ClockChủ Nhật, 03/12/2023 12:39

Mặt trời và cỏ

TTH - Cuộc thi vòng chung kết hoa hậu Việt Nam sắp diễn ra tại khu du lịch xinh đẹp nhất nước. Mỗi buổi chiều, Tân thường chở Bảo Loan đi dọc theo con đường biển, phóng tầm mắt nhìn ra biển. Biển mùa hạ xinh đẹp đến lạ. Những chiếc xe từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, mang nhiều biển số đang đậu thảnh thơi ở các bãi đậu xe. Bảo Loan nói với chồng trong gió biển nồng nàn mùi muối: “Năm nào mình cũng khỏi tốn tiền du lịch anh há. Tại vì người ta cứ phải tìm tới chỗ mình ở để đi du lịch kìa?”. Tân thả một tay, nắm tay vợ đang ôm vòng lưng mình: “Ừ, mình được đi du lịch quanh năm vì mình đang ở biển mà”.

Một mối tình đã cũ

 

Nói thế, nhưng trong anh như có một điều gì bất ổn. Tân làm nghề báo, đi liên tục. Vậy mà anh chưa bao giờ có thể tổ chức cho vợ đi một chuyến rong chơi đúng nghĩa. Bảo Loan vẫn mơ một lần đến Huế. Xem các chương trình trên tivi, Bảo Loan nói với chồng: “Huế đẹp chi lạ đó anh. Hôm nào có tiền anh rủ em đi một chuyến anh nhé. Để em đi bộ qua cầu Trường Tiền xem thử nó lạ như thế nào. Anh phải dẫn em đi ăn bánh bèo ở thôn Vỹ Dạ của ông Hàn Mặc Tử coi thử nó ngon cỡ nào. Mình phải thuê một chiếc thuyền đi trên sông Hương cho biết...”. Bảo Loan mơ ước một lần đến Huế. Mà Huế có xa xăm gì cho cam. Một chuyến xe đò lao nhanh từ sáng đến tối là tới. Nhưng lời hẹn vẫn là lời hẹn, bởi đơn giản anh là một nhà báo nghèo. Ừ, thì làm báo thì lấy gì mà giàu? Bởi nhuận bút, tiền lương đã đổ vào các chuyến đi. Các chuyến đi đã làm vơi đi những khoản tiền anh kiếm được, mà một chuyến đi du lịch có tiết kiệm lắm cũng vài triệu. Anh đã đến Huế bởi nơi đó diễn ra Festival. Và anh được phân công đi viết bài. Từ Huế, anh đã mang về cho Bảo Loan một chiếc nón bài thơ anh mua ở chợ Đông Ba. Bảo Loan treo chiếc nón đó trong phòng khách như là nỗi mong chờ đến Huế. Còn anh thì nhủ với lòng là cũng sẽ dành dụm để có một tuần dắt vợ đến miền đất có nhiều đền đài, lăng tẩm, có con đường đỏ au màu hoa phượng nở vào mùa hạ.

Bảo Loan là một người vợ hoàn hảo. Anh chọn Bảo Loan trong đám đông người, giữa phiên chợ đông, chẳng phải như ông bà ta thường nói: “Trai khôn tìm vợ chợ đông”, mà Bảo Loan hôm đó đang thay mẹ đứng bán hàng ở một gian tạp hóa. Anh tới lựa một món quà đi dự sinh nhật một người bạn. Trong khi anh đang chọn lựa mấy món đồ thì có một tên móc túi áp sát vào anh, nhanh như chớp nó móc chiếc ví trong túi sau của anh mà anh không hề hay biết. Khi đó Bảo Loan đã phát hiện, vội hô lên: “Móc túi”. Anh chưa kịp phản ứng thì Bảo Loan đã từ trong hàng xông ra, lấy chiếc lọ thủy tinh ném mạnh vào chân tên móc túi. Chiếc bình thủy tinh bị vỡ, còn tên móc túi thì ôm chân đau đớn, không chạy được nữa. Chiếc ví đã lại chủ, nhưng Bảo Loan nhất định không nhận tiền đền bù chiếc bình thủy tinh bị vỡ. Họ quen nhau từ đó. Sau này, khi thành vợ chồng, Bảo Loan nói: “Không biết tại sao hôm đó em lại chẳng đền chiếc bình. Nhưng nhờ thế mà anh nợ em cả một đời”. Hai người về ở với nhau trong một căn nhà nhỏ do cha mẹ chia cho. Một căn nhà dù nhỏ hay lớn thì cũng đã là riêng tư, là chỗ để bữa cơm riêng dọn lên, có hai người gắp cho nhau thức ăn. Là để đợi nhau về hay cùng khóa lại cánh cửa khi gió lộng mùa thổi rét. Tân nói: “Anh không biết anh có phải là người chồng hoàn hảo không? Nghề báo là nghề anh yêu. Nghề này chẳng thể giàu có tiền bạc, nhưng giàu bạn bè. Anh lại thường đi đây đi đó, em có buồn không? Nhưng anh yêu em như yêu nghề?”. Bảo Loan cười: “Em khờ quá anh há”.

