ClockChủ Nhật, 22/12/2019 13:20

Khách phương xa

TTH - Chẳng mấy khi nhà có khách, Hoài nói với chồng chuẩn bị sẵn con gà cột vào gốc cây chanh, chứ đợi khách đến mới tả tơi đi lùa gà, nhằm người hay nghĩ lại nói mình thiếu sự chuẩn bị. Nhưng Danh khăng khăng từ chối, nói vợ làm món gì khác đi, không nhất thiết phải là gà. Hoài thấy lạ, sao bữa nay đột nhiên chồng lại từ chối “món tủ”, chẳng phải anh thích món thịt gà nhất đó sao? Nhưng thấy thái độ của chồng kiên quyết vậy, Hoài cũng không thắc mắc nữa, quay sang chuẩn bị món khác.

Qua một ngày đườngFace anh, face emỞ lại quê nhà

Bất cứ khách nào đến nhà Hoài, cô cũng đều chu đáo như vậy. Bởi đâu dễ mà họ lặn lội quãng đường xa xôi như vậy ghé thăm vợ chồng Hoài. Chỉ thỉnh thoảng mới có mấy đứa em, cháu của Hoài đi phượt với bạn bè ghé ngang, biến nhà Hoài thành địa điểm dừng chân để ngả lưng qua đêm. Khi ấy, căn nhà nhỏ lại bừng lên tiếng nói cười. Có hôm cả nhóm bạn của thằng Út ngủ dậy, thấy không khí trong lành, chim hót líu lo, thích quá nên quyết định dừng chân khám phá nơi này, thay vì lịch trình như ban đầu.

Mấy đứa con của Hoài cũng hào hứng mỗi khi có khách ghé thăm, gặp khách là chú Út nữa, thế là nó bá vai bá cổ không buông. Hoài thấy tụi trẻ hừng hực thanh xuân, đứa nào cũng căng tràn sức sống, bỗng thấy mình cũng trẻ lại. Buổi sáng tụi trẻ đi khám phá núi đồi quanh đó, Hoài thì chờ nắng lên, đem mớ củi to ra hong, để đến tối vừa khô cho tụi nhỏ đốt lửa giữa sân cho ấm.

***

Khách lần này là của chồng Hoài, nghe anh nói bạn học cũ. Lúc đầu Hoài nghĩ ít nhất cũng phải đi 2 người, nhưng Danh nói chỉ có Nguyên, bạn bè không ai sắp xếp được nên cô ấy đi một mình.

Lúc Nguyên đến thì vừa có cơn mưa lất phất. Những hạt mưa tan ra, dài sọc xuống chiếc váy màu thiên thanh, làm tô lên sắc da trắng nhợt của Nguyên. Cả cái ánh mắt dù cố tỏ ra vui, vẫn không giấu những nỗi niềm hoang hoải chất chứa phía sau, sẽ chẳng ai yên ổn mà khoác lên mình cái vẻ thiếu sức sống ấy, hay là Hoài suy diễn quá cũng nên.

Lúc Danh vào thì Hoài đang dọn cơm, Nguyên cũng tất tả dọn phụ, mắt cô ánh lên khi thấy những món ăn không có gà, có thể là tình cờ, cũng có thể Danh vẫn còn nhớ là Nguyên sẽ rất kỵ món thịt gà. Hẳn là như vậy vì cả vùng núi đồi này, gà trở thành món đặc sản địa phương. Hoài giục anh đi tắm nhanh để còn ăn cơm cho nóng. Trời mùa này thức ăn nóng mấy dọn ra cũng bị nguội đi rất nhanh. Danh tắm rất lâu, để hai người phụ nữ mới gặp lần đầu lại kiệm lời nên chỉ được vài câu chào hỏi đã bị rơi vào khoảng không. Nguyên hỏi: “Không có mấy đứa nhỏ ở nhà chắc là buồn ha chị?”. “Ừ, tụi nhỏ ở trên ngoại đi học cho gần, cuối tuần mới đón về!”, rồi Hoài à lên: “Mai đã cuối tuần rồi, nhanh quá!”. Hoài tính hỏi về Nguyên, cô ấy có gia đình chưa, có con chưa, cuộc sống thế nào… nhưng Hoài cẩn thận nên không dám thốt ra bất cứ câu nào.

***

Mãi khi Danh nhóm lửa trước hiên cho ấm, hai người phụ nữ ấy mới nói chuyện với nhau nhiều hơn. Trong lúc hai người phụ nữ tíu tít kể chuyện về những trái bắp ở tuổi thơ, Danh mới len lén nhìn Nguyên. Cô ấy chỉ già đi với những vết chân im hằn rõ mỗi khi cười, còn lại vẫn không khác xưa là mấy. Còn Danh thì khác quá nhiều, từ anh chàng sinh viên gầy gò, si tình hay đứng trước cổng trường chờ Nguyên, giờ Danh đã thành ông bố 2 con, núi đồi gột rửa thân hình anh thành rắn rỏi vạm vỡ hơn, hẳn Nguyên cũng thấy anh khác đi nhiều lắm. Xuyên qua ánh lửa bập bùng, Danh lén nhìn Nguyên lâu hơn. Anh còn nghĩ đến sự chủ động này của Nguyên. Rồi anh dấy lên nỗi thắc mắc, cô ấy lên thăm anh là vì vấn đề gì? Đám cưới của Danh với Hoài dù không tổ chức ở thành phố, nhưng trên trang cá nhân anh đăng tin công khai, chẳng giấu giếm gì.

