ClockChủ Nhật, 30/05/2021 06:20

Ngược chiều

TTH - Có nhiều khi tôi muốn bỏ đi thật xa. Tôi sẽ tìm đến ở một nơi mà ở đó chỉ có tôi cùng cây cỏ, thú rừng, sông suối. Buổi sáng tôi có quyền ưỡn mình ngủ trễ trong mùi hương hoa. Tôi mường tượng ra một con chim công với bộ cánh màu trắng, đuôi công có màu đỏ tía xen lẫn với màu xanh biếc đậu ngay cửa sổ, gọi tôi: “Thức dậy đi Di ơi”.

Vườn hồngXóm nhậu

Tôi sống lãng mạn như một con người không bận bịu áo cơm. Chẳng hệ lụy gì hết. Tôi sẽ ra dòng suối mát mà tắm. Thân thể không cần che đậy. Tôi sẽ nhìn thân thể mình xuống tấm gương soi là mặt nước trong kia. Tôi sẽ vỗ từng vục nước vào đôi chân mình, tôi sẽ vỗ từng vục nước lên bộ ngực vẫn căng tròn nhựa sống. Rồi tôi sẽ hét to :

- Tôi tự do. Tôi tự do.

Tất nhiên, đó chỉ là sự tưởng tượng của tôi. Sự tưởng tượng ấy, Hà cho là chuyện lẩm cẩm. Ừ thì tên anh cũng chẳng phải là tên của một dòng sông đó sao? Hà và tôi hòa hợp lại trong một lễ cưới. Lễ cưới tổ chức linh đình. Mỗi bàn tiệc được cắm lên một ngọn nến. Điện vụt tắt và những ngọn nến thắp lên. Tôi nghĩ ra điều đó, vì tôi hoàn toàn không muốn có sự lặp đi lặp lại đến nhàm chán.

Những bàn tiệc mở đầu bằng món nem chả. Món kết thúc là cà ry. Tại sao cô dâu lại phải thay đủ quần áo - mà quần áo thay đổi ấy lại không phải là của mình và cũng đã có một cô dâu nào đó đã từng thuê ở tiệm cho thuê. Tôi cũng vẫn tiếp tục đặt câu hỏi.

Khi sinh tôi ra đời, ba mẹ thấy một đàn chim lạ từ phương Bắc bay về. Ba đặt cho tôi cái tên là Bắc Di. Hồi đi học, bạn bè khôi hài gọi tên tôi là hàng hiệu. Nghĩa “hàng hiệu” ấy cũng là độc quyền, không có cái thứ hai. Hà nhận xét khi tôi và anh quen nhau:

- Cái tên Bắc Di giống như tên trong phim bộ Hồng Kông. Em đúng là một cô gái phức tạp.

Làm sao Hà đọc được bởi anh chỉ là dòng sông? Dòng sông thì cứ trôi. Còn tôi là con chim phương Bắc. Nắng ấm lên rồi, chim phải về phương Nam.

Hôm ngồi ở một quán nhỏ dọc dòng sông. Buổi chiều tím ngắt đến lạ kỳ, Hà nắm bàn tay tôi, anh lồng vào giữa ngón tay thứ tư một chiếc nhẫn nhỏ:

- Anh quyết định lấy em làm vợ!

Đó là lúc tôi run lên. Tôi run thật sự khi tôi chợt chạm môi mình lên môi anh.

Lễ cưới xong, về với nhau là mất hết những cuộc hẹn hò. Bạn bè vẫn thường đùa với tôi là đàn ông có bản tính giống nhau là khi chưa giữ được người đàn bà trong tay mình thì săn săn đón đón. Hò hẹn và chia tay không mệt mỏi. Tôi và Hà không còn cần hò hẹn và chia tay nữa. Tôi đã cùng anh ngủ chung giường, ăn chung bữa và đi chung một con đường. Nhưng rõ ràng là tôi và Hà vẫn có một cái không chung: Đời riêng.

Ngày xưa ba mẹ tôi rất ghét nghề kế toán. Một cái nghề khô khan. Những cuộc nhậu được hợp thức hóa thành những con số của công trình, những phong bì to nhỏ lót đường cũng bị xóa vết để thành những con số hợp lý. Hà là kế toán trưởng và anh luôn luôn hợp lý những con số. Tôi cũng không thích những con số, dẫu rằng những con số do Hà ghi chép làm tròn trịa khiến cho cái tổ ấm nho nhỏ của hai đứa tôi mỗi ngày trở nên đẹp đẽ hơn. Anh khuân về hôm nay chiếc ti vi 21 inch, hôm sau chiếc bếp gas... Tôi đâm ra thừa thãi trong căn nhà toàn bấm nút. Nhiều khi Hà cười có vẻ tự phụ.

- Hàng quán ngoài đường thiếu gì? Phone một cú là món ăn ngon tới nhà.

Tôi phản đối:

- Nhưng đó không phải là do em nấu! Anh có ăn món canh chua lá lóc theo kiểu Bắc của em chưa? Ngon lắm!

Hà lại cười:

- Sao lại chưa? Hôm tới nhà em ăn cơm trưa, em nấu đó. Ngon.

Hà chỉ nịnh tôi thôi.

