ClockChủ Nhật, 19/09/2021 06:18

Thành phố sau lưng

TTH - Đêm trước ngày về, Lan khó ngủ. Cô nằm xuống rồi cứ liên tục trở mình trên chiếc giường trong gian phòng trọ chật hẹp. Ở lại hay về: hai quyết định đó cứ lởn vởn trong đầu.

Tuy một nhưng haiXóm nhỏ

Đứa con chỉ mới ba tuổi ngủ ngon giấc trên giường. Phố về đêm những ngày giãn cách vắng lặng. Một thành phố sôi động đã biến mất, hiu quạnh.

Quê Lan nằm hạ nguồn sông Ô Lâu. Học hết lớp chín, cô nghỉ học rồi vào Sài Gòn mưu sinh. Tình yêu chớm nở với một thanh niên mạn Tây Nguyên, khi bước sang tuổi hai mươi ba. Một thời gian sau, cô có thai. Gã thanh niên từ đó mất luôn tung tích. Cô giữ cái thai và làm mẹ đơn thân. Nhiều lần ba mẹ gọi điện vào động viên đưa cháu về quê sống, Lan không muốn về quê. Cô sợ hàng xóm dị nghị.

Cháu bé thức giấc, khóc lớn. Lan bừng tỉnh. Cô vào nằm cạnh dỗ con ngủ. Đến sáng Lan mới chợp mắt được một lúc. Hôm sau, cô dậy sớm lo đồ ăn sáng cho con, quyết định về quê tránh dịch.

“Ủa! Chị Lan và cháu về quê hả?”, Trang, cô bé sinh viên năm cuối, phòng đối diện hỏi chuyện.

“Ừ. Về, phải về em à”, Lan dứt khoát.

“Dạ, chị đi cẩn thận nha. Hết dịch chị em mình gặp lại nhau”, nói rồi Trang chạy vào phòng lấy lốc sữa dúi vào tay Lan: “Chị cầm về dọc đường cho cháu uống”.

“Chị cảm ơn hi. Em về phải thật cẩn thận”.

Hai chị em chào nhau. Lan vào phòng, cho con ăn rồi cột đồ lên chiếc xe wave. Tám giờ sáng, cô địu con phía trước. “Mẹ con mình về ngoại nhé!”.

Chiếc xe chạy dọc các tuyến phố rồi lên đường lớn. Dòng người di cư về quê chạy nối hàng lớn trên Quốc lộ 1. Vừa chạy xe, Lan vừa đưa mắt nhìn vào biển số các xe xem có ai là đồng hương không. Cả dòng người không có lấy một xe cùng quê.

Trời nắng gắt. Khi xe sắp ra đến cửa ngõ thành phố, họ gặp một chốt kiểm soát. Lan cho xe tấp vào lề. Hai mẹ con suýt ngã khi Lan không làm chủ được tay lái. Đứa bé giật mình, khóc lớn.

“Sao chỉ có hai mẹ con. Bố cháu đâu?”, một chiến sĩ công an hỏi chuyện.

Cô không trả lời, chỉ xoa xoa vào đầu đứa bé, mắt ngó lơ đi hướng khác. Người công an lảng đi chuyện khác.

“Quê chị ở đâu?”

“Em ở Huế”

“Xa quá! Đi vậy có sức không?”

“Được chứ ạ. Khi nào mệt thì mẹ con em nghỉ dọc đường”.

“Cố gắng chị ạ! Tay lái yếu, chạy chậm cho an toàn”.

Người công an lục trong túi quần, lấy năm trăm nghìn đồng, dúi vào tay. Lan xua tay từ chối nhưng người tặng đã vội nhét vào túi xách rồi bỏ đi. Dòng người tiếp tục hành trình khi chốt kiểm soát đồng ý cho họ đi. Quá trưa, hai mẹ con Lan đã rời xa thành phố. Lan cảm thấy hai tay mỏi nhừ, người uể oải. Chưa bao giờ cô chạy xe xa như thế này. Từ chỗ trọ đến điểm làm cũng chỉ có hai cây số. Đang ở khu vực đông dân cư, Lan không muốn dừng xe nghỉ tại đây. Cô gắng gượng chạy xe kiếm chỗ nào vắng nhà dân.

