ClockThứ Năm, 12/04/2018 17:55

Đêm mộc miên

TTH - Chiếc áo blu trắng phất phơ rồi mất hút trong màn đêm thăm thẳm. Tiếng thở của bà khe khẽ hòa vào bóng tối. Khuôn mặt đã giãn ra dưới ánh đèn trăng trắng nhờ nhờ. Bà nằm giường số 4, con số cuối cùng của căn phòng. Thân hình lọt thỏm trong góc khuất. Ba số còn lại, người ú ớ cơn mê, người thao thức trở mình, người trôi dài với những mộng mị. Đêm dài như vô tận trong những cái cựa mình của những người bệnh.

Bà húng hắng ho. Rồi trở dậy. Viên thuốc dường như hết tác dụng. Nhưng bà không bị hành hạ bởi cơn đau đầu. Bà thấy đầu óc nhẹ bẫng. Nhìn qua khung cửa sổ, sân bệnh viện chìm sâu vào giấc ngủ. Bà mở cửa bước ra. Chiếc áo số 4 chầm chậm trôi. Lướt qua những hàng cây thấm đẫm hơi sương, những chiếc ghế đá trống trơn. Phía xa xa, xe cấp cứu hú dài những tiếng đau đớn. Tiếng xôn xao và những cái bóng lố nhố. Tiếng chân chạy thình thịch và tiếng khóc rấm rứt. Bà chợt bải hoải, rã rời, bủn rủn ngồi xuống ghế đá. Trên vòm cây, bầy chim thiêm thiếp ngủ, thỉnh thoảng kêu lích chích trong cơn mơ.

Người con gái gục mặt vào sông đêm nức nở. Chậm mất rồi! Sóng gió găm vào lòng nát bấy. Những vì sao chết đuối giữa lòng sông. Bỗng có tiếng chân bước tới, vội vã, gấp gáp. Nghe như hơi thở thoang thoảng đâu đây. Gió đưa tới một mảnh sao lóe qua ngang mặt. Thấp thoáng một bóng trắng ùa tới. Thấp thoáng một con đò cập bến. Thấp thoáng một tiếng gọi đò ơi đứt nghẹn. Người con gái với tay ra trước mặt, tưởng như nằm trọn trong bàn tay ấm nóng của người yêu. Vẫn còn kịp! Nước mắt mặn chát! Mưa! Mưa đổ sầm sập. Xót lặng. Chỉ là mưa. Cơn mưa hoa mộc miên đổ xuống ngang trời. Những vầng hoa máu long lanh .Và bàn tay nắm chặt. Không còn gì cả. Chới với. Kêu cứu. Chìm lút vào thăm thẳm. Chỉ còn là nước mắt mang dáng hình của những cánh mộc miên.

Bà choàng tỉnh. Giật mình ngơ ngác. Bàn tay vẫn nắm chặt một bàn tay. Người bác sĩ để tay mình nằm yên trong tay bà. Anh ra hiệu bảo bà nằm xuống.

*

Trời tang tảng sáng, bốn số đã cùng trở dậy. Bà ngồi thu lu ở góc giường. Cố thu mình nhỏ lại, chìm vào những thứ đồ lỉnh kỉnh, những chai lọ trên tủ đựng đồ. Đã hai ngày rồi, đứa cháu họ của bà chưa tới. Bỗng cánh cửa mở. Nhưng không phải đứa cháu bà. Anh bác sĩ mang tới một bát cháo nóng hổi và nói với bà rằng cháu bà nhờ anh chuyển giúp. Cô ấy vội quá không vào thăm bà được. Bà hơi hụt hẫng. Cơn đau đầu bỗng dội đến. Như có ai đang cầm máy khoan mà khoan, như có con vật nào dùng hàm răng sắc nhọn mà cắn xé vào óc bà nhức buốt. Cơn đau tím tái. Bóp nghẹt. Vỡ nát. Bà thở dốc. Hai tay ôm đầu. Đôi mắt đờ dại.

Anh bác sĩ vội đỡ bà nằm xuống. Những cơn đau bất ngờ thường kéo đến hành hạ bà dữ dội. Rồi cũng đột ngột qua đi như cơn giông tố để lại cái hoang tàn, xơ xác. Bà nằm bẹp rúm như một con vật đang tự liếm vết thương của mình một cách lặng lẽ và cô độc. Anh dỗ bà đi qua cơn đau. Từ cơn đau này qua cơn đau khác. Những cơn đau không phải chỉ từ khối u trong não mà thôi.