Đời sống vợ chồng là sum họp, nhưng công việc của vợ chồng là chia ly. Tôi dạy vẽ ở nhà thiếu nhi. Những đứa trẻ ngoan, mắt to tròn nghe cô giảng. Cô dắt các cháu tới lầu Bảo Đại, nhìn ra biển và những con tàu...Đôi khi, một mình tôi cầm giá vẽ, một mình vào tận suối Tiên vẽ những người Rắk Lây. Tranh vẽ của tôi choán một góc phòng. Khi tôi rời khỏi nhà là những bức tranh đi ngủ. Bởi Hà yêu tôi chứ không yêu một bức tranh nào của tôi.

Tấm bảng mica treo giữa phòng khách, cây viết mở được Hà cột dây treo. Hai vợ chồng nói chuyện với nhau theo kiểu mà tôi nghe những người bạn Việt kiều của tôi vẫn thường kể lại khi ở xứ người. Đó là vì không có điều kiện gặp nhau, nên phải “nhắn nhủ” với nhau bằng những dòng chữ như thế.

Hà viết:

“Di ơi, tối nay anh phải ăn cơm với mấy người khách bên Sở Tài chính”.

Tôi viết:

“Lớp vẽ của em chuẩn bị đi dự thi ở Hà Nội. Hôm nay em về tối”.

Hà viết:

“Chiếc áo ngủ anh mua cho em đó. Đẹp không? Tối anh về em nhớ mặc vào nhé!”

Tôi viết:

“Em lo dự khai mạc phòng tranh ở khu triển lãm...”

Thật là thú vị khi mình vẫn có một góc đời riêng thật sự của mình. Tôi không bị Hà kiểm soát, tôi cũng chẳng quan tâm đến chiếc ví của Hà. Tôi hờ hững đọc những số điện thoại đầy bí ẩn trong cuốn sổ ghi chép của anh. Hôm về trễ, anh nồng mùi rượu, tắm rửa xong anh lại sà vào lòng tôi: “Nhớ anh không? ”. Không cần tắt đèn.

Cuộc sống trọn vẹn như thế tại sao tôi lại muốn bỏ đi thật xa? Đâu có ai xâm phạm khoảng trời riêng của tôi. Hà đâu có ghen tuông, Hà cũng chẳng ngăn cản tôi thỏa ước nguyện. Tôi có quyền vẽ, có quyền đi dạy. Nếu cần tôi có quyền mời bạn bè tới nhà vui chơi, ăn nhậu một bữa ra trò. Tôi không phải vay tiền góp, chẳng chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Và Hà cũng yêu tôi.

Khi còn ở với mẹ, mẹ vẫn thường dạy: “Con gái khi làm vợ nhà người ta, không biết nấu nồi cơm, kho nồi cá thì người ta chửi mẹ mình không biết dạy con”. Chiếc bếp gas ấn nút lửa hồng trong nhà nhiều khi nguội lạnh. Như thế có phải là thiếu bổn phận làm vợ không? Hà chẳng hề trách móc tôi chuyện đó, anh dành cho tôi những khoảng riêng. Thỉnh thoảng nếu chợt nhớ ra là hai vợ chồng chưa hề đi uống chung một ly cà phê. Anh lại nói:

- Ra phố với anh một tí đi Bắc Di.

Trước kia, tôi không trang điểm, chỉ một thỏi son hồng trong xách, tô nhẹ. Giờ đây tôi tô màu son đậm hơn nhiều, lại thêm lớp phấn hồng che giấu vết nhăn của cuộc đời đã bắt đầu xuất hiện. Dưới mắt tôi, đường phố là những gam màu, những gương mặt người cũng là những gam màu. Còn dưới mắt Hà là đôi mắt của một kế toán trưởng lại nhìn thấy mức thu nhập của chủ quán cà phê khi khách bước vào nườm nượp. Trong cái riêng của tôi, vũ trụ luôn tung tăng nhảy với những bài thánh ca. Trong cõi riêng của Hà, những tờ giấy xếp chồng dằng dặc những chữ số hiện lên. Đôi khi tôi chợt mỉm cười để điểm chung của tôi và Hà có phải chăng là bóng đêm, là chiếc giường lò xo êm, là mùi nước hoa đắt tiền.

Giờ đây tôi đang đứng ở bên bờ dòng sông này. Một mình tôi trọn vẹn với bềnh bồng mây trắng ngao du trên trời. Nước sông không có một bông hoa nào trôi, chỉ có những chiếc lá tre rơi rụng xoắn với nhau. Những chiếc lá sẽ trôi ra biển.

Dòng sông nói với tôi: “Đừng lãng mạn quá. Đừng đánh mất hạnh phúc trong tầm tay mình”. Tôi lắng nghe tiếng của dòng sông. Tôi đưa tiếng dòng sông vào tranh vẽ. Phía chân trời của bức tranh là Hà và tôi - hai người đang đi - nhưng đi về đâu?

Tôi xếp giá vẽ lại, trở về. Tôi trở về để đợi Hà. Tôi sợ mình sẽ ngã lòng vì một bóng hình khác. Tôi cảm thấy trái tim mình sai nhịp khi người đàn ông ấy đứng sau lưng:

- Cô vẽ như thả hồn vào!

Tôi biết chiều nay người đàn ông đó sẽ tới, và sẽ còn sẽ tới nếu tôi còn tiếp tục vẽ. Người đàn ông đó thì thào như gió ru: “Tôi chỉ nhìn cô đã tràn ngập nỗi hân hoan”.

Dù thế nào đi nữa thì tôi biết người đàn ông có trái tim đẹp nhất không ai khác hơn ngoài Hà.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top