ClockChủ Nhật, 09/10/2016 13:26

Người quê

TTH - Vườn trong xóm cách nhau bởi những lũy tre hoặc mấy hàng chè tàu lúp xúp. Riêng khuôn viên nhà Tường khác xung quanh bằng bốn bức tường cao quá đầu người, mặt trên lởm chởm mảnh chai xanh, đỏ, trắng, vàng.

Sau năm năm đi xuất khẩu lao động, về làng, bỗng dưng Tường dị ứng kiểu lắm chuyện của người quê. Từ chuyện cậu nọ kết cô kia, hồi đêm dẫn ra bờ sông tới lúc trăng tàn đến chuyện nhà kia tiền đâu mà bữa nào đi chợ cũng thịt cá liên miên như có đám; vợ chồng nhà đầu xóm mới cưới sao đêm qua xách cây rượt nhau; giỗ họ hôm rồi, thịt thái bằng dao cùn, to như lát bánh đúc khiến thực khách không ai dám đụng đũa... Chuyện trong buồng trong bếp như thế nhưng râm ran. Lần đầu Tường đưa vợ về quê, qua đường đồng nhầy nhụa bùn, nàng níu chặt anh rồi tay trong tay cùng về nhà. Anh đâu hay, bao đôi mắt căng tròn đang dồn về mình. Và hôm sau, những cái miệng thích đưa tin, những đôi tai ưa hóng hớt lấy đó làm đề tài, hạ hồi là những tiếng xuýt xoa cùng rất nhiều dấu chấm than vô lối.

Buồn vui của Tường bây giờ gói gọn trong cõi riêng với ngôi nhà ba tầng áp đá láng bóng, hàng cau cao vút cùng những giò phong lan, mấy lồng chim lủng lẳng dưới giàn thiên lý. Đường làm ăn của Tường dài theo đất nước; đi ba bốn ngày mới trở về làng rồi tất bật ra đi chuyến khác. Mấy lần mẹ anh nhắc nên có mặt trong những đám hiếu hỉ của chòm xóm nhưng anh chỉ ừ hử cho qua chuyện. Tường không muốn mất thì giờ vào những dịp rề rà, nhiễu sự đó. Ngay tiền mừng, tiền viếng, đi ít hơn người ta, bị chê đã đành; nhiều hơn, cũng sinh chuyện: “Hắn thích chơi trội đấy!” Bây giờ, chuyện làng xóm đều bị chặn lại ngoài bốn bức tường nhà Tường. Có đêm, mọi người xung quanh đốt đèn, xách gậy rượt kẻ trộm rầm rầm cũng không làm anh rời giường ngủ. Không biết ngại ông chủ đi Tây về có khuôn viên kín cổng cao tường hay sợ con chó béc giê hung dữ mà người làng ít đến nhà Tường. Dẫu vậy, anh đâu tránh được lời thị phi. Chuyện gần đây nhất là khi anh làm ngôi nhà lá; nó lập tức thành đề tài để người xung quanh dệt chuyện: “Người ta đang ngói hóa rần rần, còn cha này khùng chắc?!”, “ Hắn dư tiền, chơi ngông đấy!”...

Số là ở nhà gạch, bê tông hoài cũng chán, nhất là mùa nóng; Tường nảy ý định làm thêm ngôi nhà theo kiểu đồng bào miền núi. Là tranh tre nứa lá nhưng đâu ít tiền. Anh xuống tận Hội An xem kiểu rồi đặt thợ Kim Bồng làm theo mẫu nhà xưa, lợp toàn dừa nước. Làm xong, họ chở tới ráp vô, mười ngày sau khánh thành luôn. Từ đó, Tường đón ngọn gió nồm buổi trưa, thưởng thức tách cà phê buổi sớm ngay trên sàn gỗ mát rượi. Lâu lâu, anh dẫn bạn bè về, ngồi xếp bằng trên sàn nhà “đánh” một bữa tưng bừng. Khi đến độ lất ngất, đem bộ bài ra làm mấy ván. Ai thích hát thì bật dàn karaoke. Nghe những lời trách vì mất ngủ của người xung quanh, Tường mặc. Không để ý chuyện người khác, cũng chẳng cần biết điều người khác nghĩ về mình đang dần thành thói quen của anh.