Hình như Hoài đã đọc được điều gì đó, trước khi tìm lý do đi vào nhà, Hoài nhờ Danh canh củ khoai đang vùi trong đống than, cô nói sợ người thành phố không quen lại để khoai cháy mất. Danh ậm ừ rồi đến chỗ của Hoài, cạnh Nguyên ngồi. Nhưng Danh vẫn không biết mở lời như thế nào, ngồi mãi thì Nguyên cũng lên tiếng:

- Ở đây thật tuyệt, hèn gì mà anh không quay lại phố.

Danh im lặng rất lâu mới trả lời:

- Anh thấy mình hợp với nơi này hơn!

Khi ấy, Danh đã muốn nhìn vào mắt Nguyên, xem những điều anh nói có làm cô tổn thương không? Anh chỉ muốn nói sự thật, dù thừa tinh tế để hiểu chẳng có cô gái nào thích nghe sự thật ấy từ người từng si tình mình. Nhưng anh là vậy, anh vốn ghét sự lấp lửng, thiếu rõ ràng. Nhưng thanh âm từ giọng nói của Nguyên nghe không có vẻ gì là cô ấy khó chịu.

- Em mừng vì điều đó!

Danh định hỏi cái thắc mắc trong lòng mình, rằng Nguyên lên đây chỉ để thăm anh thôi hay sao, nhưng thấy thiếu tế nhị quá nên thôi, vừa lúc có những hạt mưa lắc rắc. Nguyên nói:

- Mình vào nhà ha anh, em cũng buồn ngủ rồi!

Danh gật đầu.

***

Danh tỉnh giấc đã thấy Hoài đi từ sau vườn ra phía cổng, gặp Danh đang vươn vai, cô hỏi dồn:

- Sáng giờ anh có thấy Nguyên không?

- Không, anh vừa mới ngủ dậy, chắc cô ấy đi dạo đâu đó.

- Em đã tìm hết cả nhưng không thấy.

Danh vội vào giường lấy điện thoại gọi cho Nguyên thì thấy có tin nhắn của cô ấy. Nguyên nói đi chuyến xe sớm cho khỏe nên không tiện chào hai vợ chồng, Nguyên còn gửi lời cảm ơn đến Hoài và nói Danh không cần liên lạc lại vì khi ngồi trên xe, cô ấy không cầm điện thoại. Danh ướm chừng giờ Nguyên về đến nhà để gọi hỏi thăm cô đã về nhà an toàn chưa nhưng không liên lạc được, có thể do máy Nguyên hết pin chăng?

Dòng xoáy của thời gian đã cuốn Danh tất bật cùng cơm áo gạo tiền cho đến một ngày đột nhiên nghe Hoài nhắc lâu rồi nhà mình không có ai ghé thăm, khi đó Danh mới chợt nhớ ra mấy tháng rồi mình không liên lạc lại với Nguyên. Đầu dây bên kia chỉ để lại tiếng tút tút vô hồn. Linh tính có gì đó khiến anh cảm thấy sốt ruột, lâu rồi anh cũng chẳng còn liên hệ với bạn bè nên không biết thông tin gì, chẳng lẽ lại gọi cho chúng chỉ để hỏi thăm Nguyên thì thiếu tế nhị quá. Mà thời buổi này, mọi mối quan hệ đều trở nên lỏng lẻo, đâu có chắc chắn biết thông tin về nhau.

Danh chạy xe xuống quán cà phê ở thị xã để có thể kết nối internet. Chỉ vài thao tác, anh đã chủ động nhắn tin qua mạng xã hội cho cô bạn học cũ, hỏi đôi ba dòng, chưa kịp tìm lý do để hỏi thăm Nguyên thì An đã báo tin: “Tui mất số ông nên hôm Nguyên mất, chẳng biết báo tin cách nào, rồi lu bu nên quên luôn”. Danh bần thần sém đánh rơi điện thoại trên tay, hai mắt anh tối sầm lại.

Phải lâu lắm anh mới gọi điện lại cho An, nhưng anh cũng chẳng biết nói gì thêm với An, đành cứ để điện thoại vậy. Có lẽ An cũng hiểu chút lòng Danh nên chậm rãi kể cho Danh nghe về cuộc sống buồn tẻ của Nguyên… Danh cứ để vậy, có những câu chuyện vào tai Danh, cũng có câu chuyện theo làn gió bay mất. Mùa này gió cao nguyên lồng lộng dù trời không chuyển mưa. Đến khi An nói đến giờ đi đón con rồi, thôi Nguyên đi cũng nhẹ nhàng nên đừng buồn nữa, rồi An cúp máy thì Danh mới nhớ ra có câu hỏi mình chưa kịp hỏi An, mà có hỏi chắc gì An biết, câu mà Danh đã định hỏi Nguyên nhưng chưa kịp, rằng hôm ấy Nguyên chỉ lên thăm anh thôi hay sao?

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Return to top