ClockChủ Nhật, 06/06/2021 16:39

Hương chiều

TTH - Cứ tưởng thằng con trai được nghỉ ngơi sau ca trực, bà Thiền xách giỏ định đi chợ kiếm món gì ngon ngon về nấu thì thằng Dũng đã lại vội vàng đến bệnh viện, bảo có ca bệnh cần nó. Bà Thiền quá quen với điều này, mỗi lần như vậy, bà vừa tự hào về con, vừa cảm thấy xót xót trong bụng.

Ngược chiềuVườn hồngXóm nhậu

Bà Thiền hay nghĩ ngợi, rằng số thằng con trai bà không thuận lợi. Chồng mất khi bà đang mang thai. Vậy là thằng Dũng mất cha khi chưa lọt lòng mẹ. Thương con, bà Thiền từ chối nhiều đám trong làng muốn “rổ rá cạp lại” với bà, để dành trọn vẹn yêu thương chăm sóc cho thằng Dũng.

Cuộc sống bằng ruộng, bằng vườn vất vả, đạm bạc, nhưng được cái, thằng Dũng học rất giỏi. Dũng không chỉ giống cha về mặt mũi, hình dáng, mà còn giống cái tính cách trầm lặng, trách nhiệm, chẳng mấy khi mở miệng, chỉ biết làm. Việc tư việc công gì cũng làm đâu ra đấy, lại hay khí khái, giúp đỡ người khác. Dũng được cả làng thương. Bà tự hào về chồng, về con.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Dũng quyết định nhập ngũ. Ban đầu “sốc”, nhưng rồi bà Thiền thuận theo con. Bà nghĩ, tuổi trẻ hành động như vậy cũng hợp tình, hợp lý. Sau này thực hiện nghĩa vụ quân sự về, con bà sẽ thi vào đại học. Chắc chắn nó sẽ đỗ.

Quả thật, Dũng đỗ vào Trường đại học  Y dược Hà Nội. Sau sáu năm miệt mài đèn sách, Dũng trở về quê nhà. Ngoài giờ làm ở bệnh viện, con trai bà khám bệnh ngoài giờ. Không ít lần người bệnh nghèo quá, cứ cầm đơn thuốc trên tay ngần ngừ... Dũng không lấy tiền khám đã đành, lại còn lặng lẽ dúi tiền cho người bệnh đi mua thuốc uống. Mỗi lần như vậy, bà Thiền bảo: “Mi giống cha mi, cứ hay đi vác tù và rứa đó”. Nhưng giọng nói của người mẹ nông dân không giấu được tự hào. Bà tự hào bởi bà con trong làng thỉnh thoảng lại đem đến cho mẹ con bà mớ tép, mớ cá đồng tươi roi rói mới bắt được. Trong đó, phần lớn là người chưa bao giờ đến khám bệnh. Họ bảo, thằng Dũng giúp người chẳng tính toán, không cần đền đáp, nên họ muốn bày tỏ tình cảm yêu mến, trân trọng.

Có lẽ bệnh nhân ở bệnh viện “rất gấp” nên con trai bà quá vội vã. Bởi vì, trên bàn trong phòng ngủ của nó vẫn rất bừa bộn, trong lúc tính Dũng bao giờ cũng gọn ghẽ, ngăn nắp. Giúp con thu xếp lại bàn làm việc, mắt bà Thiền chạm vào cuốn sổ đang để mở. Những dòng chữ nối tiếp nhau như có lực hút, khiến bà cầm hẳn cuốn sổ lên, chăm chú đọc. Càng đọc, mồ hôi bà Thiền càng rịn ra lạnh toát. Thằng Dũng viết nhật ký, về tình yêu sâu đậm đối với con bé Thùy ở trong làng. Rằng, nó vừa tỏ tình với Thùy lần nữa. Và lần này, nó hạnh phúc vô cùng vì Thùy đã đồng ý tìm hiểu, yêu đương.

Trong lòng bà Thiền chợt trào lên nỗi tức giận. Bà giận thằng con trai “ngờ nghệch” một, thì giận Thùy mười. Ngày trước, khi con trai bà ở trong quân ngũ, nó đã yêu Thùy. Con bé Thùy mồ côi cả cha lẫn mẹ, được bà ngoại nuôi dưỡng. Thùy xinh xẻo, lễ phép, biết kính trên nhường dưới, tốt bụng lại có ý chí, vào đại học “ngon ơ”, nên bà Thiền cũng ưng, mà chẳng “lăn tăn” chuyện cô không cha, mẹ. Hôm thằng Dũng được về phép, bà thấy nó mang chiếc lược bằng nhôm, tự tay làm, khắc trên đó đôi chim bồ câu, đến tặng Thùy. Nhìn cái kiểu có vẻ căng thẳng của con trai, bà Thiền biết, chắc chắn nó đi tỏ tình. Nhưng buổi tối hôm đó, thấy Dũng về nhà, ngồi thẫn thờ nơi góc bàn, trước mặt vẫn y nguyên chiếc lược, thì bà Thiền biết, Thùy đã từ chối tình cảm của nó.

Không dưng, bà Thiền cũng cảm thấy buồn rười rượi. Con trai bà thật tốt, thật xứng đáng được yêu. Chẳng hiểu vì lý do gì Thùy không đón nhận tình cảm của nó. Nhưng bà cũng hiểu, chuyện tình cảm thật khó giải thích. Không yêu sao có thể nhận lời tỏ tình được. Bà tự mình trả lời như vậy.