Ông Banh, người chung bờ rào với Tường dị ứng nhiều nhất bởi những giọng ca gắn liền bia rượu nơi nhà anh. Vào những đêm nhà bên ca hát, ông đi ra đi vô, vẻ bực tức lắm. Lúc đầu, ông đứng bên bờ rào xuống giọng năn nỉ: “Chú Tường ơi, khuya rồi, nghỉ đi!” Nói không được, ông ngửa mặt giữa cao xanh chửi đổng: “Mả cha quân ác độc, đêm nào cũng ầm ầm như hát bội, chịu sao thấu!?” Lời ông chìm nghỉm giữa mớ âm thanh như đấm vào tai được phát ra từ hai cái loa nhà Tường. Bất lực, ông ngồi bệt xuống tam cấp trước hiên, nhìn nhà hàng xóm với đôi mắt có lửa cùng những điếu thuốc nối nhau lập lòe trên môi.

“Chú làm vậy coi sao được?!”- Hôm đến thăm mẹ Tường ốm, cụ An - người cao tuổi nhất họ nói với anh. Nghe anh giãi bày những bực dọc bởi chòm xóm, cụ mỉm cười: “Chú đi nhiều hiểu rộng nhưng tôi hỏi, người ta có quyền chọn nhiều thứ nhưng ai có thể chọn được cội nguồn của mình!?”. Trước lúc ra về, ông cụ đứng lên đưa tay chỉ một vòng quanh xóm rồi trỏ vào bàn tay mình, ý chừng muốn thu cả làng cát này đặt gọn lên lòng bàn tay. Vẫn vẻ ôn tồn của ông đồ xưa, cụ nói: “Nhìn bàn tay này, chú chỉ thấy vết xước, vết sần, sao không thấy những bông hoa ẩn trong đó?” Ông cụ cầm tay Tường, hạ giọng: “Chỗ ruột thịt, tôi nói thiệt, dạo này bà cụ yếu lắm rồi...”.

Tường hiểu vẻ ái ngại cùng những lời bỏ ngỏ của ông trưởng họ nhưng anh không lo. Anh lạ gì làng này. Khi có người “nằm xuống”, cùng tiếng chiêng, tiếng trống, nghe tiếng heo kêu, gà quác là người người kéo tới chật nhà. Tiếp đó, mâm trên mâm dưới bày la liệt. Ai khóc cứ khóc, ai ăn cứ ăn, ai uống cứ uống rồi rồng rắn dẫn nhau đưa người quá cố qua bãi cát trước làng.

Hôm bà cụ vừa “đi”, mặc vợ con anh em lăn lóc khóc than, Tường vẫn bình tĩnh chỉ đạo người nhà làm cỗ bàn. Anh quyết làm đám ma cho mẹ to nhất làng. Bà con chòm xóm tới viếng đông. Họ đến, đi thẳng vào phòng trong thắp hương, thành kính lạy vĩnh biệt người quá cố, quay ra chia buồn rồi gấp gáp về. Lời tha thiết mời ở lại dùng bữa của gia chủ cùng những mâm cỗ chất ngất thức ngon cũng không đủ sức giữ chân những người vốn gần gũi. Nhìn những cái quạt chạy tít mù vẫn không xua được đám ruồi đang vây lấy những mâm thức ăn, anh cay đắng nghĩ: “Lại kiểu làm bộ, đồng loạt tẩy chay đây!”. Nhưng anh không đi họp thôn nên đâu biết, hương ước mới của làng là không ăn uống rình rang trong đám ma. Ngon gì ăn cỗ đám ma!? Chiêm nghiệm ấy rút ra từ cuộc vận động xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, được bà con đồng loạt bỏ đi lề thói có từ xa xưa. Chỉ riêng Tường không hay.

