ClockChủ Nhật, 10/07/2022 07:53

Nơi bầy chim về làm tổ

TTH - Sáng nay, lúc ngồi bên hiên nhà nhổ tóc bạc cho má, Khiêm mới biết, vợ chồng chim sẻ lại kéo về làm tổ dưới mái nhà.“Chim đến nhà làm tổ báo hiệu nhà sắp có chuyện vui”. Má nói thế khi nghe tiếng chim líu ríu từ mái nhà vọng lại.

Bờ ràoBa & con gáiBé Sữa

“Bên cạnh còn chiếc tổ cũ, sao chúng không vào đẻ trứng trong đó luôn cho khỏe má nhỉ? Vậy có phải đỡ vất vả hơn không?”. “Chăm chút chiếc tổ để đẻ con mình mà cũng lười?”. Má ngoái đầu nhìn Khiêm, bĩu môi “xùy” một tiếng. Má chỉ tổ chim rồi nói với Khiêm, “đến chim cũng biết về đây làm tổ, đẻ con? Mà sao cô mãi chưa chịu lấy chồng thế hả?”.“Lấy chồng cũng phải từ từ nha má. Phải lựa kỹ mới được. Chớ lỡ lấy nhầm mệt lắm á. Qua sông qua đò nhiều lần không tốt đâu. Con bị say sóng”. Nghe tiếng con gái cà khịa, bà Minh chỉ biết lắc đầu bỏ vào nhà.

Sáng mùa hè, dù ngọn gió dưới sông có mang theo hơi nước ẩm ướt, nhưng vẫn không tránh được cái oi nồng như chực chờ sẵn trong không khí. Buổi sáng đang êm đẹp vậy mà tự dưng má nhắc chi đến chuyện chồng con vậy không biết. Hôm trước, Khiêm mua cho ba mấy bộ áo quần, vậy mà ba nói Khiêm phung phí quá, lo tiết kiệm tiền, để mai mốt còn dưỡng già. Chớ không chịu lấy chồng, đợi ba má không còn, ở mình ai lo. Khiêm nghe mà không biết nên khóc hay cười.

Mà đâu phải tại Khiêm “kén cá chọn canh”. Khiêm cũng không đòi hỏi phải tìm một người đàn ông giỏi giang, đẹp trai, hay giàu có gì. Chẳng qua chỉ muốn tìm một người tính cách hiền lành, nói chuyện hợp nhau là được. Vậy mà Khiêm gặp bao nhiêu người con trai, qua mai mối cũng có, nhưng mới chuyện trò vài ba câu là Khiêm thấy chán quá trời quá đất. Chỉ thấy thời gian đó, nếu dùng để đọc một cuốn sách còn đỡ phí hơn.

***

Mẫn vác mấy gốc tre đặt bên mé vườn nhà bà Minh. Mấy dây bầu đã bắt đầu leo vắt vẻo trên nhánh mứt. Mẫn thoăn thoắt đóng xuống đất mấy cọc tre vàng, rồi gác những thanh tre lên, dùng dây thắt nút lại để dựng giàn bầu. Đôi bàn tay to bè vậy mà khéo léo quá chừng. Giọt mồ hôi lăn xuống trong nắng chiều rực rỡ.

Khiêm pha cho Mẫn cốc nước chanh rồi ngồi dưới gốc tường vi tò mò nhìn Mẫn ghép mấy thanh tre làm cầu thang cho mấy cây mướp đắng vừa cao bằng gang tay. Cây tường vi này má trồng đã lâu lắm, nên tán xòe rộng. Mẫn nói, trong vườn nhà mình có tường vi màu đỏ, hỏi Khiêm thích không, qua mùa mưa Mẫn chiết cho mấy nhánh về trồng. Khiêm gật đầu lia lịa.

“Cái bình hoa xuyến chi ở bàn đá ngoài vườn nãy anh thấy héo queo rồi. Đi dọc bờ sông phía trước trường cấp một, hoa mào gà ở đó đang nở đẹp lắm. Lên đó tha hồ mà hái”. Mẫn nói với Khiêm khi dừng tay nghỉ mệt. Khiêm nghe má nói Mẫn làm mấy giàn bầu trong nhà đẹp quá trời quá đất, nên má nhờ về vườn dựng giúp. Dạo này cha yếu rồi, có giàn bầu mà má nói mãi cha vẫn chưa chịu làm.

