ClockChủ Nhật, 12/01/2020 09:58

Mong ngóng người dưng

TTH - Lúc nhỏ, cô hay nghe cha nói “họa vô đơn chí” nhưng chẳng bận tâm; nay nhớ lại câu đó, cứ xót xa rồi lắc đầu ngán ngẩm. Cái điều chẳng ai mong đợi ấy đã vận vào cô, kéo theo là nỗi bi quan tràn trề ngay thời thanh xuân, giống như đám mây u ám giữa ban mai đầy nắng. Chính những cái “họa” đã khiến cô tự biến thành kẻ yếu thế, cứ như rất mong manh, dễ vỡ.

Khách phương xaQua một ngày đường

Họa thứ nhất giống như nhát dao cứa vào tim cô, bắt nguồn từ mối tình đầu thoạt tiên đem đến cho người trong cuộc nguồn năng lượng vô tận; ngọt ngào trong hiện tại và bay bổng vào tương lai. Đã bao lần cô ngã đầu vào bờ vai chắc chắn của chàng trai tưởng sẽ mãi là của mình để mơ màng viễn cảnh long lanh về cuộc sống đôi lứa. Cái tương lai ấy được vẽ lên chi tiết như một đồ án khả thi, trong đó có cả công ăn việc làm, mái ấm và những đứa con xinh, tất nhiên không thể thiếu một đám cưới lung linh. Giận hờn vu vơ rồi cũng qua, những khác biệt về ăn uống hay thói quen thường ngày chỉ là chuyện nhỏ, kể cả nước da sẫm màu nắng của nàng rất đối lập với chàng… cũng chẳng thể cản ngăn cả hai tung tăng đi đến bến bờ hạnh phúc. Người ngoài ngó vào cứ tưởng đôi này dù trời gầm cũng chẳng thả tay.

Nhưng tình yêu của họ đã kết trái oán hờn thay vì mật ngọt. Lý do là phụ mẫu chàng bảo hai đứa không hợp mạng. Cô há hốc rồi sững sờ khi nghe cái lý mơ hồ như sương khói và đau đớn nhìn vẻ cam chịu của chàng. Vật vã oán thán càng khiến cô làm tổn thương chính mình, với vẻ hốc hác, đẫn đờ không thể giấu. Ngộ ra, cô lại thấy may khi đời mình không gắn bó với người con trai luôn co ro, khép nép dưới cái bóng mẹ cha.

Hết bồ bỏ thì đến lượt cô bỏ bồ. Chàng này đứng tuổi, chiều cô như chiều vong. Cô từng hãnh diện với bạn bè khi được chàng đưa đón đi học mỗi ngày cùng sự chăm sóc chi li thái quá; sau thì tự ái bởi thấy mình vẫn bị coi như một đứa trẻ. Với chàng, ý chí sở hữu tình yêu cao vượt trội, bằng chứng là luôn muốn giữ cô trong vòng tay, tầm ngắm của mình; kèm theo là những “biển báo” giới hạn giao tiếp được cắm quanh. Khi tính ích kỷ của chàng bị phản kháng thì bùng phát những cơn ghen bừng bừng như cháy rừng khiến cô xanh mặt.

Lúc nhận ra sự bất công trong tình yêu thì sự bất bình trong cô trỗi dậy cùng nỗi hoài nghi lớn dần. Trong khi chàng vẽ cái vòng tròn quanh cô nhưng lại tự cho mình quyền bảo mật riêng tư, kể cả những điều người yêu nhau có thể kể cho nhau mỗi ngày. Yêu nhau nhưng cô vẫn không biết gia cảnh, xuất thân của chàng. Khi cô có nhã ý về thăm bố mẹ chồng tương lai thì bị cái miệng dẻo như kẹo kéo dẫn dắt sang hướng khác nhưng bối rối thì không thể giấu. Đã thế, cô tự biến thành thám tử; để rồi cay đắng nhận ra chàng đã có vợ! Cô chặn điện thoại, chặn luôn nhịp tim nông nổi đang trao nhầm chỗ.

