ClockChủ Nhật, 07/08/2022 20:23

Đơn vị còn bao việc

Chuyện gì cũng qua…Gõ cửa, cửa không mởTrong âm thanh dịu nhẹ

Phan Đấu là nhân viên văn thư - bảo mật; chức danh ấy được ghi trong biểu biên chế đơn vị và quyết định giao nhiệm vụ cho anh. Khi tự giới thiệu với người ngoài đơn vị, anh cố tình cắt phăng phần đầu danh từ kia và nâng cấp nhân viên lên cán bộ, để thành “cán bộ bảo mật”. Tên gọi vừa kích thích khám phá, vừa muốn tránh xa khiến lắm kẻ lác mắt dè chừng, trong khi người này cả mừng bởi khâu oai được giải quyết.

Tên chức danh vẻ như đặc biệt nhưng việc hằng ngày của Đấu là đánh máy công văn, trình sếp ký duyệt và tiếp nhận tài liệu của trên, sao gửi các nơi và đưa vào kho lưu trữ. Việc này ngày càng giảm khi máy tính thành vật bất ly thân với công chức, ai không múa tay trên bàn phím thì chí ít cũng mổ cò để cho ra văn bản thay vì cầm bút, bởi cầm bút để viết thời nay ngại như nông dân cầm cày đi sau máy làm đất. Và nữa, công nghệ thông tin đang kết nối toàn cầu bằng tốc độ ánh sáng nên văn bản giảm là đương nhiên, đến báo in cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ. Kể mông lung như thế để thấy, Đấu rảnh cũng đáng mừng, bởi thủ tục rườm rà đang trên đà giảm thiểu.

Lắm lúc cả buổi chúi vào điện thoại hay máy tính chơi game, nhưng Đấu vẫn giả lăng xăng như đang bận. Anh ngụy trang bằng cách xoay màn hình máy tính vào trong hay trải tập công văn trước mặt, để sếp thấy vẫn tưởng anh mải mê công việc, nghiên cứu say sưa. Ngày nghỉ, Đấu lấy lý do đi trực để ngồi mọc rễ trong quán cà phê hay gọi nhau gầy độ nhậu.

Nhiều người thích ở nhà hơn là công sở, anh thì ngược lại. Anh khoái không khí khề khà trà thuốc ở đơn vị, lắm bữa ngồi ngã ngửa rung đùi hàng giờ, vẻ nghiêm trang nhưng đầu nghĩ lan man, mắt mơ màng nhìn máy điều hòa phả hơi lạnh. Anh nhác đến nỗi chẳng thèm cầm cái chổi dù thấy rác trước mặt, mấy chậu mai trước cửa héo quắt cũng kệ; chưa mười một giờ đã chờ tiếng còi báo nghỉ. Đã thế, cơm nước có người lo, mới húng hắng ho quân y đã cho thuốc, lương thì đến hẹn điện thoại lại tít tít báo tiền đã vào tài khoản.

Dần dà, việc nhà nằm ngoài vùng phủ sóng của anh. “Đơn vị còn bao việc”, Đấu nghiêm sắc mặt nhìn vợ mỗi khi nhắc lại câu cửa miệng như thần chú. Vợ chủ động cáng đáng việc nhà để chồng yên tâm công tác. Trong khi chị tất bật đón con rồi xoay tròn giặt giũ, cơm nước… thì anh hăng hái “làm thêm ngoài giờ” bên bàn nhậu hay “đang bận” dở ván cờ với đối thủ trên mạng. Anh đem cả không khí bận rộn nơi công sở về với vợ khi hay kể những yêu cầu cao trong nhiệm vụ. Chị chẳng chăm chú nhưng anh nâng tầm quan trọng bằng gài một câu lỏng lẻo: “Chỉ nói với em thôi đấy”.

