ClockChủ Nhật, 10/12/2023 16:06

Ngày mai là nắng ấm

TTH - Chị đã tìm được việc làm sau mấy tháng thất nghiệp. Nơi làm việc là một xưởng sản xuất ván ép cách nhà gần hai mươi cây số. Xưởng nằm trên một quả đồi cách xa khu dân cư. Con đường bê tông dẫn đến xưởng chạy ngoằn ngoèo giữa hai hàng bạch đàn cao vút, khiến cho chị có cảm giác cô đơn, lạc lõng mỗi ngày đi làm.

Những bình yên bên hiên nhà

 

Đang giữa mùa hè nên không khí thật oi bức. Xưởng chị làm việc đã chật hẹp lại thêm mái tôn thấp nên cái nóng như tăng lên gấp đôi. Chị đã chứng kiến cảnh hai chị công nhân cũ tranh nhau một chiếc quạt mà lấy làm ái ngại. Hai người họ không buông ra những lời lẽ tục tĩu. Ở xưởng, việc cãi vã, tranh giành nhau thường xảy ra như cơm bữa. Họ tranh giành nhau từng tấm ván để làm vì muốn kiếm thêm thu nhập đã đành, họ còn tranh nhau cả chỗ đứng làm, tranh nhau cả cốc nước đá lạnh… Chị có thể cảm thông khi họ tranh nhau từng tấm ván vì hàng làm ra khan hiếm, có lúc không đủ phân phối đều cho các công nhân. Đôi khi có người còn phải đi rất sớm cốt để lấy được mẻ hàng đẹp, dễ làm, đã không còn là chuyện lạ. Muốn được như thế thì phải quen thân và lấy lòng công nhân lái xe nâng, tổ trưởng chứ không phải đơn giản. Thế mới thấy để kiếm được đồng tiền, dù phải bỏ công sức ra cũng không phải dễ dàng gì.

Những ngày đầu học việc thật là căng thẳng và ngột ngạt. Chị còn đang lóng ngóng thì bỗng giật thót bởi tiếng quát: “Cái tay! Cứng đơ đơ thế kia thì sao mà làm nổi hả?”. Bà chủ xưởng gỗ mặt đỏ gay, mắt long lên nhìn chị như con hổ nhìn chú cừu non. Có lúc chị thấy nản, muốn bỏ việc nhưng lại tiếc công sức đã bỏ ra. Nếu như làm chưa đủ mười ngày thì sẽ không được thanh toán tiền công. Vì thế chị lại cố gắng, cố để nuôi con, cố vì món nợ mà anh chồng lêu lổng gây ra. Chị nghĩ, cho dù điều kiện làm việc thiếu thốn nhưng thà có còn hơn không.

Chị được tổ trưởng bố trí ở tổ sửa nguội. Tổ có chín người, cả chị là mười. Nói là tổ chứ mọi người làm việc theo cặp. Chị làm cùng với chị Nga cũng là công nhân mới, vào trước chị một tháng. Ở đây, công nhân được học việc mười ngày, sau đó sẽ tính lương theo sản phẩm. Công việc cũng không có gì phức tạp nhưng vì chưa quen nên sau mỗi buổi làm việc về nhà cổ tay và những khớp ngón tay của chị rất mỏi và đau. Chị Nga nói, phải mất nửa tháng chị ấy mới dần quen và biết cách làm vì thế mà tay đỡ đau hơn, chứ những ngày đầu cũng chỉ muốn bỏ việc mà thôi.

Vừa làm vừa nghĩ nên chị để lưỡi dao cắt vào tay, nhói buốt. Chị Nga hốt hoảng lấy băng gạc cuốn quanh ngón tay cho chị, miệng không ngừng xuýt xoa: “Trời ơi! Chị đã bảo mới đầu làm chưa quen thì bình tĩnh thôi mà không nghe. Khổ chưa!”. Chị Nga là mẹ đơn thân, nhà chỉ có hai mẹ con. Cảnh ngộ và chuyện riêng của chị Nga cũng thật buồn. Hai chị em có nhiều điểm chung về hoàn cảnh và tính cách nên dễ gần nhau. Những câu chuyện, những sẻ chia, động viên lẫn nhau khiến cho công việc trở nên thuận lợi hơn. Hai chị em nhanh chóng thân thiết khiến cho chị thêm vững tâm để làm việc.

Đi làm mệt mỏi thật đấy nhưng còn hơn ở nhà. Về tới nhà là chị lại thấy buồn nản. Hai đứa con vắng mẹ cứ bấu lấy chân, chị thường vừa nấu cơm, giặt giũ lại vừa trông con. Chồng chị cứ thấy chị về là quẳng hai đứa con cho vợ rồi lại đi tụ tập rượu chè, bia bọt. Rồi say xỉn. Rồi lè nhè quát mắng vợ con. Có lần anh đi hết ngày rồi hai, ba giờ sáng mới về. Chị có gọi điện thoại thì anh cũng tắt máy không nghe. Những lần đầu thì chị không ngủ được lo lắng đi ra đi vào, nhưng rồi cũng quen và chẳng còn mấy quan tâm nữa. Mà anh đi tụ tập đánh bạc rồi ôm nợ núi về nhà chứ có lo gì đến gia đình đâu mà chị phải lo cho mệt xác? Đã có những nhẹ nhàng khuyên bảo. Đã có những gay gắt, hờn trách, khóc lóc, nhưng có lần anh đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị. Thế nên chị cũng đã quá chán nản, đến nỗi không buồn quan tâm, mặc anh muốn đi đâu thì đi. Chị đã đi làm mệt nhọc, tăng ca tới tối mịt mới về những mong thêm thắt vài đồng mua cho con hộp sữa, vậy mà anh có thương chị đâu.