“Em thấy người ta cắm hoa dại trong mấy cái bình làm bằng tre nứa đẹp ghê luôn. Bữa em đặt mua, mà chẳng hiểu sao mãi chưa thấy người ta ship”. Mẫn nói, rót thêm cho Khiêm ly nước. “Thỉnh thoảng anh cũng hay làm mấy thứ thủ công linh tinh. Có điều làm mấy thứ đó mất thời gian dữ lắm. Bình hoa làm từ tre la ngà đơn giản mà cắm hoa dại lại hợp thôi rồi. Bữa anh đi rừng, nhặt được mấy hòn đá cuội có hoa văn rất lạ, đá lên nước nhìn óng ánh đẹp lắm. Phải mất mấy buổi trời anh mới làm xong mấy bình hoa bằng đá đó”.

Câu chuyện huyên thuyên cứ kéo dài mãi cho đến khi mặt trời khuất sau ngọn mít cuối vườn nhà, Mẫn cũng dựng xong cái giàn bầu, giàn mướp đắng. Khiêm bước vội vào nhà nấu cơm chiều, định rủ Mẫn ở lại dùng cơm mà ngại, có quen thân gì đâu. Hồi trưa thằng Rơn trước nhà đi bủa lưới được mấy con cá lóc, má mua còn nhốt sau chậu. Tối nay, Khiêm làm món cá lóc kho lá gừng non và canh cá lóc nấu lá sôn. Cái bụi lá sôn nằm sát mé hàng rào, lúc nào cũng xanh mơn mỡn, lá non ăn mãi chẳng hết. Cá lóc chỉ cần um lên, rồi thả nắm lá sôn vò nát vào, cắt thêm mấy quả ớt chỉ thiên chín đỏ, thêm nắm lá ngò gai hái sau vườn nhà là có tô canh mát lành. Cái vị chua thanh thanh của lá sôn, chẳng hiểu sao nhà Khiêm ai cũng ghiền.

Khiêm nhớ bụi gừng ngoài vườn má mới trồng lúc ra giêng. Cây mới tỏa ra mấy ngọn lá xanh rì là tới công chuyện với Khiêm. Lần nào má nhìn nồi cá kho của Khiêm cũng xuýt xoa kiểu: “Bây cứ ngắt trụi hết lá, sao cây gừng nó sống cho được”. Cha nhìn đĩa cá kho tủm tỉm cười, rồi gắp mấy ngọn lá xanh non, thêm lát ớt đỏ chót, và với miếng cơm nóng hổi rồi xuýt xoa khen ngon không dứt. Hai cha con nhìn nhau cười. Bữa cơm chiều bên hiên nhà đầy gió và rổn rảng tiếng nói cười, tiếng má cằn nhằn ba rượu thuốc ngâm với trái đào tiên dù có ngọt cũng chỉ nên uống một tách trà mới tốt. Uống đến tách thứ hai như cha, có mà hại thân. Con Mèo nằm bên hiên cứ kêu meo meo theo tiếng cằn nhằn của má.

***

Từ lúc nghe Khiêm và Mẫn bàn chuyện cưới xin, má vui đến độ, buổi sáng ngồi uống trà bên hiên, nhìn đám lộc vừng rụng đỏ cả ngõ nhà cũng cười tủm tỉm. Má nói đẻ 6 đứa con, mà đứa nào cũng rời quê, rồi lập nghiệp xa tít mù tận Sài Gòn, giờ cuối cùng cũng có đứa về quê ở gần bên, đúng là vui hết biết.

Trong vườn nhà, dưới gốc lộc vừng có đặt bộ bàn ghế đá. Ngồi ở đó có thể thỏa thích ngắm dòng sông xanh biếc chảy ngang qua trước nhà, phía bên kia là núi đồi xanh thẳm. Từ lúc thấy Mẫn thi thoảng lại ra uống cà phê, nhìn hai đứa nói chuyện đến quên cả giờ giấc là bà Minh đã nghi nghi trong bụng. Bà biết tính con gái mình lắm. Xưa giờ có khi nào nói chuyện với ai nhiều như thế.

