|
Tập bút ký & tùy bút “Loanh quanh xứ nhớ” của nhà văn Nguyễn Thị Duyên Sanh |
Trước “Loanh quanh xứ nhớ”, nhà văn Nguyễn Thị Duyên Sanh đã để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng đậm sâu với các tập truyện ngắn “Hoa để mùa sau” (2014), “Nơi ấy sẽ là nhà” (2019), “Vẫn còn nắng trên đồi” (2022) với cách xây dựng truyện độc đáo. Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Phê đã ví những truyện ngắn của chị như “một tiểu thuyết nén chặt” bởi không gian, thời gian của truyện luôn được mở rộng, những hiện tại, hồi ức luôn đan xen khiến những truyện ngắn của chị luôn có một bề dày và sâu với ngồn ngộn những tình tiết.
Tập bút ký & tùy bút lần này được chị chắt lọc, gói ghém trong quá trình đi và viết của mình những năm gần đây. Ở tuổi 70, đôi chân chị vẫn còn miệt mài rong ruổi. Những nơi chị đặt chân qua, tình yêu đã đọng lại rồi tràn lên từng trang viết. Đọc “Loanh quanh xứ nhớ”, người đọc sẽ được theo chân nữ văn sĩ qua nhiều vùng đất. Ở đó, con người, cuộc sống, cảnh sắc hiện ra một cách nhẹ nhàng qua góc nhìn đầy tinh tế của tác giả.
Người đọc sẽ được đắm mình trong ánh chiều đổ bóng xuống rừng thông và lắng nghe nhịp sống của người Mông, người Dao, người Mèo trong “Sương khói Yên Minh”; là những bước chân vượt rừng già khám phá vẻ đẹp của non cao, rừng thẳm, những giây phút lắng lòng để tâm hồn hòa trong tiếng suối, tiếng chim rừng cùng hương trầm vấn vít mà ngỡ như mình đang chập chờn chìm vào cõi mộng trong “Ngày xuân chiêm bái Tây Thiên”; là “Một thoáng Tràng An”, là “Một ngày ở xứ Tiên”; là Kon Tum đôi mắt gửi lại. Ở mảnh đất nào trên những miền Tổ quốc, tác giả cũng nhìn thật sâu, thật chậm, ngắm nghía bằng cả con tim đầy yêu thương và thật nhiều rung cảm. Mỗi một vùng đất đều có những nét đẹp văn hóa riêng. Người đọc không chỉ được cảm thụ những nét đẹp của cảnh sắc thiên nhiên đầy quyến rũ mà còn hiểu thêm về bề dày văn hóa của mỗi vùng đất mà tác giả đã ghi chép lại.
Với 24 bài viết, “Loanh quanh xứ nhớ” được tác giả dành phần nhiều để viết về Huế, mảnh đất nơi chị được sinh ra và gắn bó cả đời mình bằng một tình yêu đằm sâu nhất. Người đọc sẽ bắt gặp nỗi hoài niệm của người đã đi qua mưa gió thời gian, lặng im ngóng nhìn lại những ngày tháng cũ êm đềm. “Sắc màu tết cũ” được viết bằng một dòng cảm xúc thật nhẹ nhàng, êm ả. Những cái tết cũ đã lùi thật xa trong mênh mang những ký ức, ở đó dẫu còn bao khó khăn, nhọc nhằn nhưng tết xưa hiện ra đầy sắc màu rực rỡ. Từ lòng người, cây cỏ đều như hân hoan theo một mạch nguồn yêu thương thật khác.
Dường như những ký ức, những hoài niệm bao giờ cũng đẹp hay tại tết nay đã không còn dư vị như xưa. Sự hân hoan trải dài trên đồng ruộng, trong tấm áo nâu sòng kéo dài ra buổi chợ tết để rồi đậu lại trên những mẹ mứt bánh hong dưới nắng cuối mùa, rồi rực lên trong ánh lửa chiều ba mươi tết. Sự đổi thay chóng mặt của quê hương khiến tác giả đôi khi phải ngậm ngùi, thấy mình như “đi lạc giữa nơi đã từng là quê mình”.
Đọc “Loanh quanh xứ nhớ”, chợt thấy yêu, thấy nhớ mỗi vùng đất mà tác giả đi qua, càng thấy yêu hơn cái xứ Huế đầy mưa với gió. Chợt thấy nỗi lòng ai đó sao thật giống nỗi niềm của chính mình đâu đó thuở trước, cái hồi xa Huế bôn ba lập nghiệp, mỗi lần bước chân đi đã thấy lòng chùng chình những nhớ, những thương chẳng muốn rời. Ở tập sách này, tác giả đã chọn bút ký “Loanh quanh xứ nhớ” làm tên cho tập sách. Đây cũng là tác phẩm đạt giải khuyến khích trong cuộc thi bút ký “Di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế” 2022, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức.
Nhà văn Nguyễn Thị Duyên Sanh cũng từng nhận tặng thưởng Tác phẩm xuất sắc của Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế vào năm 2020 với tập truyện ngắn “Nơi ấy là nhà” và năm 2022 với tập truyện ngắn “Vẫn còn nắng trên đồi”.