Không lẻ tẻ vài người, lần thứ hai Tường gặp lại bà con trong xóm gần như đông đủ vào dịp anh hoàn toàn không ngờ. Hôm ấy, Tường trúng “quả đậm”, bạn bè anh tụ tập tại nhà lá, “đánh” một “trận” đến quên đời, hết biết. Nhiều người “cười ra sản phẩm” tại chỗ. Có kẻ ngã vật ra sàn gỗ, ngáy khò khò mà điếu thuốc vẫn nghi ngút trên môi. Bỗng Tường bị dựng dậy bởi tiếng la thất thanh của ông Banh: “Cháy! Bớ làng, cháy nhà!”. Tường bật dậy, hốt hoảng nhìn ngọn lửa đã bùng lên ở góc nhà sàn. Anh chỉ kịp nắm chân từng ông bạn say, lôi ra khỏi cõi mê, rồi cả bọn xanh mặt, khiếp sợ đứng nhìn ngọn lửa rần rật, bốc cao. Trong xóm, những tiếng gọi nhau ơi ới, những bước chân chạy thình thịch phá tan yên tĩnh của đêm. Bà con kéo tới chật ngõ nhưng cổng khóa. Giọng ông Banh vẫn to nhất: “Thằng Năm thợ điện đâu, chạy ngay lên cơ quan thôn cắt cầu dao tổng - Quay qua đám người đang nhốn nháo vì không vượt được tường rào, ông quát - Lấy thang, phải lấy thang!”.

Trong phút chốc, ba cái thang được gác lên tường rào. Lửa cháy bên trong, người hét bên ngoài, không biết tai họa đến từ đâu nên con chó béc giê nhà Tường lồng lên, dữ tợn. Mặc, đám người cứ nhào vô như đoàn quân quyết công thành thời cổ đại. Những xô nước được hắt lên liên tục, những xẻng cát được tung vào tới tấp. Theo từng nhát câu liêm, những mảng lửa bị tách bầy, vỡ tan ra. Ngọn lửa chới với, lịm dần rồi tắt hẳn...

Mọi người đã về nhưng Tường vẫn lơ ngơ như trong giấc mơ dữ. Anh nghe tiếng ai đó vọng lại:

- Nhờ chú Banh, chớ không thành tro hết rồi.

- Tôi ngủ đâu được - Giọng ông Banh khản đặc vì khói bụi - Đầu hôm, tôi phải mần hơn xị đế nhưng chúng hát suốt, không thể chợp mắt.

Hôm sau, khi ngang qua nhà Tường để ra đồng, ai cũng thấy điều lạ. Lần đầu tiên kể từ khi “đóng khung” khuôn viên nhà mình, dù người nhà đã đi học, đi làm nhưng hai cánh cổng nhà anh chỉ khép hờ, giống như bao cổng ngõ ở làng này.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bếp lửa của mẹ

Trước đó, cùng với năn nỉ mẹ bỏ bếp củi, tôi kêu thợ đúc đanh, xây bệ, lát gạch men tạo nên không gian mới sáng sủa ngay cạnh gian bếp nhem nhuốc, rồi mua bếp gas lắp vào.

Bếp lửa của mẹ
Khoảng trống trên đồng

Sau những đợt quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa bờ vùng khiến cánh đồng làng tôi ngay ngắn, thẳng tắp.

Khoảng trống trên đồng
Người quê

Mấy tháng vắng chủ, cỏ đã mọc um tùm quanh nhà, các loại cây dây leo bò quanh những khung cửa sổ, lấp cả cửa chính... “Không dọn dẹp chắc chẳng bao lâu nữa nó sẽ thực sự trở thành căn nhà hoang". Chị thở dài, tâm trạng người chủ mới từ thành phố về lúc đó rối bời khi hình dung ra khối công việc khổng lồ phải xử lý.

Người quê
Vết chàm

Mẹ nào chẳng yêu con nhưng có lẽ bà có nhiều lý do hơn để tình mẫu tử càng sâu nặng.

Vết chàm
Bức tường rào

Nhà nàng cách nhà anh không phải dậu mồng tơi mà là bức tường quét vôi vàng, cao mét tám, mặt trên lởm chởm mảnh chai xanh đỏ trắng vàng. Sau khi ba nàng yên vị trên chiếc ghế giám đốc sở và sau nhiều bữa liên hoan chúc mừng, chia tay, cả nhà dọn lên thành phố này.

Bức tường rào
Return to top