ClockChủ Nhật, 24/07/2022 07:31

Gõ cửa, cửa không mở

Trong âm thanh dịu nhẹDanh chính ngôn thuậnNơi bầy chim về làm tổ

Khi trong lòng rỗng không, khi không còn bám víu vào một niềm tin nào nữa, mọi người thường chọn cách trở về. Trở về nơi chốn ta đã rời đi, đôi khi không ngoảnh lại nhìn ngôi nhà ta đã từng vui buồn ở đó, trở về để dỗ dành vết thương đã không thể nào không để lại nỗi đau. Loan đang trở về.

Buổi chiều thành phố có nhiều mây giăng buồn, con lộ vẫn có những chiếc xe lướt qua, rồi nhòa khuất về phía xa. Loan ngồi ở quán cà phê với những chiếc bàn ghế nhựa tạm bợ, thật ra chủ quán bày bán nước chỉ với mục đích để cho những người khách đón xe dọc đường trở về, kêu ly nước uống chỉ là một cách để giữ chỗ ngồi trong khi đợi chuyến xe mình đi dừng lại đón khách. Mọi người vẫn có cách đón xe như thế đó, không cần vẫy tay, những chiếc xe đò sẽ dừng lại, người lơ xe sẽ xuống, nói lớn tiếng để át đi những âm thanh ồn ào bên ngoài: Ai Phan Rang, Phan Thiết, Phú Yên... không?

Quán vắng, dường như dạo này cũng ít người tới đây đợi xe, có thể họ đã về sau một cơn dịch khốc liệt, báo chí đưa tin là họ đi xe máy, cứ thế mà đi như muốn thoát khỏi thành phố này. Một thành phố của những ngày dây giăng tứ phía, một thành phố của những tiếng còi cứu thương cứ vang lên khắp nơi trong những ngày đó. Bà chủ kéo ghế ngồi gần Loan: “Em về đâu vậy?”. Loan xoay người: “Dạ, em về Bình An ạ”. Trả lời như vậy, nhưng Loan đoan chắc bà chủ quán chẳng biết Bình An ở đâu. Có người cũng từng hỏi Loan là Bình An ở đâu trên bản đồ Việt Nam? Loan nói: Anh có biết đầm Ô Loan không? Hỏi vui vậy thôi, chứ ai biết một nơi chốn khi nơi chốn ấy chỉ là một nơi mà những con đường nhỏ cứ chập chùng rẽ nhánh. Ở nơi có những cánh đồng lúa như mọi nơi đều có những cánh đồng lúa. Rồi Loan cười một mình, Bình An còn có cô gái tên Loan.

Loan rời quê theo cách của nhiều cô gái mơ mộng mình sẽ có một cuộc sống tươi đẹp vào một buổi sáng nhiều nắng. Là đợi ở con lộ, là âm thanh quen của người phụ xe: “Ai Sài Gòn không?”, rồi lên xe, chen ngồi cùng bao người xa lạ, nhìn qua ô của kính, tiễn biệt Loan là xa xa biển đang vỗ sóng. Đã hai năm rồi Loan chưa về quê, nhưng hai năm đó đã đủ cho những vui buồn không thể nào đo đếm được. Cuộc sống ào vỗ vào trong Loan những điều không ngờ đến, và bây giờ là buông bỏ, là bắt đầu. Nhưng với một trái tim đã rạn nứt, liệu có bắt đầu được không? Ở Bình An đó, có bà ngoại đã già, bà mở hàng tạp hóa nhỏ bán cho hàng xóm. Ở Bình An đó, có những người bạn cũ vẫn còn ở lại, có đứa đã có chồng, có con và sống yên bình, không một chút đòi hỏi, chỉ cần trong ngôi nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Ở đó sẽ thật bình an, không có những gương mặt người trong đêm nhòa nhạt những tính toán, chẳng phải chờ đợi một cuộc gọi và lén lút rời đi.

Và Loan, là một cuộc sống khác, khác hoàn toàn với bạn bè, một cuộc sống mà không thể kể cho ai nghe, dẫu trong thẳm sâu lòng luôn có một điều gì đó muốn hét vang lên, và tiếng hét ấy cứ vang đi cùng khắp.

Hưng đã thay khóa cửa, hôm qua Loan đến gõ cửa và cửa phòng anh không mở. Nếu những lần khác Loan đã tự mình mở cửa vào, dọn dẹp mọi thứ và đi chợ mua thức ăn về. Có Hưng, Loan hạnh phúc. Điện thoại của Hưng cũng không liên lạc được, sau khi anh nhắn cho Loan cái tin: “Em đừng tìm anh nữa”. Chỉ một dòng tin nhắn đủ để cho một cuộc tình kết thúc.