Đấu cậy hai chị gái chăm sóc mẹ già ở quê. Loáng thoáng trở về rồi vội vã ra đi, đôi khi anh chẳng kịp ăn bữa cơm với mẹ. Cứ nghe con đem công việc ra che chắn, mẹ chẳng dám trách, lại còn thương con vất vả. Con giới thiệu với bạn là “cán bộ bảo mật” nhưng bà cụ nghe thành “cán bộ bí mật” nên càng thông cảm sự lớt phớt của con, lại mừng thầm bởi nghĩ con thành đạt. Bữa nào con nán lại chơi lâu, mẹ còn giục về vội để khỏi trở ngại công việc. Không muốn phiền con trai cả khi ốm đau nên cụ bảo con gái đừng cho Đấu hay.

Rồi đến ngày vợ quay ra hoài nghi, chất vấn khi chồng đi trực cả thứ Bảy và Chủ nhật: “Công chức sao trực miết vậy, cũng phải có ngày nghỉ chứ?”. Giọng anh vênh lên, vặt lại: “Đơn vị còn bao việc, em biết gì mà tham gia?”. Vợ chẳng tha, tiếp tục truy vấn: “Anh là người phục vụ mà vẻ quan trọng như lãnh tụ không bằng, cán bộ nào chẳng cần nghỉ ngơi lấy sức?”. Anh thoáng bối rối, chị vẫn chưa thôi bực tức: “Chắc em phải gặp sếp của anh hỏi sao ép chồng quá đáng như thế”. Anh chống chế bằng giọng bắt đầu hạ độ cao: “Thì hỏi đi”.

Đấu rảnh rỗi đâm nông nổi với chính sức khỏe của mình. Từ kẻ sợ rượu như sợ thuốc độc, anh nghiện chất say lúc nào không hay. Mỗi ngày anh chơi cả lít, lai rai từ sáng sớm, cứ mở mồm là mùi men phả vào mặt người đối diện; nếu anh ôm hôn trẻ con, chắc chúng lăn quay vì say thụ động. Người ta ăn uống hài hòa còn anh chỉ tập trung nâng cốc, chốc chốc lẻn vào phòng riêng mần một ly, có khi đang giờ làm việc. Mồi đưa cay chỉ lát xoài, trái ổi, cũng có thể thổi bay hũ rượu. Nhiều bữa tiệc bia miên man nhưng anh chẳng màng, vẫn lận theo chai rượu; thiếu tửu lại run tay, người ngây ngây như hóa dại, lại héo hắt giống suy dinh dưỡng độ ba.

Đơn vị phê bình, kiểm điểm Đấu mấy lần nhưng không được. Chỉ cần tờ quyết định là anh khẩn trương lên đường, chia tay đồng đội nhưng sếp không làm thế. Khi thành phố phong tỏa chống dịch, đơn vị thực hiện nội bất xuất ngoại bất nhập, Đấu bị cách ly khỏi rượu. Anh không được ra khỏi cổng và ai tiếp tế chất say cho người này sẽ bị kỷ luật. Lệnh ban ra, anh không dám bước qua, dù vật vờ như cờ rũ. Hai tháng vẫn chưa đủ để Đấu chia lìa rượu bia nên sếp yêu cầu tiếp tục cai tại chỗ. Vì một người mà mấy người cùng khổ, quân y giám sát ăn uống và theo dõi sức khỏe, cán bộ chính trị nhỏ nhẹ động viên, ban hành chính thường xuyên quản lý, để Đấu yên tâm ở đơn vị, đoạn tuyệt rượu bia.

Đại dịch đã qua, người ta tung tăng vào ra nhưng chồng chưa về nhà khiến vợ Đấu nóng ruột, thắc mắc. Chị điện hỏi, anh nói vẫn đang bận việc. Tưởng chị ngây thơ tin là thiệt, anh kể lể vất vả đêm ngày. Vợ khoát tay, dồn chồng vào đường cụt: “Nè, anh đừng đem công việc ra lòe em. Cứ đợi đấy”. Đấu ú ớ, sợ nhưng đã lỡ, không dám nói thật.

