ClockChủ Nhật, 25/09/2022 15:23

Con giống cha hay mẹ

TTH - Khi vợ sinh con gái đầu lòng, anh vui thiếu điều hét lên. Anh xách túi đồ dành cho mẹ và bé hấp tấp chạy sau cô hộ lý bồng con bé từ phòng mổ đẻ qua phòng sau sinh, cứ phập phồng sợ lỡ cô ấy sẩy tay. Anh luôn miệng xuýt xoa động viên vợ đang nhăn nhó vì đau nhưng mắt vẫn không rời con.

Khói tóc…Vào lớp mộtSớm mai hoa hồng nở

Con bé càng lớn càng giống mẹ, từ nước da ngăm đến mũi tẹt, mắt một mí, cả cánh tay cán vá. Điều này phần nào làm vơi niềm vui trong anh. Người ngoài còn xỏ vô việc của tạo hóa: “Sao bé chẳng giống ba để bên nội nó thương”. Người thận trọng thì săm soi: “Để coi bé giống ai nè”. Nghe thế là anh giả lơ, lảng sang chuyện khác, ý không muốn đối diện sự thật chẳng mong. Hình như với nhiều người, con giống ba không chỉ thỏa ích kỷ mà còn khẳng định sự “chính chủ” của nhà nội. Không ít lần anh trêu con gái: “Mai chiều chắc phải bù cho chàng rể mảnh đất hoặc con bốn bánh rồi”. Bé cười toe toét, trong khi mẹ ngó lơ, xót xa nghĩ chồng gián tiếp chọc nỗi đau nhan sắc khiêm tốn của mình.

Chẳng phải chờ lâu, ba năm sau, anh có niềm vui cầu được ước thấy khi đón con trai giống ba từ thuở lọt lòng. Thằng bé mới bước lững chững, anh đã dắt con đi quanh xóm, cứ như muốn khoe niềm vui rộn ràng trong lòng. Anh cười hả dạ khi nghe: “Chà, đẹp trai như ba, đúng là bản sao không cần công chứng”. Anh phấn khích, liền chỉ cho người ta những điểm con giống ba còn tiềm ẩn rồi phóng đại khả năng của con rằng, chưa thôi nôi đã biết đi, hơn hai tuổi đã nói sõi, lại có thể nhảy theo nhạc. Thấy anh nhận hết phần tốt đẹp của con và mình vô tình như kẻ đẻ thuê nhưng chị chẳng lấy đó làm điều bận tâm.

Nhìn chồng ngất ngây khoe con trai, vợ liên tưởng lúc anh sung sướng chia sẻ thành công trong công việc. Những khi đồng đội, thuộc cấp đến nhà chơi, bên ly rượu hay ấm trà, anh hay khề khà luận việc công. Chuyện có thể lung khởi bao đồng rồi chốt lại là những thành tựu đơn vị từ ngày anh ngất ngưởng trên ngôi cao quyền lực. Thành tựu ấy càng chói lóa trên phông nền u ám do người tiền nhiệm để lại. Khi cờ đến tay anh thì đơn vị phất lên, từ lối làm việc đến hiệu quả công tác rồi những công trình để đời hay phần thưởng cao quý. Chẳng thèm vòng vo hay giả đò khiêm tốn, anh cao giọng: “Nếu tôi không ra tay thì việc đó còn lâu…”. Anh kể về những khó nhọc, cả ngõ ngách đường vòng để kết nối quan hệ, để đơn vị được cấp trên ưu ái. Người nghe cảm tưởng anh như đỉnh cao chói lọi, như ân nhân của tập thể… Nhìn chồng khuếch trương tự sướng, chị thấy kỳ kỳ; con hát mẹ khen hay đã là quá, đằng này…

Vợ thêm một lần bất ngờ khi thấy niềm vui của chồng bỗng nhiên nghiêng về phía con gái. Con bé vốn rụt rè, vẻ như càng lớn nó càng ý thức sự thua thiệt bề ngoài nên càng cố phát huy nội lực. Nó học giỏi toàn diện, lại vô địch ở trường môn bơi và là tay chơi ghi-ta cùng giọng ca tuyệt vời, lắm lần vừa đàn vừa hát trên sân khấu. Không cứ bạn bè, thầy cô cũng xuýt xoa khen khi nhắc đến nó. Điều đó chẳng khiến bé vênh vang, trong khi người cha đầy tràn hãnh diện.

Anh giành phần đi họp phụ huynh cho con gái và chỉ định vợ họp cho con trai. Lần nào trở về từ trường, anh cũng tán dương con từ ngõ, giọng ngân nga như ca cùng nét mặt như hoa mới nở. Vợ vui nhưng không dám đưa đẩy theo chồng, bởi sợ anh khoe khoang bốc đồng. Anh khoe con tinh vi theo kiểu ngồi với bạn lại tỏ ra quan tâm, hỏi han việc học của bọn nhỏ. Tất nhiên, người đối thoại sẽ hỏi lại, đồng nghĩa khui trúng “ổ” để anh có dịp “nổ” về con.