Đi chừng 5km, có một bãi đất trống, cô tấp xe vào. Lan lấy tấm áo mưa, trải dưới bóng gốc cây, đặt con xuống. Đứa bé vẫn không hay biết chuyện gì.

“Hai giờ chiều. Mình đi được sáu tiếng đồng hồ rồi”. Cô đưa tay lấy gói bánh ăn, rồi nằm chợp mắt bên con. Lúc tỉnh giấc đồng hồ đã điểm ba giờ rưỡi. “Thôi chết!”, cô giật mình vùng dậy. Đứa bé vẫn ngủ. Lan thức con dậy, đặt vào chiếc địu, tiếp tục hành trình.

Về chiều. Trời nổi gió, mây giông. Cô cho xe chạy bám theo đoàn người. Trời bắt đầu mưa. Mọi người dừng lại bên đường, mặc áo mưa.

“Chị chạy một mình thôi à”, giọng một thanh niên vang lên.

“Ừ”

Cuộc nói chuyện đứt quãng khi mưa lớn đổ xuống. Mọi người vội vã mặc áo mưa rồi lên xe tiếp tục hành trình. Sáu giờ tối, Lan ra đến địa phận Ninh Thuận. Đi được một đoạn, chiếc xe tông phải cục đá, tay lái loạng choạng. Còi xe từ phía sau vang lên, một đôi vợ chồng tiến lên: “Có làm sao không chị ơi?”. Lan quay mặt qua, cười, rồi ra dấu không sao cả. Đôi vợ chồng tiếp tục hành trình...

Đằng nào cũng đi sau mọi người rồi, không việc gì phải gấp nữa. Lan nghĩ vậy rồi bồng con xuống xe cho bé nghỉ ngơi. Cô cởi bỏ chiếc áo khoác, rồi cùng con đứng hóng gió biển. Một hành trình dài, khuôn mặt đứa bé phờ phạc, nhưng dường như nó hiểu được sự gian nan này, dọc đường đi ít khi quấy khóc. Nghỉ ngơi một lúc lâu, hai mẹ con cô tiếp tục hành trình. Đến một điểm vắng dân cư, chiếc xe máy giở chứng. Lan cảm thấy lốp trước có vấn đề, tay lái rung lắc, không thể làm chủ được. Cô dừng xe, xuống kiểm tra: “Thôi chết rồi, xe thủng xăm. Làm sao bây giờ?”. Đứa bé tự dưng khóc thét lên. Cô giật mình bởi tiếng khóc của con. Dỗ mãi chẳng chịu nín.

“Làm sao bây giờ?”. Cô liên tục lặp đi lặp lại câu hỏi. Trấn tĩnh lại, Lan dỗ đứa bé rồi đứng đợi bên đường, nhưng đợi mãi vẫn chẳng thấy có chiếc xe nào ngang qua. Lúc này đã mười giờ đêm. Cô bật điện thoại, đăng tin kêu cứu trên mạng xã hội. Lan tìm những trang mạng xã hội của Ninh Thuận, vào nhắn tin nhờ giúp đỡ. Hơn một giờ sau, quản trị viên trang page “Người Ninh Thuận” trả lời tin nhắn.

“Chị đang đứng ở địa điểm nào? Nói qua tình trạng xe hỏng như thế nào, để em kêu gọi giúp đỡ”

“Mình đang ở Suối Đá, xã Lợi Hải, Thuận Bắc. Xe bị thủng lốp trước”.

“Ok. Chị cho em số điện thoại, cứ bình tĩnh, sẽ có người đến giúp”.

Lan mở xi-nhan xe làm hiệu. Cô tranh thủ cho con uống thêm sữa, nước. Một chiếc xe tải chạy đến phía Lan. Chiếc xe dừng hẳn khi đến gần hai mẹ con, người trên xe bước xuống, yêu cầu mẹ con Lan đứng ra xa.

