ClockChủ Nhật, 16/06/2024 08:04

Chị Phấn

TTH - Phòng nữ 101 của Trường cao đẳng Sư phạm “biên chế” sáu tiểu thư - sáu đứa nhưng lại đến từ sáu lớp. “Trưởng phòng” là chị Phấn.

Giả vờ

 

Gọi chị bởi trong sáu nàng, chị Phấn lớn tuổi nhất. Tốt nghiệp lớp 12 mãi 4 năm sau chị mới thi đậu vô lớp Mỹ thuật - Đoàn đội. Tuổi tác vậy nên cả bọn nhất trí bầu chị làm “sếp”. Nhưng chị Phấn nổi bật, ngời ngời như một hiện tượng chính là vì chị… siêu đẹp! Cao sém mét bảy, dáng người mềm mại, đường nét rõ ràng. Mấy đứa trong phòng được “mục sở thị” nói số đo ba vòng của chị Phấn là chỉ số vàng, không thiếu không thừa một phân. Nhất dáng nhì da hội đủ, lại có thêm khuôn mặt mê hoặc, con gái nhìn cũng đắm say huống là quý anh. Con Tuyền luôn quả quyết - mà cũng rất đáng tin, rằng có cả “tiểu đội” anh trai đang sắp hàng tình nguyện xách dép cho chị Phấn!

Chưa hết, chẳng những đẹp chị Phấn còn cực kỳ sang trọng. Nhìn đôi giày chị mang - đẹp như đôi hài cô Tấm, tôi - con em út của cả phòng rón rén lại sờ, nuốt nước bọt rụt rè hỏi giá bao nhiêu. Chị đáp tỉnh bơ: Có bốn trăm nghìn thôi em! Trời đất; bốn trăm nghìn, giá gần bằng một chỉ vàng y (thời ấy) mà chị kêu “có”? Đã vậy, dưới gầm giường chị nào phải một đôi: cả một dãy giày dép đủ màu vàng, trắng, đỏ, xanh... Đương nhiên tôi thiếu chút quay mòng mòng như con gà tây ăn hèm (bã) rượu bị say. Lũ chúng tôi mỗi đứa một đôi giày “hàng chợ”; lỡ đứt quai phải ráng hì hụi khâu khâu, dán dán xong mang tiếp chớ làm gì có đôi thứ hai. Giày dép chị Phấn đã vậy đương nhiên không phải giới thiệu thêm quần áo, phấn son. Chưa hết, hai cổ tay chị còn đeo thêm tổng cộng sơ sơ… mười bốn chiếc vòng vàng ximen. Túm lại, từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài, nhìn chị Phấn cứ như các đại tiểu thư trong phim cổ trang Trung Quốc!

***

Công bình, chị Phấn cư xử với em út cùng phòng không tệ.

Con Viên lớp Hóa dép đứt quai được chị cho mượn dép. Con Nữ lớp Tiểu học thì “ân sủng” là một chiếc áo dài cũ nhưng “hàng hiệu” nên rất chi sang chảnh. Con Tuyền được cho tạm ứng khi khoản tiền dưới quê chưa kịp gửi lên. Phần tôi là chiếc áo pull với cái quần jeans “đồ si” mà tôi đem cắt bớt ống để mặc thay cho trang phục quần tây áo sơ mi (muôn đời) mỗi lần tham gia sinh hoạt ngoại khóa. Mặc bộ đồ chị Phấn cho đứng trước gương, lần đầu tiên tôi hiểu có những loại quần áo khiến người đẹp mặc vô sẽ… hóa xấu. Hèn chi con Trinh cứ thấy tôi “lên khuôn” đi học là nhìn từ sau bụm miệng khúc khích. Cười cho đến lúc chị Phấn nạt khẽ mới chịu im. Có lần tôi nghe chị bảo nhỏ Trinh: Em nên cư xử tế nhị. Nhà Nụ - là tôi, khó khăn, ráng học lên được vậy là giỏi lắm. Đừng làm bạn tủi thân…

Thật tốt tính, chị Phấn cưu mang em út cùng phòng từ chuyện ăn uống tới áo quần, giày dép và nghìn lẻ một thứ nhu cầu không tên. Vậy nhưng, hết năm nhất, chị Phấn chuyển ra ngoài thuê phòng trọ, bỏ lại một giường trống và khoảng trống còn lớn hơn trong lòng những đứa cùng phòng ở lại...

