ClockChủ Nhật, 20/10/2024 06:40

Làng trong nỗi nhớ

TTH - Ba năm sau, Huân mới có dịp về làng Dương Nỗ. Sau khoảng thời gian dài dằng dặc xa làng, những lời hẹn thề sẽ trở về làng trong một ngày không xa tưởng chừng đã đi vào quên lãng.

Gom đủ yêu thươngTrạm Sương

 

Trong ký ức của Huân, làng luôn đẹp, người làng thì hiền lành, chân chất. Từ ngày oa oa cất tiếng khóc chào đời cho đến những năm học cấp ba trường làng, Huân chưa bao giờ nghĩ một ngày nào mình sẽ xa làng. Không phải là xa một ngày, một bữa như những chuyến theo mệ lên thành phố lấy hàng. Mệ sống bằng nghề mua gánh bán bưng ở chợ Nọ. Mà thời gian cách xa được tính bằng tháng, bằng năm, thậm chí bằng cả đời người. Bởi từ sau cơn bão to, cây ngô đồng ở đầu làng bị gãy ngọn, rồi trốc gốc trong trận bão năm sau nữa, nhà Huân đã quyết định rời làng Dương Nỗ để dọn vào một thành phố phương Nam sinh sống. Làng lùi dần về phía sau. Chiếc ô tô cũ chở lỉnh kỉnh đồ đạc tiến về phương Nam trong nỗi buồn man mác của Huân.

*

Ghé vào quán nhỏ ở đầu chợ Nọ, chỗ ngày xưa mệ thường hay thả đòn gánh xuống đất, ngồi quạt xoành xoạch bằng cái nón lá rách tươm, chỗ hằn in chiếc bóng liêu xiêu của mệ. “Hai em ăn cái chi?” - Chị chủ quán trạc ngoài ba mươi, tóc quấn lọn sau gáy, trìu mến hỏi. Huân nhìn sang Thiên, bảo cậu gọi món.

Thiên là người miền Nam, chắc vì Huân sợ cậu không ăn được món Huế nên mới để cậu chọn món. Trong tờ giấy cũ đã úa vàng có vài ba món bánh Huế, cơm hến, bún hến... Những món quen thuộc mà mười hàng quán ở đất Cố đô thì có tám quán bán đủ. Không nghĩ ngợi lâu, Huân xởi lởi:

- O cho em hai phần cơm hến. Đói lả. Ăn cơm hến là thượng sách.

Chị chủ quán cười tươi, vặn cái quạt cho gió mạnh. Thiên ngồi đọc tin nhắn ập đến. Huân nhìn ra đầu làng, ngắm mấy cây ngô đồng nghiêng nghiêng soi mình xuống dòng sông Phổ Lợi. Con sông hiền hòa bao tháng năm vẫn không thay hình đổi dạng, vẫn uốn lượn giữa đôi bờ, vẫn những bến nước dịu hiền nơi chiều chiều các o thường ra ngồi ngắm cảnh, lòng bồi hồi mà nghĩ về một lúc nào xa làng Dương Nỗ chắc sẽ thấy tim mình đau nhói, thấy hẫng hụt như thể mất đi một điều gì quan trọng lắm.

- Làng đẹp và bình yên quá! Ai được sinh ra và lớn lên, gắn mình với làng, chắc sẽ có một tâm hồn đẹp đẽ và cao thượng.

Thiên vừa nói vừa nhìn chăm chú. Gió thổi bay lá cờ Tổ quốc được treo trên cổng chợ Nọ. Trong bước phát triển của đất nước, trong cơn vũ bão của đô thị hóa, làng Dương Nỗ vẫn giữ được những nét đẹp cổ sơ, trầm mặc, mộc mạc và yên lành, khiến Huân thấy tim mình bồi hồi khi nhớ lại những ngày xưa đạp xe khắp làng, tắm sông Phổ Lợi, rồi cũng từng nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ xa ngôi làng xinh đẹp này.

Vào miền Nam sinh sống, mọi thứ đều khác. Giữa một thành phố xa xôi và ồn ã, xe cộ chộn rộn, nhà cao tầng chi chít nhô lên. Vòm trời ngày một bé nhỏ. Có đôi lần Huân nhớ cái cảm giác được nằm dài trên bãi cỏ cuối dòng sông Phổ Lợi, nhìn lên trời cao, chân chạm mặt nước, nghe tiếng hò ơ của một o nào đó còn trẻ trung, xuân sắc vọng lại trên những chuyến đò chiều lững thững qua sông. Mệ giờ đã thành người thiên cổ. Hồn mệ có lẽ cũng đã về với làng, với chợ Nọ, nơi ngày xưa mệ bán từng cái bánh bèo để nuôi anh em Huân lớn khôn. Qua những đợt mưa dầm, nắng cháy, qua từng trận bão về gãy nhánh ngô đồng, làng vẫn đẹp và bình yên như thể chưa từng có biến động nào xảy đến.