Bà Minh hỏi con gái, thằng Mẫn có đời vợ rồi, có ngại không? Khiêm ngớ ra, rồi cười toe toét. Trời ơi, cái vụ người ta có đời vợ rồi mà con quên mất, không để ý đến luôn. Giờ má nhắc con mới nhớ ra. “Ờ, mà cũng nhờ chị kia bỏ chồng, nên mới đến lượt con đó má”. Bà Minh nghe con gái nói mà câm nín. Chuyện vợ Mẫn bỏ theo người khác, ở làng này ai mà không biết. Nhiều khi nhìn Mẫn hiền lành, giỏi giang vậy, bà Minh còn chép miệng, sao cái đường tình duyên lại lận đận vậy không biết. Mà bà cũng chưa bao giờ nghĩ, Mẫn sẽ thành con rể mình. Con gái bà đi làm ăn xa, bà cũng chuẩn bị sẵn tâm lý khăn gói rời quê vào Sài Gòn dự đám cưới con, như bao nhiêu lần trước. Ai mà ngờ Khiêm đột ngột lấy chồng sát ngay bên làng.

Khiêm nhớ lại cuộc trò chuyện với Mẫn mấy hôm trước, nói Mẫn có chịu ở rể không? Nhà Khiêm chỉ còn ba mẹ già, giờ Khiêm đi lấy chồng, dù ở nhà chồng, hay ở riêng, biết hai nhà cách nhau chỉ hơn 2 cây số, nhưng Khiêm vẫn muốn sớm tối được chăm lo cơm nước cho ba má. Mẫn không cần nghĩ mà đã gật đầu cái rụp rồi nói, má Mẫn còn trẻ lắm, mà ba má Khiêm giờ đã xấp xỉ 80 tuổi. Mẫn nói, 15 năm đầu mình ở bên ngoại, rồi 15 năm sau mình ở bên nội nghe. Khiêm nhẩm tính, chắc đến lúc đó, ba má cũng không còn, Khiêm còn ở đây với ai, lúc đó theo Mẫn qua làng bên làm dâu là vừa.

Mẫn là bạn học của anh Khiêm, năm nào tết đến chẳng ghé nhà chơi, mà Khiêm có để ý đâu. Khiêm nhìn cái giàn bầu đã khô héo vì qua mùa, đợi ít bữa nữa lại gieo xuống nắm hạt giống, cái giàn trơ trọi kia lại xanh um liền. Tổ chim trên gác mái đã nở từ lâu, mấy bữa trước còn nghe tiếng chim con ríu rít, mà giờ chúng đã bay đi mất. Chẳng biết năm sau, chúng có quay về làm tổ. Khiêm ngồi ngoài vườn, nghe tiếng ba má rộn rã bàn chuyện cưới xin mà bật cười. Duyên số, nhiều khi nó kỳ diệu vậy đó.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn kết hạnh phúc

Lắng nghe, thấu hiểu là sợi dây liên kết bền chặt cho hạnh phúc gia đình. Việc lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu có thể là một giải pháp chữa lành những mâu thuẫn trong gia đình, chữa lành những tổn thương mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống.

Gắn kết hạnh phúc
Cầu thang

Bà già nằm trên giường ngước mắt nhìn lên cầu thang. Bà nghe ngóng bước chân người lên xuống mỗi ngày. Dần rồi quen, nhắm mắt lại bà cũng đoán được chân của từng người.

Cầu thang
Tôn vinh giá trị gia đình

Hội thi “Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024” với sự tham gia của 8 đội thi đến từ các huyện, thị xã, TP. Huế diễn ra ngày 18/6 tại TP. Huế.

Tôn vinh giá trị gia đình
Nuôi lớn tình yêu với Tổ quốc

Mới đây, trên mạng xuất hiện đoạn clip về nhân viên một công ty tham gia lễ chào cờ đầu tuần. Khi bài hát Quốc ca vang lên tôi chắc rằng không chỉ bản thân mình mà bất cứ ai nghe, xem clip đều sẽ rất cảm động và tự hào về Tổ quốc mình.

Nuôi lớn tình yêu với Tổ quốc
Chị Phấn

Phòng nữ 101 của Trường cao đẳng Sư phạm “biên chế” sáu tiểu thư - sáu đứa nhưng lại đến từ sáu lớp. “Trưởng phòng” là chị Phấn.

Chị Phấn
Return to top