***

Chị Phấn đi, cả phòng buồn ngơ ngẩn. Lúc còn sống chung thi thoảng cũng có “đụng độ”, cũng có đứa phàn nàn chuyện chị hay đi hôm về sớm, hành tung lúc nào cũng bí ẩn. Vậy nhưng giờ thì tất cả đồng nhất trí với nhau: Không có chị Phấn sống chung quả là một mất mát lớn. Con Tuyền thở than: Ở chung với bã (bà ấy) lâu, giờ bã đi tao… nhớ mùi không chịu được! Con Viên nghe, thở đánh thượt, dài mặt ra: Đang vui vẻ, tự dưng lại nghĩ chuyện chuyển đi chi trời? Ai gây mích lòng gì bã sao… Vẫn con Trinh thạo đời đưa ra kiến giải nghe thông: Có gì lạ đâu, nội trú là nơi dành cho mấy đứa sinh viên “bần cố nông” như tụi mình thôi. Tao mà giàu, tao cũng đi lâu rồi. Thuê nhà trọ bên ngoài sống tự tại tự do, muốn “bay nhảy” kiểu nào thì bay, khỏi sợ ai quản lý, cặp kèm… Nói như mày sao năm đầu chị Phấn không ra ngoài sống? Thì tại… lạ nước lạ cái, chưa quen; với lại có khi cũng bị níu kéo bởi cái tình của chị em mình. Vậy nay bã… hết tình rồi chắc? Không; chưa hết; nhưng có “cái tình” khác níu kéo mạnh hơn…

Cả bọn lập tức ngớ ra. Vậy là hiểu! Chị Phấn có người yêu, chắc cú!

***

Chị Phấn học cùng lớp với Mai, em họ tôi. Mai sống cùng xóm, cuối tuần về nhà hai chị em thường đi chung. Lúc trước, biết chị Phấn chung phòng với tôi nên Mai hay hỏi về chị Phấn. Giờ chị ra ngoài, người hay hỏi lại là… tôi. Tôi quan tâm chị bằng sự ngưỡng mộ, kính trọng và cả biết ơn. Không chỉ bằng vào những món quà chị cho tôi. Đó còn là thái độ quan tâm, chăm sóc. Tôi nhỏ tuổi, thêm tính cách yếu đuối, thường khi bị bắt nạt chỉ biết… khóc. Vụ này, tôi bị chị Phấn mắng mỏ nhiều hơn bênh vực. Chị bảo, muốn tránh thiệt thòi thì không được yếu đuối, mạnh mẽ lên! Vậy nhưng chuyện tôi gốc “nhà quê”, đi học mặc đồ “hai lúa”, cưỡi xe đạp trành chở theo ràng bánh tráng với gô cơm thì chị rất cảm thông. Chị bảo: Nhà chị cũng gốc quê, cũng nghèo xác nghèo xơ. Vậy sao em thấy chị “giàu” dữ? À, đó là nói… ngày xưa! Tự nhiên chị Phấn cười buồn…

Mai kêu, dạo này chị Phấn hay nghỉ học. Nghỉ nhiều lắm, có khi chờ kiểm tra mới tới làm cho đủ điều kiện thi học phần. Hồi năm một qua hết các môn, nhưng học kỳ một của năm hai thi lại từa lưa. Mà sao thấy cứ tỉnh queo. Nghe nói đi du hí sắp lượt, hết Đà Lạt tới Nha Trang. Người đâu mà sướng. Nhưng nay chị hết đẹp rồi. Nghe nói bị bệnh da liễu hay sao đó. Nhìn xuống sắc…

Lâu tôi không được gặp chị Phấn. Tin ấy khiến tôi tò mò, kèm thêm cả chút bất an. Giờ ra chơi, tôi tranh thủ tìm cớ chạy lên lớp chị. Suýt chút tôi không nhận ra chị Phấn. Đúng xuống sắc trầm trọng. Da mét mét, nổi hột ở mặt, ở tay. Bệnh da liễu thật rồi. Nhìn bộ dạng chị mệt mỏi, ăn mặc luộm thuộm, form người hơi “sổ sả”, không còn chuẩn như xưa. Hỏi chị có bệnh gì, sao không đi chữa; chị bảo bệnh vặt không nghiêm trọng, để từ từ… Nói vậy, nhưng nhìn sâu trong mắt chị có thể nhận ra một nỗi chán chường, ủ ê không cần giấu diếm. Chiếc cổ cao ba ngấn xưa kia trắng ngần của chị giờ nổi lên những đường tĩnh mạch phập phồng xanh xanh. Cả hai mu bàn tay…

Một linh cảm tồi tệ khiến tôi muốn khóc!