*

Lần đầu tiên nhìn thấy anh, bà đã giật mình. Có một cái gì xưa cũ ùa vào lòng bà nhoi nhói. Khuôn mặt của hơn bốn mươi năm về trước. Vầng trán cao, thanh tú và đôi mắt thẳm sâu. Khuôn mặt đã tan dần cùng những cánh mộc miên phủ kín một đêm xưa. Giá con trai bà còn sống thì nó cũng tầm tuổi ấy. Chắc nó cũng phải cao bằng tầm ấy. Ừ, thế quá đi chứ. Hồi còn nhỏ, so với chúng bạn mà nó đã cao nhỏng cao nhòng. Chỉ mỗi tội đen như củ súng. Da thịt cháy sạm vì ánh ỏi nắng trung du, trong những lần trốn chui trốn lủi đi bắt tôm bắt ốc giữa trưa ruộng sủi nước đục ngầu. Ờ, nó cũng bảo sau này nó sẽ làm bác sĩ để chữa cái chứng đau đầu của mẹ. Ờ, đúng là nó cũng đã nói thế. Nó nói vậy. Nhưng cái thằng, nó chỉ biết nói thôi…

Đột nhiên, bà thấy mắt mình nhòe đi. Cơn mưa đổ xiên xiên bên lưng trời cũ. Hoa mộc miên loang lổ cả chiều. Những đốm sáng cố bừng lên một lần sau cuối trong cái ảm đạm, sắt se.

Anh bác sĩ bước vào, kéo bà về thực tại. Lại mang một bát cháo nóng hổi đến. Đứa cháu của bà vội quá không vào thăm bà được. Cái con bé này đến lạ… Bà thở dài. Bà đâu cần bát cháo. Thứ bà cần nó lại không cho. Bà cúi xuống, lặng thinh. Những vết nhăn trên khuôn mặt xô dạt vào nhau như những cánh ruộng bậc thang uốn lượn lưng chừng núi. Bà lắc đầu, ra hiệu không muốn ăn. Mồm miệng cứ đắng ngăn ngắt, nuốt sao cho nổi. Thế mà anh ép bà ăn được hết bát cháo. Bà cứ phụng phịu như một đứa trẻ bất đắc dĩ phải phục tùng. Lại thấy như trước mắt mình người trai của hơn bốn mươi năm về trước. Một bữa, bà bị cảm, người ấy đã đút cho bà từng thìa cháo. Cháo hành tía tô nóng hổi làm mồ hôi bà túa ra, ướt đầm đìa. Một chốc, bát cháo hết nhẵn, chỉ còn mảnh lá tía tô dính lại nơi đáy bát. Trước mắt bà, người bác sĩ cứ cười nụ cười của người đàn ông ấy. Có khi, bà những tưởng ông ấy đang bên cạnh, bà định với tay ra, nắm lấy thì ông ấy lại vụt tan biến, chỉ còn lại người bác sĩ trẻ hiền hậu, ân cần…

Bà ngồi giữa một khoảng tối, ngước mắt nhìn những quầng sáng trên những cây cột điện. Hàng đám thiêu thân quay cuồng trong thứ ánh sáng ma mị cho đến khi thân xác rã rời. Bà chưa bao giờ nghĩ mình là một con thiêu thân, nhưng sao cứ lao vào cái khát vọng mơ hồ của một thời son trẻ. Bà thôi không nhìn lên quầng sáng. Mắt bà đã  hoa lên. Trong mắt như có vô vàn con đom đóm bay loạn xạ. Nó nhảy nhót, hò hét, nó ca bài ca của ảo giác. Nó lượn lờ, ngoằn ngoèo như khói thuốc rồi tan vào đêm. Chỉ còn bóng tối.