Chẳng lộ liễu nhận căn nguyên học giỏi của con gái, anh vòng vèo lạng lách: “Dòng họ mình từ xưa đã có nhiều phụ nữ thành đạt...”. Lấp lửng thế để người nghe ngầm hiểu, con bé thừa hưởng tinh hoa, phước ấm tổ tiên đằng nội. Cả giọng hát hay của bé, anh cũng nhận về nhà nội; ngặt là chẳng thấy ông bà nội hay ba hát hò bao giờ nên anh đành nhờ người đã khuất: “Con bé hát hay giống như bà cố nội của nó”. Vợ bật cười, tưởng chồng đùa nhưng không, anh tái khẳng định chắc nịch: “Ngày trước, bà nội anh hò khoan và hát bài chòi hay nổi tiếng trong vùng đấy. Không ít nhà nghiên cứu âm nhạc đi điền dã đã tìm đến cụ thu thanh những làn điệu dân ca cổ”. Nghe thế biết thế, chứ ngày chị về làm dâu, cụ mất đã lâu.

Ngược lại với con chị, thằng em khá tối dạ; mặt sáng như gương, mồm mép tía lia nhưng sắp vào lớp một mà đếm từ một đến mười cứ lộn qua lộn lại, bảng chữ cái thì lơ mơ, bập bõm, nhớ trước quên sau. Chị lo đến mất ngủ, định cho con học chậm lại một năm nhưng cô hiệu trưởng trường tiểu học động viên: “Cứ để em đi học đúng tuổi, mẹ và cô cố gắng kèm thêm”. Công việc nuôi quân khiến chị bận cả ngày nghỉ nhưng vẫn lẽo đẽo theo sát việc của con. Khổ nổi, cải cách giáo dục khiến mẹ cấp ba lắm lúc không bày được cho con lớp một, thế là phải gọi điện hỏi cô.

Với anh, nghe ai hỏi việc học của con trai, đều một lời đáp trung tính, cứ như lập trình sẵn: “Bình thường”. Vẻ kém hào hứng của người đối thoại khiến kẻ hỏi chẳng muốn tìm hiểu thêm. Có khi nghe hỏi việc học của con trai nhưng anh đáp qua loa rồi khéo léo kéo về phía con gái. Anh lơ là bày con học, cứ như khoán trắng việc đó cho vợ, cùng lắm thì có vài lời hời hợt như quán tính: “Học đi con”.

Chị giật mình đứng sững khi nghe anh đưa ra viễn cảnh u ám để dọa thằng bé: “Học như này chắc phải mua con trâu về quê cày ruộng thôi”. Sao không động viên con, lại còn dè bỉu? Chị bực mình nghĩ: “Dù hay-dở, tốt-xấu cũng là con mình, sao nỡ hắt hủi”. Chị buồn tủi thay con trai khi thấy nó không còn được ba nâng niu như thuở nào. Chị bù đắp cho con bằng cách gần gũi chuyện trò, chỉ bảo nó học rồi đưa đi tập bơi, tập xe đạp.

Anh đẩy những khiếm khuyết của thằng con ra xa nhà nội: “Nòi nhà này đâu đến nỗi tệ, từ ba đến cô chú đều đại học. Chẳng biết nó giống ai”. Câu hỏi giữa trời đồng thời ám chỉ như gai ghim vào lòng chị, bởi chị chợt nghĩ đến học vấn chơi vơi giữa cấp ba của mình. Lòng tự trọng bật dậy, những bực dọc dồn nén lâu nay bung ra, chị chẳng thể nhẹ nhàng: “Con không giống ba thì giống mẹ, chứ ai vô đây. Ừ, thì đầu óc con trai giống mẹ đấy, thỏa lòng anh chưa? Những tốt đẹp nhờ ba, còn xấu xa do mẹ, anh thấy ưng bụng, đúng ý chưa?”. Chồng đứng sững như trời trồng, nhìn vợ không chớp.

Chị tức ngộp thở, dừng lời lấy hơi rồi cao giọng, với sang cả chuyện khác: “Con cái do mình sinh ra mà cứ tranh công đổ lỗi như trong công việc. Anh từng nghe cấp dưới nói gì về mình chưa?”. Chồng bất ngờ trước cật vấn của vợ, lại móc vào cả chuyện cơ quan. Anh há hốc, hỏi dồn, giọng như hụt hơi: “Họ nói sao?”. Mặc chồng ngó sững, vẻ nôn nóng như thúc giục, vợ ngồi lặng lúc lâu. Khi đã bình tâm, chị thong thả kể về những điều tình cờ nghe trong bữa tiệc mừng nhà mới của một người bạn.

Lúc ấy, tiệc gần tàn, mấy đồng đội của anh dồn lại quanh một bàn, họ chuyện trò rôm rả nhưng không hay vợ sếp đang giúp chủ nhà dọn rửa trong bếp. Họ bảo nhiệm kỳ chỉ huy trưởng của anh sắp hết nhưng bao việc đã hứa chưa làm được, từ xây nhà công vụ cho anh em có thu nhập thấp đến công trình luyện tập đa năng, cả chất lượng bữa ăn hay thưởng tết đều giảm sâu so với trước. Đã thế, trong đối thoại dân chủ ở đơn vị, sếp thích khuếch trương thành tích nhưng chẳng cầu thị lắng nghe, lại đổ nguyên nhân yếu kém cho cấp dưới. Họ bất bình bởi “cứ tranh công đổ lỗi như thế, còn lâu mới khá được”.

Vợ dừng lời, vẻ như chờ chồng lên tiếng. Nhưng không, anh ngồi lặng, cúi xuống né ánh mắt nhìn thẳng của vợ.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top