***

Có tin nóng lan ra khắp trường: Hoa khôi Phấn xin nghỉ học vào Sài Gòn chữa bệnh. Bệnh gì? Không rõ, nhưng nghe nói chữa lâu, có đơn xin bảo lưu kết quả học tập một năm. Nói xong, con Trinh hạ giọng, bổ sung thêm: Nói bệnh mà sao tao nhìn bã giống… chị Hai tao hồi chửa con so lắm lận! Bốn đứa đang nằm giường hóng chuyện bật ngồi lên, thiếu chút nhảy dựng. Ngơ ngác, đứa này nhìn mặt đứa kia. Chẳng lẽ…

Tôi chạy bay lên lớp Mỹ thuật - Đoàn đội tìm chị Phấn. Lớp trưởng bảo chị thôi học từ tuần trước. Tôi băng ra khu nhà trọ sinh viên tìm Mai. Mai tránh né nhưng tôi cứ gặng.

Bã… dính bầu thiệt đó. Yêu đương sao không biết mà cặp kè đi miết bỏ học hành, tai tiếng tùm lum. Tệ nhứt là vụ bị đánh ghen. Một mụ sồn sồn dắt theo mấy đứa côn đồ tìm tới tận phòng trọ. Bã bị nện một trận tanh bành, may chưa sẩy cái thai trong bụng. Mụ kia kêu: Cho chừa cái tội dụ dỗ, moi tiền đàn ông, nhỏ không lo học mà đi làm đ…

Tôi rớt phịch xuống ghế hai tai lùng bùng, cổ họng đắng ngắt. Hỡi ơi, giờ thì tôi mới hiểu vì sao chị Phấn cũng nghèo, cũng gốc quê mà tiêu xài phong lưu như con nhà quyền quý. Những đồng tiền chị kiếm ra mười phần dễ dàng hơn nhưng cũng mười phần cay đắng hơn. Chị đã vội vàng đem tiêu xài cái sắc đẹp trời cho; có điều tiêu không đúng chỗ! Nhớ có lần tâm sự cùng tôi chị bảo: Nguyên thời ấu thơ cơ cực đã khiến chị quá sợ khổ. Chị đã thề lớn lên bằng mọi giá phải thoát nghèo... Tội nghiệp, thà chị cứ quê mùa, xấu xí như tôi có khi lại hay. Cái xấu xí giúp người ta an phận thủ thường. Sinh ra xinh đẹp là cái phúc. Nhưng cái phúc nào cũng ẩn giấu sau lưng một mầm họa! Cảm giác “thần tượng sụp đổ” thật không hề dễ chịu. Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn thấy thương chị Phấn nhiều hơn giận.

***

Kết quả học tập năm cuối của tôi rất khả quan. Cơ cực thiếu thốn vẫn còn; nhưng không phải là áp lực quá lớn. Lần đầu tiên tôi hiểu ra cái lý: Đằng sau trái đắng là quả ngọt. “Quả” đầu tiên tôi được nhận là món học bổng loại giỏi cuối năm hai. Quý giá vô cùng. Nhưng đáng quý hơn là nó giúp tôi ngày càng mạnh mẽ, tự tin đối mặt cùng hoàn cảnh. Tôi nhớ tới lời động viên “không được yếu đuối” của chị Phấn. Phải, nếu gặp lại chị Phấn, tin chắc rằng tôi sẽ đủ tự tin để bảo cùng chị: Đó là chuyện ngày xưa! Và chị Phấn - “người thầy” đã dạy tôi phải làm một con người mạnh mẽ, đương nhiên cũng không thể là người yếu đuối. Thuồng luồng dẫu có mắc cạn vẫn cứ là… con thuồng luồng. Lỗi lầm, va vấp nào rồi cũng phải tới lúc phôi pha. Qua cơn nguy biến, thuồng luồng sẽ biết cách xoay xở để trở về Biển Đông, nơi nó vốn dĩ phải thuộc về…

Tôi chờ chị Phấn trở về.

Y Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top