Nói là không quan tâm đến anh nữa cũng chỉ là nói cho bõ tức chứ món nợ của chồng chị vẫn phải trả, trả hết nợ cũ lại đến nợ mới, nợ chồng nợ thì sức đâu cho xuể. Đôi lúc chị thấy mệt mỏi không buồn bước, không muốn làm bất cứ việc gì nhưng cứ nghĩ tới các con chị lại gắng gượng được.

***

Nghĩa trang một buổi chiều nhàn nhạt. Có người đàn ông ngồi gục đầu bên một ngôi mộ mới đắp, nén nhang đã tàn lạnh từ bao giờ mà anh ta vẫn còn ngồi đó. Bên cạnh là hai đứa trẻ, chắc chúng đợi bố chúng lâu quá nên đang ngồi ngắt mấy chùm hoa dại. Người nằm dưới ngôi mộ kia là mẹ chúng và là vợ của người đàn ông kia. Đôi mắt người đàn ông đỏ hoe nhìn vào khoảng không mênh mông. Rồi anh ta nhìn sang hai đứa trẻ, xong lại nhìn mộ vợ, nước mắt chảy dài xuống hai gò má. Trong lòng người đàn ông ấy giờ đây đầy sự ăn năn nhưng đã quá muộn rồi. Trước mắt gã mọi thứ đều xám xịt và đầy bức bí. Gã không còn biết rồi đây mình sẽ phải làm như thế nào để trả nợ và nuôi con. Gã gục xuống khóc nấc lên, những tiếng khóc ăn năn và bất lực. 

Trên bầu trời, những đám mây đen cuộn nhanh về phía trời tây, một vùng trời trở nên tối sẫm. Gió ào ào cuốn đám lá khô bay lên. Trời sắp đổ một cơn mưa giông lớn.

Chị từ từ mở mắt sau thời gian bất tỉnh hơn một tiếng đồng hồ. Thực ra trước đó chị đã tỉnh lại được một lúc nhưng do cơ thể yếu nên chị lại thiếp đi. Bác sĩ nói chị chỉ bị chấn thương nhẹ ở đầu chứ không ảnh hưởng đến tính mạng. Có điều chân trái bị gãy nên phải nằm viện hơi lâu. Thì ra trong lúc thiếp đi chị đã mơ thấy mình chết. Đến lúc chết chị cũng không nguôi lo cho các con, chỉ lo khi không có chị rồi chúng sẽ sống ra sao? Chị chưa bao giờ có thể an tâm, tin tưởng chồng của mình được. Có lẽ vì thế mà chị đã tỉnh lại chăng?

Chị nhìn ra xung quanh. Kia là chồng chị, vẻ mặt thảng thốt rồi sau đó là nụ cười, nụ cười làm cho chị chợt thấy ấm lòng. Kia là chị Nga. Kia... ai kia? Đó là bà chủ xưởng gỗ nơi chị làm việc.

- Em tỉnh thật rồi! Vợ tôi tỉnh lại thật rồi! – Chồng chị reo lên, âm thanh ấy lọt vào tai làm lòng chị rưng rưng.

- Em còn sống thật đúng không?

- Thật. – Cả chồng chị, chị Nga và bà chủ cùng đồng thanh đáp.

- Bao giờ thì em lại có thể đi làm?

Bà chủ xưởng gỗ nắm lấy tay chị, cười và nhìn chị một cách trìu mến:

- Còn lâu em mới đi làm lại được. Cố gắng ăn uống và điều trị cho khỏe và khỏi hẳn chân rồi hẵng nghĩ tới việc đi làm. Chị đã nghe Nga kể về hoàn cảnh của em. Chị sẽ nhận chồng em vào làm việc, chồng em đã đồng ý rồi. Em yên tâm nhé.

- Đúng đấy, anh sẽ đi làm. Từ giờ anh sẽ chỉn chu làm việc để chuộc lại lỗi lầm.

Chị nghe những lời của bà chủ xưởng gỗ rồi nghe chồng nói mà muốn òa khóc.

Một điều gì mới mẻ, hân hoan tràn ngập trong lòng. Chị bảo chồng mở hé cánh cửa sổ phòng bệnh cho đỡ ngột ngạt. Cánh cửa sổ mở ra, những tia nắng bên ngoài ùa vào làm gian phòng sáng hơn lên. Chị nghe thấy trong tán lá bên ngoài ô cửa bệnh viện tiếng chim sâu lích rích khiến cho lòng chị nhẹ nhõm, bình yên. Chợt nhận ra đã lâu lắm rồi, chị không có được cảm giác bình yên đến thế. Chị bắt đầu nghĩ về ngày mai, đó sẽ là những ngày đẹp đẽ, chị và chồng sẽ cùng đi làm, nghề công nhân tuy vất vả nhưng việc đều, không giàu có nhưng chăm chỉ, khéo chi tiêu thì cũng sống ổn. Rồi vợ chồng chị sẽ trả hết nợ, rồi sẽ xây được ngôi nhà nho nhỏ, đẹp đẽ thay cho căn nhà sập xệ bây giờ.

Ngày mai, chắc chắn sẽ là những ngày vui vẻ, hạnh phúc và đầy nắng ấm. Chị nhìn chồng và khẽ mỉm cười!...

Lê Minh Hải
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Return to top