Chẳng biết trong tình yêu có sự khờ khạo khi chọn lựa một người để sống đối với mình trong suốt cuộc hành trình yêu thương hay không? Bởi giấc mơ đưa vợ rong chơi một chuyến ra Huế của Tân vẫn còn là giấc mơ. Tình yêu đôi khi là một lời hẹn, nhưng lời hẹn ấy không làm phai nhạt đi trái tim yêu thương của hai người. Và những buổi chiều đi biển, Bảo Loan vẫn thắc mắc với Tân: “Anh ơi, bên Hòn Ngọc Việt họ làm gì bên đó?”. Chỉ cách một khoảng biển rộng, ngọn núi vốn bấy lâu yên tĩnh nhiều năm nay đã bị khuấy động, trở thành một khu du lịch năm sao là sự tò mò của nhiều người. Nơi đó là một thế giới khác, thế giới của những người giàu với một ly cà phê đã mấy chục ngàn, một bữa ăn trưa cũng tốn bạc triệu. Nhưng sự tò mò muốn khám phá điều bí ẩn mà mình chưa nhìn thấy là điều rất thường tình trong mỗi một con người, Bảo Loan không phải là một ngoại lệ. Tân sang đó khi khu giải trí mới đang xây dựng, trong không khí rộn rã các cuộc thi chung kết hoa hậu. Anh đi và về trên những chuyến canô cao tốc bởi công việc chứ không phải đi chơi. Những cuộc thi liên tục của các thí sinh bắt đầu từ 6 giờ sáng. Hồ nước xanh và rộng đầy ắp tiếng cười của những cô gái chân dài. Nhưng đó là công việc, chẳng có thì giờ đâu mà nhìn ngắm cỏ cây. Dù sao thì khu du lịch nằm trên đảo này quá đẹp, lòng có căng thẳng bao nhiêu việc chăng nữa thì chỉ cần tìm đến, ngồi trên chiếc ghế ven hồ, ngắm nhìn thênh thang là lòng quên đi bao nhiêu mệt nhọc, bao nhiêu lo toan của cuộc đời. Nhưng ngẫm lại thì có bao nhiêu người có điều kiện để đến chốn này? Bảo Loan cũng chỉ theo anh đi trên con đường biển mà ngắm nhìn, “Ở đó có gì mà mắc ghê anh nhỉ? Eo ơi, tiền một ly cà phê em đi một ngày chợ vẫn còn dư”. Không phải Bảo Loan là cá biệt, mà dường như tất cả phụ nữ trên thế gian này đều không thích hoang phí đồng tiền chồng mình kiếm được một cách hờ hững. Có đồng tiền nào kiếm ra được lại không đổ mồ hôi.

Con tàu cao tốc sơn màu trắng. Những ô cửa kính chắn nước biển văng vào. Con tàu rất xinh giống như một con cá đẹp đang bơi trên biển. Lần đầu tiên Bảo Loan leo lên con tàu đó. Buổi chiều hạ mặt trời nhả lên đảo một màu vàng dài cát, đẹp. Cả con đường ven đảo cũng giống như được nhuộm vàng lên những vạt cỏ xanh. Bảo Loan ngắm nhìn cỏ, cỏ ở đây được trồng và chăm chút từng cọng, như thể không có nơi nào có thể có những vạt cỏ đẹp hơn. Đó là lần đầu tiên Bảo Loan bước chân lên hòn đảo mà bao nhiêu tháng ngày chỉ ở bên kia con đường biển nhìn qua. Bảo Loan đã bước vào thế giới của cỏ và những tia nắng chiều ném xuống đây những mảnh vàng. Chỉ trong vòng vài tháng, con đường dọc biển ở đảo đã làm xong. Biển được ngăn lại thành một dòng sông dài cả cây số. Sông có màu nước biển, cũng cuộn trôi theo dòng ra khơi xa. Dọc theo biển là nhà hàng, những góc ngồi nép mình bên dưới các rặng dừa xanh. Còn nữa, một dãy núi nhân tạo cao cả trăm mét như núi thật. Tất cả là một không gian lạ.

Đêm diễn bắt đầu tại sân khấu nhạc nước. 34 thí sinh hoa hậu xuất hiện trên sân khấu với những trang phục áo dài, tự chọn. Bảo Loan đưa ống nhòm lên, tìm chồng trong đám đông các nhà báo đang tác nghiệp ở khu riêng.

Một lát nữa thôi sẽ có một người đăng quang hoa hậu. Đó cũng đúng quy luật của một cuộc thi. Rồi ngày mai cô hoa hậu của đêm nay từ một người chìm khuất trong đám đông sẽ là một người nổi danh. Khi đó, cô có giữ trọn tình yêu của mình trước hào quang chiếu lóa? Bảo Loan đang nghĩ về điều đó, nghĩ một cách tẩn mẩn rồi cười thầm một mình. Bảo Loan cười như khi Tân đem tấm giấy đi xem thi hoa hậu về, đưa cho cô: “Vé người ta cho anh, em đi xem nhé”. Bảo Loan không gặng hỏi chồng là ai cho? Bởi Bảo Loan biết anh đã chen mãi mới mua được tấm vé ấy, mà giá tiền cho một tấm vé đâu có nhỏ với thu nhập của chồng. Tân muốn Bảo Loan phải dẫm chân lên vạt cỏ xanh của khu du lịch này trong chiều vàng rơm rạ. Bảo Loan đi cũng bởi muốn làm cho Tân vui.

“Và bây giờ là người sẽ đăng quang hoa hậu đêm nay. Tôi hồi hộp quá, chắc khán giả cũng hồi hộp chờ đợi kết quả này. Thôi, tôi không kéo dài thêm nữa, đó là thí sinh mang số báo danh...”. Người dẫn chương trình nói.

Lại một hoa hậu mới đăng quang. Còn sau đêm nay, khi cùng Tân đi một vòng biển, nhìn qua dãy núi trước mắt mình ngoài biển, Bảo Loan đã biết ở đó có rất nhiều cỏ xanh, cỏ mãi xanh như tình yêu của hai người. Trong đêm hoa hậu đăng quang ấy, Bảo Loan đã lấy từ đảo về một ít cỏ xanh.

Khuê Việt Trường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top