Không biết có phải dành cho người già không, nhưng phòng bệnh ấy nằm ngay tầng trệt của khu bệnh năm tầng. Thực ra thì bây giờ bệnh viện lớn nào chẳng có thang máy, nên dù ở tầng nào thì việc di chuyển cho các cụ cũng không mấy bất tiện. Thế nhưng, ngay tầng trệt vẫn khiến các bệnh nhân lớn tuổi cảm thấy thoải mái. Thích hơn nữa là, sau những ô cửa sổ, một vườn hồng cây nào cây đó cao ngang tầm mắt. Chỉ có điều, đang trong mùa mưa rét, những bông hoa mùa trước đã khép lại.
Sát tường, ngay ô cửa sổ đầu tiên là giường bệnh của cụ ông ngoài tám mươi tuổi, có lẽ là bệnh nhân nhiều tuổi nhất phòng. Những bệnh nhân khác cũng trên bảy mươi. Ngoài bệnh tật phải điều trị bằng thuốc tây, tất cả các bệnh nhân đều có chung “bệnh già” với các triệu chứng mãn tính, đó là khó ngủ, khó tính, hay bực dọc, bắt bẻ con cháu. Có lúc các cụ quay ra bắt bẻ nhau vì có người cứ ca cẩm, than thân, trách phận. “Chuyện riêng của mình sao lại làm ảnh hưởng đến người khác vậy chứ” - đó là câu mà cụ này hấm háy cụ kia.
Ông cụ ngoài tám mươi có vẻ như là người “không biết điều” nhất, gây ảnh hưởng “trật tự công cộng” phòng bệnh nhiều nhất. Bởi cụ dường như không quan tâm đến bất cứ ai cùng những lời phàn nàn của họ. Ban ngày đã đành, ngay cả ban đêm, ông cụ hầu như không chịu ngủ (hoặc ít ra thì ngoan ngoãn nằm im lặng trên giường) mà cứ ngồi tựa lưng vào tường. Không biết tình cờ do chiếc giường đặt cạnh cửa sổ hay cụ ông đang trông đợi một điều gì đó mà cứ chăm chăm hướng ánh mắt mờ đục ra vườn hồng. Chốc chốc ông lại lẩm bẩm trong miệng những lời chẳng ai nghe thấy.
Các con của ông thật có hiếu, rất chịu khó chăm sóc, chiều chuộng cha, thay nhau ngồi cả giờ đồng hồ để cha tựa lưng. Thay vì có không ít tình trạng cạnh khóe, chua chát với nhau để đùn đẩy việc trực bên giường bệnh, con cái của ông cụ rất thương yêu, đỡ đần nhau cùng chăm cha già.
Việc khó nhất là bón cháo. Mỗi lúc đến bữa, ông thường mím chặt môi, từ chối ăn. Đáp lại những lời năn nỉ, có lúc ông bật nói: “Mau về nhà, đưa mẹ của các con đến đây, cha mới ăn”.
Nhiều người không nén được bực bội: “Cụ này nữa, chướng tính thì cũng chướng vừa vừa. Tầm tuổi này rồi thì cụ bà đi lại khó khăn lắm. Sức đâu nữa mà đến bệnh viện ngồi với cụ. Hay là anh trai cả này, thôi thì các cháu về đón mẹ lên viện, cho cha mẹ hỏi han nhau một chút”.
Con trai cả ông cụ: “Mẹ cháu mất gần mười năm nay rồi ạ. Mẹ cháu nhiều hơn cha cháu 5 tuổi. Nhà cháu có 5 anh em. Hồi mẹ cháu về với cha, cháu 4 tuổi và cậu em trai thứ lên 2. Hồi đó, mẹ đẻ tụi cháu không may mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất. Mẹ chủ động tình nguyện cùng cha chăm sóc chúng cháu. Những năm đầu, cha vẫn thường hay bảo với mẹ: “Dù vợ tôi mất rồi nhưng tôi vẫn yêu vợ tôi nhiều lắm, mà e suốt đời này, tôi chỉ yêu mình vợ tôi thôi. Cô xem có ai yêu thương mình thật lòng thì trở về mà đến với họ. Sống với tôi cô bị thiệt thòi cả một đời”. Nhưng mẹ cháu lại bảo, bà trân trọng, quý và yêu cha, cũng bởi cha là người đàn ông tốt, có tình yêu sâu đậm. Bà sẽ chờ và tin rằng, tình yêu của bà sẽ mở cửa lòng cha. Sau mười năm chung sống, mẹ cùng cha thức dậy lúc 3- 4 giờ sáng, vác cuốc ra ruộng, ra vườn. Mẹ cháu vốn con nhà khá giả, không quen lao động chân tay, nhưng ở bên cha cháu, mẹ làm được tất cả những công việc của người phụ nữ nông thôn đảm đang. Cha cháu thực sự rung động. Và kể từ đó cha cháu yêu thương mẹ vô cùng. Mẹ cháu thích nhất hoa hồng. Trong vườn nhà, cha cháu dành một khoảnh đất khá rộng, tự tay trồng, chăm sóc hoa hồng”.