Gió. Một đợt gió từ cánh đồng thổi qua con sông Phổ Lợi vào chợ Nọ làm xua đi cái nóng của mùa hè hâm hấp, cái nóng rát bỏng da những o, những mệ gánh gánh gồng gồng, suốt một đời lam lũ, đánh đổi cả sức khỏe, mồ hôi, nước mắt vì niềm hạnh phúc yên lành. Huân ngồi nhìn ra đầu chợ, thấy ai đó quảy gánh đi qua, đòn gánh nặng trĩu, nón lá lúp xúp che lấp khuôn mặt tảo tần chắc cũng đang nhễ nhại mồ hôi. Tự dưng Huân thấy nhớ mệ của mình quá. Mệ giờ về với gió trời, hồn mệ chắc cũng đang nương ở đâu đây, trên cây ngô đồng đầu làng, trong nước sông Phổ Lợi... Điều mà Huân ray rứt nhất, có lẽ là đến thời điểm hiện tại cậu vẫn chưa thể đưa được mệ trở về với làng Dương Nỗ. Mệ vẫn nằm trên mảnh đất phương Nam xa xôi, nơi mà thuở ấy, trong những trận mưa gió bão bùng miền Trung, trong những ngày xuân trẻ gánh gồng ra chợ Nọ... chưa bao giờ mệ nghĩ sẽ nằm lại phút cuối đời.

*

Đường vào làng Dương Nỗ quanh co. Đình làng nhìn thẳng ra dòng sông Phổ Lợi. Ngôi đình đã hiện diện trên mảnh đất này từ đời nào Huân không nhớ rõ, ngày xưa mệ từng nói cho Huân nghe về mái đình này nhưng cậu đã quên, chỉ biết rằng từ khi mình có mặt trên đời này đã thấy đình làng sừng sững qua bao nắng mưa. Mấy lần Huế lụt, làng Dương Nỗ chìm trong mênh mang nước, cây ngô đồng gãy nhánh, xác xơ. Chỉ riêng mái đình vẫn yên ắng lạ thường. Nước rút dần, Huân xắn ống quần, lội nước lụt ra đình ngồi co ro, thấy đời thênh thang quá! Một cảm giác bình yên xâm chiếm lấy Huân. Trong mắt Huân bạc trắng màu nước lụt.

Thiên sờ tay vào những mảnh sứ sành khảm trên tường, cảm nhận lối kiến trúc tinh xảo của mái đình. Bạn là dân nghệ thuật nên đặc biệt có cảm xúc với những tác phẩm nghệ thuật. Huân đi quanh quanh dưới mấy gốc sứ cùi đương độ nở hoa rực rỡ. Hoa rụng xuống nền đất mềm. Huân nhặt mấy bông hoa, đưa lên mũi ngửi, nhận ra hương thơm thanh tao của thuở thiếu thời xa lắc...

Đang loay hoay trong mớ ký ức lộn xộn, bỗng một giọng miền Nam vang lên bên tai Thiên và Huân:

- Hai anh từ trong Nam ra đây à?

Huân chưa hết ngỡ ngàng thì Thiên gật đầu, vội đáp:

- Chúng mình từ trong Nam ra. Anh bạn cũng là người miền Nam à?

Người thanh niên có màu da rám nắng, tóc xoăn nhẹ, kiểu tự nhiên, nở nụ cười tươi, đúng chất của người miền Nam thân thuộc. Huân thoáng thấy Thiên xúc động. Đôi khi, chỉ cần nghe giọng của xứ mình trên đất khách, nhận ra đồng hương mình cũng là niềm hạnh phúc lớn lao. Như Huân, mỗi lần anh nghe ai đó nói giọng Huế giữa cái nắng phương Nam gắt gao như nắng Huế những ngày tháng Sáu, tháng Bảy, cậu chỉ muốn lân la theo để được bắt chuyện, được nói “mô”, “chi”, “răng”, “rứa”, “tề”... mà thấy tim nức nở trong lồng ngực.

Như quen biết từ trước, cả ba kéo nhau ra bờ sông Phổ Lợi, dưới bóng mát của cây ngô đồng để nói dăm ba câu chuyện. Người thanh niên xa lạ kia bấy giờ trở nên gần gũi, thân thuộc hơn trong mắt Thiên. Huân lấy cái mũ tai bèo gấp lại, quạt xoành xoạch, lắng tai nghe Thiên và anh bạn kia nói với nhau về miền Nam những ngày đầu hạ nắng nóng, mưa cũng nhiều, nhất là vào những đêm tịch mịch. Anh bạn nói với Thiên anh nhớ miền Nam vô cùng, nhớ con cá rô đồng, nhớ bông điên điển vàng mùa nước nổi. Từ khi anh theo về quê vợ, anh ít khi có dịp trở lại nhà. Mỗi năm chỉ về đúng một lần, mấy ngày Tết tranh thủ gói ghém kỷ niệm để vào trong tim, mang ra tận miền Trung xa xôi. Thoảng nhớ nhà lại lục tìm rồi thương trào nước mắt.