Hai cuộc tình dang dở đã biến cô thành người khác, từ phơi phới yêu đời trở nên thu mình, lặng lẽ. Cùng cõi lòng tê tái là đôi mắt buồn ngơ ngác, hay ngó xuống thay vì lúng liếng ngước cao. Cô bỗng ngại tiếp xúc với đàn ông, ngại luôn đi qua những chỗ đông người. Cả những lời thả thính của các chàng cũng chẳng còn khiến trái tim từng tổn thương rung rinh; hơn thế, cô thấy khó chịu nên đáp lại bằng vẻ lạnh lùng thay vì nụ cười lóe nắng cùng cõi lòng để ngỏ. Buồn chán trong cô nhân lên khi nghĩ về công ăn việc làm hiện tại; ái ngại lúc nghe ai hỏi nghề nghiệp; lại tủi thân khi so với chúng bạn. Nói cho ngay, cái nghề bưng bô nâng giấc cũng được những người có nhu cầu thiết tha săn đón nhưng cô thì chưa thôi mặc cảm. Thấy cô có bằng điều dưỡng viên đã lâu nhưng chưa có việc làm nên một người bạn bác sĩ giới thiệu cô tham gia dịch vụ chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Công việc phải luôn tiếp xúc với sự bi quan nhăn nhó cùng những chất thải chẳng ai muốn nhìn hay mùi khó ngửi lắm lúc khiến cô suýt bỏ cuộc.

Bệnh nhân thứ ba cô chăm sóc là người đàn ông khoảng bảy mươi; bị tai biến mạch máu não; ăn nói phều phào, chân tay run rẩy, vụng hơn cả đứa trẻ lên ba. Ông ngồi lên nằm xuống hay bài tiết đều nhờ hỗ trợ của người giúp việc. Ngược với vẻ dặt dẹo của ông là người vợ trẻ hừng hực năng lượng, cứ bắt cô kêu bằng chị, dù họ cách nhau hơn hai chục tuổi. Dù đã gần năm mươi nhưng người vợ vẫn thu hút bao ánh mắt thiện cảm, không chỉ của người khác giới.

Bởi đi làm đi học cả ngày nên vợ con ông chỉ có thể vào bệnh viện thăm ông thoáng chốc, còn mỗi ô-sin thường trực đêm ngày. Ngày cô ngồi bên cạnh, đêm nằm trên cái giường xếp kê sát giường bệnh, cứ nghe ông ú ớ lại lật đật dậy. Những thao tác buồn tẻ lặp đi lặp lại khiến cô phát ngán, lắm lúc chỉ mong có người đến thăm để nói chuyện.

Cô làm được ba ngày thì bà đến thăm. Người đàn bà ấy chắc kém ông vài tuổi, dáng gầy, tóc bạc, tự nhận là người nhà. Không chỉ thăm qua loa, bà chia sẻ với cô bằng cách cho ông ăn uống, dìu đi vệ sinh rồi xoa bóp bấm huyệt hệt như người vợ chăm chồng. Bà chẳng có vẻ gì ngần ngại khi lau chùi những chỗ nhạy cảm của người bệnh, lại kiên trì năn nỉ ông ăn uống như với một đứa trẻ. Bao lần ông ngước nhìn bà với ánh mắt bối rối, xót xa; đôi mắt ướt cứ như sắp khóc. Ông gác tay lên trán, có ý che giấu tâm trạng hiện trên sắc mặt nhưng làn áo nơi ngực phập phồng bất thường cho thấy ông đang xúc động. Bà nắm lấy bàn tay gầy, nhỏ nhẹ động viên: “Thôi mà ông!”.  Bà “giải phóng” người giúp việc bằng cách bảo cô có thể đi loanh quanh đâu đó cho thư giãn, mỗi khi bà đến. Khỏi phải nói, cô vui thiếu điều muốn reo lên khi có những giờ phút được thả lỏng. Và nữa, cô rưng rưng khi được bà cho hộp cà phê và bảo nên dùng khi cần phải thức.