Những bệnh nhân già thốt lên “à”, “ồ” một cách sửng sốt. Câu chuyện khiến các cụ dường như quên mất các triệu chứng bệnh lý cũng như bệnh già. Với tư duy và trải nghiệm cuộc sống đến con số bảy mươi năm và nhiều hơn thế nữa, điều khiến các cụ chú ý hơn cả, đó là cách gọi của anh con trai cả đối với người mẹ kế đã khuất. Một điều mẹ cháu, hai điều mẹ cháu tràn đầy kính trọng và yêu thương chân thành.
Anh con trai cả: “Từ lúc bước chân về cùng cha con cháu, mẹ cháu chăm sóc, lo lắng cho hai anh em cháu từng ly từng tí. Khi mẹ lần lượt sinh 3 đứa em, tình cảm và sự chăm sóc của mẹ dành cho chúng cháu vẫn không hề thay đổi. Cháu luôn nhớ hình ảnh mẹ gọi các em đến trước bàn thờ mẹ ruột cháu, dặn dò rằng, đây cũng là mẹ của các con. Tình cảm của mẹ khiến anh em chúng cháu bao giờ cũng yêu thương, nhường nhịn, gắn bó máu thịt với nhau”.
Có mấy cụ lẩm bẩm: “Ôi, tình yêu của bà ấy đã làm được điều kỳ diệu. Không những khiến người chồng mở cửa trái tim mà còn nuôi dưỡng những đứa trẻ thành người có tâm hồn ấm áp, có tấm lòng biết ơn. Mà này anh trai cả, rồi bây giờ khoảnh vườn ở nhà vẫn trồng hoa hồng đấy chứ”?
“Hồi bệnh sắp mất, có lần mẹ cháu nở nụ cười nói với cha rằng: “Nếu em vắng mặt lâu, mỗi khi hoa hồng nở, là lúc em về nhà với anh, với các con”. Vậy nên sau khi mẹ cháu mất, cha cháu càng chăm chút, hoa hồng trong vườn lúc nào cũng đầy sức sống. Cha muốn tự tay cha chăm sóc rồi ngắm nghía, chờ đợi từng búp hồng xòe cánh. Những lúc như vậy, trên gương mặt ông như có ánh nắng. Từ lúc cha đã già yếu, anh em cháu là người chăm sóc vườn hồng. Ở nhà, ông cũng thường ngồi bên cửa sổ nhìn ra vườn hồng”.
“À thì ra vậy”. Nhiều cụ lại thốt lên. Bây giờ, không còn tỏ vẻ khó chịu trước sự “không biết điều” của cụ ông bệnh nhân tám mươi tuổi, các cụ cũng ít để ý, bắt bẻ sự trái tính, trái nết của nhau, đâm ra ai nấy đều “tém” lại được sự bực dọc. Bởi các cụ bỗng nhiên cũng phát sinh thói quen ngóng ra vườn hồng đằng sau ô cửa sổ phòng bệnh.
Trong lúc chờ đợi một bông hồng hé nở, có cụ ông nhẹ nhàng bảo con: “Chiều nay thu xếp chở mẹ của các con đến đây cho ba thăm một chút nhé”. Có cụ bà lại bảo: “Từ mai đừng chở ba các con ra viện thăm mẹ nữa. Ông ấy bị bệnh xương khớp, ngồi sau xe máy cũng mệt. Mẹ sốt ruột muốn được ra viện sớm, về còn nấu cho ba các con bữa ăn nóng sốt. Cả gần mươi ngày mẹ ở đây, không biết chúng mày nấu có hợp khẩu vị của ông ấy hay không nữa…”.
QUỲNH ANH