậm chí cả ghét với việc hắn khoe đã làm xong một bài thơ và lấy tôi làm “nàng thơ” của hắn. Tôi ghét việc hắn tỏ ra là lãng tử, nghĩ mình lúc nào cũng được khối con gái theo và cả việc tán tỉnh được tôi chỉ là vấn đề thời gian như cách mà hắn nói với đám bạn của hắn. Thế mà trời xui đất khiến thế nào chúng tôi lại vào chung một tổ hợp văn chương: Hắn làm thơ còn tôi viết văn.

Đôi mắt hoa cúc biển
Return to top