Cô bồng con đi sâu vào bãi đất trống. Đội ứng cứu tháo lốp xe máy phía trước ra, kiểm tra một lúc rồi họ quay lại nói vọng vào chỗ Lan: “Cả vỏ và xăm hỏng nặng rồi, để bọn em thay luôn nhé”. Chưa chờ sự đồng ý của Lan, họ lấy dụng cụ thay luôn. Xong lốp trước, nhóm người kiểm tra lốp sau rồi toàn xe. Xong xuôi, họ ra hiệu cho Lan tiến lại. Cả hai vẫn giữ khoảng cách. Cô nói như hét: “Hết bao nhiêu tiền, cho em gởi lại”.  “Bọn em giúp chị và cháu. Chị đi cẩn thận. Giờ không thể giúp chị chỗ ngủ được. Chị và cháu chạy đi một đoạn nữa xem có điểm nào nghỉ ngơi được thì nghỉ nhé”.

Nhóm người vẫy tay chào hai mẹ con Lan rồi leo lên xe tải chạy đi. Trong đêm tối, bịt kín sau khẩu trang nên cả hai bên đều không thấy rõ mặt nhau. Lan nhắn tin cảm ơn quản trị viên fanpage rồi đèo con chạy tiếp. Đi được một chặng dài, khi đã thấm mệt và khuya, Lan dừng chân nghỉ. Bãi đất ven đường, dưới tán những cây keo, lác đác có một nhóm người dừng chân qua đêm. Lan lấy tấm áo mưa trải ra, cởi chiếc địu rồi đặt con xuống. Cả người cô mỏi nhừ khi vừa chạy đường dài, vừa địu con. Cô lấy chai nước, giặt khăn lau người, thay áo quần cho con rồi cả hai nằm ngủ bên đường. Chiếc xe được khóa vào gốc cây.

Lan thiếp đi lúc nào không hay. Cả đời cô chưa bao giờ trải qua một hành trình như vậy. Ba giờ sáng, khi cả hai mẹ con đang ngủ, một bóng đen từ xa tiến đến. Bóng đen giẫm phải lon kim loại, phát ra tiếng động. Lan giật mình vùng dậy, cô ôm con rồi hét lên: “Ai đó?”. Người lạ thấy bị phát hiện quay lưng bỏ chạy. Nhóm người ngủ quanh nghe động vùng dậy hô hét. Lan kiểm tra lại tư trang, hơn ba triệu đồng cô cầm theo làm lộ phí vẫn còn. Chiếc xe máy khóa vào gốc cây vẫn ở vị trí cũ. Đứa con bị làm thức giấc khóc ré lên, Lan dỗ mãi nó mới chịu ngủ lại. Cô đặt con xuống, rồi đứng dậy đi quanh. Đèn đường lúc này đã tắt. Bóng tối bao trùm lấy bãi đất, tiếng côn trùng kêu vang cả một góc. Tiếng dế, tiếng ếch nhái... làm cô nhớ đến một tuổi thơ đầy vui tươi, trong sáng bên dòng Ô Lâu.

Ngày hè nghỉ học, Lan đi chăn trâu, gặt lúa. Rồi những lúc được ba đem ra sông tập bơi. Mùa lũ về, Lan theo ba đi đặt lừ, kéo cá. Nước lũ tràn vào, cả nhà ngồi trên đống lúa cao, ăn cơm mùa lũ trong bóng tối. Với cô đó là những ngày tháng hạnh phúc, yên bình nhất.

“Quê mình đẹp quá ba. Con sẽ không bao giờ đi khỏi đây”.

“Không nói trước được mô con”.

“Ba để mà coi. Ở đây được rồi, đi xa chi”. Lan từng quả quyết như vậy, nhưng vài năm sau, cô phải nghỉ học rồi khăn gói vào Nam mưu sinh.

Đang ngẩn ngơ nhớ về những ngày xưa, cu con thức dậy không thấy mẹ khóc lớn. Lan trở về với thực tại. Cô chạy đến dỗ con. Mờ sáng, nhóm người lục tục dậy tiếp tục hành trình. Mẹ con Lan vẫn ôm nhau ngủ dưới gốc cây keo, một phụ nữ đến gọi hai mẹ con cô.

“Dậy đi tiếp chị ơi”.

“Sáng rồi hở chị?”

