ClockChủ Nhật, 20/03/2022 06:27

Gió từ sông mát rượi

TTH - Đều rí như mọi chiều, đúng 17 giờ 30 phút, ông bà Thiền đi bộ thể dục. Đường đi bộ dọc bờ sông đẹp mộng mơ. Sông nước êm đềm và hoa lá cỏ cây tươi tắn khiến tâm hồn người ta thảnh thơi, thư thái. Người đến đây đi bộ, chạy bộ nhiều lắm, đủ mọi lứa tuổi. Vừa tập thể dục giữ gìn, nâng cao sức khỏe, vừa thư giãn, quên đi mệt mỏi, ưu phiền.

Bên nhau mãi mãiĐòi nợThanh âmVườn hồng của cha

Trong xóm ai cũng tấm tắc rằng, cặp đôi vợ chồng ông bà Thiền bây giờ sướng như tiên. Cả ông và bà đều có lương hưu, con cái đã trưởng thành. Đứa con trai lớn tuy lấy vợ, lập nghiệp ở tỉnh xa, nhưng kinh tế khá giả. Thời nay, phương tiện hiện đại, chỉ cần bay tầm một giờ đồng hồ là có thể về thăm cha mẹ. Còn cô con gái út xinh đẹp lễ phép, có nghề may, nhiều thanh niên ưu tú ngấp nghé, theo đuổi. Ông bà Thiền chẳng phải lo nghĩ về điều gì, cứ vui và khỏe, tận hưởng hạnh phúc viên mãn.

Mỗi lần nghe bà con xóm giềng nói vậy, ông bà Thiền cười cười gật gật, nhưng trong lòng rầu rĩ, bởi nỗi ưu phiền đeo đẳng suốt 5 năm nay. “Cục buồn, cục tức” ngày một lớn, là bởi có biết bao chàng trai tuấn tú theo đuổi, nhưng Tuyết - cô con gái xinh đẹp của ông bà không ưng, lại đi ưng Văn, cái thằng làm thợ cơ khí, tướng tá mặt mũi “xấu đau”. Không ít lần Văn “lì lợm” đến nhà, có lẽ muốn “năn nỉ”, nhưng đều bị vợ chồng bà Thiền đuổi thẳng cổ. Nghĩ cũng hơi quá, nhưng nếu không tỏ thái độ dứt khoát, thì sao Tuyết cắt với Văn. Nhưng ông bà Thiền có phũ với Văn kiểu gì, cô con gái vẫn một mực bảo, nếu cha mẹ không cho lấy Văn, nó sẽ không lấy ai khác. Đứa con gái càng như vậy, ông bà Thiền càng “căm” Văn.

Đang bước chậm rãi để thư giãn, ông bà Thiền giật mình vì tiếng la hét thất thanh phía trước. Nhiều người vội vã chạy ra sát mép nước, chỗ mà lúc nãy trong lượt đi, ông bà Thiền thấy mấy đứa trẻ con vừa tắm vừa đùa giỡn. “Đứa trẻ nào đó chẳng may hụt chân đuối nước. Có cậu thanh niên đang chạy bộ, nhảy ngay xuống, đang lặn tìm. Cầu trời cho cậu ấy sớm tìm được đứa trẻ. Ôi chao, tìm được rồi kìa. Tìm được rồi…”.

Đám đông đang dáo dác, xúm lại giúp cậu thanh niên áo quần tóc tai mặt mũi sũng nước, đưa thằng bé con chừng 10 tuổi, đang tím tái bất động, lên nằm trên vệ cỏ. Vòng tròn dạt ra lấy khoảng không cho người bị nạn, đồng thời để cậu thanh niên dễ dàng thực hiện hô hấp nhân tạo cho cậu bé. Trống ngực đập dữ dội, vừa lo cho cậu nhóc, vừa chợt nhận ra cậu thanh niên cứu người đang ướt nhẹp kia chính là Văn, ông bà Thiền bất giác lui ra bên ngoài vòng người.

Ai nấy vỡ òa mừng rỡ khi nước từ miệng đứa trẻ trào ra, ngực phập phồng và mắt nó hé mở. Xe cấp cứu ai đó gọi lúc nãy, cũng vừa trờ tới. Thằng bé không có người nhà ở đây. “Không sao đâu, mọi người với các cô bác yên tâm, cháu sẽ bên cạnh, cho đến lúc cha mẹ của bé đến bệnh viện” - cậu thanh niên nhanh nhảu.