- Nghe giọng miền Nam ở đây, mình thấy vui lắm! Như được gặp lại những người thân yêu của mình vậy! - Bằng một giọng trầm buồn, anh nói.

- Ở đây bạn sống bằng nghề gì? - Bất chợt Huân hỏi, cũng bằng giọng Nam. Sống ở miền Nam đã lâu, việc nói giọng phương Nam với Huân không phải là điều khó khăn. Nhưng cậu vẫn thích nói chuyện bằng giọng Huế hơn. Thuở còn sống, mệ nói: “Dù đi mô, mi cũng phải giữ lấy giọng nói của quê mình. Giọng Huế...”. Huân đủ hiểu rằng, anh thanh niên kia muốn được nghe giọng miền Nam để vơi đi nỗi nhớ da diết về quê hương bản quán.

- Mình đang thất nghiệp, sáng nào cũng dọn hàng giày dép ra trước cổng đình này bán.

- Có đủ sống không? - Thiên vọt miệng hỏi.

- Cũng được, anh ạ! Trừ những hôm mưa. Mà mưa Huế thì anh biết rồi đó - Anh thanh niên nhìn sang Huân vì biết Huân là người Huế - cứ rỉ rả suốt từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác...

Không gian lặng đi. Chỉ có tiếng gió réo rắt trên tán lá ngô đồng, làm rơi mấy chiếc lá khô xao động mặt sông trong như mặt gương soi. Im lặng thoáng chốc, anh thanh niên nở nụ cười để lộ hàm răng trắng, hai chiếc răng khểnh nhô ra, trông rất duyên dáng:

- Sống với vợ ở đây ít năm nữa, mình thuyết phục vợ theo mình về miền Nam sống. Tía má cũng đã có tuổi rồi, tóc bạc, lưng còng cả rồi. Mình không thể xa tía má những ngày mà tía má cần mình nhất...

Huân thấy đâu đó trong mắt người thanh niên những tia hy vọng. Còn Thiên, người bạn thân thiết, nhạy cảm và dễ xúc động của Huân, cậu đang xoay người về phía dòng sông Phổ Lợi để ngắm mấy chiếc lá đưa là đà trên mặt sông, nhưng mắt cậu dường như ươn ướt. Huân biết bạn mình đang thấy chạnh lòng cho bạn, cho người thanh niên kia, và phải chăng là cho Huân nữa - những kẻ tha phương chỉ để kiếm tìm hạnh phúc bình dị, nhỏ nhoi. Niềm hạnh phúc của mỗi người có lẽ là được sống trên quê hương mình, trong ngôi làng nhỏ của mình, để được nghe tiếng trở mình của mẹ mỗi đêm, tiếng ho khục khặc của ba mỗi sớm mai thức giấc...

Huân cũng thấy tim mình xốn xang quá đỗi. Một kẻ xa làng, bôn ba vào miền Nam để khi trở về làng thì người làng lại ngỡ rằng Huân là khách. Đứng ở đầu làng, trong ngọn gió làng, trong hương vị của đất quê, của ký ức, Huân bỗng thấy mình ấm áp lạ thường. Có lẽ đây mới là không gian mà Huân thuộc về. Huân biết rằng, dù có đi đâu thì làng Dương Nỗ, chợ Nọ, sông Phổ Lợi và bóng hình mệ thân yêu vẫn chiếm một vị trí quan trọng không đổi trong trái tim Huân.

*

Chào người thanh niên, Huân và Thiên rời đi. Hoàng hôn dần buông xuống dòng sông Phổ Lợi và dãy đồng tít tắp phía sau đình làng. Chợ Nọ cũng vắng dần, chỉ còn vài ba người ngồi trước cổng chợ đếm lại số tiền kiếm được sau một ngày tảo tần, vất vả. Một mệ bán hàng rong gương mặt để lộ những nét mệt nhoài giống bóng hình của mệ Huân ngày trước. Nước mắt Huân chảy dài trên má. Huân ngoái lại nhìn làng, chào làng rồi bước đi. Nhưng chắc chắn rằng Huân sẽ quay trở về vào một ngày nào đó không xa xôi lắm! Khi đó, làng vẫn đẹp, hiền hòa. Và bao ký ức làng vẫn tươi nguyên tròn vẹn...

Hoàng Khánh Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top