“Ừ. Dậy đi sớm cho khỏe. Được đoạn đường nào hay đoạn đó, tí nắng lắm”

Lan thức con dậy, cháu bé nũng nịu đòi ngủ thêm. Cô không nỡ bắt con dậy. Lan vớ lấy gói bánh, hộp sữa ăn sáng rồi ngồi chờ con. Bên đường lớn, lâu lâu vẫn thấy một vài đoàn xe máy lũ lượt chạy ra bắc. Ở tuyến ngược lại, một vài chiếc xe tải cỡ lớn tiến vào nam, phía trước dán băng rôn “Hàng hỗ trợ miền Nam”.

Trước khi về quê tránh dịch, mẹ con Lan cũng từng nhận được những gói hàng hỗ trợ như vậy. Một bao gạo 10kg, hộp cá, bịch mắm ruốc, ít sả và cá khô… từ sự hỗ trợ của người dân quê Lan thông qua hội đồng hương. Hai mẹ con cô dùng được ba ngày thì ra quê. Lan đem số đồ còn lại gởi tặng bà chủ trọ.

Sáu giờ sáng, con thức giấc. Lan vệ sinh rồi đưa sữa, bánh cho con ăn. Cô cột lại đồ lên xe rồi hai mẹ con tiếp tục hành trình.

Dọc đường đi, người dân sống hai bên kê bàn, đặt lên đó nước, sữa, hoa quả… hỗ trợ người dân chạy xe máy từ miền Nam ra. Lan cho xe tấp vào một điểm phát đồ ăn miễn phí, cô xin hai hộp sữa cùng chai nước. Lan không dừng xe nghỉ lấy sức như đoàn di cư, cô miệt mài chạy. Hai mẹ con tranh thủ đi, hy vọng ra đến sớm.

Ruộng đồng hiện ra hai bên đường, đẹp đến nao lòng. Lúa đang vào độ chín, vàng ươm một dải dài. Mùi đồng, mùi lúa chín, cảnh quê yên bình, rất lâu rồi cô mới có dịp cảm nhận lại. Trước khi chưa xảy ra dịch, Lan cũng hay về quê, nhưng mấy dịp cô về không đúng vào vụ mùa.

Đến tối muộn hai mẹ con ra đến Đà Nẵng. Mốc lộ giới ven đường báo còn 50km sẽ đến địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế. Cửa ải bây giờ là mẹ con Lan phải vượt qua là đèo Hải Vân. Từ Sài Gòn chạy ra, đi qua biết bao nhiêu con đường đèo nhưng với Hải Vân Quan, cô vẫn sờ sợ.

Gần nửa đêm, hai mẹ con Lan vượt đèo thành công, xe xuống đến chốt kiểm soát ở thị trấn Lăng Cô. Cô được tiếp sức cơm, sữa, nước. Hơn giờ sau nhận được thông tin sẽ được đưa đi cách ly tại một ngôi trường ở Phong Điền.

Những người được xếp cách ly ở Phong Điền lên xe cùng mẹ con Lan. Cả chuyến xe chừng hơn mười lăm người. Xe đến nơi, tài xế thông báo cho mọi người biết. Lan hét lên: “Con ơi! Mình về tới quê nhà rồi”. Nước mắt cô lăn dài, òa khóc như một đứa bé. Giờ hai mẹ con sẽ được ngủ một giấc thật đã trong khu cách ly.

Nhận phòng. Lan lấy điện thoại báo cho ba mẹ ở quê. Quá nửa đêm thấy điện thoại con gọi về, bà Nhàn lo lắng, nghĩ con bé có chuyện chi rồi.

“Alo, có chuyện chi mà gọi mẹ giờ ni?”

“Mẹ hả! Con về đến quê rồi”

“Cha mi. Răng về được? Mà về với ai, rồi đang ở mô? Có khỏe không, cháu mẹ răng rồi?”, bà Nhàn vồn vã.

“Hai mẹ con tự chạy xe máy về. Mẹ yên tâm, con và cháu khỏe cả. Giờ đang đi cách ly. Hết mười bốn ngày con về. Mẹ nói với ba như vậy giúp con, đừng lo lắng”.

Lan nhắn tin báo cho Trang, xong, cô tắm rửa rồi lên giường ngủ với con. Lúc này đã ba giờ sáng. Đã lâu lắm rồi mẹ con cô mới có giấc ngủ ngon như thế!

NGUYỄN ĐẮC THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top