*

Anh bác sĩ lặng lẽ ngồi bên bà. Bà đang trải qua một cơn hôn mê sâu. Khối u trong não phát triển khiến bệnh tình của bà ngày càng nguy kịch. Những chấn động tâm lý và đau thương dồn nén của cả một đời, giờ phát tác, hành hạ bà ngay cả trong những cơn mơ. Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bà, một người già neo đơn, từ chỗ chỉ coi bà là một bệnh nhân thì đến giờ, anh lại thương cảm và xót xa cho bà như người ruột thịt. Anh cứ thấy như có một mối liên hệ gì đó giữa bà và anh mà không sao cắt nghĩa nổi. Những mẩu chuyện rời rạc của bà về một vùng đất xa xôi, về một dòng sông và hoa mộc miên ứa máu trong chiều, sao giống quê nội của anh đến vậy. Nhưng mà, trên dải đất đầy đau thương qua những năm tháng chiến tranh, có vùng quê nào không có dòng sông và cháy trời hoa đỏ, không có những người trai ra trận rồi vĩnh viễn chẳng trở về để lại những người con gái với bi kịch dở dang. Bà còn chẳng nhớ rõ quê mình ở chốn nào, hay là bà không muốn nhớ. Người cháu họ xa lơ xa lắc cả tháng trời chẳng vào ngó bà được một lần nhưng lúc nào anh cũng phải nói với bà rằng nó bận quá chỉ kịp mang bát cháo gửi anh. Rồi vật vã với những cơn đau và giật mình thon thót với những giấc mơ ám ảnh từ quá khứ, bà như kẻ mộng du chẳng biết lối về. Có lần, bà hỏi về gia đình anh,ngập ngừng. Những nếp nhăn xô dạt nơi khóe mắt khi bà cố nặn ra một nụ cười rệu rã. Ờ, thế ra ông nhà cậu ngày xưa cũng là bộ đội à? Ờ, thế ra bà nhà cậu ngày xưa lại là bác sĩ quân y à? Thế ra chính bà nhà cậu lại là người cứu mạng cho ông nhà cậu à? Có duyên vậy… Thảo nào… Hai tiếng “thảo nào” phải khó khăn lắm mới run rẩy thoát ra. Bà quay mặt ra phía khác, tránh để anh thấy sự xúc động đang xâm chiếm toàn thân. Nhưng anh vẫn thấy cả người bà rung lên như một dấu hỏi. Và dấu hỏi ấy cứ ám ảnh anh, thôi thúc anh làm một cái gì đó để giải đáp, để lấp đầy những khoảng trống rời rạc trong góc khuất đơn côi của cuộc đời bà.

Trở về nhà vào một buổi chiều muộn, anh thấy cha đang lặng lẽ đốt thuốc. Những sợi khói găm vào mái tóc bạc im lìm trong bóng tối. Đốm lửa lập lòe như bông gạo cuối cùng còn sót lại bên trời. Rồi ngày nào sẽ rụng xuống. Trong hư ảo. Anh chợt giật mình. Cảm giác sống mũi cay cay. Muốn nhào tới chui vào lòng cha như đứa bé con thuở nào nhưng lại không muốn phá tan khoảnh khắc riêng tư của ông. Anh cứ đứng vậy, chôn chân trong bóng tối thầm lặng. Thấy trước mắt mình cơ man là mộc miên rực lửa ở một bến sông xưa.

Anh nghĩ mình không thể chậm trễ việc nói cho cha biết về một người đàn bà, theo anh, có lẽ là đặc biệt. Sự chậm trễ trong đời sống này, đôi khi chỉ một cái chớp mắt thôi cũng đã mang lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Dù anh chưa biết việc này sẽ mang lại kết quả gì.

*

Bà vẫn chìm trong cơn mê man. Một ông lão tóc bạc trắng ngồi xuống bên bà. Bàn tay run run nắm lấy bàn tay. Một khoảng lặng dồn lại, đong đầy cho hơn bốn mươi năm, từ cơn mưa gió tơi bời nát bấy những cánh mộc miên trong một đêm chia cắt. Đột nhiên, từ mắt bà nhỏ xuống hai dòng nước mắt. Trong ánh sáng nhờ nhờ, ông thấy đôi môi bà mỉm cười, khuôn mặt bừng lên rạng rỡ. Nụ cười tan trong sương rồi rớt vào đêm mộng mị…

NGUYỆT CHU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm.

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu

Ngày 28 đến 31/10, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng tổ chức Les Lampions (Cộng hòa Pháp) triển khai khóa đào tạo hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu cho bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng Nhi sơ sinh, Hồi sức tích cực sơ sinh, Sản sơ sinh, Gây mê sản tại các cơ sở y tế trong, ngoài tỉnh.

Hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu
Return to top