Chiếc xe cấp cứu đã mất hút sau ngã rẽ, nhưng đám đông vẫn chưa tản đi, mà còn nán lại để cùng nhau chia sẻ những cảm xúc đẹp đẽ: “Cậu nhóc nhà ai may thật, phước lớn thật”. “Anh thanh niên con cái nhà ai mà giỏi, tốt bụng và dũng cảm thật đấy. Người như vậy bây giờ hiếm lắm”. Một cô gái trẻ nói với bạn: “Tận mắt chứng kiến hành động không nề hà nguy hiểm, thiệt hơn để cứu người của thanh niên ấy, tui thấy cuộc sống này ấm áp lên hẳn”. Người bạn cười cười: “Tấm lòng của cậu ấy vốn dĩ vô cùng ấm áp mà. Tui “hơi bị” tự hào vì cậu ta chính là bạn thân với vợ chồng tui đó nhen. Chơi thân với nhau bao nhiêu năm, nên tui hiểu cậu ấy lắm. Cha mẹ già thường xuyên đau ốm, một mình cậu ấy lo lắng chu toàn. Thấy ai cần giúp điều gì, trong khả năng, sức lực của mình, cậu ấy giúp ngay, mà giúp rất chu đáo. Cơn lụt lớn vừa rồi, nhà tui ngập nặng. Điện cúp. Mấy ngày nước mới rút. Vợ chồng tui với hai đứa con nhỏ phải lên gác xép trú ẩn. Tưởng phải ăn mì gói sống. Nhưng ngày nào cũng mua đồ ăn bơi vào tiếp tế, cậu ta không quên “tiếp tế” cho vợ chồng tui cả cục sạc dự phòng, để có thể liên lạc với mọi người khi cần thiết. Bạn tui yêu đương cũng “kỳ” lắm nha, từ lúc biết yêu, chỉ yêu mỗi cô bé đó. 5 năm trời rồi, ngày nào không gặp nhau được, “hắn” phải chạy ngang qua chỗ làm của người yêu, nhìn mặt một cái mới yên tâm”. Hai cô gái đã rời đi. Những người khác cũng tiếp tục hoàn thành hành trình đi bộ, chạy bộ. Riêng vợ chồng bà Thiền cứ ngồi lặng lẽ một lúc lâu bên bờ sông, nghe từng làn gió thoảng lên từ mặt sông mát rượi.

Tuyết lo lo, khi tối hôm đó, cha mẹ bảo ngày mai gọi Văn đến để cha mẹ gặp. Cứ nghĩ cha mẹ sẽ mắng chửi bằng những lời thậm tệ như trước, không ngờ khi Văn đến, ông bà Thiền cười rất cởi mở, dịu dàng. Nụ cười không chỉ trên miệng mà đầy trong mắt, làm giãn những nếp nhăn trên má. “Hai bác cho phép con từ nay chính thức tìm hiểu em Tuyết. Cứ tìm hiểu cho kỹ đi, nếu hai đứa thấy hợp nhau, yêu nhau thực sự thì hai bác cho phép cưới”. Lời ông Thiền vừa dứt, Văn đã ôm chầm lấy ông, rơm rớm hạnh phúc: “Con cảm ơn ba. Con cảm ơn mẹ”. “Ai ba với mẹ chi của bây mà lẹ dữ rứa”. Vừa lẩm bẩm, bà Thiền vừa quay đi để giấu mấy giọt nước ấm nóng cứ chực trào ra khỏi khóe mắt. Bà đang nhớ lại hình ảnh Văn ướt sũng dưới sông lên, cứu mạng đứa bé chẳng hề quen biết. Bà cũng nghĩ lại những lời thậm tệ đã từng thốt ra để ngăn cản hai đứa. Vậy mà dường như nó chưa bao giờ oán giận vợ chồng bà. Đã hai màu tóc mà sao suy nghĩ thiển cận, cứ so đo vẻ bề ngoài, trong lúc vợ chồng bà quá hiểu, đẹp từ cái tâm mới là cái đẹp tỏa sáng nhất.

Văn với Tuyết cưới hai năm thì sinh cho vợ chồng bà Thiền thằng cháu kháu khỉnh. Lúc thằng cháu 3 tuổi, chẳng may ông Thiền bị tai biến liệt nửa người. Con trai cả ở xa, tuy bay về có nhanh thật, nhưng cũng chỉ thăm cha được vài hôm là phải bay vào lại. Văn nói: “Anh cả ở xa thì có con đây, ba mẹ đừng lo lắng gì cả nhé”. Cả tháng trời ông Thiền nằm viện, đêm nào Văn cũng ở lại, nhất định không để bà Thiền và Tuyết vào thay. Đến lúc ông Thiền được cho về nhà tiếp tục điều trị ngoại trú và tập luyện, tháng này liền tháng khác, Văn nâng đỡ, tắm rửa, chăm sóc bằng tấm lòng của một người con trai. Nửa năm như vậy thì ông Thiền hồi phục sức khỏe, đi đứng trở lại.

Bà con trong xóm thỉnh thoảng lại tấm tắc: “Vợ chồng bà Thiền là nhất rồi nhé, rể con hiếu nghĩa, hạnh phúc viên mãn. Như vậy là sướng còn hơn tiên nữa đó”. Bây giờ những lúc có ai nói như vậy, vợ chồng bà Thiền cười tươi hết cỡ, rạng rỡ đầy trong mắt, gương mặt bừng sáng. Những lúc như vậy, cũng lại nhớ về buổi chiều hôm ấy bên bờ sông, vợ chồng bà đã ngồi lại rất lâu, nghe gió từ mặt sông thoảng lên mát rượi.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top