Cuộc sống của Loan như bao người luôn có một bí mật. Nhìn bên ngoài, chiếc áo sơ trắng và mái tóc chỉ cắt lửng ngang vai, gương mặt chỉ có một tí son phấn làm duyên ai cũng đoan chắc rằng Loan là một cô gái nhu mì, hiền lành. Nhưng chính cái vẻ bề ngoài đó đã đẩy Loan đi về một hướng của bóng đêm. Bóng đêm khi thành phố chộn rộn với những hàng quán rộn ràng đèn xanh đèn đỏ, với những hàng cây phủ che những gương mặt người đi qua. Đó là vội vàng bước vào thang máy, khẩu trang che kín, thêm chiếc gương đen che đôi mắt, bấm một con số quen, rồi dừng lại ở một căn phòng quen. Trong căn phòng quen đó Loan thành một con người khác, trút bỏ xiêm y không e thẹn, người đàn ông cùng hân hoan ở ngoài đời Loan gọi là chú Thịnh. Họ giao ước chỉ gặp nhau ở căn phòng đó, khi bước ra khỏi căn phòng là một câu chuyện khác. Căn phòng này đẹp đẽ và có mùi thơm của nước hoa, có chăn gối xô lệch, có sự trao đổi bán mua, Loan bước vào bởi một giao ước, khác với căn phòng gõ không mở của của Hưng.

Nhớ lại câu chuyện gặp ông Thịnh, Loan không thể nào nghĩ tới. Ông Thịnh tướng đạo mạo như một giáo sư, ăn nói nhỏ nhẹ. Ông hay ghé quán ăn Loan chạy bàn hàng đêm, và đó là cái cớ để gặp Loan. Ông hay để tiền thừa và để lại rất nhiều tiền thừa. Còn Loan thì chật vật đủ điều để có thể trang trải mọi chi phí cho việc ăn học của mình, ngay cả chiếc điện thoại cũng đã rất cũ. Người đàn ông từng trải có con mặt tinh tường khi muốn điều gì thuộc về. Một lần ông giả vờ vung tay làm chiếc điện thoại của Loan bị rơi xuống đất, ông nói: “Sáng mai chú chở con đi mua cái điện thoại khác”. Hôm sau ông chở Loan mua một chiếc điện thoại dễ thương, ông bảo: “Con đừng ngại, coi như cho con mượn”.

Ngày qua ngày, rồi thỏa thuận với ông Thịnh như một điều tưởng như không thể. Loan nhủ, chỉ vài tháng thôi, mà chuyện này không ai biết, chẳng ai biết. Loan nhủ đó là bí mật của riêng mình, và rồi sẽ qua thôi. Nhưng cuộc sống vốn dĩ luôn có những điều không bao giờ ngờ tới.

Hưng là tình yêu đẹp, một tình yêu khiến cho trái tim Loan nhẹ nhàng những lúc chông chênh. Chỉ khởi đầu khi đứng trước một hiên nhà, tránh mưa, xoay đầu gặp nhau cười và nói: “Mình làm quen nhé”, chỉ vậy thôi mà cuộc đời vui hẳn lên, chỉ vậy thôi mà kệ mưa kệ nắng cứ nắm tay nhau đi qua những con đường. Nhưng dường như chỉ là vậy thôi, giờ thì phải buông tay mà không cần giải thích, bởi bất cứ giải thích nào cũng sẽ làm đau lòng nhau.

Nhưng rồi Loan bận rộn quá, mà không bận rộn sao được khi đã có những buổi hẹn với ông Thịnh, cho nên nhiều lần tắt máy, Hưng gọi không được, và Loan không thể giải thích tại sao. Để rồi một hôm Hưng bắt gặp Loan bước vào khách sạn đó, dẫu đã che kín mặt. Anh ngồi ở quán cà phê đối diện chờ đợi cho đến khi Loan bước ra, và dẫu không hiểu điều gì xảy ra, Hưng đã phóng xe theo chiếc taxi chở Loan rời khỏi khách sạn, và y như rằng xe taxi đã chở Loan về nơi xóm trọ Loan ở. Bao nhiêu lần Hưng muốn hỏi Loan, nhưng thôi. Cũng như bao nhiêu lần đang ngồi cùng nhau, chỉ một cuộc điện thoại là Loan bỏ đi. Hưng cũng đoán được Loan đã không còn thuộc về tình yêu này. Anh lẳng lặng rời khỏi Loan giống như một ngày đã đi qua không còn trở lại.

Chiếc xe khách dừng lại, âm thanh gọi mời khách quen thuộc của người phụ xe. Xe hôm nay trống nhiều ghế, Loan leo lên xe, tìm chiếc ghế ngồi nhìn ra đường. Xe chạy, con đường dường như đang trôi về phía sau, như Loan cũng đang trôi. Loan mở túi xách ra, trong túi xách có một kỷ niệm, là chiếc nhẫn bạc Hưng mua tặng Loan trong một lần hai người hẹn hò. Hôm ấy Hưng nói: “Đây là tín vật tình yêu”, chiếc nhẫn không đeo vừa tay Loan, cho nên Loan bỏ vào trong túi xách làm kỷ niệm. Cuộc sống con người ta luôn buông lời hứa hẹn, để rồi buông bỏ trong phút giây nào đó, chẳng có gì là mãi mãi.

Loan xòe bàn tay, ngắm nhìn chiếc nhẫn  thề ước Hưng đeo lên đó, chỉ là chiếc nhẫn bạc nhưng là chiếc nhẫn hứa hẹn. Chiếc nhẫn đã bắt đầu ngả màu đen. Loan với tay ra cửa sổ, thả chiếc nhẫn vào thinh không.   Ở trong lòng thành phố đó, cánh cửa phòng nơi Hưng ở đã không bao giờ mở cho Loan nữa rồi, dẫu Loan có gõ cửa.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top