Lần thứ hai bà đến đúng lúc bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân nên bác cháu cùng ngồi ngoài hành lang chờ. Qua chuyện trò, cô giật mình được biết, bà là vợ cũ của ông. Sau khi hai người lặng lẽ chia tay trước ngỡ ngàng của người thân, ông khẩn trương đến với người mới trẻ đẹp, trong khi bà lặng lẽ nuôi con một mình. Giọng buồn buồn, bà điềm tĩnh kể về chuyện chia lìa đã xa; đôi mắt trẻ thì ngước nhìn mái tóc pha sương. Theo bà, khi ông đã lạnh lòng đổi ý thì níu kéo chỉ làm đau khổ và tổn thương nhau nên bà chia tay không oán trách.

Câu hỏi đường đột: “Gần gũi với người cũ như thế bác không sợ ghen hay sao?” Bà bảo: “Sắp giã từ cõi tạm cả rồi, ghen gì nữa?!” Lại một câu hỏi có phần suồng sã: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, phải không bác?”. Đáp lại là giọng dứt khoát thẳng băng: “Tình thì thôi rồi nhưng nghĩa vẫn còn.” Trò chuyện với nhau một lúc thì giọng bà chợt nhỏ lại: “Dẫu sao chúng tôi cũng từng là vợ chồng; ông ấy lại là cha của con tôi”. Bà bảo, vợ chồng đã hết duyên nhưng yêu thương ông dành cho con trai vẫn vẹn nguyên; chính điều ấy đã cho bà vượt lên chính mình để vẫn là bạn của nhau.

Mỗi lần bà ra về, cô lại đứng bên cửa nhìn theo cho đến khi cái dáng mảnh khảnh trên xe đạp khuất dần trong dòng người trên đường. Bất chợt liên tưởng đến những lứa đôi đâu đó “dứt tình” bằng lưỡi lam, a-xít hay những lít xăng cùng ngọn lửa man rợ, cô lại rùng mình. Rất may những chuyện bi thảm chỉ thoáng qua còn hình bóng người đàn bà lóc cóc đạp xe vào viện chăm sóc chồng cũ cứ khắc mãi trong cô và gợi lên bao tin yêu.

Lần đến thăm ông gần đây, bà kể về con trai của hai người. Dưới mắt người mẹ, chàng này nhiều tật lắm; nhất là ưa lang thang nên chẳng chịu tìm việc làm gần nhà, lặn lội ra ngoài đảo mở dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi lần chàng về nhà, “lịch” đi nhậu với bạn dày đặc như ca sĩ đắt show, lắm hôm để mẹ một mình bên mâm cơm. Và nữa, tiếng là về thăm mẹ nhưng con suốt ngày chúi vào điện thoại, đến trò chuyện với mẹ cũng chẳng nhiều hơn là bao so với khi ở xa. Chàng làm hùng hục nhưng tay hòm chìa khóa có vẻ lỏng lẻo nên tiền bạc rất vô thường; chính điều không chắc chắn ấy khiến bà bận tâm. Những tật xấu của con trai, theo bà, chỉ vì chàng chưa có vợ, dù đã ngoài ba mươi; dù bạn bè khắp nơi… Bà bảo, ngày nào con cũng điện về hỏi bệnh tình của cha nhưng phải ba ngày nữa mới về.

Ngược với kể lể của bà, cô tưởng tượng những điều tốt đẹp của một người con giống mẹ và mong gặp anh. Nỗi mong ngóng người dưng chợt đến khiến cô giật mình khi thấy chính mình đang thay đổi...

N.T.H

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top