Ngay sau khi Thùy vào làm phóng viên của một tờ báo, thì cô lấy chồng. Bà Thiền cùng người làng đến dự tiệc cưới theo lời mời của nhà gái. Hôm đó, con trai bà đang học năm cuối cùng đại học. Nó nhờ bà mang đến tặng Thùy tấm vải lụa màu xanh da trời, mua ở thủ đô, làm quà cưới. Khi chuyển món quà của Dũng, bà Thiền không quên chúc Thùy hôn nhân hạnh phúc, cuộc sống tốt đẹp.

Trong con mắt người làng, cuộc sống của Thùy tốt đẹp thật. Người trong làng không quan tâm đến thu nhập mỗi tháng của Thùy. Họ chỉ biết cô đi thực tế nhiều, lặn lội đến những ngôi làng xa xôi, đến cả vùng núi cao hẻo lánh, nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số. Trong các chuyến đi ấy, gặp nhiều hoàn cảnh thương tâm, Thùy ngược xuôi hành trình tìm kiếm, đưa những người làm thiện nguyện, những mạnh thường quân đến tận nơi, để giúp đỡ. Cô khóc khi thấy mảnh đời nào đó quá bất hạnh và cũng khóc khi người ta được giúp.

Thỉnh thoảng, có người mang mớ tép, mớ cá đồng tươi roi rói vừa bắt được đến tặng Thùy. Hơn ai hết, bà Thiền hiểu, đó là cách mà người làng bày tỏ tình cảm yêu thương, trân trọng trước một tấm lòng. Điều mà người chồng quá cố và con trai bà đã nhận được.  “Con bé đó có lòng thật”- bà Thiền từng nhiều lần tự nhủ như vậy.

Có điều, cuộc sống hôn nhân của Thùy không suôn sẻ. Chẳng ai nghe cãi cọ, đánh mắng nhau ầm ĩ, nhưng vợ chồng Thùy lại dắt nhau ra tòa ly hôn, khi đứa con trai của họ chưa đầy 3 tuổi. Thôi thì ai cũng có nỗi niềm riêng, chỉ những người trong cuộc mới hiểu được. Thùy một mình nuôi con đến nay cũng đã gần hai năm.

Nếu bà Thiền không tình cờ đọc nhật ký của con trai, thì làm sao bà biết nó “quay lại” yêu Thùy. Điều khiến bà Thiền giận nhất, là tại sao bây giờ Thùy lại đồng ý nhận lời yêu Dũng. Trước kia cô ta đã từ chối tình cảm con trai bà kia mà. Phải chăng, bây giờ Thùy đã qua một đời chồng, gái nạ dòng, có con riêng, ở “cành thấp” rồi mới quay qua “bấu víu” con trai bà, cái thằng si tình mù quáng. Đứng trên góc độ người mẹ, bà Thiền thấy bây giờ Thùy không thể nào xứng với con trai của bà được. Rõ ràng con trai bà sẽ thiệt đơn thiệt kép khi đèo bòng, nai lưng ra mà nuôi con người khác.

Bà Thiền đâm ra có ác cảm với Thùy, tránh những lối đi trong làng mà hàng ngày vẫn gặp cô. Bà Thiền ra “tối hậu thư” với thằng con trai, cấm không được đưa Thùy về nhà chào hỏi, lấy lòng bà. Bà Thiền biết đôi trẻ khổ sở lắm. Nhưng kệ. Bà tự nhủ không được mềm lòng. Thực ra thì, tận trong sâu thẳm bà biết, Thùy cái gì cũng được. Chỉ có điều, liên quan đến cuộc đời thằng Dũng thì việc cô đã có một đời chồng và con riêng là không được. Nhiều lần, bà Thiền nói với con trai: “Mi mà lấy hắn, thì coi như tau mất đứa con. Tau từ mặt mi”.

Chiều muộn. Mấy người làng xúm xít dỗ dành một đứa trẻ đang mếu máo. Bà Thiền nhận ra đó là con của Thùy. Một người bảo: “Nãy có chị phụ nữ bị tai nạn giao thông ngoài đường cái, máu chảy nhiều lắm. Kẻ gây tai nạn bỏ chạy mất tiêu. Mẹ nó (tức Thùy) cùng mấy người đi đường đưa chị ấy vào viện cấp cứu, còn ở lại cho nạn nhân máu. Thân nhân người bị nạn ở xa, mẹ nó nán lại, “bàn giao” mới yên tâm”.

Đột nhiên, mắt bà Thiền cay cay. Bà Thiền giận Thùy đã làm cái việc bao đồng khiến người khác xúc động. Rồi lại tự giận mình sao dễ mềm lòng. Bà  ngồi xuống, cầm tay thằng bé, bảo về nhà với bà, cùng đợi mẹ Thùy. Bà Thiền nghĩ bụng, đợi cả thằng con trai “ngờ ngệch” của mình nữa chứ, rồi cùng ăn bữa cơm chiều.

Mấy người làng ngơ ngác, rồi ai nấy nở nụ cười, nhìn theo bóng lưng hai bà cháu trên con đường làng thân thuộc. Hương chiều đượm mùi rơm rạ, mùi khói bếp và cả mùi của nồng ấm yêu thương…

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top