Vợ Đấu tìm đến đơn vị, đi thẳng vào phòng trực ban xin gặp thủ trưởng. Đáp lại vẻ bức xúc của chị, vị chỉ huy mỉm cười, ra hiệu bình tĩnh. Nghe ông giãi bày, chị há hốc, ngạc nhiên sửng sốt, buồn vui lẫn lộn. Ông ấy bảo rằng, cực chẳng đã, đơn vị phải dùng liệu pháp sốc, theo kiểu lấy độc trị độc để cứu anh; mong gia đình thông cảm, đừng nghĩ đơn vị vi phạm quyền tự do của anh. Rất nhanh, ông ấy đưa ra hai sự lựa chọn - hoặc là vợ đưa chồng về, chăm sóc chu đáo bảo đảm không tái nghiện; hoặc để đơn vị thể hiện trách nhiệm như hiện nay. Chị chắp tay trước ngực, lời thành thực như van: “Mọi sự nhờ các anh, vì anh ấy và vì gia đình em mà giúp đỡ”.

Vật vã, khổ sở rồi cũng qua, Đấu dần lấy lại thần sắc sau bốn tháng chịu giám sát nghiêm ngặt của đơn vị. Ý chí dẫn dắt anh rời xa những cơn say, dứt khoát xua tay trước bia rượu. Lúc này, chỉ huy định cho anh nghỉ hưu trước tuổi để trùng tu, bảo dưỡng ngọc thể, long nhan. Sau nhiều năm đắm chìm trong men say, các “cơ quan đoàn thể” của anh, từ dạ dày đến gan mật bắt đầu nảy sinh tiêu cực. Tệ nhất là trí nhớ giảm sút, đây là điều sếp ngần ngại khi Đấu trực tiếp bảo quản công văn tài liệu mật; bởi một chút sơ suất có thể thành thảm họa khôn lường. Chưa biết ý định chỉ huy nên Đấu vẫn tinh vi khi vợ hỏi lúc nào thì nghỉ: “Còn lâu, đơn vị vẫn có nhu cầu”. Vẻ như anh chưa muốn làm dân, dù chức sắc chỉ đầu binh cuối cán.

Xin mở ngoặc lán sang chuyện hưu trí. Nhạc sĩ bảo “đừng nghe những gì con gái nói”, xin thêm, đừng hỏi quan chức muốn về hưu không. Bởi nỗi lòng và lời đáp trong trường hợp này lắm khi trái ngược. Nhiều ông cứ muốn chễm chệ trên ngôi cao nên bôi đen để diệt nguồn kế cận, kẻ láu cá giả bệnh để kéo dài những ngày được hưởng nguyên lương, người đã về vẫn lui tới công đường như đương chức. Quả là chiếc ghế quyền lực giống nam châm cuốn hút bao người; họ coi nghỉ hưu như đã xỏ chân sang thế giới khác. Cũng những kẻ ấy, mồm lại leo lẻo tinh vi “muốn nghỉ lắm rồi”, “về hưu thích lắm”.

Đấu cũng na ná như vậy nên bất ngờ khi được thông báo nghỉ chờ hưu, anh ngơ ngác tưởng nghe nhầm, bèn hỏi lại. Sếp tái khẳng định, anh thẫn thờ.

Vợ vui, cười cười trêu chọc: “Sao nghỉ sớm thế? Anh bảo đơn vị vẫn cần cơ mà?”. Anh ừ à, đỏ mặt, lảng đi, không dám nhìn vợ.

Vợ Đấu lại đến gặp thủ trưởng của chồng, giọng nghẹn lại với lời cảm ơn: “Đơn vị còn bao việc nhưng các anh đã không bỏ rơi, đã hết lòng nâng đỡ một người như anh ấy…”.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top